Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nghệ sĩ Trần Thế Long niềm tự hào của Bộ môn Nhiếp ảnh
Văn Nhân số 136
  

      Phong Cách

Người yêu văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định ít ai không biết nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Thế Long. Anh sinh năm 1955 và lớn lên ở thành phố Nam Định quê hương. Từ niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật mà anh từ nhiếp ảnh dịch vụ trở thành nghệ sỹ nổi tiếng cả nước như ngày hôm nay.

Lần đầu gặp Trần Thế Long tôi cứ tưởng anh là dân sân khấu. Anh đẹp trai, trắng trẻo, mắt sáng, mũi cao, giọng nói vang, trầm ấm. Ở đâu anh cũng bình dị,vui vẻ và lúc nào cũng năng động trẻ trung.

Bài học đầu tiên tôi học được ở anh là lòng đam mê cháy bỏng và sự tận tâm, hết lòng với công việc. Ấy là đầu những năm 2000; tôi chập chững bước vào nhiếp ảnh nghệ thuật, rằm tháng Giêng nào bạn bè cũng chở nhau đi chụp lễ hội truyền thống làng Ngọc Tiên, Hành Thiện, Xuân Trường. Phong cảnh ở đây rất đẹp. Chùa cổ, cổng cổ, cây gạo già u buớu gần 500 tuổi. Sau phần lễ là hội thi địch lửa, giã gạo, thổi cơm, làm bánh, kéo co, đu quay rất đặc sắc. Người về hội rất đông mà hiện trường quá chật chội nên chúng tôi rất khó xoay xở. Tiết mục kéo co diễn ra ở bờ ao nền đất, rất quyết liệt mà chiều ngang chỉ có 3 mét, một bên ao, một bên ruộng trũng. Chúng tôi hết cúi khom rồi quỳ bệt, bỏ cả đầu góc rộng, đầu Zoom khùng nhất ra tác nghiệp vẫn rất vướng vất bởi người giám sát, giám khảo, bảo vệ và cả những cổ động viên quá khích. Quay lại sau tôi thấy trời rét căm căm mà có một người bỏ cả áo vét tông, cởi cả giầy tất ném bờ, mũ phớt chụp sát mắt, xắn quần đến háng, lội ruộng bùn, lom khom chụp lia lịa sau mình… Tàn cuộc hỏi bạn bè mới biết đấy là nghệ sĩ Trần Thế Long. Nghĩ lại thấy thấm thía, chúng tôi ở quê nhà mà đi chụp ảnh như cưỡi ngựa xem hoa còn anh là người thành phố mà không ngại nhảy xuống ruộng bùn rét mướt tác nghiệp, để có được tấm ảnh Kéo co rất sống động, quyết liệt lại có ven ngược sáng mãn nhãn, ảnh Đánh đu nam nữ thì động tác rướn đẹp, quần áo chao mờ và in bóng đáy hồ tuyệt mỹ.

Đến nơi ở của anh ở đầu phố Nguyễn Chánh, căn gác nhỏ không đủ chỗ để anh treo các bằng chứng nhận huy chương vàng, bạc quốc tế và trong nước, các bằng khen của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. Được xem một số tác phẩm ảnh đen trắng, tôi thầm bái phục anh vì thời xưa chưa có kỹ thuật số mà anh chụp được ảnh gánh nước tưới rau đêm trăng đúp phim, lộ sáng nhiều lần, phóng ảnh, tráng phim thủ công mà rất nét, rất mịn.Tác phẩm “Cảnh quê” này đã được tặng huy chương đồng tại Mỹ. Hoặc anh chụp lia máy để nhân vật chuyển động vẫn rõ nét mà cảnh sau mờ nhòe đầy thuyết phục. Đa phần tác phẩm của anh thành công khi chưa xuất hiện kỹ thuật số, photosop. Tác phẩm đầy tính nhân văn của anh là “Ánh sáng người mù” chụp đôi bàn tay người mù đang rờ ấn chữ nổi thể hiện sự khát khao tri thức và sự vượt lên gian khó của người khiếm thị. Tác phẩm này đã được tặng huy chương vàng tại Áo, giải xuất sắc của ACCU (tổ chức văn hóa Châu Á - Thái bình dương) đóng tại Nhật Bản. Huy chương vàng PSA, giải nhất thể loại báo chí USA, giải A xuất sắc toàn quốc, bằng danh dự ở Hồng Kông, Hungary, huy chương bạc toàn quốc. Có tác phẩm anh phải thai nghén ý tưởng hàng năm và nhiều lần mới thực hiện được, đó là tác phẩm “Nụ hôn của gió” chụp chân dung một thiếu nữ với chiếc khăn voan vàng ôm lấy nửa đầu và vòng quanh cổ được gió cuốn tung bay trên nền trời xanh đậm, mềm mại như cánh chim câu. Chiếc khăn voan ấy cũng tạo thành đường nét mạnh, táo bạo, ưu ấp khuôn mặt thiếu nữ xinh đẹp đang tươi cười với đất trời, mây gió, tạo nên hình tượng con người hòa đồng với thiên nhiên thật đẹp. Có thể nói đây là tuyệt tác. Tác phẩm này đã được huy chương Vàng của Áo, giải A xuất sắc toàn quốc và triển lãm ở nhiều nước trên thế giới.

Tính đến nay anh đã có 03 huy chương Vàng, 01 huy chương Bạc, 02 huy chương Đồng, 8 bằng danh dự quốc tế, 02 giải xuất sắc ACU, 02 huy chương Bạc, 01 giải A, 01 giải B, 02 giải C, xuất sắc quốc gia, nhiều giải thưởng cấp khu vực và triển lãm quốc tế. Các tác phẩm của anh thường phản ánh con người trong lao động, sản xuất, công nông nghiệp, học tập, tình thầy trò, lễ hội. Ở thể loại nào anh cũng thành công. Có tác phẩm anh phải dậy rất sớm để đón bình minh sương sớm, nhưng cũng có tác phẩm anh chụp nữ vận động viên nhảy cao ở Đại hội TDTT toàn quốc ở Vĩnh Phúc thì phải chờ gần tối, nền trời xám thì mới chụp được. Kỹ thuật và sự kỳ công ở tác phẩm “Cất cánh” này đã mang lại cho anh một bằng danh dự tại Cộng hòa Séc.

Vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh năm 1995, năm 1997 anh đã được kết nạp vào Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam A-VAPA. Năm 2000; anh được kết nạp vào Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế A-PIAP. Năm 2001 anh được phong tước hiệu E-PIAP (Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc Quốc tế). Năm 2002 anh được phong tước hiệu E-VAPA (Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc Việt Nam). Tính đến nay anh là 1 trong 36 nghệ sĩ toàn quốc và duy nhất ở Nam Định được vinh dự phong tặng 2 tước hiệu cao quý này. Anh cũng được Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam mời làm giám khảo một số cuộc thi trong nước.Anh cũng là người được nhận nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật của Trung ương và địa phương như: giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Khuyến, hạng B giai đoạn 1991-1995; giải thưởng văn học nghệ thuật Lương Thế Vinh, hạng A giai đoạn 1996- 2000; giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp văn học nghệ thuật và Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam các năm 1998, 1999; Bằng khen của Bộ Văn hóa thông tin về các cuộc thi ảnh quốc tế…

Năm 2003 tôi được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định thì anh đang là Chi hội phó Chi hội nghệ sỹ nhiếp ảnhViệt Nam, Phó trưởng bộ môn Nhiếp ảnh tỉnh Nam Định, phụ trách chuyên môn. Cứ 2 tháng một lần các hội viên mang tác phẩm mới chụp về để anh và các đồng nghiệp góp ý, phê bình về bố cục, ánh sáng, ý tưởng và cả cắt cúp. Khi có kỹ thuật Photosop thì nghệ sĩ Trần Thế Long cũng là người tiên phong tiếp cận công nghệ mới, giảng giải và truyền lại kinh nghiệm cho anh em trong bộ môn.

Nay do điều kiện sức khỏe, anh đi chụp có ít đi song vẫn là thành viên của Hội đồng nghệ thuật. Anh vẫn đến sinh hoạt Hội đều đặn và đóng góp nhiều ý kiến phê bình, giới thiệu tác phẩm cho anh em cũng như công tác xây dựng Hội. Do đặc thù nghề nghiệp, chúng tôi đi chụp ảnh khắp mọi nơi trong cả nước, đi đến đâu đoàn Nam Định cũng được các nghệ sĩ địa phương trân trọng mời gọi và hỏi thăm về nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Thế Long làm chúng tôi  cũng được thơm lây.

Anh có nhiều bạn bè nhiếp ảnh đỉnh cao ở khắp cả nước, lúc nào anh cũng bình dị, khiêm nhường nhưng con mắt nhìn qua ống kính máy ảnh thì rất sâu sắc, tinh tế và nhân văn. Nhiều tác phảm ảnh nghệ thuật – những đứa con tinh thần của anh còn mãi với thời gian. Anh thật xứng đáng là Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc Quốc Tế và Việt Nam, là niềm tự hào của  nhiếp ảnh Nam Định.

 

 

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội