Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với trận Đông Khê 1950
Văn Nhân số 138

     Trần Xuân Tuyết

   1. Lựa chọn Đông Khê sau ba lần thay đổi kế hoạch

 Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19 tháng 12 năm 1946), sau 5 năm “ Chiến đấu trong vòng vây” ( Võ Nguyên Giáp), bộ đội ta đã lớn mạnh, có thể chủ động tổ chức những trận đánh lớn để tiêu diệt sinh lực địch. Đầu năm 1950, Thường Vụ Trung ương Đảng đồng ý đề xuất của Bộ Tổng tư lệnh mở chiến dịch Tây Bắc ( Lê Hồng Phong I ) nhằm khai thông  biên giới Việt – Trung. Mục tiêu tấn công mở màn chiến dịch là giải phóng thị xã Lào Cai, vì đây là mắt xích yếu nhất trong hệ thống phòng ngự biên giới của Pháp, đồng thời cũng là nơi có đường xe lửa sang Vân Nam, Trung Quốc. Nếu thị xã Lào Cai được giải phóng, việc tiếp nhận viện trợ từ các nước Xã hội chủ nghĩa cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta sẽ rất thuận lợi.

      Thế nhưng, đến giữa năm, tình hình trong nước và thế giới đã có nhiều thay đổi. Do vậy, tháng 7 năm 1950, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng chiến lược từ Tây Bắc sang Đông Bắc, lấy thị xã Cao Bằng làm điểm đột phá mở đầu chiến dịch. Vì Cao Bằng là tỉnh có biên giới chung với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, là đầu mối các trục đường chiến lược quan trọng như đường số 4 chạy dọc biên giới Đông Bắc tới duyên hải vịnh Bắc Bộ; đường số 3 nối Bắc Cạn với Thái Nguyên và Hà Nội. Cao Bằng còn là vùng đất có rừng núi hiểm trở, nhân dân một lòng theo cách mạng, cũng là nơi “ tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”.

     Để chuẩn bị trận đánh thị xã Cao Bằng, ngày mùng 5 tháng 8 năm 1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thị sát thực địa. Qua kính viễn vọng đài quan sát đặt trên đỉnh núi, Đại tướng thấy thị xã được sông Bằng Giang và sông Hiến bao bọc ba mặt; pháo đài Cao Bằng có tường dày và cao rất khó công phá; xung quanh thị xã có mười lăm đồn tiền tiêu được xây dựng trên  những quả đồi, có hàng rào giây thép gai tạo thành hệ thống phòng thủ nhiều tầng lớp; sân bay Nà Cạn có nhiều đồn bốt do lính lê dương (lính đánh thuê chuyên nghiệp trong quân đội Pháp) bảo vệ suốt ngày đêm; ở hướng Tây và hướng Nam thị xã, quân địch cũng xây dựng nhiều công sự kiên cố và chướng ngại vật chắc chắn, đồn bốt có tháp canh và nhiều lỗ châu mai, dây thép gai chằng chịt, phía ngoài là bãi trống và nhiều đồi trọc nối tiếp nhau.

    Sau khi nắm được cách bố phòng của địch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy không thể lấy thị xã Cao Bằng làm điểm mở màn chiến dịch, vì phải giải quyết một loạt vấn đề như: tổ chức vượt sông, đột phá tung thâm dẫn tới đánh ban ngày, đánh nhiều ngày, phải đối phó với quân nhảy dù, hỏa lực máy bay và đại bác…trên một địa hình trống trải, phải đánh công kiên (đánh địch cố thủ trong công sự kiên cố) trong khi bộ bội ta được trang bị chủ yếu bằng vũ khí nhẹ; đánh thị xã Cao Bằng rất khó đảm bảo nguyên tắc “ Trận đầu phải thắng”. Từ nhận định ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển hướng đánh trận mở màn sang Đông Khê với suy nghĩ: Đông Khê nằm trong khả năng tiêu diệt địch của bộ đội ta; nếu mất Đông Khê, Cao Bằng sẽ hoàn toàn bơ vơ, buộc địch phải tổ chức chiếm lại Đông Khê, hoặc phải rút chạy khỏi Cao Bằng; lúc ấy ta có cơ hội diệt địch ngoài công sự; nếu địch không chiếm lại Đông Khê, ta sẽ tiếp tục tấn công Thất Khê. Khi mất cả Đông Khê và Thất Khê, quân địch hoảng loạn, ta sẽ quay lên giải phóng Cao Bằng.

    Từ những nhận định ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức hội ý Đảng ủy Mặt trận để trình bày suy nghĩ của mình. Có ý kiến đồng tình, nhưng cũng có kiến băn khoăn: Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định đánh thị xã Cao Bằng. Mấy tháng qua, mọi phương án chuẩn bị từ tham mưu đến hậu cần đều hướng về Cao Bằng, nếu bây giờ thay đổi, mọi thứ phải làm lại, không chỉ rất vất vả mà còn chậm thời gian nổ súng so với kế hoạch.

    Sau khi nghe mọi ý kiến phát biểu, kiết thúc cuộc hội ý, Đại tướng kết luận:  Chủ trương mở đầu chiến dịch bằng giải phóng Cao Bằng là do Tổng Quân ủy đề xuất. Nếu thấy mở chiến dịch như vậy không đảm bảo thực hiện mục tiêu, cần báo cáo lại để xin ý kiến Thường vụ. Và trong khi chờ đợi sự chỉ đạo của Trung ương, mọi công tác chuẩn bị tấn công Cao Bằng vẫn tiếp tục.

    Vào ngày 15 tháng 8 năm 1950, Đảng ủy mặt trận nhận được điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chấp thuận chuyển mục tiêu tấn công mở màn chiến dịch sang Đông Khê.

  2.  Trận công kiên cụm cứ điểm đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

    Đông Khê là mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ Cao - Bắc- Lạng của Pháp, cách thị xã Cao Bằng khoảng 40 km, cách Thất Khê khoảng 20 km. Ở căn cứ quân sự này, Pháp xây dựng một cụm cứ điểm có sức đề kháng mạnh gồm một hệ thống liên hoàn với lô cốt số 1, lô cốt số 2, hệ thống hầm ngầm kiên cố nối với nhau bằng các giao thông hào; có đồn Yên Ngựa, đồn Phìa Khóa, đồn Pò Đình, đồn Pò Hẩu, đồn Cạm Phẩy, đồn Nhà Thương, đồn Phủ Thiện dễ dàng yểm hộ cho nhau khi bị tấn công. Quan trọng nhất trong cụm đề kháng này là đồn Đông Khê (đồn to) có địa thế thuận lợi cả giao thông và quân sự, từ đây có thể quan sát được khu vực ngoại vi. Đặc biệt, đồn án ngữ ngay trên quốc lộ số 4 tỏa về ba hướng: xuống Lạng Sơn, lên Cao Bằng, sang thị trấn huyện Phục Hòa. Tại cứ điểm phòng thủ này, Pháp có hai đại đội bộ binh lê dương, một trung đội bảo an, do đại úy Allioux chỉ huy, quân số khoảng 350. Vũ khí có hai đại bác 105 ly, hai súng cối 81ly, hai cối 60 ly, hai pháo 57 ly, hai pháo 20 ly.

      Để đánh Đông Khê, trong hai ngày 25 và 26 tháng 8 năm 1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì hội nghị Đảng ủy Mặt trận, triệu tập cán bộ từ cấp Trung đoàn trở lên để bàn và thống nhất phương án tác chiến. Vì đây là lần đầu tiên quân ta đánh hiệp đồng đơn vị lớn, nên các phương án tấn công được bàn bạc rất sôi nổi và kỹ càng, dự kiến các tình huống xảy ra để tìm cách khắc phục. Kết thúc hội nghị, Ban chỉ huy mặt trận Đông Khê được chỉ định gồm ba người là: Hoàng Văn Thái - Chỉ huy trưởng, Lê Liêm - Chính Ủy, Lê Trọng Tấn – Chỉ huy phó. Lực lượng đánh Đông Khê có hai trung đoàn 174 và 209. Trung đoàn 174 được tăng cường tiểu đoàn 426, tiểu đoàn 11 của Đại đoàn 308, sáu khẩu sơn pháo 75 ly, bốn khẩu ĐKZ 57 ly, có nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu từ hướng Đông Bắc và Bắc. Trung đoàn 209 được tăng cường bốn khẩu sơn pháo 75 ly, hai khẩu ĐKZ, có nhiệm vụ tiến công trên hướng thứ yếu từ hướng Tây Nam và Tây.

    Lực lượng đánh quân tăng viện của Pháp được giao cho Đại đoàn 308. Thời gian vào vị trí tập kết là ngày 14 tháng 9 năm 1950.

    Để động viên tinh thần bộ đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến tận sở Chỉ huy mặt trận Đông Khê theo dõi tình hình và sáng tác bài thơ “Đăng sơn” nổi tiếng:

 “Huề trượng đăng sơn quan trận địa

Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân

Nghĩa binh tráng khí thôn Ngưu Đẩu

Thệ diệt sài lang xâm lược quân”

 Dịch thơ:

“ Chống gậy lên non xem trận địa

Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây

Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu

Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”

     Có thể nói, chưa có trận đánh nào được quân ta chuẩn bị kỹ như trận này. Phương án tấn công được hoạch định tỷ mỷ đến từng chi tiết, quân số tham chiến đông áp đảo quân địch. Đúng 6 giờ sáng ngày 16 tháng 9 năm 1950, quân ta bắt đầu nổ súng tấn công. Quân địch bị bất ngờ, chưa biết phản ứng thế nào thì đến 9 giờ, trung đoàn 174 đã chiếm được đồi Yên Ngựa, 10 giờ 30 phút chiếm được Phìa Khóa. Lúc này địch cho sáu chiếc máy bay yểm trợ, lao xuống bắn dữ dội vào đội hình của ta. Quân địch trong cứ điểm lấy lại được bình tĩnh, từ pháo đài Đông Khê ( đồn to)  bắn dữ dội vào đội hình trung đoàn 174. Quân ta bắt đầu lâm vào thế bất lợi. Trước tình huống này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng ý với đề xuất của Ban chỉ huy Mặt trận Đông Khê là tạm ngừng trận đánh để chấn chỉnh đội hình, chờ khi trời tối, hai trung đoàn sẽ phối hợp tấn công các vị trí của địch.

     Cuộc chiến đấu diễn ra suốt đên ngày 16. Quân địch cố thủ trong các lô cốt vững chắc với hệ thống công sự liên hoàn, yểm trợ cho nhau chống trả quyết liệt. Đến 4 giờ sáng ngày 17 Trung đoàn 174 chiếm được được Cặm Phầy. Ở phía Nam, Trung đoàn 209 chiếm được khu phía Nam Đông Khê gồm Phủ Thiện, Nhà cũ, Trường học rồi vấp phải những hỏa điểm ngầm và súng cối bắn chặn nên phải dừng lại. Cuộc tấn công cứ điểm Đông Khê lâm vào thế bế tắc, không thể triển khai được nữa.

     Thay mặt Bộ chỉ huy chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho Ban chỉ huy Mặt trận Đông Khê phải chấn chỉnh lại bộ đội, rút kinh nghiệm, khắc phục ngay những thiếu sót về chiến thuật, hiệp đồng chiến đấu giữa các mũi xung kích, giữa bộ binh và pháo binh. Cần dứt điểm trận đánh ngay trong đêm 17 tháng 9.

   8 giờ sáng ngày 17 tháng 9 đồng chí Hoàng Văn Thái ra lệnh tổng công kích. Pháo binh ta áp chế được các mục tiêu. Mũi tấn công của Trung đoàn 174 đã chiếm được phía đông pháo đài, chiếm được Nhà thương, thọc sâu đến lô cốt số 7 và bắt liên lạc được một tiểu đoàn của Trung đoàn 209 để đánh vào sau lưng địch, trong khi đó, bộ binh ở các mũi phối hợp tấn công vào đồn lớn. Đến 4 giờ sáng ngày 18 tháng 9 năm 1950 bộ đội ta tấn công vào sở chỉ huy Đông Khê, bắt sống đại úy đồn trưởng và toàn bộ sỹ quan tham mưu. 10 giờ sáng, trận đánh kết thúc thắng lợi. Quân địch bị chết và bị bắt 300 tên, một số chạy thoát về Thất Khê. Ta thu toàn bộ vũ khí, quân dụng của cứ điểm Đông Khê.

     3. Tấn công tiêu diệt địch ngoài công sự

    Mất cứ điểm Đông Khê, Pháp vội vàng tăng cường bằng đường không cho Cao Bằng một tiểu đoàn lê dương và Thất Khê một tiểu đoàn dù. Ta phán đoán địch sẽ đưa từ hai đến ba tiểu đoàn bộ binh từ Thất Khê theo đường số 4 và quân dù nhảy xuống Đông Khê để chiếm lại cứ điểm quan trọng này, vì thế bố trí Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209 ém quân tại Đông Khê đánh quân dù. Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ đánh quân bộ ở Lũng Phầy và Khâu Luông.

    Khi thấy quân địch, gồm lính dù và lính Tabo (lính Bắc Phi) xuất hiện ở Đông Khê, chỉ huy Trung đoàn 209 cấp báo cho Bộ chỉ huy chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh: Bằng mọi giá không được để chúng chiếm lại Đông Khê. Đây là quân viện mà ta đang chờ. Phải ngăn chúng lại để chờ Đại đoàn 308 đến hợp vây tiêu diệt. ( Sau này ta mới biết, lúc đó địch đưa quân lên Đông Khê là để yểm trợ cho quân ở Cao Bằng rút lui)

    Chiều ngày mùng 1 tháng 10 năm 1950, khi tiểu đoàn dù của Pháp bị chặn đứng trước Đông Khê, chúng đã nhanh chóng chiếm các điểm cao ở phía Nam Đông Khê. Sáng ngày mùng 2 hai tiểu đoàn quân Pháp tấn công Đông Khê, nhưng bị Trung đoàn 209 chặn đứng. Chỉ huy quân Pháp quyết định để lại phía nam Đông Khê một tiểu đoàn dù và một tiểu đoàn Tabo để thu hút đối phương, hai tiểu đoàn khác vòng sang phía Tây để lên phía Bắc đón quân từ Lào Cai rút về.

    16 giờ ngày mùng 2 tháng 10 năm 1950, Đại đoàn 308 với các tiểu đoàn được tổ chức lại thành các đại đội bắt đầu tấn công địch ở các điểm cao. Quân địch bị dồn xuống phía dưới. Trong khi đó Tiểu đoàn 18 của ta đánh ngược lên phối hợp. Một đại đội Marốc bị loại khỏi vòng chiến đấu. Tiếp đó, ta áp chế quân địch ở núi Khâu Luông bằng pháo binh, đồng thời một tiểu đoàn bộ binh đánh lên đỉnh núi để chiếm điểm cao, nhưng bị quân địch đẩy lùi. Không nao núng, pháo binh ta lại tiếp tục bắn dồn dập dọn đường cho bộ binh xung phong. Cuộc chiến đấu diễn ra dằng co ác liệt. Do không chiếm được điểm cao, bộ đội ta được lệnh rút lui.

     Hôm sau ta lại tổ chức tấn công quân địch trên núi Khâu Luông. Sơn pháo, súng cối, các cỡ đạn của ta nổ dồn dập. Hai tiểu đoàn của ta dũng mãnh xông lên. Để ứng cứu cánh quân trên đỉnh núi, nhân lúc trời trong, địch cho máy bay ném bom, bắn phá dữ dội. Sau ba giờ địch đẩy lùi cuộc tấn công của ta.

    Khi màn đêm bắt đầu buông xuống, máy bay địch không thể hoạt động, pháo binh ta lại cấp tập bắn vào trận địa địch. Những đợt xung phong lên đỉnh núi Khâu Luông lại tiếp tục được tổ chức. Và lần này ta chiếm được mỏm núi cao nhất, khống chế các mỏm núi còn lại. Tiểu đoàn dù và tiểu đoàn Tabo của địch bị thiệt hại nặng nề. Để tránh bị tiêu diệt, chúng rút lui về Cốc Xá.

   Khi biết quân địch ở Cao Bằng đã rút lui khỏi thị xã, Bộ chỉ huy ra lệnh cho Trung đoàn 209 cấp tốc hành quân lên Quang Liệt để đánh chặn.

     Ta nhận định, lực lượng hai binh đoàn của địch ở Cao Bằng rút về và Thất Khê lên ứng cứu còn lại khoảng 5 tiểu đoàn, nhưng tinh thần đã sa sút lại đều trong thế bị bao vây vì thế cần phải tập trung tiêu diệt. Đại đoàn 308 và Trung đoàn 209 từ đường số 4 được dồn về xiết chặt vòng vây quân địch. Trận chiến đấu ngoài công sự trên các dãy núi khu vực Đông Khê diễn ra hết sức ác liệt. Ta và địch giành giật nhau từng mỏm núi, từng sườn dốc. Quân Pháp càng đánh, càng rối loạn. Thậm chí tiểu đoàn Tabo dù chưa bị tấn công đã bỏ chạy về đồn Yên Ngựa, nơi có một tiểu đoàn lê dương đang đóng giữ. Biết tình hình đã tuyệt vọng, quân Pháp lặng lẽ luồn rừng chạy trốn nhưng không được, nên đầu hàng và giao nộp toàn bộ vũ khí.

    Trong khi đó, cánh quân Pháp từ Cao Bằng rút về, sau khi bị đánh tơi tả đã tập hợp lại chờ trời tối chạy về Thất Khê. Chúng đi suốt đêm chỉ được vài ki-lô-mét vì ở đâu cũng nghe tiếng súng nổ. Khi trời sáng, chúng tìm cách thoát bằng cách đi trên các đỉnh núi và đã đến được Bản Ca. Nhưng không ngờ, ở đây đã có một trận địa bao vây chờ sẵn. Bị vây chặt, biết không thể thoát chúng đã bỏ vũ khí xin hàng.

    Mất cứ điểm quan trọng Đông Khê, cùng một lực lượng quân chủ lực bị loại khỏi vòng chiến đấu, quân Pháp choáng váng làm xuất hiện hiệu ứng đô - mi - nô. Sợ bị tiêu diệt, chỉ trong vòng 10 ngày, từ ngày 13 đến ngày 23 tháng 10 năm 1950 chúng đã vội vã rút chạy, làm sụp đổ toàn bộ hệ thống phòng thủ biên giới Việt - Trung vững chắc. Ngày 10 tháng 10 địch rút chạy khỏi Thất Khê để lại toàn bộ kho tàng với rất nhiều quân trang, quân dụng và phương tiện chiến tranh. Ngày 13 tháng 10 địch rút chạy khỏi Na Sầm. Ngày 17 tháng 10 địch rút chạy khỏi thị trấn Đồng Đăng. Ngày 18 tháng 10 địch rút chạy khỏi thị xã Lạng Sơn và Lạng Giai. Ngày 20 tháng 10 địch rút chạy khỏi Lộc Bình và Đình Lập. Ngày 23 tháng 10 địch rút chạy khỏi An Châu. Toàn tuyến biên giới dài 100 ki- lô- mét, trên đường số 4, từ Đồng Đăng, Lạng Sơn, Đình Lập, An Châu tới Tiên Yên được giải phóng. Một vùng biên giới rộng lớn nối liền với các nước Xã hội chủ nghĩa, kéo dài từ Á sang Âu được mở ra.

     Cú đánh trúng huyệt Đông Khê đã làm thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta. Mục tiêu Chiến dịch Biên giới đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bộ đội  hoàn thành xuất sắc.

    Bốn năm sau, trong trận Điện Biên Phủ, bài học kinh nghiệm đánh cụm cứ điểm có hệ thống giao thông hào và lô cốt kiên cố ở Đông Khê được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bộ đội ta vân dụng hết sức sáng tạo đã làm nên chiến thắng “ Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Năm 1975 bài học kinh nghiệm Đông Khê một lần nữa lại được vận dụng xuất sắc trong trận điểm huyệt Buôn Ma Thuột, làm xuất hiện hiệu ứng đô - mi –nô khiến cho toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị sụp đổ nhanh chóng, dẫn đến giải phóng Niền Nam, thống nhất đất nước.

     Có thể nói, bài học kinh nghiệm về tác chiến trên thực địa của trận Đông Khê năm 1950, mãi mãi còn nguyên giá trị trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.

 

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội