Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Thời chinh chiến

           Văn Nhân tháng 3+4/2023

           Truyện ngắn

          Trương Ngọc Hùng

          Phát thanh viên Đài truyền hình Việt Nam vừa kết thúc bản tin ngắn về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đối với Ucraina thì màn hình điện thoại lóe sáng: “Họp đột xuất, địa điểm, thời gian như cũ”. Ối giời, họp với chả hành, ai còn cần đến loại đầu 7 đít chơi vơi này nữa mà thường kỳ với đột xuất, chẳng qua là thói quen không sửa được của dân suốt đời công chức dù đã rời nghiệp cả chục năm, vẫn không bỏ được cái tội bù khú, ăn uống, cà phê, cà pháo vẫn gọi là “họp”.

          Nhác thấy nhóm, chủ quán lẳng lặng xếp chiếc bàn tròn kê dưới rặng cây sát bên hồ. Ở đấy, như khoảng trời riêng cách biệt với  xung quanh, có thể vô tư bàn tán và ngồi bao lâu tùy thích. Chưa kịp ngồi xuống ghế, Xuân “nổ” đã oang oang:

          - Nga “oánh” Ucren rồi. Chiến dịch chiến dẽo cái phải gió.

          - Ấy! Hạ hỏa, hạ hỏa. Giả dụ thế này: Một kẻ được coi là mạnh nhất nhì thiên hạ bị thằng hàng xóm dặt dẹo, dựa vào đám lưu manh lúc nào cũng nhăm nhăm gí dao vào sườn. Nói nhẹ không nghe, đe nẹt không sợ, liệu có chịu nổi không? Không chứ gì, vậy phải dằn mặt thôi.- Một sỹ quan quân đội nghỉ hưu đã từng theo học ở Liên Xô vặn lại.

          - Cũng đúng, nhưng ở đâu có kiểu hơi tý là động chân động tay, rồi sẽ phải đương đầu với cả thế giới phương Tây thôi.

          - Chả làm gì được hết. Thằng Mỹ và cả khối Nato đánh tan nát Apgaxtan, I Rắc, Li Bi, Nam Tư, có ai làm gì được nó đâu. Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh.

          Tôi không tham gia vào cuộc tranh luận khó có hồi kết ấy vì bận mải nhớ về thành phố Kiep nằm bên bờ sông Đơ nhép đẹp mê hồn...

          Hồi ấy, khi đang làm trắc thủ góc tà của đoàn tên lửa Quang Trung thì được lệnh tập trung học ngoại ngữ, chuẩn bị đi học Liên Xô. Khóa học tập trung thông thường phải một năm, nhưng tình hình chiến sự rất căng nên rút xuống 6 tháng. Sáu tháng xoay trần ra học, dù có cố đến mấy cũng chỉ dừng ở chỗ nghe bập bõm, nói ngọng nghịu. Tuy nhiên chưa ai thấy hết những khó khăn do rào cản ngôn ngữ mà hừng hực khí thế, luôn tâm niệm: “Chả có gì không làm được, không có gì cản được những người lính”. Sang đến nơi, bắt tay vào học mới thấm, vốn ngoại ngữ nghèo nàn chưa đủ giao tiếp thông thường giờ phải tiếp thu lượng kiến thức đồ sộ về chuyên ngành thật khó như “tìm đường lên trời”. Nhiều chuyện dở khóc dở cười, thầy nói một đàng, trò hiểu một nẻo xảy ra như cơm bữa. Thầy thông cảm, nhưng yêu cầu về nhiệm vụ không thể châm chước nên tối tối bò ra tra từ điển kết hợp với phần tiếp thu trên lớp cộng với tài liệu cũng chỉ hiểu lõm bõm.

          - Ngôn ngữ không phải vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều, không phải cứ chăm chỉ là được mà phải nghe nhiều, nói nhiều, tiếp xúc nhiều. Hãy tìm lấy một người đàn bà. Hãy yêu đi, cuộc sống sẽ thú vị hơn, sẽ gắn bó với mảnh đất con người nơi này hơn và sẽ học được nhiều hơn, điều mà không trường lớp nào dạy được.- Thầy giáo nói.

           Bọn tôi ngỡ ngàng vì điều này trái với quán triệt của đoàn: “Đất nước đang có chiến tranh, mọi người hãy tập trung vào học, tuyệt đối cấm quan hệ trai gái, đặc biệt với người nước ngoài”. Lời khuyên của thầy là cái cớ để chúng tôi “lách” bằng chiêu trò: “Đi học thực tế” nghĩa là ai cũng có một người con gái của riêng mình, đó là khóa học thực tế thú vị nhất, một trải nghiệm tuyệt vời nhất. Cô gái của tôi là sinh viên Đại học Quốc gia Kiép, xinh đẹp và lãng mạn. Những lúc cùng nhau đi dạo trên bờ sông hoặc vào khu rừng ngoại ô thành phố tôi thường thì thào: “Con gái Liên Xô đẹp nhất Thế giới”. Nàng chỉnh lại: “Con gái Ucren chứ”. Tôi và không chỉ tôi mà tất cả những du học sinh Quân sự không phân biệt rạch ròi như thế, dù người Nga, người Ucraina hoặc Belarut đều gọi chung một từ trìu mến: “Nga ngố”, xuất phát từ tính tình hiền lành, nhân hậu của họ. Tôi mê mẩn cùng nàng mỗi ngày chủ nhật. Khu rừng xanh mơn mởn lúc xuân sang, đỏ rực, vàng ươm khi mùa thu tới, trắng xóa khi đông về. Và những người con gái má đỏ hây hây như trái táo chín cây. Tình cảm của chúng tôi ngày một lớn lên cùng với vốn ngoại ngữ được cải thiện, chúng tôi không còn ngơ ngác như ngày đầu nữa dù lượng kiến thức về kỹ thuật tên lửa luôn là thử thách với tất cả mọi người. Chương trình học rất căng, lại bị sức ép về thời gian nên gần như trong tuần không có suy nghĩ nào khác ngoài học. Do vậy, ngày nghỉ cuối tuần luôn là tuyệt vời nhất, là khoảng thời gian chúng tôi dành cho nhau. Chúng tôi tận dụng tối đa để cùng nhau.

          - Anh muốn được một lần đi trong tuyết. Vì có thể sẽ không có thêm một lần nào nữa.- Tôi nói, nhìn ra ngoài trời, tuyết đang phun mù mịt.

          Nàng ngần ngừ, rồi khoác áo. Không ai dại gì dầm mình trong thời tiết khắc nghiệt của mùa đông xứ lạnh. “Nàng đi vì chiều tôi”. Chúng tôi dìu nhau đi trong tuyết, mênh mông, trắng xóa, lặng vắng. Nàng nhỏ bé trước không gian, tôi bế nàng như bồng trẻ nhỏ, nàng quàng tay qua cổ tôi, hôn lên môi tôi, cái hôn đầu tiên nồng nàn đằm thắm. Tôi mê dại đắm chìm trong nụ hôn đầu đời ấy. Chuyện không có gì nếu tôi không phũ phàng đặt nàng xuống và quay người đi như chạy trở về, đơn giản là tôi sợ, sợ ai đó bắt gặp, sợ bị đuổi về nước, sợ bị kỷ luật vì vi phạm quy chế. Hành động đó ở Việt Nam có thể được châm chước vì lý do nào đấy nhưng ở Liên Xô như thế bị coi là khinh người, là không thể được tha thứ. Đó là sự cố ngoài ý muốn, xuất phát từ bản năng và môi trường công tác. Nghiệt ngã hơn, tôi không còn dịp sửa sai vì khóa học kết thúc sớm hơn dự kiến. Trong lúc mọi người tất tả lùng mua hàng hóa, tôi đi tìm nàng, rất nhiều lần nhưng không gặp. Nàng tránh mặt, không cho tôi cơ hội để hàng chục năm nay, tôi mang trong mình nỗi ân hận không vơi. Và bây giờ lại chiến tranh, chiến tranh trên mảnh đất của nàng, chiến tranh vốn tàn khốc, nhất là với người già, phụ nữ và trẻ em. Tôi buông tiếng thở dài:

          - Không biết có kịp đi lánh nạn không?- Bất giác tôi bật lên thành tiếng.

          Cuộc tranh luận về chính nghĩa, phi nghĩa lập tức dừng lại. Ông nói ai kịp đi lánh nạn? Nghe cái giọng này chắc chắn liên quan đến đàn bà. Nếu không bí mật thì kể đi.

          - Chẳng liên quan gì đến đàn bà hết.- Tôi chống chế. Tôi đang lo lắng cho một người bạn sát cánh cùng chúng tôi trong kháng chiến chống Mỹ. Anh ấy là kỹ sư trong đoàn cán bộ Liên Xô sang giúp chúng ta, người Ucraina, tên là Vinasky- Một chuyên gia xuất sắc về kĩ thuật tên lửa phòng không. Nhờ có những chuyên gia như thế cánh kĩ thuật chúng tôi mới vượt qua được giai đoạn cực kỳ khó khăn. Tên lửa không rời bệ phóng hoặc không thể điều khiển, tệ hơn có thể rơi xuống gây nên hiểm họa bất ngờ. Nguyên do: Mỹ thu được các bộ khí tài tên lửa như trang bị của ta trong cuộc chiến giữa Itxraen và Ai cập, đã dùng kỹ thuật điện tử chế áp gây nhiễu rãnh đạn. Nhiệm vụ đặt ra cho ngành kĩ thuật, phải khắc phục bằng bất cứ giá nào, trong thời gian sớm nhất. Sau nhiều ngày nghiên cứu nhóm chuyên gia cùng cán bộ kĩ thuật của ta đã khắc chế thành công góp phần không nhỏ trong trận chiến trên bầu trời Hà Nội năm 1972. Anh có một mối tình tuyệt vời ở Việt Nam. Con của họ cũng là chiến sỹ Quân đội ta.

          - Sự thể thế nào?

          - Rời Liên Xô sau khi kết thúc khóa học, tôi về phòng tên lửa thuộc Cục kĩ thuật Quân chủng. Đó là những năm cuối của thập niên sáu mươi. Mỹ tuyên bố dừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, tập trung đánh phá dải đất hình “cán xoong”, nơi đó trở thành nơi đấu trí, đấu lực quyết liệt giữa ta và lực lượng Không quân, Hải quân Mỹ. Ta đưa những đơn vị phòng không tốt nhất vào chiến trường, vừa rèn luyện vừa tìm ra cách đánh hiệu quả vì biết gần như chắc chắn cuộc chiến sẽ chỉ dừng lại khi Mỹ không còn khả năng khuất phục được nhân dân ta. Các đơn vị tên lửa lần lượt lên đường. Tổ bảo đảm kĩ thuật được thành lập. Những cán bộ có trình độ tốt nhất, phương tiện bảo đảm được ưu tiên đặc biệt. Vinasky cũng được đoàn chuyên gia, cố vấn cử tham gia đoàn công tác. Có anh, chúng tôi tự tin lên nhiều lắm. Xe công trình xa và xe ba cầu đặc chủng lần đầu tiên được trang bị. Một đường dây liên lạc được thiết lập để tổ công tác có thể gọi về Cục kĩ thuật bất cứ lúc nào. Thông thường, vào cuối buổi, chúng tôi liên lạc về trung tâm chỉ huy báo cáo công tác và xin ý kiến về kế hoạch tiếp theo. Gần như ngay lập tức cuộc gọi được tiếp nối và bao giờ cũng bắt đầu bằng: “Tổng đài xin nghe” hoặc “K10 xin nghe”. Tiếng nói thánh thót xua bớt những mệt nhọc, tạm quên đi những nguy hiểm thường nhật. Vinasky “nghiện” giọng nói của cô điện thoại viên, luôn giành phần gọi đầu dù không biết tiếng Việt chỉ để nghe tiếng phụ nữ “trong như tiếng hát”.

          Đưa một trung đoàn tên lửa vào chiến trường không hề đơn giản. Hàng trăm xe các loại, chưa kể lực lượng bảo đảm bảo vệ trên tuyến. Đi trên những con đường cao tốc hôm nay, chắc chắn không ai có thể hình dung được những gian nan, vất vả nguy hiểm thời đó. Một ngày chỉ có thể vượt không quá 50 Ki-lô-mét trong điều kiện địch ngăn chặn đánh phá quyết liệt. Và sự thiệt hại là điều không tránh khỏi. Xe của đoàn chúng tôi bị trúng bom ở bến phà Long Đại. Đây là trọng điểm, một tọa độ lửa nằm quãng ngã ba sông Kiến Giang và sông Long Đại. Một số trang thiết bị đặc chủng bị hư hỏng, tôi và anh được lệnh quay ra nhận khí tài bổ sung. Sự không may đó lại mở đầu một mối tình, như vậy xét về mức độ rất hẹp nào đó chính là may mắn dành cho anh. Công việc tiếp nhận nhanh chóng hoàn thành, chúng tôi gấp rút chuẩn bị quay lại chiến trường. Trước hôm đi, Vinasky nằng nặc yêu cầu tôi đưa đến gặp người con gái thông tin có giọng nói như chim hót ấy. Cô tên Thu. Anh ngồi hàng giờ, nhìn như thôi miên đôi bàn tay múa trên các cửa và phích cắm của Tổng đài. Chờ hết ca trực, ba chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn bê tông kê dưới tán cây xà cừ trong sở chỉ huy. “Cháo em” (Chào em) anh chào bằng tiếng Việt Nam lơ lớ. “Xin chào”, cô gái đáp bằng tiếng Nga khá chuẩn. Anh vui mừng xổ ra hàng tràng dài đại ý: “Chúng tôi rất vui khi nghe tiếng em trong mỗi phiên liên lạc, em là thần hộ mệnh của chúng tôi...” và nhiều thứ nữa. Tôi phải giơ tay ra hiệu anh mới dừng lại.

          - Ơ. Tôi tưởng cô ấy biết tiếng Nga. Cô ấy nói chuẩn thế cơ mà.- Anh ngượng nghịu khi tôi nói cô ấy chẳng hiểu anh nói gì.

          - Ở Việt Nam, học hết cấp ba ai cũng nói được vài câu tiếng Nga đơn giản.- Tôi đáp.

          Lần gặp gấp gáp trước khi quay lại chiến trường gây ấn tượng rất mạnh đối với hai người. Tự nhiên, tôi trở thành phiên dịch, dịch giả bất đắc dĩ. Những bức thư dằng dặc vài trang giấy poluya là thử thách đối với tôi, vì muốn dịch văn học thì phải là nhà văn, trong khi tôi chưa viết thư tình cho ai bao giờ, anh lại dùng rất nhiều từ tiếng lóng và ẩn dụ. Tôi chỉ có thể truyền tải những điều cần thiết nhất của một bức thư tình. Không biết họ có hiểu không nhưng dường như tình cảm của họ đằm thắm hơn. Trong những ngày tháng ác liệt, sự sống và cái chết cách nhau gang tấc, họ vẫn hướng về nhau, cố tranh thủ “vượt rào” xen giữa các buổi liên lạc. Nguyên tắc không cho phép nói điều gì ngoài nhiệm vụ nên anh thường làm như vô tình đi qua nói vọng vào một câu bâng quơ thật ngắn: “Ya liubliu trebia.” (Anh yêu em- Tiếng Nga). “Vâng”, cũng chỉ một tiếng đáp dường như vô tình như thế. “Em chỉ cần có thế, biết các anh vẫn khỏe mạnh, an toàn là tốt rồi”.- Cô gái viết trong thư gửi cho Vinasky. Tình yêu đã che chở cho họ, bom đạn mù trời nhưng không hề hấn gì và tình yêu của họ cũng lạ lắm, không nói được tiếng của nhau nhưng vẫn như hiểu hết. Người ta nói: Tình yêu có ngôn ngữ riêng của nó, chắc đúng là như thế.

          Chuyến công tác kết thúc, anh trở về đoàn, chúng tôi không ở cùng nhau nữa. Công việc bận rộn, tôi cũng quên đi mối tình của hai người cho đến một ngày, Vinasky xộc vào chỗ tôi, cười ngất. Nụ cười đáng mến, như chúng tôi thường nói: “Cười như Liên Xô”.

          - Mình sắp có con rồi!- Anh nói mặt tươi hơn hớn.

          Tôi giật mình:

- Cái gì, anh nói cái gì?

          - Tớ sắp có con rồi!- Anh nhắc lại.

           Trời ơi! Tôi rên lên. Muốn nói với gã “phổi bò”, rằng: như thế là “hủ hóa”, là giết chết sự nghiệp của người đàn bà. Đây là Việt Nam, là đất nước đang có chiến tranh, là lằn ranh không thể vượt qua. Sự thương cảm xen lẫn tức giận và vốn từ không đủ để nói cho anh hiểu sự việc nghiêm trọng đến mức nào, nên tôi chỉ nói ngắn gọn: “Thời hạn phục vụ tại ngũ của cô ấy sắp hết, anh có nghĩ đến tương lai của cô ấy không?”. Anh lại cười, hồn nhiên vô lo, nguyên do có sự khác nhau giữa hai nền văn hóa...

          Khoảng nửa tháng, sau lần gặp ấy, Thu đến chào và đưa cho tôi lá thư gửi cho Vinasky: “Anh dịch và đưa giúp em”. “Sao em không gặp anh ấy?”.- Tôi hỏi. “Thôi anh ạ, không giải quyết được gì, lại làm khó nhau”. Tôi nhìn theo chiếc bóng xiêu xiêu trong bộ quân phục bạc màu, không quân hàm, quân hiệu, chiếc ba lô xẹp lép trĩu nặng bước qua cánh cổng sắt sơn xanh, lòng quặn thắt ân hận, cảm thấy phần nào có lỗi. Tôi bận bù đầu, hình như anh cũng bận không kém. Mấy ngày sau tôi mới đưa được thư của Thu cho anh. Vinasky lồng lộn như con gấu bị thương, trút sang tôi tất cả sự giận dữ làm như tôi là nguyên nhân gây nên sự bất hạnh của họ. Tôi lặng yên chịu trận...

          Tình hình chiến sự căng lên từng ngày. Các đơn vị lần lượt vào chiến trường. Tôi được tăng cường cho Sư đoàn phòng không, tham gia chiến dịch Trị Thiên. “Mùa hè đỏ lửa” hút hết tâm trí và sức lực của tôi. Ngoài Bắc, Vinasky và các đồng đội của tôi cũng phải căng mình, đương đầu với bao khó khăn tưởng như không thể vượt qua. Đó là khắc phục nhiễu, một loại hình tác chiến điện tử được Mỹ đặc biệt quan tâm và cải tiến không ngừng. Có loại nhiễu trong đội hình, ngoài đội hình, nhiễu tích cực, nhiễu tiêu cực, làm “mù” ra đa, nhiễu loạn thông tin liên lạc. Có trận chúng ta mất gần trăm quả tên lửa mà không hạ nổi một máy bay. Cuối cùng bằng lòng quả cảm và trí tuệ Việt Nam, cộng với sự giúp đỡ của các chuyên gia chúng ta đã làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, buộc kẻ thù phải ký kết Hiệp định Pari.

          Tôi trở về cơ quan, được biết anh đã về nước. Anh gửi lại nhờ tôi chuyển cho Thu chiếc hộp làm từ xác B52G do đơn vị anh tham gia bắn rơi trong trận chiến 12 ngày đêm năm 1972. Quyển nhật ký, bức thư và những kỷ niệm của hai người được anh giữ gìn cẩn thận. Tôi tranh thủ dịch ra tiếng Việt, dự định sẽ mang đến tận tay Thu, hoàn thành việc ủy thác trước khi cùng nhóm sỹ quan tác chiến vào Tây Nguyên chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Miền Nam. Tranh thủ thời gian ít ỏi trước ngày lên đường, tôi tìm đến nhà Thu qua dòng địa chỉ vắn tắt trong trích yếu ở cơ quan Quân lực, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu và những lời nói cay độc: “Thu chửa hoang chứ gì, xấu hổ quá bỏ làng đi rồi”, và: “Ông bà ấy cũng đi cùng con gái, mặt mũi nào mà ở làng được nữa”.

          *****

          Sau giải phóng, tôi công tác tại Sư đoàn phòng không thành phố Hồ Chí Minh, lấy vợ, sinh con và định cư ở đó. Thỉnh thoảng đôi lúc nhói lên câu chuyện tình của tôi ở Ucraina và của anh, nhưng đành chấp nhận. Có phải cái gì trên đời cũng toại nguyện đâu...

          Cuộc sống vốn vô thường, không ai có thể biết trước được gì. Là sỹ quan kĩ thuật chuyên ngành tên lửa, tôi được bổ nhiệm Trung đoàn phó kĩ thuật của trung đoàn bộ binh tham gia cuộc chiến biên giới Tây Nam và giúp bạn thoát khỏi nạn diệt chủng. Một công việc nếu xét đơn thuần về chuyên môn không thật phù hợp. Nhưng nhiệm vụ là nhiệm vụ. Khi ấy các đơn vị bộ binh được mở ra, theo biên chế mới, mỗi Trung đoàn có thêm một Trung đoàn phó kĩ thuật. Tôi được đào tạo ở Liên Xô, đã qua chiến đấu, được bổ nhiệm cũng không có gì bất ngờ. “Cứ làm rồi sẽ thành thạo thôi”.- Trưởng phòng cán bộ nói khi trao quyết định.

          Nhiệm vụ mới, khó khăn hơn tôi tưởng. Trước kia tôi làm đơn thuần về kĩ thuật tên lửa phòng không. Giờ phải lo tất tật về kĩ thuật vũ khí bộ binh, công binh, xe máy… Và khi cần còn phải chỉ huy chiến đấu nữa. Cuộc chiến xưa và hiện tại cũng khác nhau. Trong chiến tranh giải phóng, ta chủ động điều nghiên, chọn mục tiêu tiến công phù hợp với sở trường của đơn vị. Cuộc chiến với bọn Pôn pốt, tuy hỏa lực phi pháo không nhiều nhưng chúng nắm thế chủ động nhất là giai đoạn đầu cuộc chiến. Bọn này ma lanh, rất khó biết được mục tiêu tiến công của chúng. Tôi có trận chỉ huy chiến đấu đầu tiên trên cương vị mới. Hôm ấy, nhiều đơn vị Pốt đánh vào hậu cứ Trung đoàn do tôi phụ trách. Đây là đòn đánh hiểm và bất ngờ vì hậu cứ thường nằm khá sâu. Về lý thuyết được coi là an toàn nên lực lượng không nhiều, chủ yếu là cán bộ, nhân viên hậu cần kĩ thuật, sức khỏe không được tốt, năng lực chiến đấu hạn chế, vũ khí chủ lực: một đại liên M60 của Mỹ, một B40 còn lại là AK, phải đương đầu với lực lượng tương đối thiện chiến, hỏa lực mạnh. Rõ ràng bất lợi thuộc về chúng tôi. Chúng tôi cầm cự chờ lực lượng tiếp viện. Bọn Pốt hiểu điều đó nên tìm mọi cách dứt điểm nhanh. Chúng tôi vẫn vững, khẩu đại liên phát huy tối đa hỏa lực chủ yếu, xạ thủ là một thanh niên cao to, thoát ẩn thoát hiện ở các vị trí then chốt khiến địch lúng túng, không nắm chắc được thực lực của chúng tôi. Sau nhiều giờ không chiếm được căn cứ, phát hiện lực lượng chủ lực của ta đang cơ động tới, chúng vội vã rút lui. Sau trận chiến, tôi xuống trung đội vệ binh, nơi cậu chiến sỹ giữ đại liên công tác:

          - Cậu đẹp trai như Tây ấy nhỉ.- Tôi mở đầu.

          - Vâng, em một nửa là Tây mà.- Cậu ta cười hồn nhiên- Bố em người Liên xô.

           Tôi chăm chú nhìn, nhận ra những nét quen quen. Lẽ nào? Sao lại có sự trùng hợp như thế?

          - Cậu đã đủ tuổi đâu mà sang đây? Tôi thăm dò.

          - Vâng, em khai tăng 2 tuổi, do to cao nên không ai nghi ngờ. Mà sao Thủ trưởng biết ạ.

          - Cậu con mẹ Thu, đúng không?- Tôi hỏi như khẳng định - Tớ là người chứng kiến, là cầu nối giữa bố và mẹ cậu.

          - Bác là bác Huy phải không ạ? Mẹ cháu kể về bác nhiều lắm. Bác là phiên dịch và là dịch giả cho ba mẹ cháu.- Cậu ta đổi cách xưng hô.

          - Thôi được rồi, bây giờ kể đi, mẹ con sinh sống thế nào sau khi rời khỏi quê.

          - Sau khi xuất ngũ, mẹ cháu được yêu cầu tham gia công tác. Những quân nhân từ chiến trường về bao giờ cũng được địa phương giao một công việc gì đó. Mẹ cháu lấy lý do sức khỏe nên không nhận, vì việc ấy cũng vướng lắm chuyện lùm xùm như “tự cao tự đại, có mấy năm quân ngũ mà làm như danh giá lắm”... Những tưởng chỉ dừng ở đấy nhưng không phải. Đó mới chỉ bắt đầu. Ở vùng quê cổ hủ nhiều định kiến, người đàn bà không chồng mà chửa bị coi như “trọng tội”. Không thể sống được với những hủ tục đó, ông bà cháu quyết định đưa cả nhà lên vùng Yên Thế, ngày ấy còn hoang vu lắm, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Những người dân hiền lành chất phác, đôn hậu không chú ý đến hình dáng của cháu, cuộc sống tạm ổn định dù điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên mẹ cháu vẫn có vẻ không vui, nhất là những ngày mùa đông. Cháu nhiều lần bắt gặp mẹ ngồi một mình bần thần: “Mẹ đã không mang đến cho con cuộc sống đủ đầy”. Cháu nói: “Con chỉ cần thế này”. “Nhưng con cần phải biết và gặp bố”. Cháu hiểu đó là ước vọng cháy bỏng của mẹ và để thực hiện ước mơ đó, con đường duy nhất phải học thật giỏi, đủ điều kiện đi học nước ngoài. Cháu đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc và tốt nghiệp cấp 3 khi chưa đầy 16 tuổi. Những tưởng con đường đến với đất nước Liên Xô vĩ đại, nơi có ông bố chưa biết mặt đã rộng mở, ai ngờ ngay cả các trường trong nước cũng không nhận, lý do: “xuất xứ” không rõ ràng. Cháu tình nguyện nhập ngũ vì đó là con đường duy nhất để thoát khỏi sự kiềm tỏa của mấy vị cán bộ địa phương ít học nhưng quan liêu lộng quyền. Sau huấn luyện, tham gia bảo vệ biên giới rồi sang đây theo đề nghị của nhân dân nước bạn.

          - Không ai có ý kiến gì à?- Tôi hỏi.

          - Ông bà phản đối quyết liệt, mẹ cháu thì không. Trước ngày lên đường, mẹ đưa cho cháu những bức thư của ba và nói: “Cơ hội chưa phải là hết, vẫn có thể, nếu con cố gắng”...

          *****

          Kết thúc chiến tranh. Quân đội chủ trương cho cán bộ, chiến sỹ đi lao động hợp tác Quốc tế ở các nước Xã hội chủ nghĩa. Bằng mọi biện pháp, tôi đã xin cho cháu đi Liên Xô. Trước ngày lên đường, Thu và cháu vào Sài Gòn gặp tôi. Tôi trao cho Thu món quà được Vinasky ủy thác. Thu ôm kỷ vật vào lòng, ngồi lặng thật lâu, mắt nhìn đâu đó xa xăm: “Thế là em sắp hoàn thành ước vọng của mình, cháu sắp được gặp cha của nó”.

          Đất nước Liên Xô rộng lớn, cháu ở Yakutsk cách Kiép chục ngàn ki-lô-mét nên bố con họ chưa có điều kiện gặp nhau. Mãi đến năm 1991, Liên bang Xô Viết sụp đổ, Ucraina trở thành quốc gia độc lập, Vinasky sang đón cháu về và định cư bên đó. Cháu đã làm thủ tục để đón mẹ sang nhưng Thu không đồng ý, vì còn bố mẹ già. Năm nào hai bố con cũng về Việt Nam và đều vào thăm tôi. Năm 2014, tình hình bất ổn, việc liên lạc giữa chúng tôi ngắt quãng và bây giờ là chiến tranh với tất cả sự tàn khốc của nó. Không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra...

          Mọi người lặng đi. Mãi sau người sỹ quan quân đội nghỉ hưu lên tiếng: “Là dân tộc đã qua nhiều cuộc chiến tranh, chúng ta hiểu rất rõ cái giá của hòa bình. Hơn bao giờ hết chúng ta mong muốn yên bình cho tất cả loài người và phản đối chiến tranh, cho dù với bất cứ lý do nào!”.

                                                                                

           

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội