Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Người Nam Định với Phan Bội Châu
Văn Nhân số 139

           Trần Mỹ Giống

           Phan Bội Châu là một chí sĩ yêu nước, bậc anh hùng xả thân vì độc lập, được nhân dân ta tôn sùng, lịch sử ghi nhận. Phan Bội Châu phất cao ngọn cờ Duy Tân, chủ trương vũ trang bạo động và tạo dựng khối đoàn kết toàn dân. Năm 1905, Phan Bội Châu đi Nhật Bản tìm đường cứu nước, khởi xướng phong trào Đông Du, dấy lên một phong trào xuất dương yêu nước mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử lúc bấy giờ, thu hút hàng trăm thanh niên bất chấp mọi nguy hiểm để qua Nhật, qua Xiêm du học, cùng lo việc đánh Tây.

          Nam Định có hai nhân vật, người phát hiện và tạo điều kiện cho Phan Bội Châu hoạt động yêu nước, người xin chết thay cho Phan Bội Châu sống tiếp tục sự nghiệp vì nước vì dân.

  • 1- NGƯỜI PHÁT HIỆN TÀI NĂNG PHAN BỘI CHÂU

              Đó là Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh.

              Khiếu Năng Tĩnh (1835 - 1920) quê xã Chân Mỹ, huyện Đại An nay là thôn Trực Mỹ, xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, Khiếu Năng Tĩnh rất chăm chỉ học tập và sớm bộc lộ trí thông minh, học giỏi. Khoa Mậu Dần (1878), ông đỗ Cử nhân. Khoa Canh Thìn niên hiệu Tự Đức 33(1880) ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Khoa này ông đỗ Hội nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hội). Ông làm quan trải các chức Đốc học Nam Định, Đốc học Hà Nội, thăng Quốc tử giám Tế tửu.

              Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh là một học giả uyên thâm, nhà văn, nhà giáo nổi tiếng, tác gia Hán - Nôm tiêu biểu thời cận đại. Sách địa phương chí của ông hiện còn đến nay là những tài liệu rất có giá trị đối với bạn đọc nói chung và các nhà dân tộc học, nhà địa phương học, nhà nghiên cứu lịch sử  nói riêng như Đại An bản mạt khảo, Đại An huyện chí, Hà Nội tỉnh chí,  Quốc đô cổ kim chí, Thăng Long chư thần ký, Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược, Tiên phả dịch lục...

            Khi làm Chủ khảo Trường thi Nghệ An, ông đã phát hiện tài năng Phan Bội Châu, hết lòng giúp đỡ để Phan Bội Châu đỗ thủ khoa.

              Phan Bội Châu là một chí sĩ yêu nước nổi tiếng. Năm 1898, Phan Bội Châu bị cái án oan "hoài hiệp văn tự" (mang tài liệu vào trường thi) và "chung thân bất đắc ứng thí" (suốt đời không được thi nữa). Ông vào Huế dạy học. Một hôm, trường Quốc tử giám ra cho học sinh một bài phú đầu đề là "Bái thạch vi huynh" (Lạy đá làm anh), Phan Bội Châu không phải là cử nhân "tọa giám", nhưng cũng làm bài và nhờ người nạp cho Tế tửu Khiếu Năng Tĩnh chấm. Tế tửu Khiếu Năng Tĩnh rất tán thưởng bài phú, quý phục tác giả. Khiếu Năng Tĩnh đứng đầu nhóm văn sĩ đã can thiệp với triều đình xin vua Thành Thái xóa bỏ án cấm thi cho Phan Bội Châu. Đến kỳ thi Hương khoa Canh Tý (1900) Phan Bội Châu được Chánh chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh lấy đỗ Giải Nguyên đứng riêng một bảng. Cần nói thêm là đang giữa kỳ thi thì Phan Bội Châu ốm phải bỏ thi. Nhờ Khiếu Năng Tĩnh ưu ái chăm sóc và cho thi tiếp mà Phan Bội Châu đạt được danh hiệu giải Nguyên.

              Sự việc đó đã chứng tỏ Khiếu Năng Tĩnh có con mắt tinh đời và tấm lòng ưu ái đối với những tài năng của đất nước. Với danh hiệu Giải Nguyên, Phan Bội Châu có thêm uy tín, danh tiếng rất thuận lợi cho hoạt động cứu nước. Các sĩ tử khoa ấy ai nấy đều vui mừng thừa nhận Phan Bội Châu đỗ Thủ khoa là xứng đáng. Phan Bội Châu đã trở thành một yếu nhân của phong trào Đông Du, một chí sĩ yêu nước được nhân dân vô cùng cảm phục cũng một phần có công đóng góp của quan nghè Khiếu Năng Tĩnh.

  • 2- NGƯỜI XIN CHẾT THAY CHO PHAN BỘI CHÂU

          Đó là nhà thơ Nguyễn Khách Doanh.

          Nguyễn Khách Doanh còn gọi là Nguyễn Khắc Doanh, hiệu Hải Đàm, thường gọi Tú Khắc, Tú Khách, Tú Doanh.

          Không rõ ông sinh năm nào. Chỉ biết ông mất năm 1930.

       Ông quê thôn Đầm, làng Tang Trữ, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).

        Ông đỗ Tú tài năm 1906. Khoa này ông được vào phúc hạch nhưng vì bài làm có mấy câu văn “láo xược” nên bị đánh rớt xuống Tú tài. Sau ông có đi thi một lần nữa nhưng vẫn không đỗ Cử nhân.

           Ông là người giàu lòng yêu nước, chán ghét thời thế, quyết không ra cộng tác với giặc Pháp. Sau khi đỗ Tú tài, ông về sống bình thường ở quê. Ông thường giao du với các bạn nhà nho bất đắc chí, làm thơ đả kích chế độ thực dân.

            Năm 1925 bọn thực dân Pháp bắt cóc cụ Phan Bội Châu ở Thượng Hải đem về nước xử án. Trước đó, năm 1912 thực dân Pháp đã kết án vắng mặt cụ Phan Bội Châu. Nguyễn Khách Doanh đã cưỡi bò đi xem xử án. Giữa công đường, ông tha thiết xin chết thay cho cụ Phan Bội Châu. Ông bị giặc Pháp bắt giam. Sau khi được thả về, ông lại đón xe Toàn quyền Varenne, một lần nữa đòi được tù thay cho cụ Phan Bội Châu. Cùng với phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân đòi thực dân Pháp phải thả cụ Phan Bội Châu, hành động khảng khái của Nguyễn Khách Doanh góp phần gây sức ép buộc tòa án Pháp kết án cụ Phan Bội Châu tù chung thân, không dám xử tử cụ. Toàn quyền Varenne phải can thiệp để cụ Phan Bội Châu được về an trí tại Bến Ngự - Huế.

            Nguyễn Khách Doanh là một nhà thơ trào phúng nổi tiếng của Nam Định chuyển sang sáng tác bằng chữ Quốc ngữ. Thơ ông đả kích sâu cay bọn thực dân xâm lược và bọn tay sai bán nước, được nhân dân hào hứng đón nhận. Ông có tập thơ trào phúng “Chim oanh học nói” đả kích chế độ thực dân cướp nước. Bọn thực dân Pháp phải ra lệnh tịch thu và cấm lưu hành những sáng tác của ông.

           Hầu hết các sáng tác của ông đã bị chính quyền đô hộ Pháp tịch thu tiêu hủy. Chỉ còn một bài lưu truyền đến ngày nay. Đó là bài phú nổi tiếng “Thi trường thảm trạng” được in trong một số sách tuyển tập văn học (Hợp tuyển thơ văn Việt Nam. – Nxb. Văn hóa, 1963. – Tập 4 ; Tổng tập văn học Việt Nam. - Nxb. Khoa học xã hội, 1996. – Tập 21. – Tr. 823 – 825).

           Chỉ một bài “Thi trường thảm trạng” của Nguyễn Khách Doanh cũng đủ đưa ông vào hàng các tác giả yêu nước chống Pháp của đất Nam Định văn hiến và của cả nước hồi đầu thế kỷ hai mươi.

 

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội