Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Hải Hậu - Sáng trong một vùng văn hoá
Bài dự thi giải "Búa Liềm Vàng" lần thứ VIII 2023

MAI TIẾN NGHỊ

Tôi đã được đi nhiều nơi trên đất nước, ở đâu cũng thấy đẹp, thấy vui. Nhưng trong lúc hưởng cái đẹp, cái vui của xứ người, nơi này nơi khác vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đó của quê hương Hải Hậu. Tự bảo mình rằng Hải Hậu là nơi chôn rau cắt rốn, nơi nuôi dưỡng mình khôn lớn trưởng thành nên mình quen với thung thổ, quen tập quán nên đến chỗ lạ thì thấy vắng thiếu. Thế thôi chứ chẳng có gì lạ.

Nhưng rất nhiều bạn bè văn nghệ sĩ của tôi từ trong Nam ngoài Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược và cả ở nước ngoài đến chơi thăm Hải Hậu lại tấm tắc: Hải Hậu đẹp, Hải Hậu giàu, Hải Hậu văn minh. Có người còn khẳng định Hải Hậu là vùng quê đáng sống. Thú thực lúc đầu nghe những lời khen như vậy cũng hơi ngạc nhiên. Hay là tại mình đã quen, hay là Hải Hậu có được những thứ mà các nơi khác không có: đất đai bằng phẳng phì nhiêu, chả bao giờ hạn hán cháy đồng và cũng chưa thấy úng lụt ngập nhà ngập cửa. Ngẫm cho kỹ thì đấy là do địa thế được thiên nhiên ưu ái nhưng các bạn tôi đâu biết mấy trăm năm cụ kỵ cha ông chúng tôi trằn lưng đầu đội tay bê từng hòn đất quai đê lấn biển. Và bây giờ nhà cao cửa rộng kiên cố nhưng cũng là để chống chọi với những cơn bão khủng khiếp mưa rừng bão biển. Và hơn nửa hơn nửa thế kỷ người Hải Hậu đứng đầu sóng ngọn gió căng mình cùng cả nước chống giặc ngoại xâm. Vất vả trăm bề để có một cơ ngơi như hôm nay. Lại nữa Hải Hậu quê tôi dẫu rằng tận xứ biển bùn bãi quê mùa nhưng 4 lần được tặng danh hiệu Anh hùng, huyện đầu tiên trong cả nước được công nhận là huyện đạt chuẩn “Nông thôn mới”. Kỳ tích mà đã mấy địa phương cấp huyện có được.

Ngẫm kỹ thêm chút nữa, vậy điều gì là gốc gác, là cơ sở bền vững để có ngày hôm nay? Và tôi chợt vỡ ra một điều hết sức căn cơ là văn hoá của người Hải Hậu. Ở đây không dám hàn lâm bàn văn hoá là gì nhưng tôi biết rằng những giá trị kết quả sản phẩm tinh thần vật chất của hơn 500 năm đã hội tụ nuôi dưỡng và đặc biệt những giá trị ấy còn được phát triển đến đỉnh cao trong hôm nay và đã được cả nước tôn vinh là huyện lá cờ đầu văn hoá hơn bốn chục năm qua. Tin rằng sẽ tiếp tục cả trong nhiều năm tới.

Điều gì làm nên văn hoá ấy và vì sao nó vẫn phát huy mà cụ thể hơn bốn chục năm đã qua Hải Hậu vẫn duy trì lá cờ đầu của cả nước.

Điều đầu tiên mà tôi nghĩ đến là truyền thống hàng mấy trăm năm người Hải Hậu luôn tâm niệm và nằm lòng gìn giữ: “Nếp nhà nhân hậu. Phúc, Đức, Cần, Kiệm. Mây sáng trời trong. Con cháu thảo hiền”. Chẳng khoa trương rao giảng, chẳng ghi dấu từ chương nhưng trong nhà, trong họ thì cha ông làm gương cho con cháu, người lớn làm gương cho trẻ nhỏ... cứ vậy mà sống, cứ vậy mà hành động. Từ nếp nhà ra nếp xóm làng rồi ra cả cộng đồng... cứ thế lưu truyền. Để đời nối đời hàng trăm năm mấy chữ vua ban “Mỹ tục khả phong”, “Thiện tục khả phong” cho vùng quê Hải Hậu vẫn giữ nguyên ánh vàng lấp lánh. Từ xửa từ xưa cha ông chúng tôi đã từng gạt nước mắt từ bỏ quê hương bản quán để đến vùng lăn lác bãi bồi lấn biển mở đất nên thấu hiểu hơn bao giờ hết nghĩa đồng bào. Trong buổi khốn khó lạ nước lạ cái tưởng sẩy nhà ra thất nghiệp thì được những người cùng cảnh cưu mang đùm bọc. Vậy nên nhà nhà gắn bó, lập thành làng ấp. Trong làng cũng chia phe chia giáp để chung lưng đấu cật dựng nhà dựng cửa, làng với làng thiện giao hỗ trợ... lấy chữ hoà làm trọng để cùng nhau đoàn kết chống chọi với thiên tai địch hoạ. Có lẽ vì vậy mà nhân tố đoàn kết trở thành sức mạnh để người Hải Hậu vươn lên. Dẫu rằng 135 năm trước Hải Hậu được lập nên bởi 4 tổng thuộc hai huyện với đặc điểm cư dân khác nhau về âm sắc tiếng nói, khác nhau tập quán lao động sản xuất và sinh hoạt nhưng nhanh chóng hoà nhập để đến nay tất cả nói chung một giọng, chung tập quán, chung cách đối nhân xử thế. Rồi những năm 80 Hải Hậu nhập thêm 7 xã miền Trực, vẫn truyền thống ấy người Hải Hậu vẫn gắn bó chẳng kể gì mới cũ. Cho đến giờ khi đã trả 7 xã cho Trực Ninh thì vẫn trọn vẹn nghĩa tình đi lại như chưa hề có chuyện tách nhập hành chính. Có lẽ chưa bao giờ như bây giờ mối đoàn kết lương giáo lại gắn bó đến thế. Những ngày lễ hội của Thiên Chúa giáo thành lễ hội chung của mọi người không kể đạo đời. Giáo dân ủng hộ xây dựng chùa chiền đền miếu, có người ủng hộ hàng trăm triệu đồng. Những ngày lễ trọng các bên cạnh màu áo trắng của linh mục là sắc vàng thân thuộc của các tăng ni. Thiên Chúa giáo “sống phúc âm trong lòng dân tộc” còn Phật giáo cũng lấy khẩu hiệu “Đạo pháp - Dân tộc” để có chung tiếng nói, sát cánh bên nhau xây dựng quê hương. Xóm làng chẳng còn tiếng to tiếng nhỏ, tuổi nào cũng có câu lạc bộ sân chơi của mình. Kế thừa bản sắc , giữ gìn truyền thống nhưng người Hải Hậu không bảo thủ và nhanh chóng tiếp thu cái mới tiên tiến để làm giàu truyền thống “Mỹ tục khả phong”. Ngày xưa huyện này hợp thành từ hai vùng đất có tập quán sinh hoạt lao động với những công cụ sản xuất rất khác nhau thì nay đã hoà đồng. Cái gì hay thì ta giữ, cái gì chưa tiện lợi thì bỏ. Nghi lễ sinh hoạt cộng đồng cũng vậy: Những thứ rườm rà thì lược bỏ, những cái thiết thực phù hợp được thêm vào. Ngay như việc “ăn cỗ lấy phần” cũng một thời người ta phê phán. Thực ra đây là nét đẹp mang tính nhân văn phù hợp đạo lý của người Việt chứ không phải là hủ tục. Quê nghèo, người dân lam lũ cả năm cơm rau mắm mặn, ngày tết mới có miếng thịt thì cái sự người đi ăn cỗ mang về cho bố mẹ già, mang về cho con nhỏ miếng giò miếng chả là hành động đẹp đấy chứ. Nhưng ngày nay đời sống đã được nâng lên, bữa ăn thường cũng có cá thịt thì cái nét văn hoá truyền thống ấy không còn phù hợp. Và cả huyện thực hiện một cuộc vận động bỏ luôn chả ai băn khoăn phàn nàn gì cả.

Cần cù lao động, tiết kiệm trong sinh hoạt là truyền thống từ xưa của người Hải Hậu. Dẫu rằng kinh tế ngày một khấm khá hơn nhưng người Hải Hậu chưa bao giờ thoả mãn mà tiếp tục phấn đấu vươn lên để giàu hơn nữa. Họ sáng tạo dám nghĩ dám làm, tự tạo ra thương hiệu nổi tiếng toàn quốc. Trồng lúa thì chọn giống đặc sản, làm nghề thì chọn nghề tinh. Thương hiệu gạo tám thơm Hải Hậu, bánh nhãn Đông Cường, Đồ gỗ Hải Minh, Cổng đúc Hải Vân đã nổi tiếng toàn quốc. Như là niềm tự hào của người Hải Hậu.

Người Hải Hậu vốn quen trước biển nên ăn to nói lớn. Tiếng nói át tiếng sóng tiếng gió biển và làn da nâu sạm vì nắng biển và muối mặn. Nhưng tấm tình cởi mở, điệu cười sảng khoái, giọng nói oang oang.. khách đến thăm hỏi gì thì thật thà bộc bạch chẳng cần rào trước đón sau. Ấy vậy nên thường bị chê là nói ngọng. Thực ra từ khi sinh ra rồi học bò học đi học nói con người ta trưởng thành trong môi trường thì sản phẩm giọng nói có lẫn lộn l với n, s với x là kết quả tất nhiên. Chỉ khi đi ra ngoài va chạm với xã hội mới nhận ra cái sự ngọng nghịu. Để rồi dần dần khắc phục.

Riêng về cái sự học thì Hải Hậu và cả vùng đất Nam Định tự hào đứng đầu cả nước. Ngày xưa vất vả trăm bề mà hàng chục ông Nghè ông Cống được vinh danh. Cho đến giờ thì gần như nhà nào cũng có người đạt trình độ cử nhân đại học. Đỗ đạt rồi thì toả đi khắp nơi làm ăn và phát tâm góp công sức tiền của với cha mẹ họ hàng và người ở quê xây dựng nông thôn mới. Về Hải Hậu bây giờ đường trải atphan nhựa phẳng lỳ từ quốc lộ vào đến tận đường dong ngõ xóm. Nhà cao tầng mọc lên như phố, tiện nghi sinh hoạt chả kém gì thành phố. Có được thành quả như hôm nay là do người Hải Hậu biết và dám đầu tư cho giáo dục. Là huyện đầu tiên của Tỉnh có 100% số trường đạt Chuẩn quốc gia, là huyện có tỷ lệ học sinh vào Đại học cao nhất tỉnh và cả nước. Và sự đầu tư ấy đã đem lại thành quả xứng đáng.

Ngẫm nghĩ và tôi chợt nhận ra kỳ tích của Hải Hậu đó là hơn 40 năm lá cờ đầu về văn hoá cấp huyện. Duy trì vị trí đứng đầu của cả nước gần nửa thế kỷ không phải là chuyện đơn giản vì các huyện trong cả nước người ta cũng đang bứt phá đi lên. Rõ ràng nếu Hải Hậu không tiếp tục đổi mới phát triển thì chắc chỉ dăm năm sẽ không còn đứng ở vị thế lá cờ đầu toàn quốc. Qua đó thì nhận ra rằng bên cạnh cái truyền thống hết sức căn cơ của người Hải Hậu từ dăm trăm năm trước: “Nếp nhà nhân hậu. Phúc, Đức , Cần, Kiệm. Mây sáng trời trong. Con cháu thảo hiền” thì sự lãnh đạo của Huyện uỷ, Uỷ ban Nhân dân huyện và các ngành các cấp là rất quan trọng. Mà cái hay là: sự lãnh đạo chỉ đạo này không bằng mệnh lệnh mà bằng các cuộc vận động. Các cấp Đảng Chính quyền ở Hải Hậu để dân được tự giác xây dựng hương ước làng xóm và rồi họ tự giác thực hiện. Chả cần ép buộc hay dùng biện pháp hành chính đao to búa lớn. Chính quyền nếu thấy có biểu hiện khác biệt thì các ban ngành vận động để vào đúng chuẩn mực nền nếp truyền thống. Nhẹ nhàng mà hiệu quả. Âu cũng là bài học sáng giá của Hải Hậu đó là thực sự để dân biết dân làm dân kiểm tra và dân hưởng thành quả. Đó cũng là một điểm sáng trong văn hoá lãnh đạo của Đảng Chính quyền huyện Hải Hậu suốt gần nửa thế kỷ qua.

Chặng đường tới bên cạnh những thuận lợi là những thành công đã có thì Đảng Bộ và Nhân dân huyện Hải Hậu đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Việc sáp nhập, tách chia một số đơn vị hành chính cấp xã kéo theo nhiều vấn đề lớn phải giải quyết. Nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng với truyền thống của nhân dân, với Văn hoá lãnh đạo của Đảng Chính quyền Hải Hậu thì các việc lớn sẽ hoàn thành để Hải Hậu nhanh chóng ổn định và phát triển.

135 năm thành lập huyện, 4 lần anh hùng, huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước và Lá cờ đầu Văn hoá của cả nước gần nửa thế kỷ. Đó là niềm tự hào của người Hải Hậu. Điều đó tiếp sức cho Đảng bộ và Nhân dân huyện Hải Hậu tiếp tục phát triển đi lên để đạt được những kỳ tích mới.

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội