Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nhớ mãi đêm nhạc Văn Cao

 PHẠM KHẢI HOÀN

Sáng thứ hai nào cũng vậy, khi dàn trống ếch vang lên đều đặn theo bước đi, học sinh trường Tiểu học Hùng Vương, xếp hàng ngay ngắn, cổ quàng khăn đỏ, mắt ngước nhìn cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên đỉnh cột cờ trước sân trường, là nhạc phẩm “Tiến quân ca” vang lên. Nhà gần trường ấy, như thành thói quen, tôi thường đứng trên tầng thượng ngắm đàn em ngây thơ, hát thật to, thật khỏe bài “Quốc ca”, lòng lại thổn thức hồi tưởng về “Đêm nhạc Văn Cao”, có một không hai vào mùa thu năm 1990, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa 3 - 2 tỉnh Nam Định. Tôi nhẩm tính từ ngày ấy đến nay, đã hơn 30 năm và tròn 100 năm ngày sinh (1923- 2023) nhạc sỹ, nhà thơ,họa sỹ Văn Cao.

Hồi ấy, “Đêm nhạc Văn Cao”, không chỉ đáp ứng nhu cầu khát khao của nhiều người muốn được nghe nhạc của ông

- Người con quê hương (An Lễ - Liên Minh - Vụ Bản), mà còn hàm ý tri ân nhạc sỹ tài hoa, cây đại thụ của nền âm nhạc nước nhà.

Khi còn nhỏ, tôi thường xuyên được nghe bố hát: “Bao chiến sỹ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường. Quân xung phong, nước Nam đang chờ mong tay người... Hồn sông núi, khí thiêng ghi muôn đời... Là trang nam nhi, sống chết sa trường. Sống thác coi thường. Mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai...”. Đến khi học trong trường chuyên nghiệp, tôi mới biết tên bài hát ấy là “Chiến sỹ Việt Nam” của Văn Cao, sáng tác năm 1945.

Khi tổ chức “Đêm nhạc Văn Cao”, tôi vào nhà máy Liên hợp Dệt, gặp Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Kiểm, nhờ anh giúp, để vợ chồng nhạc sỹ Văn Cao nghỉ tại khách sạn Mi Ni của nhà máy, nơi dành cho chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Anh Kiểm vui vẻ nói: Ai chứ, vợ chồng nhạc sỹ Văn Cao thì đồng ý ngay, rồi anh điện cho văn phòng chuẩn bị.

Đúng 4 giờ chiều, tôi có mặt ở khách sạn, thì ô tô chở vợ chồng nhạc sỹ Văn Cao cũng vừa tới. Cánh cửa ô tô mở, bà Thúy Băng (vợ nhạc sỹ) ra khỏi xe, rồi đỡ tay ông đi vào nhà...

Nhìn thấy Văn Cao tôi ngỡ ngàng, vì nghe những bản hùng ca của ông, tôi cứ hình dung nhạc sỹ to khỏe, bước đi hùng dũng như tiết tấu hành khúc 2/4, ông truyền lửa vào ca khúc cách mạng. Mà giờ đây đứng trước ông, chỉ còn lại là sức khỏe người già, gày gò, nhỏ nhắn, chậm chạp... Nhưng tôi lại thấy đôi mắt ông, có ánh sáng kỳ lạ, sâu thẳm, vầng trán rộng có nếp nhăn hằn sâu và mái tóc dày điểm bạc của người hiền triết. Tôi kính cẩn: “Thưa bác, vợ chồng bác ở ngôi biệt thự này ạ”. Ông nhìn tôi: “Chú là...”

-Dạ, cháu ở Trung tâm Văn hóa, nơi diễn ra đêm nhạc của bác ạ.

-Thế thì chú vào đây. Ông lấy ra cút rượu nhỏ, rót vào hai chén mắt trâu:

-Nào, chú uống thử xem, rượu Hà Nộiuống được không ?

Nể nhạc sỹ quá, tôi nâng chén lên, hương rượu thơm thoang thoảng tỏa ra: Chà...rượu ngon quá bác ạ. Còn ông thì đưa chén lên môi, rồi lại hạ xuống:

-Quê chú ở thành phố hay huyện nào?

-Dạ, quê cháu ở thôn Thượng, xã Minh Tân, Vụ Bản, có núi Ngăm ạ.

-Thế thì gần quê Liên Minh của Bác. Ừ...ngày xưa núi Ngăm, núi Gôi Pháp đóng, uy hiếp cả vùng đấy. Rồi ông từ từ đưa chén lên miệng, nhưng vẫn không uống:

- Giá sức khỏe còn tốt, bác phải leo lên tận núi Ngăm, núi Gôi chứng kiến sự thất bại thảm hại của Thực dân Pháp và ngắm cảnh làng quê thanh bình, trù phú.

-Tôi nhanh nhảu đáp: Dạ, dân phá hết rồi, còn trơ gạch với giao thông hào thôi ạ. Ông hơi nhếch mép cười:

-Đấy là chứng tích chiến tranh, mình phải lưu giữ chứ. Nói xong, ông mới nhắp một chút rượu, hương thơm tỏa khắp gương mặt ưu tư, suy nghĩ của ông.

Chị nấu ăn ở khách sạn bê mâm cơm ra, ngồn ngộn thức ăn còn nóng hổi, có kèm theo hai chai bia quả táo (Trung Quốc).Tôi bật bia rót vào cốc. Bác Văn Cao đưa tay che: Đừng rót...Bác dùng rượu, quen rồi. Cả bữa ăn hôm ấy, tôi thấy ông có cách uống rượu riêng, bằng thưởng thức hương vị, chứ uống chẳng đáng là bao. Vậy mà nghe nói, ông uống rượu cả chai một lúc. Chắc ngày xưa thời trai trẻ, ông mới uống được thế, bây giờ gần bảy mươi rồi, sức khỏe đâu được như xưa. Còn Văn Cao sành rượu thì đúng, vì rượu của ông hương vị đặc trưng, thơm lắm, uống vào là hơi tê đầu lưỡi và lưu giữ vị ngọt mãi trong cổ. Có lẽ cái vị cay nồng của rượu đã tạo men say, gây hưng phấn để ông thăng hoa sáng tác nghệ thuật. Bà Thúy Băng, thỉnh thoảng lại gắp thức ăn cho chồng, mà ông chỉ ăn qua loa, cùng với lưng bát cơm, trong câu chuyện làng quê, tình cảm chan hòa gần gũi.

19h30 phút, hội trường Trung tâm Văn hóa 1200 chỗ đã chật ních khán giả. Nhạc sỹ Hồ Quang Bình, dáng người đậm, đẹp lão, tóc trắng xóa, giọng nói trầm ấm có cung bậc của nhà lý luận, phê bình âm nhạc, tuyên bố lý do với lời bình thật sâu sắc, ý nhị toát lên thân thế sự nghiệp, cuộc đời sáng tác nghệ thuật của Văn Cao. Rồi trân trọng mời vợ chồng nhạc sỹ lên nhận bó hoa tươi thắm từ tình cảm nồng ấm, kính trọng của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Tiếng vỗ tay vang dậy và nhiều người từ dưới hội trường ùa lên, vây quanh vợ chồng nhạc sỹ tặng hoa, như trút cả tấm lòng yêu quý, thán phục tài năng và chia sẻ thời kỳ nhạc sỹ không còn cảm hứng sáng tác... Mãi đến cuối năm 1975, ông vui mừng khi đất nước thống nhất, tiếng đàn của nhạc sỹ lại vang lên, nhịp điệu Valse, viết ở giọng thứ, nhịp 3/4 lại uyển chuyển nâng bước cho tác phẩm “Mùa xuân đầu tiên” mượt mà duyên dáng, chân thành, trên không gian biểu diễn. Và cũng là nhạc phẩm cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ông. Ánh sáng màu rực rỡ bật sáng, đoàn quân cờ đỏ sao vàng rầm rập tiến ra sân khấu trong tiếng dạo nhạc “Tiến về Hà Nội”. Thế rồi âm vang trầm hùng của đoàn quân chiến thắng vang lên: “Trùng trùng quân đi như sóng / Lớp lớp đoàn quân tiến về / Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng / Cờ ngày nào tung bay trên phố...”. Cả hội trường, khán giả đứng lên hát theo: “Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần / Như mùa xuân xuống cạnh đường nghe gió về / Hà Nội bừng tiến quân ca...”

Trong không gian sôi động ấy, tôi thấy nhạc sỹ Văn Cao, lấy khăn lau mắt. Chắc ông xúc động, không chỉ nghĩ về ngày quân cách mạng, hồ hởi, vui mừng, kiêu hãnh tiến về tiếp quản thủ đô. Một chế độ mới: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Đảng Cộng sản và Bác Hồ lãnh đạo, mở ra cuộc sống “Độc lập - Tự do”. Mà hồn bài hát đã chạm đến trái tim khán giả, để từ đáy lòng tự hào, khao khát hạnh phúc của mọi người vang lên hùng tráng... Cứ thế, đêm nhạc Văn Cao lôi cuốn người xem về thời khắc kháng chiến oanh liệt của toàn dân tộc, với ca khúc: Chiến sỹ Việt Nam, Bắc Sơn, Công nhân Việt Nam, Hải quân Việt Nam, Không quân Việt Nam. Đặc biệt với ca khúc “Trường ca sông Lô”, ghi dấu ấn trong lịch sử Tân nhạc Việt Nam, mà nhạc sỹ Phạm Duy bộc bạch: “Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều. “Trường ca sông Lô”, là tác phẩm vĩ đại chẳng thua bất cứ một tuyệt phẩm nào của nhạc cổ điển Phương Tây, là đỉnh cao nhất của Tân nhạc và Văn Cao là “Cha đẻ” của hùng ca, trường ca Việt Nam”.

Tầm nhìn của Văn Cao, tiên tri về âm nhạc, vượt thời gian và viết lịch sử bằng âm nhạc. Ngay từ năm 1944 đến 1949, trong khi lực lượng của quân viễn chinh Pháp còn rất hùng mạnh. Ta và địch giằng co trên chiến trường. Cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của nhân dân ta gặp nhiều khó khăn, thì Văn Cao đã báo trước ngày toàn thắng của dân tộc bằng tác phẩm âm nhạc, với những đội quân hùng mạnh, dưới cờ đỏ sao vàng, lớp lớp đoàn quân tiến về tiếp quản thủ đô. Và ông đã hình dung ra: Hải quân Việt Nam, Không quân Việt Nam lớn mạnh, làm chủ bầu trời, biển đảo, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Rồi sân khấu vui nhộn, tươi trẻ với dàn nữ hát múa ca khúc “Làng tôi”, “Ngày mùa” của những cô thôn nữ nhí nhảnh tham gia sản xuất, kháng chiến và được khép lại âm nhạc hùng ca bằng tác phẩm “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”. Hình ảnh Bác lồng lộng trên sân khấu, với lòng kính trọng, biết ơn, tự hào có Bác của toàn dân, đánh dấu giai đoạn nhạc sỹ sáng tác hùng ca về kháng chiến. Tác phẩm “Tiến quân ca”, không trình diễn trên sân khấu trong đêm nhạc, nhưng khán giả hình dung tác phẩm “Tiến quân ca” thắp sáng tượng đài âm nhạc, khẳng định chủ quyền dân tộc, luôn là trụ cột, linh hồn, xác lập vị thế Văn Cao trong con đường âm nhạc mà ông sáng tác năm 1944, được Hồ Chủ tịch và Quốc hội chọn làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Rồi cảnh núi rừng, suối chảy róc rách, xa xa là nhà sàn với những áng lam chiều, hồi tưởng về một thời âm nhạc lãng mạn của Văn Cao. Trong không gian tĩnh lặng, hợp ca nam nữ xuất hiện cùng dàn múa: “Đàn chim Việt” từ bốn phương, bay trên bầu trời lộng gió, hướng về Tổ quốc thân yêu...Và trong làn khói sương mờ, thiếu nữ với trang phục dân tộc, cất lên giọng hát thánh thót, sâu lắng trong nhạc phẩm “Thiên Thai”, đã kéo khán giả vào cõi hư vô, huyền ảo, lãng mạn của thiên nhiên hư ảo chốn bồng lai. Và dần dần xuất hiện những ca khúc: Suối mơ, Thu cô liêu, Cung đàn xưa và Trương Chi... Mặc dù khúc thức của mỗi ca khúc khác nhau, nhưng đều mang âm hưởng của dòng nhạc trữ tình, của trào lưu âm nhạc giai đoạn 1930- 1945, đưa khán giả đắm chìmtrong tình ca lãng mạn, để tận hưởng cái sâu lắng, cái khát vọng, cái nhân bản của tâm hồn.

Và khán giả lại đứng lên vỗ tay cảm ơn các nghệ sỹ biểu diễn chương trình nghệ thuật đỉnh cao. Còn nhạc sỹ Văn Cao, luôn là tâm điểm lưu luyến, khát khao mà khán giả muốn gặp. Nhiều người chen lên tận ghế hàng đầu, để tặng hoa, ngắm người con quê hương, người Nhạc sỹ - Nhà thơ

- Họa sỹ tài hoa mà họ kính trọng, thán phục. Đêm nhạc Văn Cao do các nghệ sỹ đoàn ca múa nhạc Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Nhạc sỹ Việt Nam biểu diễn để lại ấn tượng sâu sắc, tình yêu nồng nàn, xúc động nhất đối với khán giả Thành Nam, mà đến tận bây giờ, vẫn còn lưu luyến, nhớ mãi.

Ngày hôm sau, cả đoàn nghệ sỹ, cùng vợ chồng Văn Cao vào nhà máy Liên hợp Dệt biểu diễn, theo lời mời của Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Kiểm. Những ca khúc của Văn Cao lại vang lên ở cái nôi của ngành công nghiệp dệt, nơi có bề dày về phong trào ca hát và nhiều hạt nhân nổi tiếng, được công chúng mến mộ. Và cuộc giao lưu nghệ thuật thật xúc động giữa người thợ dệt với nhạc sỹ Văn Cao, cùng các nghệ sỹ, đã thổi bùng ngọn lửa ca hát trong toàn nhà máy, nơi mà Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Kiểm không chỉ chăm lo đến vật chất, lương bổng, mà còn rất quan tâm đến đời sống tinh thần của công nhân...Vậy mà sự nghiệp của ông dang dở, cuộc đời của ông bất hạnh, rồi về với cát bụi.

Sau đó, đêm nhạc Văn Cao về tận quê Vụ Bản của ông biểu diễn. Mặc dù đã bắc thêm rạp, mà hội trường huyện vẫn chật ních người. Khán giả, không chỉ là cán bộ huyện, các thầy cô giáo, mà họ hàng người dân xã Liên Minh quê ông, từng đoàn đạp xe tới rất đông. Với tấm lòng người quê chân thực, cùng bó hoa tươi thắm, dân làng và khán giả trao tận tay ông... Lại một lần nữa nhạc sỹ Văn Cao nhỏ lệ vì sung sướng, vì tình cảm nồng ấm của khán giả, vì tình nghĩa xóm làng, vì nhớ mảnh đất Liên Minh cội nguồn của ông. Tất cả dân làng cũng thế, đến với ông đều bâng khuâng, nỗi nhớ làm những giọt nước mắt xúc động gửi vào bó hoa chứa đầy tình người cao cả và tự hào bất tận.

Nhìn Văn Cao lúc tuổi già, ta chỉ tưởng ông đắm chìm vào nghệ thuật: văn, thơ, nhạc, họa với tác phẩm nổi tiếng. Về thơ có: Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Chứng kiến nạn đói năm 1945, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Một đêm Hà Nội, Những ngày báo hiệu mùa xuân... Hội họa thì có: Cô gái dậy thì, Sám hối, Cuộc khiêu vũ của những người Tự tử, Dân công miền núi, Lớn lên cùng kháng chiến... và triển lãm tranh của ông ở nhà Khai trí Tiến Đức (Hà Nội), cùng với minh họa trên sách báo. Còn âm nhạc, Văn Cao không chỉ được mọi người ngưỡng mộ ca khúc, mà ông còn sáng tác nhạc phim “Chị Dậu” (1980). Tổ khúc giao hưởng phim “Anh bộ đội Cụ Hồ” của xưởng phim quân đội. Tuy sáng tác âm nhạc, số lượng không nhiều so với Phạm Duy khoảng 1000 ca khúc.Trịnh Công Sơn 600 ca khúc, nhưng ông vẫn là cây đại thụ của nền âm nhạc nước nhà. Cha đẻ của nhạc tiền chiến, với thể loại hùng ca và lãng mạn, được quần chúng đón nhận say mê bởi giá trị nghệ thuật sâu sắc trong từng điệu nhạc, lời ca, giàu cảm xúc. Tài năng của Văn Cao, được Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, nay ông là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) tôn vinh: “Văn Cao là một nhạc sỹ lớn, một nhạc sỹ bậc thầy trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Ông đã vượt lên những hình thức âm nhạc thông thường, ghi vào biên niên sử bằng âm thanh những tác phẩm thể loại lớn, in đậm dấu ấn sáng tạo được công chúng đón nhận và sống mãi với thời gian”.

Nghệ thuật thì vậy, còn cuộc đời của nhạc sỹ, từ 9 tuổi ông đã học võ và nhiều lần lên võ đài thi đấu, biểu diễn. Năm 1942, ông rời Hải Phòng lên Hà Nội, ở căn gác nhỏ 171 phố MongRant. (Nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền) và ông tiếp tục sáng tác văn học nghệ thuật. Văn Cao từng tham gia đội trừ gian của Việt Minh, cùng Hà Ân chở vũ khí, tiền mặt vào mặt trận Nam Bộ. Ông phụ trách tổ điều tra ở liên khu 3, liên khu 10 biên giới phía Bắc. Rồi cùng vợ lên Lào Cai mở quán cà phê Biên Thùy để theo dõi buôn bán lậu qua biên giới. Ông kết nghĩa anh em với Vua Mèo: Vương Chí Sình, cùng Nông Vĩnh Xương, Hoàng A Tưởng để giác ngộ các Thổ ty về đoàn kết dân tộc.

Và tháng 3 năm 1948, nhạc sỹ Văn Cao được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương tại chiến khu Việt Bắc. Được nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (1983), giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt đầu (1996), được Truy tặng huân chương Hồ Chí Minh. Và cả gia đình ông đã trao tặng nhạc phẩm: Tiến Quân Ca (Quốc ca Việt Nam) cho Đảng, nhà nước và toàn thể nhân dân Việt Nam. “Tiến quân ca”, linh hồn dân tộc, vang lên trầm hùng, cùng quốc kỳ, cờ đỏ sao vàng, tung bay lộng gió trên bầu trời Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.

Nhạc sỹ Văn Cao, người xuất chúng, con chim đầu đàn của nền âm nhạc nước nhà. Tài năng và chiến công của ông đã ghi vào lịch sử. “Tiến quân ca” cùng tài sản nghệ thuật vô giá của ông để lại cho đời, sống mãi với thời gian, đi cùng năm tháng. Nhạc sỹ Văn Cao cũng như bao số kiếp sống trên đời, ông thanh thản, nhẹ nhàng đi theo quy luật “Sinh-Lão-Bệnh-Tử”... Vào một ngày đẹp trời đầu thu mồng 10 tháng 7 năm 1995, ông về với cõi “Người Hiền”, một không gian hư ảo, thanh tịnh mà Lưu

- Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên ở chốn bồng lai, tiên cảnh, có những trái đào tiên thơm ngon, mát lành, hấp dẫn của vũ trụ bao la, cùng với thiên thu trong khúc đàn chơi vơi, mà chính ông vẽ bằng âm nhạc trong nhạc phẩm “Thiên Thai” của mình./.

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội