Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
NGUYỄN HỮU TÌNH - Một miền thơ tự sự
Văn Nhân 

Nguyễn Thế Kiên

1. Chân dung

Nhà thơ Nguyễn Hữu Tình là một cây bút quen thuộc với bạn đọc, nhất là đối với bạn đọc của thành Nam. Là một Nhà giáo, sinh hoạt thơ ở Hội VHNT Nam Định, ông đã từng kinh qua vị trí Trưởng bộ môn thơ từ mấy mươi năm về trước! Ấn tượng về ông là nụ cười nhiệt thành và đôn hậu, là những trang thơ đầy đặn nghĩa tình! Thơ ông lay gợi và ấn tượng ở cái cách ông dẫn chi tiết vào thơ, trân quý ở cái hồn thật, tình thật đọng vào câu chữ! Mấy mươi năm đắm đuối cùng nghề giáo và nghiệp thơ, ông đã có nhiều thành tựu đáng kể. Về thơ, với 8 giải thưởng từ cấp Tỉnh tới cấp Trung ương, trong đó có một Giải A, bốn Giải Nhì và một Giải thưởng tập thơ xuất sắc. Chỉ cần điểm danh một số thành tựu ấy, đã có thể thấy tài năng và sức lao động nghệ thuật bền bỉ nơi ông! Mấy năm gần đây, dù tuổi đã cao, nhưng nhà thơ vẫn đều đặn sáng tác và công bố những tác phẩm của mình! Tôi thấy mình có phúc khi được sinh hoạt ở cùng một Hội VHNT với những nhà thơ ở lứa tuổi ông, lại có duyên bởi cùng là đồng hương nơi đất Ý Yên. Bởi vậy, với tôi, Nhà giáo Nguyễn Hữu Tình là một trong những cội thơ già vẫn bốn mùa trổ lên lộc biếc từ quê hương Ý Yên của tôi.

2. Lối về của chữ

Được viết về ông, với tôi cũng là một cái duyên thơ vậy! Mấy bữa trước, Nhà thơ Phạm Ngọc Quang cùng Nhà thơ Trần Kế Hoàn biết tin ông lâm bệnh, có ghé thăm ông, bên giường bệnh, ông thao thiết nói về thơ, và ý định xuất bản ấn phẩm Bên dòng sông Vị này! Rồi ông nhờ bấm điện thoại để nói chuyện với tôi. Qua điện thoại, nghe tiếng ông đã có chút không tròn, nhưng khi chạm nỗi niềm thơ, thì âm sắc ấy vẫn còn đầy khí lực, dường như ông dùng sức thơ (chứ không phải sức người) để trò chuyện cùng tôi. Chúng tôi đã cố gắng nhanh nhất để thi phẩm Bên dòng sông Vị được khai sinh. Mong rằng khi cầm ấn phẩm này trên tay, thì cội thơ già của đất Ý Yên sẽ hồi sinh trở lại! Mong lắm, nỗ lực lắm để đón một nhành thơ trở về bên người thơ đang giành giật tử sinh cùng cơn bạo bệnh.

3. Bên một dòng thơ.

Bên dòng sông Vị có lẽ sẽ là ấn phẩm thơ cuối cùng của Nhà thơ Nguyễn Hữu Tình được xuất bản! Với độ dày hơn hai trăm trang, đa số những bài thơ trong tập này được dựng dã từ 3 nguồn mạch cảm xúc về đất nước, quê hương và những người thân yêu của ông! Trong mấy dòng dẫn nhập này, xin được chia sẻ và tương tác cùng thi phẩm Bên dòng sông Vị qua một số câu thơ tiêu biểu, được ông hạ sinh trong tuổi cuối chiều.

           Ngay ở đầu tập thơ là một câu chuyện về cái xóm nhỏ được gói trong một bài thơ tự sự được viết theo thể ngũ ngôn. Tự sự đấy mà ăm ắp những mất còn, những yêu thương đầy xúc động:

Sau ngày hòa bình lập lại/ Quê tôi thành xóm Hòa Bình…/…/ Ông tôi về đây lập nghiệp/ Sáu đời… hai thế kỷ qua/…/…/ Chợ gần… còn những chợ xa/ Mẹ ta chị ta tần tảo/ Tinh mơ cho tới xế tà/ Bao ngày cuộc đời giông bão…/…/ Câu thơ này dành tặng vợ/ Em yêu yên nghỉ đất này/ Nhớ em như là ngọn gió/ Thì thầm trên sóng trên cây/… Trên trời trắng xóa mây bay/ Trên sông dạt dào sóng vỗ/ Tình quê như nước dâng đầy… (Quê cha đất tổ).

 

Cái cách tự sự trong thơ của Nguyễn Hữu Tình rất tự nhiên như vậy. Này, trong thơ ấy toàn những địa danh, những con người cụ thể lắm, vậy mà sao thơ ấy lại có sức lay gợi khi người đọc tiếp cận? Là bởi vì cái tình thơ, cái tình người làm nên câu chữ ấy. Làm thơ mà như không, viết như kể chuyện, như thủ thỉ, giãi bày là cách mà nhiều tác giả ở thế hệ ông đã dùng và đã có những thành công! 

Lối tự sự ấy, tưởng như khu biệt mang tính cá thể, cụ thể mà ta gặp trong thơ ông lại thành nỗi thành niềm của nhiều thế hệ hôm nay:

Gặp gỡ phương Nam mùa gió chướng/ Nhà Bè dào dạt sóng sông xanh/ Vẳng nghe trong gió và trên sóng/ Sông Vị quê hương nặng nghĩa tình/ Ba tháng mười ngày với cháu con/ Chung cư Tây Thạnh giữa Sài Gòn/ Đường đi lối lại nơi ăn nghỉ/ Nghe tiếng dương cầm hát nỉ non… (Ba tháng mười ngày).

Thơ Nguyễn Hữu Tình thiên về chi tiết và cách lập tứ hơn là hướng đến những câu chữ bóng bẩy, đa chiều. Nguyễn Hữu Tình tạo ra sự đa chiều trong thơ mình bằng chính cái chi tiết của thể thơ tự sự. Tất nhiên đó phải là những chi tiết độc đáo, đắc địa, thì nó mới thúc mở sự liên tưởng khi chạm người đọc:

Tôi có tám người chị góa chồng

Tròn trặn tám trái tim hồng tròn trặn

Ở vậy nuôi con bao tháng năm lận đận

Bàn thờ chồng luôn ngan ngát hương hoa.

(Chị dâu tôi)

Mấy câu thơ trên đây mang theo những con số, những chi tiết rất cụ thể, mà chỉ cần chạm vào đã thấy nứt ra những nỗi đau chồng chất. Viết tự sự mà tự nhiên nhưng lại đầy ẩn ý như thế mới là cao tay, mới là thơ vậy! Thời nay, trong những cuộc cách tân thơ ca, nhiều người thường vội vã đánh đồng cái tự sự của ca vè, tự sự của khẩu hiệu với dòng thơ THƠ TỰ SỰ của nghệ thuật thi ca! Thật đáng tiếc! 

          Thơ ca là sản phẩm của năng khiếu và tư tưởng. Năng khiếu thì trời cho, nhưng tư tưởng thì phải cập nhật bằng sự đọc, bằng vốn sống, bằng sự tiếp nhận và thấu cảm văn hóa. Đọc Bên dòng sông Vị, gặp những đoản thơ ngắn của Nhà thơ Nguyễn Hữu Tình viết về các tích chèo xưa, như Thị Hến, Thị Kính, Thị Mầu, Tuần Ty Đào Huế… người đọc dễ dàng nhận ra sự tiếp nhận và cảm xúc cùng tư tưởng nhân văn trong ông đã tạo nên sự thấu hiện mới cho câu chữ:

Thương thay thân phận Thị Mầu/ Quá yêu nên phải đâm đầu vào đây/ Mang thai thì với Nô này/ Khai làng thì lại khai thày tiểu kia!/… Em hồn nhiên bốc lửa/ Bao nhiêu người nghi ngờ/ Bị oan trên sân khấu/ Được minh oan trong thơ! (Thị Mầu).

Trong thơ, sự tiếp nhận một tác phẩm nghệ thuật để tạo nguồn cho một sự sáng tạo của thơ là điều rất thường thấy ở những cây bút có nghề. Nhà thơ Nguyễn Hữu Tình cũng không phải là một ngoại lệ:

Lặn lội Đàng trong ra đất Bắc/ Tầm chồng/ Lưu thủy lại hành vân/ Đánh ghen… lời hát như dao cắt/ Thể tất nhân tình chuyện oán ân. (Tuần Ty Đào Huế).

4. Thì thầm trên sóng trên cây*

Trong vũ trụ này, quy luật sinh tử là của muôn loài, nhưng nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng thì lại không theo quy luật ấy. Vậy nên, có câu nói mà những người làm thơ thường tâm đắc rằng: Người ta có thể quên tên người làm thơ nhưng đừng để quên thơ!. Trong cuộc người này, ai rồi cũng đến lúc ra đi, với những người làm thơ thì cái còn lại là câu chữ, là những rung động thẳm sâu được ký thác qua từng trang sách mỏng!

Trước những trang thơ của thi sỹ Nguyễn Hữu Tình xin có mấy lời sẻ chia và tương tác vậy! Mai rồi thơ ca ở đất nước này sẽ còn nổi chìm trong muôn vạn đổi thay, nhưng tôi tin, những trang thơ tự sự của Nguyễn Hữu Tình sẽ tìm được chỗ để rung ngân trong lòng quê hương và bạn đọc.

* Tên một câu thơ của Nguyễn Hữu Tình.

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội