Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
“Mùa xuân đầu tiên” và tâm lý tiếp nhận của thời đại

TRẦN XUÂN TUYẾT

Văn Cao, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao. Ông quê ở xã Liên Minh, huyện Cung đàn xưa, Thu cô liêu, Làng tôi, Ngày mùa...Với “Mùa xuân đầu tiên” dường như Văn Cao trở lại với thủa ban đầu của một nhạc sỹ làm nên sự nghiệp của mình bằng âm nhạc lãng mạn.

Toàn văn lời bài hát như sau:

“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Với khói bay trên sông,

 gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Người mẹ nhìn đàn con nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Nước mắt trên vai anh   

giọt sưởi ấm đôi vai anh

Niềm vui phút giây như đang long lanh.

Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao

    trong xuân vui đầu tiên

Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên

  một cuộc đời êm ấm

Từ đây người biết quê người

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người

Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.

Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu

Với khói bay trên sông,

Gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.

Bài hát này được Văn Cao hoàn thành vào đầu năm 1976 dương lịch, được báo Sài Gòn Giải phóng số tết Bính Thìn in trang trọng ở bìa 4, thu thanh ngay sau đó và phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, khoảng mươi lần, chừng một tháng (hồi ấy ca khúc được truyền bá chủ yếu qua sóng phát thanh), rồi lặng lẽ chìm đi. Nhưng không rõ bằng cách nào, tác phẩm lại được in trong cuốn “Bài hát của các nhạc sĩ Việt Nam: cho giọng hát với phần đệm piano” do Nhà xuất bản Âm nhạc Liên Xô tại Moskva ấn hành năm 1979 (kèm lời dịch tiếng Nga).

Mặc dù là tác phẩm tâm huyết cuối đời, lại bị rơi vào quên lãng, Văn Cao vẫn bình tâm đón nhận, dẫu có hơi buồn. Có lẽ ông hiểu thấu, nhưng không nói ra, đâu là cái làm nên sứ mệnh và sức sống đích thực của một tác phẩm nghệ thuật, nhất là với ca khúc như “Mùa xuân đầu tiên”, nên ông nói với con “Chắc chắn bài hát sẽ có ngày được hát lại và mọi người sẽ yêu nó”.(1)

Đặt giai điệu và ca từ tác phẩm vào không khí chung của thời đại khi tác phẩm ra đời, dường như “Mùa xuân đầu tiên” có sự “lạc điệu” so với trào lưu âm nhạc những năm đầu miền Nam giải phóng và non sông liền một giải từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau.

Ngược dòng lịch sử ta thấy, trong suốt 117 năm, kể từ 1858 khi Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam đến 1975, nước ta chưa một ngày ngưng tiếng súng. Nếu tính từ 1954, khi đất nước tạm thời chia làm hai miền theo Hiệp nghị Gơnevơ đến ngày miền Nam giải phóng, cũng mất 21 năm cả dân tộc phải vắt kiệt sức mình để đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Vì thế, chiến thắng mùa xuân 1975 đã tạo nên cuộc bùng nổ cảm xúc với niềm vui ngập tràn trong mọi tầng lớp nhân dân từ Bắc chí Nam. Người ta say sưa ngợi ca chiến thắng. Người ta phơi phới tự hào được là người con anh hùng của dân tộc anh hùng. Một tương lai ngời sáng hiện ra trước mắt dân tộc sau bao năm chiến tranh gian khổ. Ngày 02 tháng 7 năm 1976, Quốc hội khóa VI nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong diễn văn bế mạc Đại hội Đảng lần thứ IV, ngày 20 tháng 12 năm 1976 của Tổng Bí thư Lê Duẩn có đoạn: “Dưới bầu trời cả nước hoàn toàn độc lập, tự do, đường lên chủ nghĩa xã hội thênh thang rộng mở! Chúng ta xây dựng, chúng ta cải tạo, chúng ta đoàn kết, chúng ta tiến lên. Chúng ta nhất định đi tới thắng lợi hoàn toàn của chủ nghĩa xã hội!”. Trong môi trường tâm lý ấy, những ca khúc viết về chiến công, ngợi ca đất nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội...được hân hoan chào đón và biểu diễn khắp nơi. Cảm xúc sử thi, hừng hực khí thế của thời kỳ cả nước lên đường chống Mỹ kéo dài sang thời kỳ đầu xây dựng đất nước sau chiến tranh, khiến người ta ít chú ý đến những cái riêng tư, đời thường. Bởi đã có một thời gian dài, người ta coi đấy những cái tôi cá nhân, nhỏ nhặt. Vì thế “Mùa xuân đầu tiên” bị rơi vào khoảng lặng, ít người chú ý, do không tương thích với nhận thức chung của xã hội và tâm lý tiếp nhận của đại đa số người nghe lúc bấy giờ. Có thể nói, “Mùa xuân đầu tiên” là thanh âm khác biệt, lời ca khác biệt so với xu hướng chung của âm nhạc thời ấy. Đón nhận sự khác biệt bao giờ cũng có sự dè dặt, thận trọng, thậm chí cả từ chối. Để sự khác biệt hòa nhập với đời sống chung, cần có thời gian, nhiều khi là rất dài.

Ca từ bài “Mùa xuân đầu tiên” có 2 đoạn (A, B). Đoạn A có 20 nhịp, từ nhịp đầu đến nhịp 20: “Rồi dặt dìu... như đang long lanh”. Đoạn điệp khúc B có 25 nhịp, từ nhịp 21 đến nhịp 45: “Ôi giờ phút...hôm nay mênh mông”

Chủ đề bài hát khá giản dị: Niềm vui, niềm hạnh phúc của người lính trải qua chiến tranh được trở về với quê hương, gia đình và cuộc sống đời thường.

Hai câu hát mở đầu đoạn A là hình ảnh mùa xuân:

“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên”

Ở đây một câu hỏi đặt ra: “Mùa xuân mơ ước ấy” là mùa xuân nào?

Từ khi con người chưa xuất hiện trên thế giới này, trời đất đã có mùa xuân. Mùa xuân ấy là vĩnh hằng, đến rồi lại đi, đi rồi lại đến theo chu kỳ chuyển xoay của thời tiết muôn đời. “Xuân đến, xuân đi, xuân lại lại” (Hồ Xuân Hương). Dẫu không mơ ước, mùa xuân của đất trời vẫn đến. Dẫu cố níu kéo, mùa xuân ấy vẫn đi. Nên chẳng cần mơ ước làm gì.

Như vậy, “Mùa xuân mơ ước” ở đây hẳn nhiên là mùa xuân trong tâm trạng con người, mùa xuân của niềm vui, của hạnh phúc. Và cái giây phút đầu tiên của “mùa xuân mơ ước ấy” đang đến, đang hiện ra trên mọi miền quê với “khói bay trên sông”, với tiếng gà trưa và “một trưa nắng vui cho bao tâm hồn”. Mùa xuân mơ ước, giản dị và sâu xa là khung cảnh đơn sơ và thanh bình của quê hương yêu dấu.

“Mùa xuân mơ ước ấy” cũng là không khí đầm ấm, sum vầy của mọi gia đình khi tết đến xuân về. Cánh én mùa xuân mang đến cho người mẹ bao nhiêu niềm vui: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về Người mẹ nhìn đàn con nay đã về Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên Nước mắt trên vai anh,giọt sưởi ấm đôi vai anh Niềm vui phút giây như đang long lanh” .Những năm chống Mỹ, cả nước có nhiều người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Có gia đình cả nhà là chiến sỹ. Do chiến tranh, việc đoàn tụ đông đủ người thân mỗi khi xuân tới là hết sức khó khăn. Có khi đằng đẵng hàng chục năm trời, mẹ con, anh em, vợ chồng ... không gặp được nhau. Vì thế, trong mùa xuân đầu tiên đất nước hết tiếng đạn bom, sau bao năm thấp thỏm lo âu, phập phồng hi vọng, gặp lại đàn con, người mẹ mừng vui dang rộng vòng tay, ôm những đứa con yêu thương vào lòng mà khóc. Nước mắt mẹ già là nước mắt của niềm vui, nước mắt của hạnh phúc, một hạnh phúc xuyên qua đạn bom của cả gia đình. Những ai từng chứng kiến nước mắt khổ đau của những người mẹ có con hy sinh ngoài mặt trận sẽ vô cùng thấm thía với phút giây run run hạnh phúc của ngày đoàn tụ trong câu hát này. Mở đầu đoạn điệp khúc B là cảm xúcdâng tràn của người chiến sỹ khi trở lại quê hương sau bao năm xa cách:

“Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên

Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm”

“Xuân vui đầu tiên” là mùa xuân năm 1976. Mùa xuân năm 1975 đất nước vẫn còn chiến tranh, đạn bom vẫn nổ, nước mắt đau thương vẫn rơi. Mùa xuân 1976 là mùa xuân đầu tiên cả nước mừng vui thống nhất. Vào giờ phút thiêng liêng ấy, lòng yêu quê hương dâng tràn trái tim người chiến sỹ. Đây cũng là giờ phút đầu tiên anh nắm trong tay hạnh phúc một “cuộc đời êm ấm”. Chỉ cần êm ấm thôi đã hạnh phúc lắm rồi. Trong sáng và thánh thiện vô cùng, nhân bản và sâu sắc vô cùng, nhỏ nhẹ nhưng thấm thía vô cùng câu chữ Văn Cao. Không có độ lắng của tâm hồn ưu thời mẫn thế, không trải qua những khổ đau tận cùng của cuộc sống, không thể cất lên tiếng hát thuộc về muôn đời như vậy được.

Chiến tranh qua đi, tỵ hiềm vứt bỏ, hận thù từ nay chấm dứt để “người gần người hơn”(2):

“Từ đây người biết quê người Từ đây người biết thương người Từ đây người biết yêu người”

Có thể nói, đoạn ca từ này là chính trị nhất, nhưng cũng đặc sắc nhất, thấm đẫm tinh thần nhân văn nhất của bài ca.

Do một khúc quanh lịch sử, đất nước bị chia đôi, lòng người cũng vì thế mà ngăn cách. Khi hòa bình lập lại, việc hàn gắn vết thương lòng để hòa giải và hòa hợp dân tộc là điều Văn Cao nghĩ đến đầu tiên. Đây là khác biệt của ông so với nhiều bài hát ra đời vào thời điểm ấy. Văn Cao lắng sâu như vậy vì ông thấu hiểu nỗi đau chia cắt, thấu hiểu khát khao và nhu cầu đoàn tụ của con người trong cuộc chiến tranh qua các bài hát binh vận mà ông từng sáng tác để phát trên Đài tiếng nói Việt Nam những năm tháng chiến tranh. Nhà thơ Nghiêm Bằng, con trai nhạc sỹ kể rằng: “Ít ai biết cha tôi đã viết rất nhiều ca khúc phản chiến gửi những người lính bên kia chiến tuyến - theo đề nghị của một người bạn là nhạc sĩ Trọng Loan, biên tập âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi còn nhớ một tổ khúc của ông tên là “Đường về” có những câu ca đẹp dịu dàng thế này: “Về đây giữa đồng hương cốm lúa xanh ngạt ngào, cờ ngày nào vàng lên khói súng.” Còn nhiều bài hát nữa, nhưng ngày nay đã thất lạc, không ai giữ được. Chính dòng chảy của những bài hát phản chiến ấy cũng là nguồn để cha viết về mùa xuân hòa bình đầu tiên. Cha tôi nói: “Từ đây người biết quê người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người’ chính là khi chiến tranh đã thật sự chấm dứt, những người lính trở về tiếp tục sống.”(3)

Như vậy, “Mùa xuân đầu tiên” là kết tinh của trải nghiệm, của tình thương, của tinh thần nhân đạo thấm đẫm tâm hồn Văn Cao. Nguyễn Thụy Kha cho biết: “Văn Cao tâm sự đã thai nghén cái ‘tứ’ này từ sau hiệp định Paris, nhưng phải đến mùa xuân thống nhất đầu tiên năm 1976 ông mới viết và hoàn thành.”(4)

Với Văn Cao, mùa xuân về, ấy là lúc bầu trời dập dìu cánh én.

“Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về”

Hình ảnh này rất quen thuộc với mọi người Việt Nam, ta cũng gặp nhiều trong văn thơ: “Mùa xuân con én đưa thoi” (Nguyễn Du). Nhưng cái mới lạ, cái làm nên thương hiệu Văn Cao là ở câu hát sau đây:

“Mùa bình thường,

mùa vui nay đã về”

Giữa bao nhiêu ca khúc phơi phới tự hào ngợi ca mùa xuân chiến thắng, Văn Cao là một tiếng nói riêng. Ông gọi đó là “mùa bình thường”, và coi đó là “mùa vui”.

Có những điều giản dị, hiển nhiên, tưởng là bình thường lại hóa ra không bình thường. Nhận thức bao giờ cũng là một quá trình đi dần tới chân lý. Trải qua 21 năm cả dân tộc sống trong phạm trù dồn mọi nguồn lực cho cuộc đấu tranh cứu nước, nhận thức và tâm lý được hình thành trong phạm trù ấy thiên về cái hào sảng, cái lớn lao đậm chất anh hùng ca. Nên khi chiến tranh kết thúc, quán tính của tâm lý và nhận thức ấy vẫn còn rất mạnh mẽ khiến cho mọi suy nghĩ khác, mọi tiếng nói khác đều bị hất văng khỏi quỹ đạo chuyển động của nó. Chiến tranh là bất thường của lịch sử. Sống quá lâu trong cái bất thường, người ta quen đi, cái bất thường trở thành bình thường lúc nào không hay. Nên khi cái bình thường tới, người ta thấy lạ, thấy bất thường và không dễ dàng đón nhận.

Mùa xuân hạnh phúc là mùa xuân bình thường. Ấy vậy mà cái bình thường ấy đã một thời là mơ ước. Nhưng thật buồn, lại là mơ ước không thành:

“Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu Với khói bay trên sông,

Gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.”

Ở đây có một so sánh ngầm: Xưa-Nay.

Xưa là thời chiến tranh. Ngày ấy, mỗi khi Tết đến, người ta chỉ mong ngưng tiếng đạn bom để được hít thở không khí bình yên, để thong dong ngắm nhìn chim én, bâng khuâng cùng khói sóng và thổn thức với tiếng gà giữa trưa nắng mênh mông. Khát thèm mùa xuân đơn sơ đến thế mà “xưa có về đâu”. Cái bình thường tưởng không thể bình thường hơn, từ lâu đã mất do chiến tranh, nay đã trở về. Vẹn nguyên và hạnh phúc!

Đoạn ca từ sâu lắng, thoáng chút buồn đau mà rưng rưng niềm vui với quê hương, đất nước thanh bình. Một mùa xuân đầu tiên quyện hòa giữa đất trời, quê hương và lòng người thổn thức. Trong suốt 117 năm đất nước chiến tranh, chưa có mùa xuân nào đẹp hơn “Mùa xuân đầu tiên” ấy.

Bài ca dịu dàng là thế, nhân văn, sâu lắng là thế, nhưng do tâm lý tiếp nhận của thời đại đã gần như bị lãng quên suốt 20 năm, cho mãi đến năm 1995, khi được ca sỹ Thanh Thúy, khi ấy mới 16 tuổi, trình bày trong bộ phim ca nhạc về Văn Cao có tên “Buổi sáng có trong sự thật” của Hãng phim Trẻ và Hãng phim Giải phóng do nghệ sỹ Đinh Anh Dũng làm đạo diễn.

Thực ra trước đó, Nguyễn Thụy Kha đã nhiều lần đưa tác phẩm này của Văn Cao trở lại đời sống âm nhạc nước nhà. Năm 1985, tác phẩm được in và công bố trong carpostal của tỉnh Nghĩa Bình (hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định hợp nhất). Năm 1991, trong bộ phim ca nhạc về Văn Cao, ở trường đoạn Văn Cao về quê có lồng bài hát “Mùa xuân đầu tiên” do ca sỹ Quốc Đông thu âm với phần đệm đàn organ của nhạc sỹ Hoàng Lương. Năm 1992, trong cuốn tiểu thuyết tư liệu mang tên “Văn Cao- Người đi dọc biển” do Nhà xuất bản Lao Động ấn hành có hẳn một chương dành cho “Mùa xuân đầu tiên”...

Nhưng mọi cố gắng của Nguyễn Thụy Kha vẫn không mang lại kết quả như mong muốn.

Phải đến năm 1995, khi Văn Cao đã về miền cực lạc, qua phần trình bày của ca sỹ Thanh Thúy như đã nói ở trên, bài hát mới được đông đảo thính giả chú ý và đón nhận.

Và lần đón nhận này khác hẳn 20 năm trước. Thời đại đã đổi thay, đất nước đã đổi thay, tâm lý con người cũng cởi mở hơn. Những âm vang thắng trận trầm hùng, những bồng bột say mê của những năm đầu thống nhất non sông... đã có đủ thời gian lắng lại. Và khi ấy người ta nhận ra, “Mùa xuân đầu tiên” là cái đang rất cần phải có, cái không thể thiếu trong cuộc sống này. Vậy là người ta say sưa hát, say sưa dàn dựng và cả say sưa ngợi ca nữa.

Đã đi qua tháng ngày gian khó, đã đi qua thử thách nghiệt ngã của thời gian, của nhận thức và rào cản tâm lý tiếp nhận, đến nay “Mùa xuân đầu tiên” là khúc ca không thể thiếu mỗi độ xuân về.

Bởi “Mùa xuân đầu tiên” là bài ca đoàn tụ, bài ca về cái bình thường nhưng vĩ đại: Tình thương yêu đối với con người.

Trên đời này, nếu không có thương yêu, người ta sẽ sống ra sao?

Thể hiện vấn đề cốt lõi của nhân tính, lại thể hiện rất thành công, chỉ cần điều ấy thôi, “Mùa xuân đầu tiên” đã thành bất tử trong tâm hồn người Việt. Là tác phẩm xuất sắc cả về âm nhạc và tư tưởng nhân văn của ca từ, “Mùa xuân đầu tiên” đã được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông, ở chương trình giáo dục âm nhạc lớp 6 và lớp 10 hiện nay. Cái đẹp đang được giữ gìn. Mỗi thế hệ nối theo nhau là người chạy tiếp sức trên con đường bảo tồn cái đẹp bình thường mà vĩ đại ấy./.

 

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội