Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Lừng danh người nghệ sĩ
Nguồn: Văn Nhân 150

 ĐẠO DIỄN-NSƯT ĐÀO QUANG

Dưới bầu trời văn học nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX, đã xuất hiện nhiều cây đại thụ ở các lĩnh vực văn học, nghiên cứu phê bình, sân khấu, âm nhạc, múa, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh. Nhưng có một con người đã hội tụ phẩm chất, tài năng sáng tạo ở nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật, đó chính là nghệ sĩ Văn Cao - Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Không hiểu sao mỗi lần nhớ và nghĩ về Văn Cao, bao giờ tôi cũng hình dung tới một dòng sông cuồn cuộn chảy, lúc dịu êm sâu lắng, khi mạnh mẽ ào ạt, đắm say bứt phá... Dòng sông ấy tách mình thành ba chi lưu cùng sóng sánh nhịp bước bên nhau, nhưng rồi trước khoảnh khắc vỡ oà vào lòng sâu thẳm của đại dương bao la đã kịp hội nhập cộng hưởng, thành sự nghiệp sáng tạo thống nhất toàn khối cùng thuộc về người nghệ sĩ Văn Cao đa tài.

Dẫu vậy, ba nhánh sông, ba phương diện tài năng của Văn Cao vẫn có tính độc lập nhất định, đều mang chứa những dáng nét độc đáo riêng. Nhánh thứ 1 là âm nhạc, nhánh thứ 2 thuộc về thi ca, nhánh thứ 3 mang tên hội hoạ.

Lâu nay, dư luận và sự sàng lọc khách quan của thời gian đều nghiêng về phía cho rằng 3 phương diện sáng tạo đều rất đáng kính nể ấy phải nhận rằng âm nhạc vẫn được coi là dòng chủ lưu, là không gian sáng tạo tiêu biểu nhất, kết tinh đậm đặc nhất, nguồn mạch sáng tạo dồi dào của nghệ sĩ Văn Cao.

Điều này không hề ngẫu nhiên, mà có gốc gác xa gần từ tiểu sử cuộc đời và hành trình sáng tạo của con người nghệ sĩ. Bút hiệu Văn Cao đồng thời cũng chính là tên cúng cơm của ông được ghi trong giấy khai sinh một cách giản dị là Nguyễn Văn Cao. Tuy cất tiếng khóc chào đời vào ngày 15/11/1923 tại Lạch Tray Hải Phòng, nhưng quê gốc lại ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định.

Thuở thiếu thời, được sự chăm sóc về sự học hành rất chu đáo, qua bậc tiểu học tại một ngôi trường Bonan (Bonel) danh tiếng ở thành phố Cảng, lên trung học Văn Cao được chọn tuyển vào trường dòng XanhgiôDep (Saint Josef). Chính tại ngôi trường bề thế này, cậu thiếu niên Văn Cao vốn thông minh sáng láng, sớm say mê nghệ thuật có cơ hội tiếp xúc với âm nhạc phương Tây và làm quen với tri thức âm nhạc hiện đại một cách hệ thống. Đây là sự chuẩn bị hành trang cần thiết để vào năm 1938, do hoàn cảnh kinh tế gia đình sa sút, phải đột ngột cắt ngang giữa chừng con đường học hành khi mới kết thúc năm thứ 2 bậc học thành chung, lao vào đời lo kinh tế. Văn Cao đã nhanh nhạy hưởng ứng phong trào khởi dựng nền tân nhạc Việt Nam. Thành phố Cảng do vị thế địa văn hoá vào cuối những năm 30 của thế kỷ XX đã trở thành một trong những nơi bùng phát mạnh mẽ dòng nhạc mới mẻ đó trong cả nước. Sự hăng say đam mê của tuổi trẻ và sự hiểu biết về âm nhạc phương Tây hiện đại được trang bị ở nhà trường là lý do chủ yếu dẫn Văn Cao hào hứng tham gia vào nhóm nhạc đồng vọng cộng tác cùng với những nhạc sĩ trẻ tiên phong đang sống tại Hải Phòng như Hoàng Quý, Tô Vũ, Đỗ Nhuận... Năm 1939 ở tuổi 16, Văn Cao sáng tác với ca khúc đầu tay mang tên Buồn tàn thu gây chấn động dư luận. Trong phạm vi các nhóm đồng vọng, Văn Cao tiếp tục công bố một loạt ca khúc trẻ trung vui vẻ như : Gió núi, Gò Đống Đa... cho phong trào hướng đạo sinh. Khoảng thời gian này, Văn Cao làm quen với một số gương mặt sáng giá của phong trào tân nhạc như Lê Thương, Phạm Duy... để từ đó mở rộng và đi sâu hơn vào hoạt động âm nhạc liên tiếp gặt hái những thành tựu trong sự nghiệp sáng tác. Đây là thời gian ông cho ra đời những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng, có ý nghĩa đánh dấu sự trưởng thành của nền tân nhạc Việt Nam hiện đại như: Suối mơ, Trương Chi, Bến xuân... mà đáng chú ý nhất là tác phẩm Thiên thai.

Năm 1944, giác ngộ lý tưởng cách mạng cứu nước, Văn Cao tự nguyện tham gia Việt Minh, mở ra một bước ngoặt to lớn trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp âm nhạc của đời ông. Trong tinh thần cởi mở đó, Văn Cao hoàn thành bài hát đã đi vào lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam nói riêng, đi vào lịch sử Việt Nam hiện đại nói chung như một dấu son rực rỡ. Đó là ca khúc Tiến quân ca được in trên trang văn nghệ của tờ báo Độc Lập vào tháng 11/1944 thời khắc căng thẳng, báo hiệu đang ló rạng ở phía chân trời. Rồi tại một phiên họp quan trọng, Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại đã chính thức quyết định chọn bài hát Tiến quân ca làm quốc ca của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và sau này được Quốc hội thông qua, tác phẩm Tiến quân ca tiếp tục trở thành Quốc ca của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam cho đến nay, dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, đất nước đã diễn ra bao thay đổi lớn lao, từ chiến tranh đến hoà bình, rồi bước vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập với thế giới, khiến cho trong dư luận đã từng đặt ra yêu cầu cần có một bản quốc ca mới mang được hơi thở của thời đại, thay thế cho bài Tiến quân ca. Thậm chí đã có cả cuộc thi sáng tác quốc ca mới để qua đó xuất hiện được ca khúc xứng đáng chọn làm quốc ca mới mà vẫn chưa có một ca khúc nào đủ tầm vóc để có thể thay thế được Tiến quân ca. Bài hát ấy vẫn sừng sững hiện diện trong sinh hoạt chính trị của nhân dân Việt Nam, vang lên hùng tráng trang nghiêm trong những dịp lễ trọng đại của đất nước, cũng như những sinh hoạt mang tính khánh tiết của mọi cơ quan, đoàn thể. Bài Tiến quân ca có thể nói được toàn thể mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, mọi lứa tuổi thuộc lòng và in sâu trong tâm trí, cất vang tiếng hát vào mỗi dịp cần thiết. Bước vào cuộc kháng chiến trong tư thế người chiến sĩ. Nghệ sĩ Văn Cao tiếp tục cho ra đời những ca khúc đặc sắc khác như Làng tôi (1944), Ngày mùa (1948), Tiến về Hà Nội (1949) và một số bản nhạc mang tính chất hùng ca như chiến sĩ Việt Nam, công nhân Việt Nam, không quân Việt Nam... Đáng chú ý hơn cả là tác phẩm Trường ca sông Lô (1947) bề thế, một đỉnh cao của âm nhạc kháng chiến, một thành tựu đáng tự hào của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam mà nhạc sĩ Phạm Duy khẳng định đó là một nhạc phẩm vĩ đại. Ngoài ca khúc ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc, viết nhạc phim, nhạc nền sân khấu... Những sáng tác âm nhạc tiêu biểu của Văn Cao đã vượt thời gian được biết đến nhiều quốc gia trên thế giới. Ca khúc Mùa xuân đầu tiên công bố trên báo Sài Gòn giải phóng số xuân 1976 và được dịch, in ở Liên Xô, quê hương Cách mạng tháng Mười và vang lên trong chương trình tiếng Việt của Đài phát thanh Matxcơva. Trong phim Người Mỹ trầm lặng của điện ảnh Pháp, đạo diễn đã sử dụng ca khúc Thiên thai làm nhạc nền cho phim. Trịnh Công Sơn - một tên tuổi sáng giá thuộc thế hệ nhạc sĩ lớp sau còn cho biết : Có lần Thiên thai đã vang lên tại Trung tâm vũ trụ Nasa ở Mỹ... Những tác phẩm âm nhạc tiêu biểu của Văn Cao viết về Cách mạng và kháng chiến đã đem lại cho ông giải thưởng cao quý Hồ Chí Minh về VHNT vào năm 1996 khẳng định tôn vinh của Đảng và Nhà nước đối với những cống hiến lớn lao trong sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao.

Bên cạnh sáng tác âm nhạc với tư chất một nghệ sĩ đa tài Văn Cao còn bộc lộ tài năng khác thường của mình ở hội hoạ và thơ văn. Ngay từ năm 1942, Văn Cao đã theo học ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội và chỉ một, hai năm sau đó đã hoàn thành những hoạ phẩm dưới hình thức sơn dầu như : Sám hối, Nửa đêm, Cô gái dậy thì, Cuộc khiêu vũ, Những người tự tử... và hai lần có tranh trưng bày triển lãm tại nhà Khai Trí - Tiến Đức Hà Nội vào năm 1943-1944. Những tác phẩm hội hoạ của Văn Cao đều biểu lộ một ý tưởng tìm tòi sáng tạo, một cung cách diễn tả mới trong ngôn ngữ tạo hình, được giới Mỹ thuật đương thời chú ý và đánh giá cao. Ông còn vẽ minh hoạ báo chí, làm bìa sách hoặc thiết kế mỹ thuật cho sân khấu. Bất kỳ trong lĩnh vực sáng tác nào của hội hoạ, chúng ta cũng thấy được những dấu ấn độc đáo của một nghệ sĩ đa tài.

Trong lĩnh vực thi ca, Văn Cao cũng đã để lại cho nhân thế những sáng tác nổi tiếng. Năm 1940 trong hành trình viễn du từ Bắc vào Nam, Văn Cao hoàn thành tác phẩm “Một đêm đàn lạnh trên sông Hương”. Sau đó ông còn công bố những bài thơ gây tiếng vang lớn. Thơ của Văn Cao luôn luôn có sự đổi mới, nhạy cảm với thời cuộc, nhân tình thế thái, luôn tạo cho thơ sức nặng của tầm cao tư tưởng, rũ bỏ những làn điệu êm ái, ông nhìn thảm cảnh đau thương năm Ất Dậu là những nỗi kinh hoàng, tiếng kêu xé lòng của một kiếp người (Bài thơ: Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc) khẳng định sự tận số của chế độ cũ, dự báo sự tất thắng của cuộc cách mạng dân tộc vì độc lập tự do (Ngoại ô mùa đông năm 1946).

Trong tập thơ Lá là những khát vọng tình cảm,có lúc như những tiếng thở dài rồi lại bùng lên như vũ bão hoặc như những hành khúc trang nghiêm, rồi tự tình sâu lắng tràn đầy khát khao, yêu thương. Ông yêu quê hương đất nước, yêu mảnh đất nơi sinh ra ông và giúp ông trưởng thành, đắm say trong tình yêu, thủy chung trong tình bạn.

Thơ Văn Cao tuy ít nhưng cũng in đậm những khát khao tìm tòi, những giá trị nhận thức, cách tân trong hình thức, không phụ thuộc vào vần điệu, mà từ cung bậc của cảm xúc tạo nên những vần thơ mang tính triết lý, sự bay bổng, lãng mạn, trữ tình, nhằm tăng cường khả năng truyền cảm và sức khơi gợi liên tưởng của thơ.

Có thể nói, ở lĩnh vực sáng tạo nào từ nhạc đến hội hoạ và thi ca, Văn Cao cũng cho ra đời những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật. Như sự đánh giá của dư luận, hoặc ngay cả lời bày tỏ của chính Văn Cao với đồng nghiệp và báo chí: “Ông vẽ và làm thơ như một thôi thúc, còn âm nhạc trước sau vẫn là lẽ sống của đời mình”. Những nhạc phẩm của Văn Cao thực sự có sức sống mãnh liệt, vượt thời gian, sẽ còn sống mãi trong tâm trí của thế hệ công chúng. Đúng như lời học giả Đặng Thai Mai đã khẳng định “Văn Cao là một viên ngọc trên bức khảm văn hoá - nghệ thuật của dân tộc Việt Nam”.

Để ghi nhận những đóng góp lớn lao của Văn Cao vào sự nghiệp Cách mạng, của đất nước, cũng như những thành tựu sáng tạo nghệ thuật, ngoài giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, ông còn được Nhà nước trao tặng: Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, cùng nhiều huân chương, danh hiệu cao quý khác. Nhưng có lẽ vinh quang lớn nhất trong đời của một nghệ sĩ là tình cảm và sự quý trọng của nhân dân, sự lưu truyền và sức sống của tác phẩm trong tâm trí của nhân dân.

Tên Văn Cao đã được đặt tên phố không chỉ ở Thủ đô Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng mà còn hiện diện ở nhiều thành phố khác trên cả nước, từ thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, Tp Huế, Tp Đà Lạt, Tp Lạng Sơn... nhằm tôn vinh một danh nhân văn hoá của dân tộc- người nghệ sĩ lớn lừng danh của nền văn nghệ Cách mạng Việt Nam.

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội