Di sản vật thể - phi vật thể thời Trần ở Nam Định
HỒ ĐỨC THỌ
Vương triều Trần trị vì quốc gia Đại Việt 175 năm đã
để lại cho hậu thế di sản văn hóa vật chất cũng như tinh thần vô cùng to lớn.
Đó là nét vàng son điểm tô trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, là tài hoa tỏa
sáng thể hiện trí tuệ, bàn tay khối óc của tiền nhân thế kỷ XIII - XIV. Đáng tiếc
do nạn ngoại xâm tàn phá, do thời gian và do cả con người vô cảm đã làm mai một
ánh hào quang tiền triều. Do cả nhận thức tầm thường về xã hội nên phá bỏ biết
bao công trình kiến trúc nghệ thuật, lại cả những sách vở, luật tục, thư tịch,
bi ký viết về hào khí Đông A.
Nam Định là quê hương nhà Trần lưu giữ được không ít
dấu tích cung điện, hành cung, phủ đệ, chùa cảnh từ thế kỷ XIII - XIV. Nhưng hiện
tại chỉ còn một phần nhỏ di sản tản mạn trong dân gian cũng như trong lòng đất.
Song đây cũng là niềm tự hào, là ngôn ngữ để mọi người dân Nam Định, nhất là
con cháu họ Trần theo đó mà học tập, kế thừa.
Di sản vật chất tồn tại có lẽ tiêu biểu nhất vẫn là
tháp chùa Phổ Minh. Đây là tháp mộ đức vua Trần Nhân Tông. Tháp cao 19 m, gồm
13 tầng và tòa dưới cùng bằng đá xanh có cạnh 4,5 m x 4,5 m mà nhân dân địa
phương thường gọi là “kiệu bát cống”. “Kiệu bát cống” kiến tạo bằng đá xanh to
nhỏ khác nhau. Xà kiệu dài trên 4 m đục chạm không cầu kỳ nhưng hài hòa đẹp mắt.
Thân kiệu là những phiến đá lớn tạo cửa vòm vào trung tâm tháp khá tài nghệ. Phần
dưới đế kiệu có hệ thống cánh sen lớp lớp cài vào nhau, lại có đường xoắn trang
trí kiểu hoa văn thời Trần khiến “kiệu bát cống” như một tòa sen khổng lồ. Đó
là chưa kể các hoa văn nhấn tỉa mây tản, lá lật uyển chuyển, các băng sóng nước
từ lăn tăn đến thủy ba cuồn cuộn mang ý nghĩa cầu mưa, đáp ứng yêu cầu cuộc sống,
vừa là những đường nét phóng khoáng của văn hóa thời Trần.
Phía trên “kiệu bát cống” có các tầng tháp xây đặc,
thu nhỏ dần lên trên thể hiện sự vươn lên của Phật giáo. Nếu không bị trát lớp
hồ áo bên ngoài, chắc các họa tiết rồng chầu, rồng bay ở các viên gạch màu đỏ
au sẽ làm cho người xem trầm trồ, thán phục. Trong lòng tháp còn có những loại
gạch nhiều kiểu, nhiều dáng để câu, giữ làm tăng sự gắn kết với nhau. Có cả loại
gạch có các khuy đồng để luồn các sợi dây đồng gia cố thêm cho sự bền chắc của
tháp. Lại có cả gạch ghi thời gian xây dựng tháp với hàng chữ “Hưng Long thập
tam niên” (1305 - niên hiệu vua Trần Anh Tông). Đây là di sản độc nhất còn tồn
tại. Có thể nói là tháp mộ tiêu biểu nhất ở Việt Nam.
Tại khu vực chùa còn có hàng rồng đá, tuy không
nguyên vẹn nhưng cũng là những tác phẩm thế kỷ XIV có giá trị cao về nghệ thuật.
Trước cổng tam quan còn cặp sóc đá thời Trần dáng sinh động, như đang nhao ra
trong tư thế quyền uy coi giữ cổng chùa, bảo vệ Phật pháp. Sóc đá còn được gọi
là lân, đầu giống đầu sư tử, là vật linh biểu hiện sự minh triết và đượm vẻ huyền
linh. Sóc chùa Phổ Minh và đôi sóc chùa Đệ Tứ đều có dáng khỏe mạnh, đuôi uốn
lượn nhịp nhàng là di sản quý hiếm từ thời Trần.
Bệ đá thời Trần là loại di vật độc đáo ở các chùa Việt
Nam cũng như ở Nam Định. Hầu như các bệ đá ở chùa Lục Độ - xã Hồng Quang, bệ
chùa Liên Hoa - xã Mỹ Hưng, bệ chùa Đô Quan - xã Yên Khang đều làm theo hình khối
chữ nhật, phân chia làm ba phần là mặt bệ, thân bệ và chân bệ. Mặt bệ tạo như
tòa sen nở, thân bệ thu nhỏ lại chạm các khung trang trí rồng bay, đặc biệt góc
bệ có chim thần, thường gọi garuda. Dưới chân bệ tạo chân quỳ dạ cá thể hiện sự
vững chắc của bàn thờ cũng như Phật đạo.
Bia đá thời Trần tồn tại trên các di tích khá hiếm
hoi. Song ở Nam Định còn tấm bia chùa Vạn - xã Mỹ Thịnh quy cách 1,2 x 0,8 m được
tạo dáng con rùa đội bia và họa tiết trang trí diềm bia khá sinh động. Điều cần
lưu ý là cặp rồng chầu ở trán bia theo kiểu võng yên ngựa, khiến có người ngỡ
ngàng, thậm chí nghi ngờ ? Nhưng trên một số di tích và ngay đôi rồng uốn lượn trong
thớt tròn tượng trưng cho vũ trụ ở trên kiệu bát cống tháp chùa Phổ Minh. Đôi rồng
này uốn lượn võng lưng kiểu yên ngựa lại thêm yếu tố thú như sừng, tai, mũi. Có
giáo sư nghiên cứu về nghệ thuật đã đoán định đây là rồng Trần có kiểu võng yên
ngựa sớm...
Một tấm bia
khác ở xã Mỹ Thành cũng có niên hiệu Hưng Long năm thứ nhất (1293), lại có nội
dung ca ngợi bà chủ thái ấp rất phong phú. Hoa văn trang trí, con quy đội bia
cũng rất tự nhiên (bia bị khắc lại vào thời Nguyễn).
Nghệ thuật chạm khắc gỗ thời Trần ở Nam Định cũng chỉ
đếm trên đầu ngón tay, ví như bộ cánh cửa chạm rồng chùa Phổ Minh, với rồng chầu
uốn lượn trong lá đề cùng các băng sóng nước, tản mây nặng yếu tố Phật giáo
cũng như yếu tố nghệ thuật đương thời.
Riêng một vài cấu kiện xây dựng, cụ thể là những chiếc
kèo tìm thấy trong lòng đất ở địa bàn xã Mỹ Thịnh với các họa tiết vũ nữ dâng
hoa múa lụa... tương đồng họa tiết chạm khắc đá ở thềm vịn lan can tháp Chương
Sơn - Ý Yên, cũng toát lên sự tương đồng nghệ thuật Lý - Trần, đồng thời khẳng
định đây là cấu kiện liên quan chùa thờ Phật.
Nếu thời Lý phần đa dùng 1 chất liệu đá để thể hiện
nghệ thuật thì thời Trần chất liệu dùng trong thiết kế xây dựng cũng như nghệ
thuật khác phải nói là đất nung. Tuy vậy, nghệ thuật thời Trần bộc lộ trong chất
liệu đất nung, gốm đường nét khỏe khoắn hơn, phóng khoáng, ít chải chuốt hơn
nên các nhà nghiên cứu nghĩ đến nghệ thuật thời Trần chịu ảnh hưởng bởi tình
hình xã hội. Phải chăng sau kháng chiến chống đế quốc Nguyên - Mông thắng lợi,
khí thế dân tộc mạnh mẽ hơn lên. Vương triều Trần có sự thân dân, ít sự mô phạm,
do vậy tư tưởng xã hội được thoải mái hơn vì thế mà nghệ thuật cũng phóng
khoáng, không bị gò bó trong khuôn khổ. Vấn đề này ít nhiều được bộc lộ trên
các sản phẩm đất nung như gạch hoa, ngói, gốm tìm thấy ở chùa Đệ Tứ cùng các
nơi khác ở Tức Mặc, Đệ Nhất, Đệ Nhì, Đệ Tam - Nam Định.
Gốm thời Trần dày hơn, đế to hơn. Thực ra về mỹ thuật
gốm cũng như men và cách tạo dáng bát đĩa so với thời Lý thì ít công phu hơn,
kém mỹ thuật hơn. Lại nặng về gốm đàn phục vụ dân gian nên chế tác đơn giản mộc
mạc. Điều này liệu có ảnh hưởng bởi tư tưởng xã hội, đời sống cộng đồng cụ thể
là có sự bình đẳng, ít phân biệt đẳng cấp. Có người còn cho nghệ thuật thời Trần
buổi hoàng kim do tầng lớp quý tộc, quan chức sống bình dị, tâm sáng lại ảnh hưởng
đạo Phật từ bi hỉ xả, không đòi hỏi hưởng lạc, xa hoa như cuối triều, hoặc các
vương triều khác...
Một số di sản văn hóa vật chất như trên đề cập hiện
còn tồn tại trên và trong lòng đất là đường nét trang trí đương thời, bộc lộ
tài hoa, óc sáng tạo của nghệ nhân, làng nghề thủ công, đồng thời phản ánh sự kế
thừa truyền thống, trình độ hội họa của cha ông. Những di sản vật chất còn lại
tuy ít ỏi nhưng cũng đủ thể hiện nhân sinh quan xã hội, tư tưởng xã hội dưới thời
Trần. Một triều đại biết lấy dân làm gốc nên huy động được toàn dân bảo vệ Tổ
quốc. Một triều đại mà vua quan, quý tộc còn chân chất, ít tham vọng hưởng thụ
xa hoa nên kéo dài thời kỳ hoàng kim đến trên một thế kỷ, để tiếng thơm mãi mãi
trường tồn. Đây cũng là điều đáng nhớ, đáng ghi đối với cộng đồng cư dân Nam Định
Di sản phi vật thể thời Trần ở Nam Định tồn tại khá
dồi dào, bởi đây là cố hương của vương triều Trần. Triều Trần tuy có nguồn gốc
từ vạn chài, cuộc sống thường nay đây mai đó mưu sinh, nhưng từ cụ Thủy Tổ Trần
Kinh về định cư ở Tức Mặc đã tính chuyện lâu dài cho con cháu mai sau. Lớp các
cụ Thủy Tổ họ Trần còn ý thức trách nhiệm đối với tương lai của dòng họ, mà
truyền thuyết chọn đất rời mồ mả hy vọng mai sau hiển vinh là điều chứng minh.
Từ ý thức mong muốn dòng tộc Đông A rạng rỡ nên các
cụ tổ họ Trần vừa đánh cá kiếm sống, vừa lo mua đất làm nhà cũng như khai phá
ruộng nương, chuyển đổi nghề nghiệp tạo thế lực bền vững. Từ cách nghĩ đó nên họ
Trần không chỉ sản xuất nông trang giàu có, mà còn có cả một lực lượng quân sự
tự vệ, lại thông gia với họ Tô có chức sắc, địa vị xã hội nên dần dần leo lên bậc
thang danh vọng thực hiện ý đồ lớn lao “nữ nhập cung phi, nam cư phụ chính”.
Hoài bão to lớn của họ Trần dần dần được thực hiện, đặc biệt nhờ mưu lược của
Thái sư Trần Thủ Độ đưa Trần Cảnh vào cung, rồi được Lý Chiêu Hoàng nhường
ngôi, mở nghiệp đế cho họ Trần vào năm 1225 một cách êm thấm. Trong lịch sử dân
tộc hiếm có dòng họ nào ý thức giành nghiệp đế như họ Trần. Giành ngôi báu để
phục hưng đất nước, kiên cường đánh ngoại xâm bảo vệ đất nước. Đây là ý thức quật
cường của người phương Nam nên các di tích thờ Tiên Tổ nhà Trần ở Tức Mặc, ở Vạn
Khoảnh trở thành di sản mang ý nghĩa tự lực tự cường mãi mãi khiến người đời
trân trọng.
Nhìn lại lịch sử qua các thời Đinh - Lê, Lý - Trần
và sau là Lê, Nguyễn hỏi có thời nào mà cha, con, ông, cháu làm vua lại coi nhẹ
sự hưởng thụ, không nặng về đặc quyền đặc lợi như họ Trần. Có triều đại nào mà
các vị hoàng đế như Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và cả Anh Tông, Minh Tông
chỉ nhất tâm lo cho xã tắc, dòng tộc. Chăm chỉ tu thân, học hỏi hoặc tụ thiền để
cứu đời và ở vào độ tuổi 40 đang sung sức đã nhường ngôi lui về quê hương làm
Thái thượng hoàng, nghiên cứu sách đạo hoặc đi tu sống cuộc đời giản dị gắn với
núi rừng, không vướng bụi giàu sang danh vọng trần gian... Các ông vua thời Trần
cũng không quản hiểm nguy, sẵn sàng xông pha trận mạc, chỉ huy kháng chiến giữ
nước. Các ông vua thời Trần biết lấy dân làm gốc, áp dụng chính sách thân dân
nên được nhân dân kính trọng, hết lòng nghe theo, kể cả xăm vào cánh tay hai chữ
“Sát Thát”, làm kế “thanh dã” trong kháng chiến chống Nguyên - Mông. Thần dân
thời Trần tuân thủ phép vua, luật nước một cách tự giác khiến “vua tôi đồng
tâm, anh em hòa thuận, cả nước ra sức...”
Từ trách nhiệm với xã tắc các nhà lãnh đạo thời Trần
không coi dân như “con ong cái kiến” nên các di tích thờ vua ở Nam Định như đền
Trần - Tức Mặc, Trình Xuyên - Vụ Bản, Vạn Diệp - Nam Trực được đời tiếp đời trọng
vọng, hàng năm hương khói phụng sự tỏ lòng biết ơn, coi hoàng đế như các vị
Thánh anh hùng, niềm tự hào của quê hương, dân tộc như câu đối tại Trần miếu:
“Bảo quốc hộ dân, ngoại tặc chí kim do bạch phát,
Nhân hòa đức trị, nội bang tự cổ hạ hoàng ân”
(Giữ nước giúp dân, đến nay giặc ngoài khiếp sợ đầu
bạc trắng,
Lấy đức trị quốc, khắp nơi trong nước đều cảm tạ ơn
vua)
Các trọng thần thời Trần dù quê ở Thiên Trường - Nam
Định hoặc gắn bó với Thiên Trường là những
tướng lĩnh có công cao, đức trọng
như đại anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Thống quốc Thái sư
Trần Thủ Độ, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, danh tướng Quốc công Trần Nhật
Duật, Điện súy Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão, Tướng quân Trần Nhân Trứ và nhiều
tướng lĩnh vô danh khác đã để lại tiếng thơm trong sự nghiệp bình Nguyên. Các đền
miếu thờ trong tỉnh, ngoài tỉnh đời đời không quên tri ân.
Triều Trần tạo cho xã hội bầu không khí thái bình thịnh
trị, vua quan đến người bình dân có nhiều trường hợp hiếu học, yêu thơ văn. Nhiều
tấm gương tiêu biểu về cầm kỳ thi họa. Lại có cả học vị Trạng nguyên Nguyễn Hiền,
12 tuổi đỗ Trạng, thông minh tài trí tuyệt vời khiến hậu thế mãi mãi ngưỡng mộ.
Nhà Trần chú ý sản xuất lương thực để đảm bảo đời sống
cho dân, khuyến khích lập thái ấp điền trang nên đã có những tấm gương tổ chức
sản xuất tại điền trang khá hiệu quả, ích quốc lợi dân khiến đời đời hàm ân
kính phục.
Hàng năm các dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày hóa các
danh tướng, danh Thần nhân dân địa phương thường tổ chức lễ hội. Ngoài việc tế
lễ còn thêm các trò chơi dân gian hoặc tổ chức các tiết mục nhằm hồi tưởng hoạt
động lúc sinh thời của Thần, cũng là cơ hội ôn lại quá khứ để con cháu ghi nhớ
công ơn.
Đơn cử một số nhân vật thời Trần có công cao, đức trọng
được dân gian tôn thờ, nghìn thu hương khói ở các di tích lịch sử - văn hóa trong
tỉnh, phải chăng để thắp sáng tinh hoa của quê hương. Đó là linh dị núi sông,
là di sản tinh thần quý báu, thiết nghĩ các thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau lấy
đây là niềm tự hào, là bài học cần trân trọng phát huy.