Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nỗi niềm thơ của người lính trở về thời hậu chiến
Văn Nhân 142

HOÀNG TRÚC LONG

 

một người bạn khoe với tôi mới đọc xong tập “Vượt đường gió táp” vừa gặp “nhân vật chính” Nguyễn Ngọc Đạt tại buổi sinh hoạt câu lạc bộ Người yêu thơ Nam Định. Nguyễn Ngọc Đạt làm thơ đã thơ đăng trên một số sách báo, thi thoảng tôi xem qua. Đến khi nhận được tập “Nguyễn Ngọc Đạt - Thơ đời” - NXB Văn Học ấn hành, tôi mới dành thời gian để đọc kỹ toàn bộ thơ của Đạt. Thật ra tôi đọc thơ Đạt muốn xem tâm trạng của người thương binh đã từng được tặng danh hiệu “Dũng diệt Mỹ”, “Dũng diệt xe giới”, “Đảng viên lớp Hồ Chí Minh” năm 21 tuổi mặt trận Trị - Thiên - Huế...sau khi rời quân ngũ trở lại cuộc sống dân sự như thế nào hơn tìm đó những gọi tài hoa nghệ thuật. Đạt thường bộc bạch “Khi vui uống rượu, khi buồn làm thơ” càng đọc tôi càng nhận ra rằng, những lúc buồn là lúcthơ của Đạt có dịp bay bổng, giản dị và sâu sắc hơn.

Ngày cùng người anh cả vượt cả trăm cây số trên con đường đây đó còn những hố bom chưa kịp lấp đi tìm mộ người em út là Nguyễn Ngọc Đát hy sinh trên chiến trường Thành Cổ - Quảng Trị, được chính quyền nhân dân Cam Thanh tận tình chỉ dẫn, anh em Đạt đã đưa được hài cốt của em về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ quê nhà. Trong một đêm không ngủ, nhớ em, Đạt sụt sùi hạ bút: “Lưng tròng nước mắt chứa chan/ Đường về chạy giữa ngút ngàn đớn đau/ Nghẹn ngào đứt quãng từng câu/ Sao em về với đất sâu vội vàng?”(1)  (Về với em).

Từ ngày đưa được hài cốt người em về quê, hằng năm gia đình vẫn theo giấy báo tử của đơn vị gửi về để làm giỗ cho liệt sỹ. Thương tiếc người em hy sinh đang độ tuổi 20, day dứt lắm, xót xa lắm. Ngày  giỗ  “Bách nhật” của  em,   quá bận, công việc bộn bề của cơ quan, Đạt không về nhà được, đành đứng lặng một mình: “Đát ơi em có linh thiêng/ Hãy theo máu mủ tình riêng mà về/ Bát cơm cúng đầy tái tê/ Mẹ cha đặt giữa chiều quê sụt sùi”...(Bát cơm trăm ngày).

Rồi mỗi lần mùa đông giá rét lại nhớ đến chiếc áo len xanh của Đát trước khi hành quân ra trận đã gửi lại cho Đạt làm kỷ niệm. Mỗi lúc mặc vào như tìm lại hơi ấm của người em út Đạt thảng thốt: “Ấm rồi mắt xè cay/ Bao nhiêu đau buốt thấm vào tim anh/ Út ơi áo vẫn còn xanh/ Nghĩa trang cỏ bạc đã thành ngày xưa” (Út ơi màu áo vẫn xanh).

Ngoài một số bài như “Về  với  em”, “Bát cơm trăm ngày”, “Út ơi màu áo vẫn xanh” ... mang màu sắc thơ gia đình. Trong 97 bài tuyển trong “Hoài niệm” còn một số bài viết về đề tài chiến tranh khác như bài “Từ ơi” kính viếng hương hồn liệt sĩ Trần Từ, người bạn đồng hương, người đồng đội cùng đơn  vị Trung đoàn số 6 - Đoàn Phú Xuân

- Trị - Thiên Huế. “Ngày ấy ta bơi truy tìm giặc/ Đạn bom, khói lửa mái  nhà  xô/ Phút giây ngoảnh lại còn hay mất/ Ta mình gặp lại bến sông thơ” (Gặp lại mình trên sông thơ).

Tâm sự với bạn trước giờ xuất kích vậy nhưng Trần Từ đã hy sinh khi bơi qua sông Hương, không ngờ bị “chuột rút” vẫn cắn răng chịu đựng, không dám vùng vẫy mạnh, không dám kêu cứu, lặng lẽ ôm súng buông mình xuống dòng nước xiết để giữ mật cho đơn vị vượt sông an toàn tiến đánh, tiêu diệt đồn bốt đóng quân của địch.

Trần Từ hy sinh, sau trận đánh, trong hoàn cảnh chiến tranh, quân địchtrong thành phố còn nhiều, đơn vị chỉ còn cách: “Đá xếp mộ, võng tăng thay ván/ Núi Ngự sông Hương đượm bóng Từ/ Ngược về với Huế chiều buông tím/ Chấp chới miền xưa vẳng tiếng ru”.

Bài thơ này đã được Báo Văn Nghệ, Báo Quân đội nhân dân in số tháng 4 - năm 2013. Bài thơ tuy ngắn nhưng có sức lay động trái tim đông đảo bạn đọc.

Tôi biết người đọc bài thơ này bổng trầm ngâm giây lát rồi cất tiếng “Gan dạ quá! Đáng phục!”. Lại cả Câu lạc bộ thơ người cao tuổi trong đó một số cựu chiến binh của hai thời kỳ chống Pháp chống Mỹ tham gia. Ngồi bên nhau nói chuyện về thơ ca, về bài “Từ ơi”, các cụ đều thống nhất ý kiến là sự hy sinh anh dũng của bộ đội ta ở chiến trường nào cũng có và có nhiều tình huống hy sinh khác nhau. Chẳng nói đâu xa, ngay Quảng Trị - nơi liền dải đất với cố đô Huế, trong chiến dịch 81 ngày đêm Thành Cổ, Nguyễn Hải Nghiêm đã viết: “Đồng đội trong chiến dịch bảy hai/ Xương thịt nhiều hơn đất đai Thành Cổ/ Bao đồng đội ra đi không về nữa/ Để đất đai mãi mãi tươi màu...”(2).

Thơ Phạm Đình Lân nêu hình ảnh: “Tám mươi mốt ngày đêm đất trời ken dày bom đạn/ Cát trắng rang vàng nghiêng lệch cả dòng sông”. Dưới mắt thơ của nhà thơ quân đội Nguyễn Đức Mậu (người bạn thân thiết của Nguyễn Ngọc Đạt) phần cụ thể về sự hi sinh như một điển hình của người chiến tên Bường trong cảnh “Đêm Thành Cổ ngổn ngang gạch vụn/ Đoạn chiến hào đầy tiếng chuột kêu/ Bày chuột đói gặm xương người/ Sau tiếng thét Bường lịm dần rồi tắt thở/ Tôi gọi hoài tên gọi tàn hơi/...Tôi gọi cả hai bàn chân đã mất/ Hai bàn chân lạc trong hố bom cày/ Đêm Thành Cổ mưa rơi lấp mặt/ Tôi ôm Bường rụng buốt cả vòng tay...”.

Viết về đề tài chiến tranh, Nguyễn Ngọc Đạt có một bài thơ nữa tựa đề “Nợ”, toàn văn như sau: “Đồng đội mất bảy còn ba/ Hai  người thương tật còn ta nợ đời/ Tử sinh nợ ngập đất trời/ Nợ trăng nợ gió nợ lời cỏ hoa/ Nắng vàng hong những mộng mơ/ Uốn cong gánh nợ trang thơ tình đời”.

Bài này được Tập san Người yêu thơ in số tháng 5 - 2011, Tập san báo Pháp luật in số tháng 4 - 2013.

Cái “mất bảy còn ba” không chỉ là con số quặn lòng nói về sự mất mát của tiểu đội Đạt trong một trận đánh mà còn là sự gợi mở để người đọc có thể liên tưởng đến những gì mình đã trải qua hoặc nghe qua về những trận chiến tàn khốc khi lực lượng đôi bên ta địch không cân sức.

Cái “nợ” tác giả đặt ra trong thơ, nội hàm của nó có thể coi lời chia sẻ, lời hứa trước vong linh đồng đội. Cái “ta” trong văn cảnh này không còn cái ta riêng biệt của nhân mà đã trở thành cái chung, trách nhiệm của những người còn sống đối với các liệt sỹ - những người đã hy sinh thân mình trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù, bảo vệ quê hương, đất nước.

Sách báo viết về  sự  nghiệp  “Thơ  và đời Nguyễn Ngọc Đạt” khá đậm nét nhưng sách ông tự viết không nhiều và đặc biệt là thơ ông viết về đề tài chiến tranh cũng ít hơn. Có những người còn “tôn” ông là nhà thơ, là thi sĩ nhưng trước sau ông chỉ nói “Tôi chỉ là người mới tập làm thơ thôi”. Nhà văn tiến sĩ Nguyên An nhận xét: “Thơ Nguyễn Ngọc Đạt thuộc dòng tự phát, tự ngẫu. Trong cái dòng lớn ấy, cái nhánh thơ nhỏ mà ông theo một cách thật tự nhiên như vô thức từ một tấm lòng... Thơ Nguyễn Ngọc Đạt  như  ông tự biết là thơ tâm sự, đầy chất riêng tư,  nó chỉ có thể được cảm thông nhiều khi  ta đọc mà như độc ẩm. Những lúc đó, ta đừng bị ám ảnh bởi cái gọi là nghệ thuật, kỹ thuật làm thơ. Tôi trộm nghĩ là hãy để ông Đạt và những người như ông cảm nhận thế nào thì cứ ghi ra giấy như thế, chân mộc mà không kém sâu xa...”.

Tuổi đời của ông thể xếp vào hàng “lão gia”, sức khỏe không còn được như xưa nhưng xem ra tinh thần còn minh mẫn. Tuy vậy ông vẫn ý định “gác bút” nhưng tôi biết dòng thơ tự sự của ông chưa cạn, cái “nợ” của ông với đồng đội chưa nguôi, tính “hoài niệm” của ông vẫn chưa hề phôi phai thì bàn tay run run, ngọn bút run run thi thoảng vẫn cố ghi trên mặt giấy những câu chữ như “ký tự” chỉ ông mới đọc được. Rồi sẽ đến một lúc nào đó ông phải nhờ đến bàn tay con cháu ghi lại những câu thơ ông mới nghĩ ra những bài thơ tự sự, hoài niệm của ông chắc chắn còn ra đời. Cầu mong cho điều đó tiếp tục vun đắp để “Thơ đời” của tác giả Nguyễn Ngọc Đạt mãi mãi tươi xanh.q

 

 

-------------------

  1. Những câu thơ nhận xét...đều trích từ các tập “Hoài niệm” - NXB Văn Học 2014, NXB Hội Nhà văn 2018.
  2. Những câu thơ viết về Thành Cổ Quảng Trị trích trong tập “Khúc tráng ca Thành Cổ” - NXB Văn hóa Thông tin 2014.

 


HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội