Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đảng bộ Hải Hậu trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
Bài dự thi giải "Búa Liềm Vàng" lần thứ VIII 2023

Hải Hậu Anh hùng là mảnh đất truyền thống văn hóa. Khi Quần Anh đầu tiên ra đời (1511) đã nổi tiếng là đất “Quần Anh văn vật”.

Dưới triều Nguyễn, năm 1862 được triều đình phong sắc “Thiện tục khả phong”, “Mỹ tục khả phong”. Có thể khẳng định, hơn 500 năm trước từ văn hóa Tứ tính cửu tộc, bồi đắp nên “Nếp nhà nhân hậu, phúc đức cần kiệm, mây sáng trời trong, con cháu thảo hiền”, nguồn mạch ấy đã được khơi thông không ngừng nghỉ. Từ khi có Đảng, mảnh đất kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió này luôn phát huy truyền thống, ghi đậm dấu son trong lịch sử đấu tranh với thiên tai, địch họa để làm nên Hải Hậu trù phú hôm nay.

Năm 1978, Hải Hậu được phát hiện là một hiện tượng văn hóa. Năm 1988, Bộ Văn hóa - Thông tin mở hội nghị 10 năm phát triển sự nghiệp văn hóa thông tin huyện Hải Hậu dành cho các tỉnh phía Bắc về công tác văn hóa phục vụ nghị quyết X của Bộ chính trị. Đồng chí Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh về thăm (5-1988) đã nhận xét: “Sự nghiệp văn hóa , giáo dục y tế, thể dục thể thao không ngừng phát triển. Ngành văn hóa thông tin 10 năm liền là lá cờ đầu văn hóa thông tin cấp huyện cả nước, như vậy là tốt”.

Năm 1988, Bộ Văn hóa tiếp tục tổng kết 20 năm văn hóa Hải Hậu, phát động phong trào cả nước học tập và thi đua với Hải Hậu. Liên tục 43 năm liền (1978- 2023) Hải Hậu được Bộ Văn hóa - Thông tin trao cờ dẫn đầu cả nước về Văn hóa

- Thông tin. Bầu bạn trìu mến tặng cho những cái tên đáng tự hào: Hải Hậu lạ lùng văn hóa vùng xa, Hải Hậu miền quê Văn hóa, Hải Hậu hòn đảo nổi, Hải Hậu vùng biển sáng, Hải Hậu miền quê đáng sống, Hải Hậu rực sáng một vùng quê, Hải Hậu Anh hùng văn hóa...

Đảng bộ và nhân dân Hải Hậu phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước liên tục nỗ lực phấn đấu không ngừng, nhất là từ khi có Nghị quyết V của BCH, TW Khóa 8 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” ra sức phát huy những giá trị truyền thống văn hóa cách mạng, xây dựng huyện giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, trở thành “Vùng biển sáng” của cả nước.

Xây dựng đời sống văn hóa hướng thẳng xuống cơ sở Cấp ủy Đảng từ huyện đến xã, luôn nhận thức tầm nhìn chiến lược của Đảng trong việc xây dựng nhiệm vụ văn hóa một cách toàn diện, lâu dài, vững chắc ngay từ cơ sở, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, là trung tâm đóng vai trò điều tiết xã hội nhằm xây dựng xã mạnh, huyện mạnh.

Hiện Hải Hậu có dân số 30 vạn. Có 36 ngôi chùa, 40 ngôi đền, 11 ngôi đình, trên 1.000 ngôi từ đường dòng họ, trong đó có 7 di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận. 142 nhà thờ xứ và nhà thờ họ là nơi sinh hoạt tôn giáo của gần 40% dân số. Tất cả 31 xã, ba thị trấn đều có nhà văn hóa trung tâm từ 300 ghế trở lên, trên 500 câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật sinh hoạt ở nhà văn hóa xóm, tổ dân phố toàn huyện. Huyện có tới 73 đội kèn đồng nam, nữ mỗi đội có từ 30 - 50 cây kèn với khoảng 2.800 nhạc công, 45 đội nhạc dân tộc với trên 1.000 nhạc công, 110 đội trống và trắc, 460 tổ đội văn nghệ trong các xóm, trường học, cơ quan với 800 hạt nhân văn nghệ. Với trên 200 tác giả hoạt động nhiếp ảnh, hội họa, hàng chục câu lạc bộ thơ ca. 100% các xã có đội bóng chuyền nam, nữ. 100% các xóm có câu lạc bộ dưỡng sinh người cao tuổi, các tổ chức đoàn thể. 100% các xã, thị trấn có hệ thống tiếp âm đài phát thanh truyền hình huyện, thực hiện cho hệ thống loa truyền thanh xuống tận 100% khu dân cư, 95% các gia đình có tivi và ra đi ô để nghe tin và thưởng thức văn hóa nghệ thuật. 100% các xóm có tủ sách với hàng trăm đầu sách, có tăng âm loa đài hệ thống ánh sáng, bàn ghế, sân bóng phục vụ sinh hoạt tại nhà văn hóa.

Tổng số những di tích kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, cơ sở vật chất thiết chế văn hóa này đều nằm ở khu dân cư thôn xóm do cấp ủy, chính quyền các xã thị trấn quản lý, tổ chức điều hành, duy trì hoạt động ở các xóm ngay từ khi còn cơ chế kinh tế bao cấp nay được nâng cấp, bổ sung hoàn thiện, làm mới từ 90 % kinh phí nhân dân đóng góp.

Hải Hậu là huyện đầu tiên của tỉnh Nam Định xây dựng Đền liệt sỹ, tưởng nhớ 4.630 liệt sỹ trên 100 mẹ Việt Nam Anh hùng đã qua đời. Điểm mạnh của Hải Hậu là công tác giáo dục và phát huy truyền thống văn hóa cách mạng, yêu quê hương đất nước, củng cố và tăng cường ý thức cộng đồng.

Văn hóa góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, bộ mặt sinh hoạt và cảnh quan nông thôn. Nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nông thôn là kết quả tổng hợp của sự phát triển kinh tế, nâng cao mức sống và đẩy mạnh hoạt động văn hóa. Hải Hậu là huyện đầu tiên của tỉnh Nam Định đạt năng suất 5 tấn thóc trên ha và cũng là huyện đầu tiên chinh phục đỉnh cao 10 tấn/ha và nay đã đạt trên 100 triệu giá trị. Bốn tiêu chuẩn xuống cơ sở nơi nào ta cũng bắt gặp: Đẹp đồng ruộng, đẹp xóm làng, đẹp gia đình, đẹp con người. 100% người dân được dùng điện, nước sạch, hố xí hợp vệ sinh, 100% các trường học đã cao tầng hóa và chuẩn hóa, trạm y tế kiên cố. Điện, đường, trường, trạm, chợ 80 % kinh phí huy động từ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ. Hải Hậu chưa thực sự giàu có về kinh tế nhưng cấp ủy các cấp của Hải Hậu nhận thức sâu sắc rằng; đầu tư xây dựng đời sống văn hóa phải hướng thẳng xuống khu dân cư vào các dòng tộc và gia đình mới phát huy được tính tự giác, phấn đấu thi đua, mới trở thành nền tảng vững chắc sâu rộng toàn diện. Người dân tham gia xây dựng văn hóa cộng đồng làng xóm đã góp phần rất to lớn vào quá trình xây dựng nhân cách con người, tạo nên nếp sống văn hóa lương

- giáo đoàn kết, đẹp đời tốt đạo. Nhân dân cùng thờ chung Tứ Tổ, cùng viếng thăm Đền thờ Bác Hồ và các liệt sỹ, cùng tham quan bảo tàng, thư viện văn hóa và trực tiếp tham gia vào hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, các câu lạc bộ dành cho các đoàn thể, các lứa tuổi. Do vậy các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè bê tha, trộm cắp, mê tín dị đoan, nghiện hút, hành hung vi phạm trật tự công cộng... bị phê bình ngay từ dòng tộc, gia đình nên giảm đáng kể ngay từ khu dân cư góp phần ổn định chính trị và an ninh nông thôn.

Trong những năm qua, từ huyện xuống xã, các lớp lãnh đạo đã thường xuyên chăm lo phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, đề ra các chế độ, chính sách khuyến khích động viên về tinh thần vật chất cho lực lượng làm văn hóa - thông tin và thể dục thể thao. Do vậy, toàn huyện đã tổ chức và hình thành một lực lượng làm văn hóa chuyên nghiệp và hùng hậu. Phòng văn thể và nhà văn hóa huyện có 80 % nhân viên có trình độ đại học còn lại là trung cấp. 100% xã thị trấn đều có cán bộ văn hóa hàng năm được tập huấn nghiệp vụ chuyên môn làm công tác quản lý và vận hành kỹ thuật cho hoạt động văn hóa thông tin.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, các chương trình hoạt động của các tổ chức đoàn thể đã góp phần quan trọng vào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thông qua các phong trào: “Người công giáo thi đua xây dựng bảo vệ Tổ quốc” của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc; “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” của Hội Liên hiệp phụ nữ; “Qũy hội viên nghèo gặp khó” của Hội Cựu chiến binh; “Xây dựng điểm sáng biên phòng” của Hội nông dân; “Làm nghìn việc tốt, xây dựng quỹ vì bạn nghèo vượt khó” của Đội Thiếu niên tiền phong, “Tuổi trẻ vì ngày mai lập nghiệp” của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh... Các phong trào này liên tục phát động, lôi cuốn hàng vạn, đảng viên, đoàn viên, hội viên, tín đồ tham gia, tạo ra một đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú. Đến nay Hải Hậu đã có 100% các xóm, tổ dân phố xây dựng được hương ước quy ước văn hóa, 100% số gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và đi vào thực hiện. Mọi thuần phong mỹ tục được chọn lọc, khơi dậy phát huy, mọi đồi phong bại tục bị lên án, xóa bỏ nhất là trong việc cưới việc tang, mừng tân gia, lễ hội hàng năm.

Kết quả từ một lễ hội truyền thống văn hóa hàng năm

Ngày hội văn hóa truyền thống cách mạng được tổ chức từ năm 1984 đúng dịp Quốc khánh 2-9 hàng năm, có năm lên tới trên 40 ngàn người tại trung tâm văn hóa Hải Hậu. Hàng chục đội bóng chuyền nam, nữ thi đấu giải trước hội đã diễn ra sôi nổi cả tuần, những pha bóng uy lực, đầy ngẫu hứng, bất ngờ, và đẳng cấp, nhà thi đấu như vỡ ra với hàng ngàn khán giả cổ vũ.

Ngay từ tối mồng 1-9, hàng chục ngàn người tấp nập chảy về trung tâm huyện xem bắn pháo hoa, các tiết mục ca múa nhạc ngay sảnh lớn nhà văn hóa.

Sáng 2- 9, sau lễ chào cờ, là dàn kèn đồng cử Quốc ca cho lễ khai mạc. Đài lửa truyền thống được các vận động viên rước từ Đền liệt sỹ đã rừng rực cháy trước lễ đài. Hàng trăm vận động viên đồng phục tay dương cao hồng cờ dẫn 500 cháu học sinh nam nữ dàn hàng biến hóa theo nhạc điệu cho màn đồng diễn xếp chữ. Đội trống cà rùng có trống sấm kéo xe do một vũ công chỉ huy giữ nhịp cho hàng mấy chục quả trống to nhỏ trong dàn hòa âm. Đội kèn đồng các xã là sự cuốn hút đông hơn cả. Có năm về hội thi 14 đội kèn đồng với gần 400 nhạc công. Ngoài phục vụ thánh lễ nhà thờ, các đội kèn còn phục vụ hội diễn văn nghệ, đám hiếu, phục vụ đại hội, khai mạc bầu cử ở cơ sở. Ngắm những cây kèn sang trọng như công tobat, broton, cron trumpets, taylo đặc biệt những cây saxophone mà chị em chơi trong dàn nhạc với hành khúc: Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Tiến bước dưới quân kỳ, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng... mà lòng người rạo rực. Nhà văn hóa lộng lẫy với trên 1.000 ghế luôn hết chỗ. Nhà thi đấu thể thao sức chứa trên 3.000 khán giả, sân bóng đá, sân ten nít, cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, tổ tôm điếm, bể bơi, hồ bơi, các đội thuyền bơi chải, sân đồng diễn thể dục, kéo co, múa sư tử, đi cà kheo, sới vật, nhà truyền thống, bảo tàng... trong quần thể trung tâm thể thao có sức chứa lên đến hàng vạn diễn viên, vận động viên về thi thố tài năng và khán giả thưởng thức nghệ thuật trong ngày lễ hội.

Khách về dự cứ ngỡ: “Cây nhà lá vườn” “Mẹ hát, con khen hay”. Nào ngờ, sau những tràng pháo tay sôi lên không dứt, những trích đoạn chèo, tiểu phẩm, độc tấu nhạc dân tộc... tự biên tự diễn xuất sắc người ta mới thấy sự lúng túng cho điểm của ban giám khảo được mời về từ Sở Văn hóa Thông tin tỉnh. Ít người hiểu rằng; dưới ánh đèn sân khấu rực rỡ kia, các diễn viên mới hôm qua họ còn là nông dân thực thụ ngoài đồng, tối về trong ca đoàn nhà thờ hát thánh ca, những vị chân tu bỗng trở thành nhạc sỹ, diễn viên, nhà tài trợ. Linh mục Nguyễn Đức Dung xứ Liên Phú, tự sáng tác ca khúc Hát về trường Hải Tây cho ca đoàn nhà thờ đem về hội diễn. Đại đức Thích Thanh Trường chùa thị trấn Cồn về hội diễn với giọng chèo mượt mà quyến rũ. Đại đức Thích Thanh Cần chùa Quế Phương Hải Tây tài trợ cho đội bóng chuyền nam, chuyền hơi nữ hàng chục triệu đồng. Câu lạc bộ thơ Quần Phương Hải Hậu đã cống hiến những tác phẩm thơ lay động hồn người...

Ở Hải Hậu không còn tính sáo mòn của “cờ đèn kèn trống” xưa, mà ta đã bắt gặp tính sáng tạo, tính chuyên nghiệp cao, người dân có quyền được hưởng những nhu cầu sáng tạo tinh hoa văn hóa nghệ thuật không phải miền quê nào cũng chạm tới. Đây là kết quả của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” làm động lực cho cuộc vận động lớn: “Chung tay xây dựng nông thôn mới” mà Hải Hậu là huyện đầu tiên được Chính phủ công nhận tiêu chí huyện nông thôn mới của cả nước.

Hải Hậu biết đặt văn hóa ngang tầm với các nhiệm vụ quan trọng khác như phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, rút ngắn khoảng cách hưởng thụ đời sống tinh thần vật chất với các đô thị. Khẩu hiệu đường có hoa, nhà như phố, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nông dân đồng thuận không còn là khẩu hiệu nữa mà nó là hiện thực đang tươi da thắm thịt trên con đường hướng tới văn minh giàu đẹp. Không biết nghỉ ngơi, vui chơi, hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật là không biết làm việc. Điều độc đáo của Hải Hậu là quần chúng biết đoàn kết lương giáo để huy động nhân tài vật lực hùng hậu tại chỗ để tự sáng tạo ra văn hóa và hưởng thụ mà không phụ thuộc vào cơ chế xin cho. Từ văn hóa lại tác động vào lao động sản xuất phát triển kinh tế, từ kinh tế lại đầu tư cho văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất ngày càng bền đẹp theo hướng hiện đại.

Vai trò hạt nhân lãnh đạo của cấp ủy Đảng.

Từ thực tiễn nhiều năm xây dựng phong trào văn hóa ở Hải Hậu có thể khẳng định: Cán bộ nào phong trào ấy, đảng viên đi trước làng nước theo sau, lãnh đạo là cái gốc của mọi công việc mà Đảng tổng kết nhiều năm vẫn còn nguyên giá trị. Ở nơi nào tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, cán bộ đảng viên gương mẫu thì ở đó phong trào các mặt phát triển mạnh và ngược lại. Vì vậy ở Hải Hậu các thế hệ cấp ủy nối tiếp các nhiệm kỳ từ huyện xuống xã luôn chăm lo đến năng lực phẩm chất của cấp ủy đảng, từ đó triển khai rộng ra cả chi bộ và vai trò đảng viên, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, đó cũng chính là biểu hiện của văn hóa trong sinh hoạt Đảng. Mỗi nhiệm kỳ Đại hội ít nhất có 1 nghị quyết chuyên đề về xây dựng văn hóa. Trong xây dựng Đảng ở Hải Hậu, các chỉ tiêu văn hóa được xác định để xem xét công nhận tổ chức Đảng vững mạnh, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ ngang với các tiêu chuẩn khác.

Văn hóa chữ, văn hóa đồng ruộng, văn hóa giao thông, văn hóa hội họp, văn hóa công sở, văn hóa ứng xử giao tiếp, văn hóa tâm linh, văn hóa nhà thờ nhà chùa...đã tương đồng hòa nhập vào văn hóa xã hội như trăm sông đổ về một biển, có phải chăng một phần quan trọng bắt nguồn từ văn hóa Đảng. 

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội