Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Chỉ có thể là mẹ!

         Lê Thế Điệp

        Văn Nhân số tháng 3+4

          Tản văn

“Mẹ...ơi ! Con đã già rồi..., con ngồi... nhớ mẹ, khóc như...trẻ con…” (lời bài hát của NS Trần Tiến)

Đúng như lời trong bài hát, tôi đã thật sự khóc khi nghe lần đầu, có lẽ đó là cảm xúc mộc mạc, chân thành mà chỉ những người đàn ông ở độ tuổi nhất định nào đó, đã mất mẹ rồi, mới có thể có được

Lần đầu cảm nhận được tình mẹ bao la là khi tôi đang còn trong thời kỳ vô thức (mãi sau này tiềm thức trong tôi mới định hình ra nó). Hồi đó nhà tôi tản cư, ở nhờ nhà bác Nông, lần ấy các anh không thể dỗ dành tôi dứt cơn hờn gắt ngủ. Giữa lúc ầm ỹ huyên náo nhất: anh cả vừa ôm, nhẹ rung, vừa khe khẽ ru: "...Em ơi..., em ngủ...cho ngoan...". Rồi người thì quạt phành phạch, người thì hoa tay múa chân làm trò hy vọng em sẽ cười. Người không biết làm gì cũng chạy quanh cổ vũ: "Eem nhoan...eem nhoan” tất cả đều nhễ nhại mồ hôi, mệt mỏi, chán chường mà thằng em thì vẫn giàn giụa nước mắt thì mẹ về.

Không gian chợt tĩnh lặng. Mọi người thở phào rồi trở lại ríu rít như thường ngày. Mẹ nhẹ nhàng ôm bằng một tay, tay còn lại tháo bớt nút áo, kiểm tra trán, mắt và cuối cùng là mân mê từng bàn tay, bàn chân nhỏ xíu của tôi, theo nhịp đu đưa nhè nhẹ của cánh võng. Mọi việc diễn ra chỉ trong phút chốc, nhưng đã khiến tôi phải nhoẻn cười, mặc dù vẫn còn những cơn nấc dài. Không cần tôi phải lần tìm theo bản năng, mẹ cho tôi dòng suối mát ngọt lành, chắt chiu từng giọt từ đất, từ trời, từ tình yêu của mẹ. Trong khi tôi mải mê, khoan thai tận hưởng thì những cánh cò huyền ảo đã rập rờn tới theo lời ru của Mẹ,  mang lại sự sảng khoái, êm dịu đến tận cùng. Tôi không thể cưỡng lại, đôi bờ mi đang dần khép xuống với nụ cười trên môi, vệt lệ vương trên má chưa kịp khô. Đó là điều đơn giản nhất nhưng thật kì diệu, vì chỉ có tình mẫu tử mới có thể dễ dàng đến thế. Từ lời ru của mẹ, những cánh cò...ánh trăng vàng...lũy tre làng...đã theo con đến tận bây giờ. Đó phải chăng là điểm khởi đầu của lòng nhân ái, tình yêu cha mẹ, tình yêu quê hương trong mỗi con người?

Và bao năm qua, tôi đã luôn trăn trở, ưu tư về người mẹ...kỳ lạ của tôi, người phụ nữ rám nắng, dáng cao gầy với quang gánh trên vai trông nhỏ nhẹ, giản dị, khiêm nhường. Theo nhiều người kể, thời thanh xuân, mẹ là cô thôn nữ thùy mị, đoan trang con nhà gia thế trong vùng, có vẻ đẹp rất phù hợp chuẩn mực thời bấy giờ với tóc dài, da trắng, mắt bồ câu, môi trái tim, răng nhuộm đen, gương mặt phúc hậu nên rất nhiều trai làng trên, xóm dưới từng thổn thức...ước ao. Điều đáng nói nữa là trong cuộc đời 80 năm của mình, mẹ đã có gần 60 năm liên tục sống và mưu sinh nơi phố xá, là môi trường có thể làm con người thay đổi từng ngày, từng giờ như Nguyễn Bính đã tinh tế nhận ra:"...Hôm qua em đi tỉnh về/Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều..". Ấy vậy mà mặc cho thời gian cứ trôi, mặc cho xã hội phát triển, mặc cho lòng người đổi thay, mặc ai nói ngả nói nghiêng thì từ giọng nói của mẹ vẫn mang đậm âm sắc quê hương làng Quỳ Chữ nói riêng và phụ nữ Bắc Trung Bộ nói chung. Hàng ngày, mẹ vẫn vấn tóc, trùm khăn, áo yếm ở trong áo cánh nâu, bao thắt lưng ruột tượng, quần nái đen, đi dép lê... Nhưng ít ai có thể tin rằng đằng sau vẻ quê mùa lại chứa đựng cả một kho tàng truyện đủ các thể loại từ cổ tích, truyền thuyết, thần thoại, tình cảm, trinh thám, kinh dị… từng kể cho chúng tôi suốt những năm tuổi thơ mà không hết. Ngày đó, tôi nghe cũng không hiểu gì hoặc chỉ lơ mơ, nhưng sau lớn rồi đọc lại thấy thân quen tựa như đang sải bước trên đoạn đường ta đã từng qua. Mẹ kể rất hay, hấp dẫn và chi tiết, cứ như chính tác giả đang kể lại. Nhiều hôm ngồi trên giường nghe mẹ kể, anh em tôi không ai dám đưa chân xuống đất nữa. Những chuyện tôi còn nhớ, cơ bản như Âu Cơ - Lạc Long Quân, Sự tích bánh Chưng bánh Giầy, Thạch Sanh, Tấm Cám, Sơn Tinh Thủy Tinh, Thánh Gióng, Lưu Bình Dương Lễ..., cả các truyện của thế giới và Trung Quốc: Con ngỗng vàng, Cô bé bán diêm, Alibaba và 40 tên cướp, Aladil và cây đèn thần..., Mạnh Lệ Quân, Lưu lạc giang hồ. Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Tam Quốc, Tây Du Kí...Đặc biệt, mẹ đam mê và thuộc như cháo chảy Truyện Kiều. Ở ngoài đời, khi gặp tình huống là mẹ sẽ lẩy ngay đoạn Kiều phù hợp nhất. Sau này, tôi cũng hay đọc sách nhưng để kể được như mẹ thì tôi đành bó tay. Đó là điều không lí giải được, vì chỉ học tương đương lớp 3 bây giờ không hiểu mẹ đọc lúc nào và đọc như thế nào.

Trong thời kì chiến tranh, khi đưa các con về sơ tán ở quê hay ở Đông Ninh mẹ quyết định chạy chợ để kiếm thêm thu nhập. Ban đầu chỉ là ý định làm tạm thời bởi sau khi về thị xã(hết đợt ném bom lần 1) mẹ lại đi làm hợp tác xã thủy tinh Hà Sơn, nơi mẹ từng làm trước khi đi sơ tán. Sau khi hòa bình(1973), kinh tế dần khó khăn, mẹ quyết định sẽ chạy chợ lâu dài. Có vài người bạn rủ mở sạp hàng nhưng mẹ không đồng ý mà chỉ ra chợ mua bán lặt vặt lấy công làm lãi, kiếm cho con đồng quà tấm bánh và rau cỏ hằng ngày. Mẹ chỉ bán những thứ ai cũng có thể mua, những loại ai cũng cần hàng ngày như rau củ quả, bồ kết, các loại gia vị như hành tỏi, gừng nghệ, chanh ớt, v.v. Nhờ gánh hàng của mẹ, chúng tôi hiểu sâu sắc ý nghĩa, giá trị và sự thú vị của những món quà từ chợ, mùa nào thức ấy mà đậm đặc chất quê hương và thế nào là"Mong...như mong mẹ về chợ!". Mẹ đã không quản nắng mưa, ngày ngày dầm mưa dãi nắng chỉ với mong mỏi chúng tôi mỗi ngày một khôn lớn. Có những hôm đi các chợ huyện họp phiên, từ sáng sớm đến tối muộn mới về, không biết mẹ đã từng qua bao dặm đường chỉ bằng đôi chân của mình? Nhiều hôm đi ra ngoài đón mẹ, tôi muốn gánh đỡ mẹ một đoạn, nhưng tôi chỉ đi được vài mét là đau vai không chịu được. Thế mới biết sự dẻo dai của mẹ hơn 25 năm kể từ ngày còn chiến tranh, xuyên suốt thời bao cấp đến thời đầu của đổi mới. Từng mớ rau, mớ tép, con cá, lạng thịt, mẹ âm thầm, nhẫn nại đổi bằng sự lao động trong khó khăn vất vả, để hàng ngày hàng giờ thẩm thấu vào mạch máu của chúng tôi để nuôi dưỡng từng tế bào. Công lao của mẹ không thể đong đếm được. Việc làm của mẹ nhỏ bé, khiêm nhường nhưng thật lớn lao, vĩ đại.

Vào một ngày đầu tháng năm năm Đinh Hợi, mẹ kêu hơi mệt. Mọi người tưởng bình thường vì hôm trước mẹ cùng các cụ trong khu tụ họp vui vẻ. Mẹ ở nhà cả ngày không ra ngoài, buổi chiều như có linh tính, mẹ bảo con gái tắm rửa, thay quần áo, chải tóc cho mẹ. Xong việc, mẹ đuổi con gái về để mẹ nằm nghỉ. Câu cuối cùng mẹ hỏi anh hai mới đi Hà Nội về: Mi vô thăm, bố ra răng? (Là "Con vào thăm, bố thế nào?"). Rồi mẹ chìm vào giấc ngủ... mãi mãi rất nhẹ nhàng, thanh thản...Năm ấy mẹ vừa 80.

Đối với tôi, mẹ chỉ như đang đi một phiên chợ xa...

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội