Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Về nghe biển gọi tên mình

Về nghe biển gọi tên mình

Tản văn

PHẠM HỒNG LOAN

 

Biển sáng.

Có hai người lặng lẽ bên nhau. Bóng họ đổ dài trên bãi cát trong nắng sớm tinh khôi. Giọng người đàn ông trầm trầm, chậm rãi:

-Bạn có biết không, cách đây hơn 28 năm, 8 tháng, 10 ngày, có một chàng trai cùng bạn bè đến chia tay người bạn gái lên Hà Nội. Ngày ấy, ở cái làng biển nhỏ xinh bình lặng nơi chân sóng này, đỗ Đại học là điều hiếm. Đêm đã khuya, cậu ta không về nhà mà cứ đi mãi, đi mãi. Bước chân đưa cậu ra đến bãi biển. Ngay chỗ này, cậu cứ ngồi mãi, ngồi mãi. Khi thủy triều lên, cả người ướt sũng, cậu mới đứng lên, trở về nhà.

-Trời. Sao có người ngốc thế cơ chứ?

-Ừ. Cậu ta ngốc thật. Bởi lúc đó trong đầu cậu chỉ cồn lên ý nghĩ rằng người bạn gái không hiểu cậu ta. Chẳng ai hiểu cậu ta. Chỉ có biển. Chỉ có biển mới hiểu những gì cậu không nói thành lời.

-Đúng. Chỉ có biển mới hiểu những thẳm sâu trong lòng cậu, trong lòng mình, hiểu những gì mà cuộc sống mang đến. Những ngày xưa ấy Bạn còn nhớ không?

-Loan ơi. Đi cào lá phi lao.

-Ừ. Đợi tớ tí. Chỉ lát sau, mình đã ríu rít cùng các bạn đẩy xe cút kít ra biển. Vượt qua con đê chắn sóng, cho xe vào gốc phi lao bên đường, chúng mình mải miết cào lá. Không có loại lá nào nấu cơm tuyệt vời như lá phi lao. Ngọn lửa bốc lên với những tiếng lép bép nhè nhẹ nghe thật vui tai. Vùi nồi cơm xuống, chỉ cần vài xẻng nhỏ than hồng rực đổ lên vung, lát sau đã có những mảng cháy to đùng, vàng ươm cho bọn trẻ tranh nhau. Khi cào lá, mình luôn nhanh chân tìm những gốc cây to, có nhiều lá để cào cho nhiều, chất lên xe thật nhanh, để làm gì, bạn biết không? Để thả hồn trên những làn sóng xanh. Nhiều lúc, mình ngừng tay cào lá, đứng ngẩn người. Bạn nhìn kìa, mặt trời đã nhô lên khỏi đường chân trời. Một vài đám mây lững lờ trôi như tấm màn độc đáo che khuất mặt trời, để cho những luồng ánh sáng hình rẻ quạt đan chéo nhau, lan tỏa trên mặt sóng. Cả mặt biển như lóe sáng với màu trắng bạc. Mặt trời dần lên cao, thoát ra khỏi đám mây, nở nụ cười rạng rỡ chào đón thế gian bằng những tia nắng vàng ươm. Ánh nắng dịu dàng buổi bình minh nhường chỗ cho những tia nắng vàng rực rỡ nhảy nhót trên đầu ngọn sóng. Nắng vỡ òa trong gió, nâng bầu trời lên cao, cao mãi. Màu xanh của trời, màu xanh của nước hòa với màu vàng tạo nên sắc màu lạ kì. Trong chốc lát, mình có cảm giác như có một người thợ nhuộm bí ẩn, pha màu cho bức tranh biển. Dưới bàn tay tài hoa của người thợ, mặt biển lúc thì như tấm kính khổng lồ màu ngọc bích, lúc thì như vô tình làm đổ lọ mực xanh không bao giờ cạn. Có những khi mặt biển từ màu xám chì bàng bạc, thoắt cái chuyển sang màu xanh tươi rói, rồi bỗng vàng rực lên. Muôn nghìn hạt cát nhỏ li ti vàng óng như nhũ kim vươn mình thức giấc, hé mắt nhìn đất trời, lắng nghe bài ca bất tận từ lồng ngực trầm sâu của Mẹ biển qua từng làn sóng lúc nhẹ êm như lời thầm thì, lúc mạnh mẽ cuồng điên như tiếng thét gào bão tố.

Xếp lá đầy xe, cả bọn ùa ra bãi biển. Ngày ấy, đất nước còn đang chiến tranh. Vùng quê thanh bình của chúng mình không ngày nào không có tiếng gầm rú của máy bay. Rồi đêm đêm, tiếng pháo từ hạm đội ùng oàng thâu canh với pháo sáng rực trời. Nhưng với bọn mình, điều đó có ăn nhằm gì đâu. Quên đi chiếc xe cút kít chất đầy lá phi lao, quên đi lời dặn dò tỉ mỉ của bố mẹ: “Nhớ đội mũ rơm cho khỏi nắng. Nhớ xuống hầm nhanh khi nghe tiếng máy bay. Nhớ về nhà ngay, không được ra bãi biển”, bọn mình ùa ra, mỗi đứa chọn một khoảng đất hì hục đào, bới, xây cất: “Tao làm xong rồi. Chúng mày nhìn này. Đây là hồ Gươm, ở giữa là Tháp Rùa nhé. Hòa bình, tao sẽ bảo bố cho lên thủ đô để được đến hồ Gươm.” “Ê. Của mày không đẹp bằng của tao. Đây là tháp Epphen- biểu tượng của nước Pháp. Tao sẽ cố gắng học giỏi để sau này được đến tận đây cơ.” “Còn đây là lâu đài trong đó có nàng công chúa đang ngủ đợi chàng hoàng tử đến đánh thức, đưa nàng về cung.” “Ôi. Sao đầu óc mày lúc nào cũng mơ mộng thế hử? Làm gì có...” “Kệ tao. Cái đồ...” “Đồ gì? Này thì đồ...” Những tiếng cãi nhau chí chóe, tiếng cười giòn tan lan trên mặt sóng. Rồi bỏ lại những lâu đài trên cát, bỏ lại những ước vọng tuổi thơ, cả bọn ùa ra phía biếc xanh. Chỉ còn tiếng hò reo trải dài khi chúng mình dàn hàng ngang, nắm tay nhau nhảy trên đầu sóng. Mệt nhoài. Lại lăn lê, bò toài trên cát. Để cát bết vào từng lọn tóc. Để muối của biển khơi chưa đọng thành hạt thấm vào từng tế bào theo ta đi hết cuộc đời. Kệ cho mọi người nhảy nhót, mình áp tai xuống bãi cát: “Các cậu có nghe biển nói gì không? Có nhà thơ nói biển là cây đàn muôn điệu của cuộc sống”. “Cái cậu này. Lại mơ mộng rồi.” Tất cả như vừa mới diễn ra hôm qua, bạn ơi.

Tháng năm dần trôi. Đến một ngày mình từ biệt biển khơi trong hoàng hôn buông tím ngát mà không thấy dấu chân ai ngày nào in trên cát. Biết tìm lại nơi đâu? Sóng cuốn mãi xa rồi. Chỉ thấy mờ xa nơi chân trời, cánh buồm lặng lẽ trôi. Còn cánh buồm đỏ thắm của mình đâu? Sao mình tìm hoài không thấy? Lúc đó, mình đâu biết rằng ước mơ mãi chỉ là mơ ước thôi. Hối hả với cuộc sống mưu sinh, đôi khi biển chỉ còn ở một nơi nào đó rất xa, sâu thẳm trái tim. Để rồi có lúc nhớ biển đến quay quắt. Nhớ cái cảm giác mát lạnh khi đặt chân xuống bãi cát, cảm nhận sự vỗ về của những cơn sóng dịu êm. Nghe như tiếng thì thầm sẻ chia của sóng. Thấy như cát đang tan chảy dưới bàn chân, đang níu giữ bước chân của người con tha hương. Mình cứ tự hỏi: Dưới những lớp sóng hiền hòa dịu êm kia là gì? Trong thẳm sâu của lòng biển là cái kho vô tận chứa đựng bao điều bí mật không nói thành lời? Hỏi mãi mà không có lời đáp, mình lại đi dọc bờ biển nhặt những vỏ sò, mai mực nằm rải rác ở khắp nơi mà thấy một trời kỉ niệm ùa về. Này đây những vỏ ốc đủ hình thù lạ mắt mang về chơi trò bán hàng. Này đây vỏ ốc xinh xinh ngày rời quê lên Hà Nội học Đại học, bạn ấn vào tay mình: “Khi nào nhớ nhà, nhớ biển thì áp tai vào đây. Bạn sẽ thấy biển ở rất gần. Thấy dào dạt tiếng sóng xa khơi vọng về”. Những người xa quê như chúng mình,  biển là nỗi nhớ thẳm sâu, không bao giờ  vơi  cạn. Trong thời gian học Đại học, những lúc rảnh rỗi, mình lại sưu tầm những bài thơ viết về biển. Ngày xưa, những cuốn sổ được đóng bằng tay, giấy đen xì, khô ráp, mỏng dính lại là món quà tuyệt vời đối với mình. Năm cuốn sổ ăm ắp những bài thơ về biển được mình mê mải chép. Trang đầu tiên bao giờ cũng là những câu thơ mà mình thích: “Những vần thơ em dành cho biển Sóng vẫn vỗ hoài trong giấc ngủ đêm đêm” Đến nỗi bạn bè trong khoa suốt ngày năn nỉ mượn đọc. Mở mỗi trang sổ, đọc từng dòng thơ, mình như thấy đâu đây vị mặn mòi của biển, thấy những âm thanh thật khẽ thật êm của muôn nghìn lớp sóng dào dạt. Bạn có thấy không? Muôn đời biển vẫn thế. Có những lúc hiền hòa, dịu êm, bao dung như lòng mẹ. Gần gũi, lặng lẽ, thẳm sâu mà cuồn cuộn trào dâng như lòng cha. Nhưng cũng có lúc biển mơ hồ như một cõi xa vắng, mênh mang mà linh thiêng như nguồn cội. Rồi lang thang trên bờ biển, nhìn những dấu chân in hằn trên cát, mình ngẫm nghĩ. Biển khơi kia và cuộc đời có giống nhau không nhỉ? Giữa mênh mông biển khơi, người chèo lái con thuyền phải có những chọn lựa cho riêng mình. Điều quan trọng là phải giữ vững tay chèo, phải đưa ra những quyết định sáng suốt, tránh mọi bão táp, phong ba. Còn con người? Trước sự mênh mông của biển, giữa những con sóng ào ạt xô bờ, con người thường thấy mình bé nhỏ và đơn độc. Vậy nên hãy lắng lòng trước biển để thấy sự tĩnh lặng trong tâm hồn, để biết cách nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng sống,biết cách vươn lên để thấy được giá trị đích thực của cuộc sống.

Mình nhớ có ai đó nói: Dưới mỗi mái nhà đều có những nỗi đau riêng. Chỉ có điều ta có biết sẻ chia cho nhau để vơi bớt hay không mà thôi. Bạn biết không, đã có lúc nỗi buồn như nhấn chìm mình xuống vực thẳm của tuyệt vọng. Mình không còn phải biết làm gì, nghĩ gì nữa. Bỏ lại đằng sau mọi điều, mình về với biển. Lặng ngồi bên bờ cát, mình thấy biển thầm thì như tiếng mẹ yêu thương: Đừng buồn nghe con, dù thời gian dần trôi, vẫn còn biển bên con như khúc nhạc giữa trời. Biển sẽ nói con nghe những điều con muốn nói. Biển sẽ kể con nghe điều con giấu trong tim. Biển sẽ hát con nghe khúc hát lặng im. Con thầm hát khi trong lòng cuộn sóng, khi một mình bên bờ cát vắng. Hãy viết lên cát mọi nghĩ suy, trăn trở, mọi lo âu ưu phiền. Hãy ngồi lặng im mà ngắm nhìn những đợt sóng nối nhau tràn bờ. Những ưu tư sẽ cuốn theo trùng sóng cất vào lòng biển. Lúc đó, con sẽ thấy biển vẫn hát những lời yêu thương, gió vẫn rì rào bên hàng dương xanh. Thấy cuộc đời vẫn nhẹ như áng mây trôi. Mà thôi. Mình vào với các bạn đi. Cuộc vui bắt đầu rồi. Hẹn ngày này năm sau, mình lại gặp nhau trong ngày hội khóa. Cùng xây lâu đài trên cát. Cùng nắm tay nhau giỡn đùa với sóng xanh. Hãy về với biển khi nghe biển gọi tên mình, bạn nhé.

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội