Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Trong lòng thuyền lõng, một truyện ngắn dụng công về cấu tứ của Nhà văn Mai Tiến Nghị
Văn Nhân số 138

           Nguyễn Văn Nhượng

          Trong quá trình sáng tác, cấu tứ là một hoạt động tư duy giúp người nghệ sĩ sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật. Nhà lí luận văn học Lưu Hiệp (Trung Quốc) nói: “Cái kì diệu của cấu tứ là làm cho tinh thần nhà văn gặp gỡ với sự vật khách quan”, “hình và ý gặp nhau”. Cấu tứ không phải chỉ có trong thơ trữ tình hoặc trong một tác phẩm nào đó mà có cả trong mọi tác phẩm nghệ thuật. Trong thơ, sự tổ chức ý và tình, hình và nhạc (cấu tứ) tạo ra tứ thơ. Trong truyện sự tổ chức sắp xếp hệ thống các chi tiết, tình huống, các tuyến nhân vật sẽ làm nên cấu tứ của truyện. Cấu tứ là sự cắt nghĩa, lý giải và khái quát hiện tượng đời sống bằng một hình tượng tổng quát có sức chi phối toàn bộ cảm thụ, suy tưởng và miêu tả nghệ thuật trong tác phẩm. Chính vì vậy, khi nhà văn nào dụng công về cấu tứ, sẽ thu về những thành quả sáng tạo nghệ thuật nhất định.

          Tôi đồng quan điểm với nhà văn Mai Tiến Nghị, khi anh cho rằng: “Viết truyện ngắn, quan trọng nhất là lập tứ. Một khi tứ được lập sẽ gọi về hệ thống chi tiết tương thích. Chi tiết nếu vượt khung/khuôn của tứ cũng hỏng”. Bên cạnh chất đời sống, chất tư tưởng, văn hóa, chất văn (hoặc truyện ngắn hay là theo cách của người đọc) thì ý kiến của nhà văn Mai Tiến Nghị đã xác lập một tiêu chí quan trọng, xác tín điểm mấu chốt làm nên truyện ngắn hay, đó chính là cách lập tứ, bởi tứ chính là linh hồn của truyện, cung cấp một thế đứng, thế nhìn, cách cảm nhận để thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Truyện ngắn Trong lòng thuyền lõng đã được triển khai theo tiêu chí anh đặt ra. Sau khi Trại sáng tác – phê bình Văn học 2018 kết thúc, truyện ngắn trên đã được đăng ngay trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số 905 (cuối tháng 11/2018) như một pháo hiệu mở màn cho việc đi tìm truyện ngắn hay.

          Trong lòng thuyền lõng là nhan đề được lựa chọn để đặt tên cho truyện ngắn. Hai tiếng “trong lòng” đã cụ thể hóa khoảng không gian có ý nghĩa khái quát là “thuyền lõng”. Trong lòng thuyền lõng là một ẩn dụ nghệ thuật, không gian chật hẹp ấy là nơi chứa đựng, thít chặt những số phận sống mỏi mòn trong đó, tín hiệu ấy như nhấn mạnh đến những ẩn ức, bi kịch kiếp người, những bế tắc ích kỉ hẹp hòi, cả những day dứt, dằn vặt đớn đau do chính con người tự mình gây ra chỉ vì không thể tha thứ. Trong lòng thuyền lõng là không gian đầu mối kết nối hiện tại với quá khứ. Quá khứ là tội lỗi, hiện tại là đớn đau, oán hận. Con thuyền là chứng nhân ám ảnh, chỉ khi thoát ra khỏi lòng thuyền con người mới tự giải phóng cho chính mình và cho người khác. Tác giả chọn không gian ấy để triển khai cấu tứ của truyện, từ mở đầu đến thắt nút và cởi nút. Con thuyền lõng chở lúa trong đêm có ánh trăng giữa tháng vằng vặc là nơi diễn ra chuyện tội lỗi động giời giữa lão đội trưởng Hội tác xã với cô Xoan, vợ Cánh, chàng bộ đội đi B, từ đây kéo theo sự ngộ nhận của đứa trẻ 13, chớm tuổi dậy thì là Quán, làm hại mấy phận người (Xoan bị ruồng bỏ, sống cô độc, ngày ngày niệm Phật, Cánh chỉ vì không thể tha thứ, đã tự làm khổ, hành hạ đời mình, Quán trở nên câm, sống ám ảnh bằng tình yêu đơn phương, lão đội trưởng bị trả giá bán thân bất toại, đứa con cũng chết); từ con thuyền đã vẽ lên một bức tranh “nhập nhòa” số phận những con người thời hậu chiến, đặc biệt là hai nhân vật Cánh Cụt và Quán Câm. Thế rồi trên chính con thuyền lõng xi măng chở lúa năm xưa ấy, sau này được vớt lên sửa sang thêm bằng hai tấm liếp làm mui nhô lên mặt sông, lại là nơi che chở những phận người khốn khổ, Cánh Cụt và Quán Câm, hai con người “hai thằng, một cụt chân một câm trên cái thuyền lõng xi măng, ăn trên thuyền ỉa xuống sông”. Nó vừa là nơi che chở nắng mưa, vừa là nơi gợi nhắc ám ảnh và giam nhốt hai con người trong sự ích kỉ hẹp hòi suốt mấy chục năm sau hòa bình. Điều trớ trêu nằm ở chi tiết, từ con thuyền ấy mà một kẻ bị vợ phản bội, một kẻ bị đẩy đến bị câm, sau này tìm đến với nhau, chung sống với nhau heo hắt, tối tăm trong lòng thuyền, chia sẻ những nỗi buồn qua bao thời gian mưa nắng. Kẻ ở quê nhà mòn vai gánh vác những việc nặng nhọc nhất, người đi chiến đấu bảo vệ non sông trở về với cái chân cụt, cuối cùng nương tựa vào nhau trong lòng thuyền. Chi tiết này lay động niềm trắc ẩn và có sức tố cáo ghê gớm, do hoàn cảnh xã hội và do tự mình gây ra, dẫn đến những éo le, trớ trêu của số phận, hạnh phúc không thể đến trong tầm tay. Qua chi tiết này nhà văn như muốn nói với chúng ta rằng chỉ họ mới có thể tìm đến với nhau, để biết yêu thương chia sẻ cho nhau, và chỉ có họ mới tự mình thay đổi không gian sống cho mình, và chỉ khi chịu thay đổi không gian sống chật hẹp mới giải thoát được những suy nghĩ chật hẹp để sống khoan dung, tha thứ và hòa hợp. Từ một biến cố cuộc đời, từ cái đêm trăng tội lỗi trong lòng thuyền ngày ấy, họ đã tự ràng buộc nhau để rồi cam chịu sống trong sợ hãi, ám ảnh hận thù, lầm lũi cô đơn, xa cách và hối tiếc gần hết một đời người, đó là ba nhân vật Quán, Cánh và Xoan.

          Trong lòng thuyền lõng tựa như một cuốn tiểu thuyết thu nhỏ, vượt ra ngoài khuôn khổ hạn hẹp về dung lượng của một truyện ngắn, nhà văn đã chọn lọc khá đắt hệ thống các chi tiết có giá trị để triển khai một cách chặt chẽ nút thắt và nút mở của truyện, khái quát hóa khá toàn vẹn và tương đối tròn trịa về ba số phận: Cánh, Xoan và Quán. Số lượng nhân vật và mạch kể vừa đủ để làm toát lên chủ đề tư tưởng của truyện, có nhiều chi tiết ám ảnh người đọc, như những chi tiết: con thuyền trong đêm, tay đội trưởng đùng độc chiêu, tụt quần và đẩy Quán ngã vào Xoan để làm cớ đổ vấy; Quán sợ vãi đái, ngất xỉu trong đêm rồi trở nên câm hẳn; Quán chiếm giữ hình tượng Xoan bằng cách đêm đêm rình mò tự thỏa mãn, Quán bảo vệ Xoan bằng cách đêm đêm, “nhảy mất hút lên bò” ném đá tất cả những ai đến với Xoan, Quán giằng co bảo vệ túp lều của mình bằng nồi nước mỡ sôi, rồi đi tù, Quán lao chiếc lạng xuyên thủng lòng thuyền xi măng đang mục, Cánh trở về nhà trong không gian ấm áp thanh bình của tiếng gà con liếp chiếp gọi mẹ…Trên nền không gian chính là lòng thuyền, tác giả dựng nên ba nhân vật với ba số phận, phát triển trên một mục, theo đó lần lượt các chi tiết xuất hiện, tạo thành một hệ thống chỉnh tề, gọi về tứ truyện. Nhân vật Cánh xuất hiện ấn tượng, chân thực trong “giọng rè rè loang cả mặt sông” trong câu hát đầy hờn oán, trách móc: “Vì ai…ai xúi giục…cho mình…tâm…nhị tâm”.trong tiếng chửi đầy cay đắng, nghiệt ngã: “Mẹ nó! Thằng đi đánh nhau tợt mặt sống chết không biết thế nào, thằng ở nhà hưởng hết…Giờ cũng vẫn hưởng, còn thằng bỏ xương bỏ máu thì khốn nạn đủ đường”, “Tao hận con Xoan một thì căm cái thằng kia mười”. Đó cũng là những trớ trêu, nghịch lý sau chiến tranh mà người lính thường vấp phải. Tuổi trẻ đi đánh giặc, vợ ở nhà bị tay đội trưởng “hủ hóa”, trở về mất một chân, bởi hận người vợ phụ tình mà không trở về nhà, cắm một miếng đất ven đường làm ăn, tưởng yên ổn mưu sinh, xã bất ngờ lên thị trấn, đất trở nên có giá và bị cướp trắng trợn, Cánh bị đẩy vào tù với tội danh “chống người thi hành công vụ”. Ra tù, anh sống dưới gốc cây trải áo mưa nằm ngủ, lúc thức thì trông mảnh đất của mình mà “bất động mắt văn đỏ nhìn sang căn nhà ba tầng của con lão Phó chủ tịch như muốn đốt cháy nó ngay lập tức”. Cứ vậy, Cánh “nắng cũng ngồi, mưa cũng ngồi”, sau cùng, Quán Câm lấy chiếc thuyền lõng bỏ hoang bao năm, che liếp buộc gốc cây làm nơi hai người tá túc, chính quyền lại xua đuổi, thuyền dong ra giữa sông, họ rượt đuổi chán rồi cũng thôi. Cái vòng luẩn quẩn ám ảnh vào số phận. Kết truyện để giải quyết những nghịch cảnh “Đứa đi từ, đứa đi tu vì đâu đến nỗi. Tù mù cái kiếp cái duyên. Cũng bởi cái con thuyền”. Tác giả đã cho cánh trở về trong vòng tay ấm áp của Xoan trong ngôi nhà thân thương của mình, với sự thức nhận dẫu có là muộn: “Nhà mình! Ôi chao…phí cả một cuộc đời”. Âm thanh tiếng gà con liếp chiếp gọi mẹ như gọi về tình chồng vợ bao lâu nay mất đi chỉ bởi lòng chưa đủ rộng để dung chứa những lỗi lầm, tha thứ cho người khác, chỉ bởi một sự thật trớ trêu khó vượt qua: “Nó chửa thì phải đẻ, nhưng đứa con lại không phải con tao. Làm sao tao có thể về ở đấy khi cái bằng chứng phản bội lại sờ sờ trước mắt…”. Cánh tin theo lẽ thường mà bỏ qua hoàn toàn “Đàn bà khi đã ngoại tình một lần thì chắc chắn sẽ có lần hai, lần ba” nên không nhận ra một lẽ sống rất đỗi đơn giản, tha thứ cho người cùng là cách mang lại sự thanh thản, hạnh phúc bình an cho chính mình. Quán Câm sau nhiều năm san sẻ nhọc nhằn với Cánh đã có một hành động âm thầm và quyết liệt, Quán không tự làm khổ mình và người khác bằng sự chiếm hữu đơn phương nữa, đã tự tay phá bỏ con thuyền, một sản phẩm quái thai, gây ra bao tội lỗi, mà chính mình đã từng phục dựng. Quán Câm đưa Cánh về ngôi nhà xưa, sống nốt phần tuổi già bên người vợ, còn mình thì vào Nam theo anh trai sau bao năm bám trụ dật dờ ở mảnh đất quê hương không người thân thích. Hành động giơ nạng lên cao, lấy hết sức lao cái nạng cắm xuống chỗ nứt của con thuyền. Phá thuyền là phá đi những ẩn ức, hận thù, để biết khoan dung tha thứ, sống tốt hơn cho mình và cho người. Truyện kết thúc nhân văn hợp tình hợp lý. Có thể nói, cấu tứ chính là mô hình nghệ thuật tác phẩm, là quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người của nhà văn. Việc tìm được một tứ hay cho truyện không phải dễ, tìm được tứ rồi buộc nhà văn phải tạo dựng và sắp đặt những chi tiết đắt, tương thích để thể hiện tứ, tất cả đòi hỏi ở tài năng và tính chuyên nghiệp của nhà văn. Trong lòng thuyền lõng đã có sự dụng công cho một tứ truyện hay vậy.

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội