Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nội dung và ý nghĩa lịch sử của thần phả thần tích các thần thời Hùng Vương ở Vụ Bản
Văn Nhân số 139

Bùi Văn Tam  

Vụ Bản là một huyện nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nam Định. Theo ĐỊA CHÍ TỈNH NAM ĐỊNH (xuất bản năm 2003), thì Vụ Bản thời Hùng Vương nằm ở bộ Lục Hải của quốc gia Văn Lang. Theo Ngọc phả “Đồng Mông danh tướng” đền thờ Giáp Nhất Bảo Ngũ (xã Quang Trung) thì Vụ Bản thời Hùng Vương có tên là huyện Bình Chương.

Hơn 40 năm qua (1975-2015) trong quá trình đi điền dã sưu tầm, khảo sát, nghiên cứu theo kiểu “cuốn chiếu” 92 làng xã cũ của 18 xã huyện Vụ Bản ngày nay, các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử đã bắt gặp, tiếp cận được rất nhiều truyền thuyết lịch sử, các sự tích và thần phả (ngọc phả) các thần thờ ở 233 ngôi đền thờ thần ở Vụ Bản trong chiều dài lịch sử dựng nước đến Cách mạng Tháng Tám 1945. Riêng trong thời Hùng Vương từ khi lập quốc gia Văn Lang cho đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng có 25 thần phả và 8 bản thần tích nói về 54 vị thần được thờ 75 đền miếu của 92 làng rải rác khắp trong toàn huyện Vụ Bản (các thần phả và thần tích đã đăng tải toàn bộ trong cuốn HUYỆN VỤ BẢN THỜI HÙNG VƯƠNG NXB Hồng Đức tháng 9/2019)

Danh sách các thần phả, thần tích thời Hùng Vương ở Vụ Bản :

+ Văn Lang :

  • Hậu Tắc xã thần Đế quân
  • Hoàng tử Bắc Nhạc Đại Vương
  • Hoàng Tộc Đại Vương
  • Phù vận Cao Hựu Đại Vương
  • Câu Mang Đại Vương
  • Hoàng Vân Tề Thiên Đại Vương
  • Đồng Mông Tam Ranh tướng
  • Linh Sơn, Lôi Công Đại Vương
  • Đế thích Đại Vương
  • Minh Gia, Minh Tông thiên tử
  • Hoàng tử Câu Mang Đại Vương
  • Câu Mang Đại vương
  • Bạch Mã linh lang Đại Vương
  • Tản viên Sơn Thánh Đại Vương
  • Cảm Ứng Thành hoàng Đại Vương
  • Trần Đạo, Trần Gạo Đại Vương

    + Âu Lạc :

  • Thục An Dương Vương
  • Cao Đệ Trì Chân Đại Vương

    + Nam Việt :

  • Nghĩa Tướng Lã Gia Đại Vương
  • Bùi Văn Quang Đại Vương

    + Hùng Lạc (Hai Bà Trưng) :

    - Mai Hồng Mạ Vàng Công Chúa

    - Lê Thị Hoa Từ Thiện phu nhân

    - Chiêu Trí Thiên Thạc Đại Vương

    - Bạch Đẳng Cao Lôi Đại Vương

    - Đô, Hiển, Lang công Đại Vương

    - Thiện Hành Cư sĩ Đại Vương

    - Tam danh tướng làng Vậy

    - Trần Phối Đạo Đại Vương

    - Nguyệt Thai Nguyệt Độ công chúa

    - Quý Nương Đức Công Đại vương

    - Hứa Lai Cư sĩ Đại Vương

    - Quế Hoa nương công chúa

    Qua thần phả, thần tích có mấy nhận định sau:

  1. Theo thống kê Kỷ yếu Hội thảo Khoa học về các dòng họ thời Hùng Vương (12- 2018) và của các đền ở Vụ Bản thì các danh thần thời Hùng Vương ở 7 tỉnh trung du và 6 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có 245 vị, trong đó Vụ Bản có 54 vị, chiếm gần 1/5 các vị thần thờ ở Bắc Bộ (chưa kể 2 tỉnh Hà Nam, Ninh Bình chưa thống kê). Nổi bật nhất ở 3 sự kiện trong thời này:
  • Kháng chiến chống giặc Ân, Bắc Bộ có 56 vị thì Vụ Bản có 9 vị chiếm 1/6 các danh thần được thờ
  • Đời Vua Hùng thứ 18 Bắc Bộ có 91 vị, thì Vụ Bản có 15 vị, chiếm 1/6
  • Khởi nghĩa Hai Bà Trưng: Bắc Bộ có 112 vị thì Vụ Bản có 26 vị, chiếm hơn 1/4 vị

     

    Theo thần phả, thần tích, các cuộc khởi nghĩa đã tập hợp được rất nhiều nghĩa sĩ ở nhiều địa phương khắp cả miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn Tây, Hà Đông, Bắc Ninh, Bắc Giang,.. đến các tỉnh miền đồng bằng sông Hồng và ven biển như Quảng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên đặc biệt là Hải Dương, Nam Định. Đây là địa bàn đông cư dân Việt Cổ thời quốc gia Văn Lang mới dựng nước. Điều đó có ý nghĩa các hoạt động của ba sự kiện lớn này thời Hùng Vương đã mang tính chất toàn quốc.

    Đi sâu vào nội dung truyền thuyết và thần phả, thấy rõ các nhân vật lãnh đạo cũng như quần chúng tham gia, gồm nhiều thành phần dân cư Việt tộc lúc đó như dân miền trung du làm nương rẫy, dân cày và dân chài vùng đồng bằng ven biển, có cả các cụ già, thanh thiếu niên, đặc biệt là rất đông phụ nữ thuộc nhiều dòng họ cư dân Việt tộc tham gia. Người lãnh đạo là những bậc anh hùng hào kiệt, có thể là những bộ chủ đứng đầu các bộ của nhà nước Văn Lang như bộ chủ Minh Tông, Minh Gia, các quan lang đứng đầu bản làng như Quan Lang Hoàng Đào ở Hồ Sơn, có thể là những bậc Hào trưởng, lại có nhiều chị em phụ nữ vì thù nhà nợ nước đứng lên tập hợp nghĩa quân đế chống giặc đô hộ như Từ Thiện phu nhân Lê Thị Hoa ở làng Riêng, Đỗ Thị Dung ở làng Vậy, Nguyệt Thai, Nguyệt Độ ở làng Mai… Điều đó thể hiện tính toàn dân, gồm nhiều thành phần dân cư tham gia các sự kiện lớn của dân tộc.

    Phải chăng đây là những yếu tố ban đầu rất quan trọng để dần dần hình thành tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc của cư dân Việt tộc quốc gia Văn Lang lúc đó, tạo nên nền tảng cho truyền thống yêu nước, thương dân vẻ vang xuyên suốt cả quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc.

    2. Trong bối cảnh lịch sử chung của dân tộc, cư dân huyện Vụ Bản đã góp phần vào việc hình thành quốc gia Văn Lang ngay từ buổi đầu khởi nguyên. Với tên gọi là huyện Bình Chương, miền đất Vụ Bản lúc đó là bức rèm, phên dậu che chắn cho vùng biển phía Nam của quốc gia Văn Lang. Đó chính là vinh dự lớn, là niềm tự hào của nhân dân Vụ Bản. Ý thức được điều đó, nhân dân Vụ Bản bao đời nay đã phát huy truyền thống tốt đẹp đó trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, làm cho Vụ Bản ngày nay trở thành một HUYỆN ANH HÙNG trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cũng như trở thành một HUYỆN NÔNG THÔN MỚI trong sự nghiệp xây dựng quê hương.

    3. Truyền thuyết, thần tích, thần phả và những di tích đền miếu tri ân các bậc nghĩa liệt thời đó thể hiện KÝ ỨC muốn đời lưu truyền qua hàng ngàn năm, hàng trăm thế hệ nối tiếp bảo tồn được đến ngày nay, là TÀI SẢN VÔ CÙNG QUÝ GIÁ của cư dân Vụ Bản, của các dòng họ ở các làng xã Vụ Bản. Trong đó gần 100 thần tích, thần phả tìm được ở Vụ Bản, có tới 33 thần tích, thần phả thời Hùng Vương, chiếm tới 1/3 tổng số.

    Trong số 23 di tích ở Vụ Bản được nhà nước xếp hạng thì thời Hùng Vương có tới 9 cái, chiếm gần 40% di tích được xếp hạng, tính đến năm 2015.

  • 6 di tích được xếp hàng cấp Quốc gia thì thời Hùng Vương có 4 cái.
  • 17 di tích được xếp hàng cấp tỉnh, thì Vụ Bản thời Hùng vương có 5 cái.

Điều đó nói lên ý nghĩa lịch sử lớn lao và vị thế của việc thờ phụng, vinh danh, tri ân các bậc tiên liệt thời Hùng Vưrơng, có giá trị và vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Vụ Bản, đồng thời nêu bật vai trò tích cực bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử của nhân dân Vụ Bản. Nó biểu hiện tâm linh trong sáng, ký ức lịch sử tuyệt vời của nhân dân Vụ Bản. Nó cũng chứng tỏ Lịch sử thời Hùng Vương có ý nghĩa lớn trong sinh hoạt chính trị, văn hóa, tín ngưỡng được các cấp Ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan văn hóa, Giáo dục Vụ Bản sớm quan tâm và luôn luôn chú trọng. Tuy nhiên, hiện nay huyện Vụ Bản còn 2 cụm di tích có điều kiện xếp hạng Di tích cần được quan tâm tôn tạo và xếp hạng : cụm di tích thời Hùng Vương thứ nhất (7 đền thờ làng Cố Đế xã Đại Thắng)  và cụm di tích thời Hùng Vương thứ 6 chống Giặc Ân (đền Hoàng tộc Đại Vương ở Hổ Sơn xã Liên Minh và đền Hạnh Lâm thờ Minh Gia, Minh Tông xã Hiển Khánh).

4. Thần tích, thần phả thời Hùng Vương ở Vụ bản nói đến rất nhiều dòng họ. Biểu hiện rõ về các danh thần danh tướng họ Hoàng, họ Trần, họ Lê, họ Nguyễn, họ Dương, họ Đỗ, họ Mai, họ Đào, họ Vũ, họ Phạm, họ Bùi, họ Lã. Hoặc biểu hiện rõ trong việc người các dòng họ tham gia nghĩa quân hoặc được thờ phụng ở làng như các thần khai canh:

- Các họ của làng Si, lập làng trước thời Tây Hán: Đoàn Phạm Vũ Nguyễn Trần

- 18 dòng họ lập làng Gạo thời Hùng Vương thứ 18: họ Trần, họ Vũ, họ Bùi, họ Nguyễn, họ Đoàn, họ Phan, họ Phạm, họ Mai,..

- Làm gia thần thủ túc của các đoàn quân

+ Của Tề Thiên Đại Vương ở làng Lập Vũ : họ Phạm, họ Hoàng, họ Nguyễn, họ Trần, họ Vũ, họ Đặng.

+ Của 2 tướng quân Cảm, Ứng Đại Vương: họ Nguyễn, họ Phạm, họ Hà, họ Dương, họ Đỗ, họ Lê, họ Trần.

Như vậy là các dòng họ này đã xuất hiện trước khi có sự đô hộ của nhà Hán, là các dòng họ THUẦN VIỆT, chứng tỏ các dòng họ trên đã xuất hiện khá sớm, ngay từ thuở Vua Hùng dựng nước. Gần đây, họ Trần làng Thượng Linh (xã Đại Thắng), dựa theo thần phả đền làng mà tổ chức đi tìm Mộ tổ họ Trần phát tích từ thời Hùng Vương thứ 18 ở núi Yên Phụ Kinh Môn Hải Dương và đã tìm được đúng y như thần phả miêu tả, ghi chép. Điều đó lại càng chứng minh giá trị hiện thực của thần phả và truyền thuyết lịch sử, thể hiện ký ức lưu truyền đời này qua đời khác, tồn tại, được bảo lưu cho đến ngày nay. Những chi tiết mang tính thần thoại, huyền thoại nhằm tôn vinh các vị thần, không làm mất đi cốt lõi lịch sử chân thực.

Nói tóm lại, các truyền thuyết, thần tích thần phả của Vụ Bản thời Hùng Vương là một tài sản quý giá phản ánh chân thực cốt lõi lịch sử qua hàng ngàn năm của nhân dân ta vẫn bảo tồn được. Nó chứng tỏ nhân dân Vụ Bản có tâm linh trong sáng, có đức lễ nghiêm túc, có tình cảm tôn vinh, tri ân các bậc tiên liệt đã khai cơ, lập nghiệp, xây dựng cơ đồ và truyền thống tốt đẹp cho con cháu sau này. Nhân dân Vụ Bản rất tự hào về lịch sử lâu đời, truyền thống của tổ tiên đã góp phần xây dựng quốc gia Văn Lang ngay từ buổi đầu dựng nước. Vụ Bản có chiều sâu lịch sử hào hùng là thế đó. 

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội