Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Thơ Trần Minh Ân với những bước dài thi cảm
Văn Nhân số 139

         Phạm Trọng Thanh                                    

Tôi đọc thơ Trần Minh Ân từ những năm Sáu mươi thế kỷ trước. Thơ anh được in trong tập Lời ca Sông Vị  do Ty Văn hóa tỉnh Nam Định ấn hành cùng thơ của các cây bút trẻ Nam Định đầy triển vọng ngày ấy: Hoàng Trung Thủy, Nguyễn Đức Mậu, Phạm Như Hà, Nguyễn Hữu Tình, Trần Trung Hiếu, Nguyễn Thị Phúc.... Đó là những tháng năm đáng nhớ khi nhà thơ Nguyễn Bính từ Hà Nội về công tác tại Phòng Sáng tác Ty Văn hóa, biên tập thơ, trực tiếp hướng dẫn sáng tác, khuyến khích các tài năng trẻ. Những cuộc gặp mặt bạn bè bao năm còn đó tình thơ lưu luyến.

Những năm không lực Hoa Kỳ leo thang gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, trận địa tên lửa, pháo phòng không đặt ngay trên đất Thiên Bản lục kỳ sẵn sàng chiến đấu. Thầy Trần Minh Ân, Hiệu trưởng trường THCS Kim Thái cùng với các trò ngoan của mình bước vào các buổi học ngắt quãng bên cạnh hầm trú ẩn sau tiếng kẻng vỏ bom chát chói. Trò chơi của các em là đánh trận giả - như thật: “ Trẻ bầy trận địa ven đê/ Hiệp đồng bắn tàu bay Mỹ.../Ngắm diều lơ lửng tầng mây/ Chỉ huy hô “Các đồng chí!/ Mục tiêu hướng cánh diều bay...” (Trẻ thơ cũng thành chiến sĩ).

Tiễn bạn bè, đồng nghiệp lên đường nhập ngũ, Trần Minh Ân lại có thơ tình chiến đấu: “Trao vội cho anh cả đời con gái/ Đêm chia ly trên bến Đại Hoàng/ Vầng trăng rọi như lưỡi lê ngời sáng/ Canh giữ tình em sông nước mênh mang” (Đêm thời chiến).

Từng ngả mũ trước bài thơ Đồng chí của nhà thơ quân đội Chính Hữu với hình ảnh “Đầu súng trăng treo”, tôi thật sự ấn tượng với câu thơ của Trần Minh Ân, tả vầng trăng thượng huyền trong đêm chiến tranh “như lưỡi lê ngời sáng/ Canh giữ tình em sông nước mênh mang”...

Đầu xuân Canh Tý, 2020 , chúng tôi có buổi hàn huyên. Trần Minh Ân ngỏ ý in sách - một tập thơ mới sắp hoàn thành tiếp theo các tập Con về lễ hội, Nguyên vẹn tình yêu, Nguyễn Minh Không với chợ Viềng Phủ Dầy. Tôi nghĩ về anh, một nhà giáo đôn hậu, chân thành, sống có trách nhiệm, góp công đầu dựng dậy Câu lạc bộ thơ văn Thiên Bản huyện Vụ Bản, hoạt động rất bài bản, có nhiều thành tựu. Một ủy viên Ban Chấp hành Hội thơ Đường luật Việt Nam năng động; một người mạnh dạn đứng lên  thành lập Hội thơ Đường luật tỉnh Nam Định rồi được bầu làm Chủ tịch Hội. Một người đã nghỉ hưu còn tham gia gánh vác công việc Hội giáo chức ở xã; công việc văn chương thơ phú ở huyện, ở tỉnh... chưa lúc nào nghỉ ngơi. Những buổi sinh hoạt nghiệp vụ định kỳ được chuẩn bị kỹ càng; nhiều cuộc giao lưu thơ trong Nam ngoài Bắc được tổ chức gối sóng; những buổi lễ kỷ niệm danh nhân đất nước diễn ra ở nhiều nơi. Rồi hội chợ Viềng đầu năm, lễ hội “tháng Ba giỗ Mẹ” với hình ảnh đặc trưng “Hội xuân gió loạn đuôi cờ” (thơ Nguyễn Bính) trên đất danh hương Vụ Bản giàu truyền thống văn hóa, lịch sử.

Và hôm nay trước tiết Lâp đông, tôi tiếp cận bản thảo tập thơ gần bảy mươi bài gồm các thể thơ: thơ tự do, thơ ngũ ngôn, lục ngôn, tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, lục bát trong thi phẩm Tình yêu dọc theo đất nước của nhà giáo - Cử nhân Trần Minh Ân. Xin nói thêm rằng, Trần Minh Ân trở lại với thơ sau một thời gian dài vắng bóng do công việc giảng dạy và quản lý học đường. Anh trở thành Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định. Sống và viết nhất quán, anh phấn đấu để trở thành nhà thơ trên vùng quê có nhiều tài năng văn chương nghệ thuật hàng đầu đất nước. Nếp sống văn hóa với những thuần phong mỹ tục bao đời, ông cha dày công xây dựng từ thuở các vua Hùng dựng nước, lập nên đất Thiên Bản xưa – Vụ Bản ngày nay.

Truyền thống văn hiến quê hương đã cho anh một tầm nhìn, một định hướng khi bước vào công việc học tập, tu dưỡng, nghiên cứu rồi lao động sáng tạo thi ca như những người đi trước. Anh làm thơ để trả nghĩa quê hương. Những sáng tác về bậc “Mẫu nghi Thiên hạ” với quần thể kiến trúc Phủ Dày Vân Cát – Tiên Hương nổi tiếng cả nước từ thời Lê Trung Hưng đã minh chứng cho điều này. Thơ anh thăng hoa từ cảnh quan huyền diệu quê nhà:

“Trên hai cồn cát như mây/ Hiện ra quần thể Phủ Dầy uy linh/ Nơi này Tiên chúa giáng sinh/ Một thiên huyền thoại trữ tình nên thơ/ Con về lễ hội cầu mơ/ Một mình tâm niệm ngẩn ngơ một mình/ Phủ Dầy lễ hội tâm linh/ Phủ Dầy- Hội của nhân tình thế gian...”.Những dòng lục bát trữ tình hướng nội sâu lắng riêng tư mà thật nhân văn ở hai câu kết: “Người người cầu lộc, cầu tài/ Riêng con cầu phúc cho người mình thương” (Con về lễ hội).

Đây Phủ Vân Cát  Linh thiêng huyền tích dẫn vào..cõi xưa!” với bút pháp tự sự - trữ tình, tác giả dẫn ta vào nơi Tiên chúa giáng sinh “Cung Đệ nhất rực hào quang/ Phòng văn hay Quán cỏ vàng, dấu nôi?/ Giáng Tiên tài sắc hơn người/ Sinh từ nguyên khí đất trời Văn lang”.

Đây Phủ Tiên Hương, nơi Tiên chúa xuất giá - một bài thơ lấp lánh kể và tả thật sinh động. Tầng tầng, lớp lớp thềm hoa mái ngói “trùng thiềm điệp ốc” hoành tráng mà tao nhã trong thơ Trần Minh Ân khắc ghi sông đức: “Chúa Tiên duyên nợ một thời/ Lung linh huyền tích, chói ngời sắc phong/ Lòng Người mở rộng mênh mông/ Tài ba biến hóa thần thông lẫy lừng/ Cứu nhân độ thế, bao dung/ Dấu chân in khắp mọi vùng nhân gian”.

Thật đáng ghi nhận sự chuyên tâm lao động sáng tạo của một tác giả thơ trước mỗi công trình kiến trúc trong quần thể di tích Phủ Dầy: Lăng Mẫu tuyệt mỹ, Nguyệt Du Cung lung linh“Sử thi đạo Mẫu Việt Nam/ Trinh-Từ-Hiếu-Thuận lưu ngàn đời sau”. Huyền tích đã vào thơ Trần Minh Ân với những tứ thơ đặc sắc Nguồn Tiên, Lầu Thơ, Mưa xuân Khải Thánh đài, Đền đức Vua, Cầu duyên, Huyền diệu hoa sim ...những dòng thơ tâm linh, tâm tưởng thành kính, tha thiết tình đời.

Hình tượng Mẫu Thượng Ngàn (Đệ Nhị) ngự trong khám thờ giữa cảnh quan ngôi đền trên núi Tiên Hương: “Hồi chuông ngân chảy trong veo/ Xuống dòng Ba Sát lượn theo chân đồi.../Tục truyền công chúa Thiên Thai/ Giáng sinh hạ giới, quyền oai lẫy lừng/ Trông coi đồi núi trập trùng/ Thác ghềnh, khe suối, tận cùng ngàn sâu/ Non thiêng, cầm thú quy, chầu/ Chim muông ca hót, đỡ đầu sơn trang”...

Huyền tích Mẫu Thoải (Đệ Tam): “Coi miền sông nước mông lung/

Làm mưa cứu sống những vùng cạn khô/ Tháo lui nước úng ngập bờ/Điều hòa nguồn nước sông hồ trần gian”...

Bạn yêu thơ còn gặp trong tập thơ này những bài thơ đậm nét sử thi: Đền Công đồng, Đình ông Khổng, Tiếng chuông Phủ Nội, Cội nguồn Khải Thánh Đài, Mưa xuân Khải Thánh Từ... những công trình trong quần thể kiến trúc Phủ Dầy, Vụ Bản, Nam Định, có một không hai trên đất nước ta. Có thể nói, với trên hai mươi bài thơ châu tuần vào chủ đề Con về lễ hội, Trần Minh Ân đã đưa bạn yêu thơ vào không gian nghệ thuật một giao hưởng thơ, kết nối nhiều phân đoạn về Văn hóa tâm linh Đạo Mẫu Việt Nam. Tác phẩm này được công bố năm 2005, sau đó, được tái bản mấy lần.

Chúng ta đều biết Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh tại Danh sách “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, ngày 1 tháng 12 năm 2016 mà tỉnh Nam Định vinh dự được nhận trách nhiệm làm đại diện trước diễn đàn hội nghị Quốc tế, Ủy ban Liên Chính phủ, diễn ra tại nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ê-ti-ô-pi-a. Như vậy, trước sự kiện tôn vinh Đạo Mẫu ở tầm Quốc tế này 11 năm, thi phẩm Con về lễ hội của nhà giáo Trần Minh Ân đã góp công vinh danh Đạo Mẫu trên quê hương Kim Thái, Vụ Bản - miền đất giáng sinh của Người.

Trong tập thơ thứ tư Tình yêu dọc theo đất nước  này với không gian nghệ thuật rộng mở từ Bắc vào Nam, những bước dài thi cảm, thơ Trần Minh Ân có thêm những điểm sáng đáng mừng. Từ tiếng khánh đá chùa Linh Sơn: “Tiếng khánh đá tự ngàn xưa vọng lại/ Với bây giờ thổn thức giao thoa” là niềm tâm cảm sâu xa. Đến tiếng mõ chùa Non Ông: “Tiếng mõ ni cô nghe trẻ lắm/ Gõ vào tiếng nấc chốn hư không” thì ý thơ xa rộng vô cùng! Trong cõi vô cùng ấy, thanh âm trong thơ Trần Minh Ân cất cánh khi anh  lắng nghe nhã nhạc chuông, trống nơi Phủ Tiên Hương mà cảm nhận được: “Thanh trầm thấm  xuống thủy cung/ Thanh cao bay tận chín tầng mây cao” thật là tài.

           Tôi được biết, các vị cao tăng trụ trì tại chùa Yên Tử tấm tắc khen hai câu thực trong bài thơ Đường luật Yên Tử của Trần Minh Ân là “có thần”: “Tiếng mõ sỏi vàng gieo bậc đá/ Hồi chuông suối ngọc đổ sườn non”. Thật hạnh phúc đối với người làm thơ khi có được trong đời những  độc giả “thần giao cách cảm” mà thơ hạnh ngộ. Xin chép ra đây cả bài thơ Yên Tử để cùng tưởng thức: “Chùa Đồng tọa  lạc đỉnh chon von/ Giữa biển mây trôi đảo một hòn/ Tiếng mõ sỏi vàng gieo bậc đá/ Hồi chuông suối ngọc đổ sườn non/ Đường tùng Vua-Phật ngời trang sử/ Lối trúc  Thiền Lâm dấu vẫn còn/ Ngưỡng vọng người xưa đầy hướng thiện/ Dâng hương thành kính tấm lòng son!” – Một bài thơ Đường luật tiệm cận sự toàn bích của Trần Minh Ân.

Cảnh quan, danh thắng đất nước hiện hữu trong thơ  trên hành trình du lịch văn hóa, giao lưu với các thi hữu gần xa của tác giả. Các bài Bãi Cháy, Bái Đính, Sầm Sơn, Quảng Trị, Đà Nẵng, Huế, Vũng Tàu ...dạt dào tình yêu đất nước. Thơ viết về các anh hùng dân tộc: Lý Nam Đế, Trần Hưng Đạo thành kính, trang nghiêm; về các danh nhân văn hóa Lương Thế Vinh, Nguyễn Du, cảm phục tài năng trác tuyệt; về các nhà thơ quê hương: Nguyễn Bính, Trần Tế Xương.. . Anh rất tâm đắc khi viết được bài Cảm nhận thơ Tú Xương có hai câu kết để đời: “Thần thơ Thánh chữ” lưu muôn thuở/ “Việt hóa Đường thi” để vạn đời”. Đây quả là hai câu thơ đúc kết tài năng thi ca trác việt của nhà thơ non Côi sông Vị, hai câu thơ thật đáng khuyên son.

Đất nước trải qua những cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc vô cùng gian khổ.  Tại  nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo, hàng vạn người yêu nước hy sinh:“Thấp thoáng bao hình bóng/ Linh hồn hay khói hương .../Lắng trong mồ liệt sĩ/ Ào ạt sóng trùng dương/ Ngọn lửa bùng trong gió/ Như ngôi sao dẫn đường” (Đêm Hàng Dương). Một đồng nghiệp  trở về lên lớp: “Phải vật lộn đớn đau – binh trạm cứu thương/ Để tập viết bằng bàn tay trái/ Thày giáo thương binh hôm nay trở lại...” (Viết tay trái). Cậu bé Tìm cha là liệt sĩ : “Nhìn gương mẹ - chạnh buồn côi cút/ Con tự soi mình tìm nét mặt cha”. Thật cảm động khi đọc những dòng thơ chia sẻ những mất mát, hy sinh của Trần Minh Ân.

Tôi chú đến những tâm sự riêng của tác giả trong tập thơ này. Những bài Sóng, Nhớ bến đò ngang viết về tình thày trò thật ân cần, sâu lắng. Những câu thơ vui nhộn thời trai trẻ (Say), những câu thơ mang triết lý nhân sinh đầy trải nghiệm khi anh bước vào tuổi bảy mươi (Tâm sự, Lựa chọn, Lối sống...). Đặc biệt, tôi chú ý đến những bài thơ tình đằm thắm của một ông giáo làm thơ:

Vừa lúc soi mình trong gương/ Bắt gặp cái nhìn cô gái/ Ôi cặp mắt đen tròn dễ thương/ Bỗng  nổi gió cuốn ta vào sóng mắt/ Rồi từ đấy một vì sao Hôm/ Trên nền gương không bao giờ chịu tắt” (Vì sao Hôm).

Tình  yêu mách thầm chỉ lối/  Bên thềm xanh cây Ngọc anh/ Tôi đến lần đầu bối rối/ Mượn cớ xin em một cành/ Chùm hoa nõn nà uyển chuyển/

Sáng bừng hương toả vòm xanh”... (Hoa Ngọc anh).

          Còn đây là nét duyên quê mang phong vị ca dao, làm nên vẻ đẹp bên trời trong thơ Trần Minh Ân: Này cô gánh nước bên sông/ Chờ ai mà quẩy thùng không ? Giả đò?/ Tương  tư làm khổ hẹn hò/ Khỏa chân làm sóng say cho hết chiều”(Tương tư). Tôi tin rằng những vòng sóng tình yêu ấy đến hôm nay vẫn còn xao động bến sông quê…

 

 

                                                           

 

         

 

 

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội