Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
“Tết Cùng - bánh khúc” làng Lương (*)
Văn Nhân số 135

Tản văn

ĐỖ PHÚ NHUẬN

Từ ngày về làm rể ở làng Lương tôi đã được ăn nhiều cái Tết Nguyên đán ở đây, nhưng đáng nhớ nhất là cái tết đầu tiên khi tôi chính thức trở thành người con của làng.

Tết Nguyên đán ở quê vợ thật là vui, đi đâu cũng được các chú các dì chèo kéo, mời ăn cho được một miếng bánh chưng xanh thơm phức hoặc một chiếc kẹo lạc giòn tan, có người còn dúi vào tay vợ tôi đồng tiền mừng tuổi cùng đôi lời chúc phúc.

Hôm sau trước lúc vợ chồng tôi tạm biệt mọi người để về cơ quan, thì bà mẹ vợ cứ dặn đi dặn lại: “ Dù bận dù mải đến đâu, sáng ngày 30 tháng Giêng, các con cũng phải về để ăn TẾT CÙNG, bởi cái Tết ấy diễn ra trong đúng có một ngày mà chỉ làng Lương mình mới có”. Đem chuyện ấy hỏi nhỏ vợ, thì em cũng chỉ ậm à ậm ừ không ra biết cũng không ra không, mà không chỉ vợ tôi, nhiều người trong làng cũng chỉ biết đại khái rằng cái Tết ấy từ xa xưa làng Lương mình đã có.

Đúng hẹn chúng tôi bắt xe về, chủ yếu để “xem” TẾT CÙNG ấy ra sao mà bà mẹ vợ tôi dặn dò kỹ vậy!

* * *

Chuyện kể rằng vào cữ cuối tháng Chạp năm ấy - chỉ cách Tết Kỷ Dậu (1789) có dăm ngày - một cánh quân của Hoàng đế Quang Trung đuổi giặc qua đây xin nghỉ lại ít ngày cho lại sức. Các bô lão trong làng thấu đáo xét soi, y theo lời thỉnh. Các cụ còn khuyên nhủ mọi người: “Ai có khoai giúp khoai, ai có gạo giúp gạo, rau cần, rau cải, con cá, con cua, cổng tre mở rộng ra, ổ rơm thêm rơm mới”

Nhưng ngặt một nỗi làng Lương đang kỳ đông tang thời vụ hối hả cấy chiêm, mà cái Tết Nguyên đán cũng đã cận kề, nên không khỏi người phân vân do dự. Các cụ lại vào từng nhà khuyên nhủ: “Giúp quân ta cũng chính giúp mình, giặc nhà Thanh đây đó rập rình, làm sao yên ổn” Mọi người hiểu ra cũng bớt phần lưỡng lự. Đêm khuya trong các ngõ đã nghe tiếng giã gạo thậm thình, sáng ra có kẻ vội vào rừng sâu cắt lá dong xanh, khói lên la đà, quấn quýt mấy chòi bếp rạ, mùi rượu thơm lừng chả giấu nổi ai.

Lại nói về đám lính của triều đình rặt một lũ trai, nhanh chóng tản về các ngõ, nô đùa cười nói cứ ý như là về đến nhà mình, rồi nhanh chân chạy ra giếng đất đầu làng tắm táp cho người, cho ngựa. Mấy cụ bà trông thấy xuýt xoa: Đã lập xuân đâu mà không biết rét” bọn con gái thình lình tắt qua giếng nước, chân bước dồn mắt liếc ngang, rồi đấm lưng nhau cười rúc rích.

Mấy chú lính tơ chuốt lại mũi tên căng đôi cánh nỏ, rủ nhau luồn rừng săn thỏ núi, lợn lòi... làng Lương rậm rịch cứ như đã là Tết đến. Mà Tết sớm đã đến với làng Lương thật, họ đụng lợn khao quân, gói bánh nấu cơm, nhà khá giả góp mươi đấu tẻ, nhà khó nghèo con cá mớ rau... ai cũng vui vì biết sức mình trong đó. Đêm hanh hao cả gió, đuốc nứa cháy phừng phừng xóm dưới ngõ trên. Cả làng Lương bát rượu trắng uống chung, mai quân đã đi, biết ngày nào gặp lại!

Lối vào làng Lương nhà anh Dậu, vợ siêng năng chạy chợ, sớm hôm cám rau bèo, chồng lặn mò đồng cạn đồng sâu cây lúa, cây khoai, con tôm, con tép. Tháng tám ngày ba, lăn rừng săn thú bẫy chim. Nhà có một mụn con thơ, tóc để trái đào trông đẹp tựa tranh. Ba trái tim vàng một mái nhà gianh, kẻ biếng lười cũng phát ghen phát tỵ. Sáng sau sắp đến giờ quân đi, Dậu giục vợ gói cho mo cơm nếp, đong đầy một ruột tượng gạo, rồi hối hả xin theo. Thấy Dậu thật thà lại quen việc nhà nông, người lãnh đội chẳng chút đắn đo, chấp thuận. Lính mới tò te đứng cuối hàng quân, ai cũng trầm trồ: tuy ngượng nghịu nhưng mà chững chạc. Chỉ thương vợ Dậu đỏ hoe con mắt, nuốt lấy từng lời chồng dặn với lại sau: “Ra Giêng tan giặc tôi về”. Mọi người nhìn theo hút bóng đoàn binh, mưa giăng mờ ngõ nhỏ, con đường đất vắng ngắt vắng ngơ, chỉ lặng phắc dấu chân người, chân ngựa.

Dân làng Lương năm đó cấy hái cày bừa vẫn nhớ người con. Mùa đông sắp qua, rét không lo, đói không lo, chỉ lo bước chân quân ta thần tốc. Ngóng tin từ Thanh - Nghệ dội về, từ Tam Điệp vọng sang, xứ Đông xứ Đoài bước chân có chậm?

Mãi chiều mùng 5 thình lình phu trạm, truyền khẩu một tin đánh động cả làng: Hôm kia quân ta vượt sông Gián Khẩu, hôm qua Khương Thượng, Ngọc Hồi, sáng nay Đống Đa rầm rập. Quân Thanh chết như ngả rạ, chất lên thành đống thành gò.

Tết Nguyên đán ấy qua lâu, cây đào già trước sân rậm lá, che cho chùm quả non tươi, vầng trăng nguyên tiêu  vằng  vặc ngang trời đang chuyển sang hao mòn khuyết lẹm, như trái chuối chín vắt ngang trời mà chẳng thấy Dậu đâu. Chiều chiều thấp thỏm ngõ sâu vợ con Dậu ngóng tin chồng mà chẳng thấy. Ngay cả mấy bà váy đụp áo nâu, chẳng dám nhỏ to điều này điều nọ, sợ xúi quẩy cho kẻ đi xa, lại không an lòng mẹ con nhà nó.

Mấy lão làng nói cứng: “Quân lệnh như sơn, chớ có nhiều lời” rồi lấp lửng: “Hãy yên lòng chờ đợi”.

Thế mà thật bỗng đùng một cái, sáng 29 tháng Giêng Dậu đường đột trở về, vẫn bộ quần áo nâu sờn cũ. Tin Dậu về như rơm khô bén lửa, cháy phừng phừng xóm dưới làng trên. Mấy đứa gái cắt cỏ ngoài đồng vội vã băng sông, đến nỗi quên cả liềm ngoài bãi,có mụ xồn xồn xóm trong, ôm đứa con thơ hớt hơ hớt hải, làm bầu sữa căng ướt cả ra ngoài áo. Ông già mù nghễnh ngãng nhà bên cũng lần tường tìm tới, chiếc điếu cày nắm chặt trên tay mấy lần quên hút, lửa bén cả vào râu giật mình thấy khét...Nhưng vợ Dậu mới là người ngộ nhất, chẳng biết ngượng là gì, xán bên chồng chẳng nói năng chi cứ sờ sờ nắn nắn, bóp tay bóp cẳng, vạch lưng vạch áo ra xem, sợ mũi tên hòn đạn có mắt như mù mà chạm phải, nhưng tịnh như không, lúc này mụ mới cười cười nói nói, người ngồi đây đích thực là chồng.

Mọi người tíu tít hỏi thăm: hơn tháng qua Dậu làm gì, ở đâu, có giết được giặc Thanh trên đường đuổi giặc?

Bao đợi chờ ẩn trong từng đôi mắt, không lo lắng sao khi làng Lương lần đầu có người ra trận, không đợi chờ sao khi làng Lương lần đầu vắng một suất đinh?

Một lúc rõ lâu Dậu mới chịu hé răng: “ Việc quân thì nhiều kể sao cho hết, kẻ ra trận tiền người mài kiếm, rèn đao, có người được giao chăn nguyên đàn ngựa. Vốn quen việc đồng điền tôi lo cơm nắm muối vừng đúng bữa. Nhớ lời người xưa thực túc binh cường, tôi đâu quản nhọ nhem củi lửa”!

Nhưng nét buồn không biết giấu vào đâu, Dậu chợt nói một câu không thể đau hơn được nữa: “ Trong một đêm đuổi đánh giặc Thanh, lúc thu quân về thúng cơm thừa ra mấy nắm. Nước mắt nghĩa quân bìa rừng ướt sũng, người đau cắn răng, ngựa buồn ế cỏ”.

Mấy cụ ông ngồi nghe cúi đầu lặng lẽ, bát nước chè xanh chợt nguội nửa chừng, mấy cụ bà vai lắc đầu rung, úp mặt vào tay khóc không thành tiếng: “ Con cái nhà ai, quê hương bản quán, vong linh liệu có nhớ đường, xin Phật Tổ từ bi mở rộng lòng thương đón họ về đất Phật.” Chỉ bọn trẻ con là chưa biết buồn thương gì hết, mừng vui khi chú Dậu làng ta lại dạy chúng thả diều đánh đáo. Bỗng đứa sún răng nói một câu tếu táo: “Chú Dậu làng ta có giết được giặc đâu mà cũng gọi là đi lính ”!

* * *

Mấy vị lão làng chợt tỉnh, to nhỏ cùng nhau bàn chuyện ngày mai: “Dậu là người làng ta lại dám tòng quân, hơn tháng chưa lâu, một ngày cũng là xung lính. Không nên tướng nên quan cũng đủ làm gương cho lũ trai làng. Tết qua đã lâu phải ăn lại Tết cho Dậu vui cùng, dù cuối tháng Giêng. Không thịt mỡ dưa hành phải có bánh chưng, có bánh chưng xanh mới ra vị Tết”. Mọi người đưa mắt hỏi nhau biết tìm đâu ra gạo nếp? May quá nhà có kỵ tháng sau, nhà sắp cưới con cũng bớt ra năm ba đấu nếp. Bàn gần bàn xa phải xay thêm gạo tẻ, bánh vẫn thơm lại đỡ dính tay. Lũ trẻ con tranh phần tìm lá chuối lá dong, bọn con gái nhanh mắt nhanh chân, cắp rổ ra đồng hái cây rau khúc. Lá khúc ngào với bột gạo thơm, nhân đỗ nhân hành, gói lá chuối xanh, buộc sợi rơm vàng, chặt lèn các chõ.

Thế rồi trưa 30 tháng Giêng hoa gạo bung đầu ngõ, làng Lương lại có một ngày xuân muộn vẫn là xuân. Bánh khúc dỡ ra thơm kín góc sân, chọn những chiếc bánh ngon xếp đầy trên 3 mâm gỗ, mấy lão làng áo lương guốc gộc, chai rượu nếp hoa vàng nút lá chuối khô, cùng lũ trai tơ trịnh trọng đội tới nhà anh Dậu. Cảm kích trước tấm lòng bà con trong làng ngoài bãi, Dậu sai người nhà cỗ bày chiếu trải, cùng mọi người nâng chén rượu thơm. Đúng là Tết muộn Tết cùng mà vui hơn Tết, mãi cuối giờ mùi cuộc rượu mới tan.

***

Từ bấy đến nay trải đã mấy trăm năm, làng Lương có nhiều thay đổi: cái giếng đất ngày xưa vo gạo, nay đá xếp tròn nước ngọt trong veo, ai đã đặt tên là giếng Ngọc. Con đường xưa cỏ lút bàn chân, nay rải nhựa viền hai hàng hoa đỏ, bọn trẻ con đạp xe gọi đây là con đường phi mã. Tập tục ăn TẾT CÙNG (hay cùng ăn tết) mãi mãi vẫn còn, vào ngày đó nhà nào cũng làm chõ bánh, nhớ về trai làng một thời ra trận, làm nên chiến thắng Đống Đa.

Bánh khúc làng Lương gắn với truyền thuyết xa xưa, hay truyền thuyết xưa giữ hồn cho bánh. Chiếc bánh nhỏ xinh đã vài trăm năm tuổi, mãi mãi thơm cùng nét đẹp làng quê.

 
-----------------------------

* Theo cuốn: “Văn hóa làng trên đất Thiên Bản” của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Tam (NXB Dân Trí năm 2010) thì tập tục ăn TẾT CÙNG (còn gọi tết mùng cùng) vào ngày 30 tháng Giêng hàng năm vẫn được nhiều vùng dân cư ở huyện Vụ Bản (Nam Định) gìn giữ tới tận ngày nay.

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội