Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Ảnh đen trắng – Loại hình nghệ thuật đích thực

      Chiến Vinh

    Nhiếp ảnh từ thuở chào đời qua ống kính của cái máy cổ lỗ thô sơ thời hai cụ tổ nhiếp ảnh J.N. Niepce (1765 – 1833) và J. Daguerre (1787 – 1851) cho đến nay đã hơn 190 năm, vẫn giữ nguyên giá trị là sản phẩm thuần túy của nghệ thuật ánh sáng. Tiếp theo là phim ảnh màu xuất hiện đầy hấp dẫn đẩy lùi nó về vị trí, về số lượng sử dụng, về sự đam mê của người chụp, nhưng trước sau vẫn không sao lấn át được nó về tạo hình, về nghệ thuật, kể cả cung bậc sắc độ.

   Những bức ảnh thuộc hàng cổ nhất như BÀN ĂN (1822); NHÌN TỪ MỘT NGÔI NHÀ Ở SALÔNG (1824) của Niepce và HƯỚNG VỀ ĐẠI LỘ ĐỀN THỜ (1839) của Daguerre – ngoài giá trị ghi hình lịch sử vẫn mang tính thẩm mỹ. Có thể nói đây là những bức ảnh mang dáng dấp nghệ thuật thuộc đề tài sinh hoạt và phong cảnh đầu tiên của loài người.

   Nhiếp ảnh là loại hình nghệ thuật có đặc tính riêng, lưu giữ hình ảnh của mọi vật bằng cách sử dụng tác động của ánh sáng trên một mặt phẳng hóa học có độ nhạy bắt sáng cao (các loại muối bạc). Ai cũng biết thế nhưng khi xuất hiện phim ảnh màu thì hình như nhiều người chỉ thiên về màu sắc, bị ma lực của sắc độ màu cuốn hút mà quên đi ưu thế và tính chất của ánh sáng, quên điều cơ bản của nhiếp ảnh là kết quả của “vẽ bằng ánh sáng”.

   Nhà nhiếp ảnh nếu không có tay nghề cao để điều khiển ánh sáng thì kể cả ảnh màu (chứ chưa nói gì đến ảnh đen trắng) cũng làm cho người ta có cảm giác bị đánh lừa ! Đó là màu sắc lòe loẹt, mùi mẫn, tương phản quá mức, đỏ đỏ, xanh xanh lóa mắt, vì hình ảnh, đường nét mù mịt, lờ mờ (cho là mờ nghệ thuật – flou artisteque) làm ta quên đi cái non yếu, thiếu sót, sai lệch của việc sử dụng ánh sáng, hiệu quả ánh sáng tạo nên bức ảnh. Thật tức mắt khó chịu khi nhìn bức ảnh chụp một bàn tay đeo nhẫn vàng chóe cầm mấy con tôm đỏ như đã luộc chín, gán ghép ý tưởng với cái tên ảnh “Vàng từ biển”, hoặc một ảnh màu chụp sai cự ly vào lúc tối trời, hình ảnh mờ mịt nhưng mang tựa đề rất thơ “Xóm núi chiều mưa”. Sự khờ khạo về lựa chọn đề tài được ngụy trang bằng khoa trương màu sắc, cái yếu kém của tay máy được che đậy bằng mưa gió mây mù !

    Như vậy không phải ta xem thường ảnh màu, sự ra đời của phim ảnh màu (1891) có thể nói là một phát minh của khoa học kỹ thuật, nó đáp ứng nhu cầu thể hiện màu sắc đa dạng của thiên nhiên trong ảnh. Và ảnh màu – không kể ảnh thương mại, ảnh lưu niệm, giải trí – nếu đạt tiêu chuẩn về nội dung và nghệ thuật đều là tác phẩm ảnh đích thực. Vậy cái đẹp của ảnh đen trắng là ở điểm nào ?

   Trước hết là ở độ chuẩn xác. Để có một bức ảnh đẹp, nhà nhiếp ảnh phải tự mình quyết định thật chuẩn ba việc : Tìm nội dung, chọn góc độ và lựa thời cơ. Nghĩa là phải giải quyết ba bước : Chụp cái gì ? Từ phía nào ? Bấm máy lúc nào là hợp lý nhất để đạt ý tưởng mong muốn. Nhưng về mặt kỹ thuật và nghệ thuật còn có hai yếu tố quan trọng : Lựa chọn khung hình và xử lý ánh sáng để tạo hình.Riêng về ánh sáng có bốn loại chính : Ánh sáng thẳng (thuận sáng), ánh sáng chếch (sáng bên), ánh sáng chếch ngược (sáng ven), ánh sáng ngược (công sáng). Ngoài ra còn có loại ánh sáng dàn trải lúc không có mặt trời, khó xác định nguồn sáng chính, phụ và rất dễ bị loạn sáng. Ánh sáng thiên nhiên hoặc nhân tạo đi qua cửa điều sáng rộng hẹp của ống kính máy ảnh, với một tốc độ (độ trập) chính xác do con người điều khiển mà “vẽ” nên hình sự vật, con người, phong cảnh trong nháy mắt (thời gian chỉ tính bằng các phần của giây đồng hồ).

     Đen trắng và những sắc độ trung gian trên bức ảnh là kết quả của tác động lên phim,giấy có tính nhạy quang (bắt sáng), hay cảm biến của máy ảnh kỹ thuật số. Các vật thể, con người, cảnh sắc dưới ánh sáng trong không gian ba chiều hiện hình ra đó, nhưng đâu phải cứ nguyên xi như thế mà thu vào ống kính ! Và khi đã làm chủ nguồn sáng, điều khiển nó một cách có tính toán chi li thì hình ảnh sẽ hình thành theo ý muốn của người cầm máy. Chuẩn xác về bố cục khuôn hình, về sắc độ ánh sáng phong phú, sáng tạo ra những điều mới lạ gây bất ngờ cho người xem. Chỉ có ảnh đen trắng mới đánh giá được sự chuẩn xác này, mặt khác cũng phơi bày rất rõ những nhược điểm như : ảnh chụp thiếu sáng thì gây rạn, nhiễu, sắc độ lờ nhờ, thừa sáng thì ảnh tương phản quá mức, ảnh bị lốp sáng, mất hết chi tiết… Còn với ảnh màu, nhờ màu sắc phụ trợ, khuất lấp, nên sự chuẩn xác khó phân biệt hơn. Ngày nay những máy ảnh kỹ thuật số đều trang bị chức năng tự động toàn phần (P), hoặc tự động một phần tốc độ chụp (A), hay tự động khẩu độ ống kính (S) giúp người chụp ít hoặc không phải tính toán đúng sáng cho bức ảnh.
    Ảnh đen trắng thường có hai loại do sở trường, ý thích của từng nhiếp ảnh gia. Một loại đen trắng tương phản lớn giữa ánh sáng và bóng tối, tạo nên hình ảnh sắc nét như khắc chạm, hình khối nổi bật với những đường ven gợi cảm, có hiệu quả cao. Một loại sử dụng ánh sáng vừa phải, dàn đều, cường độ nguồn sáng thấp làm cho vật thể, đối tượng trong ảnh có đường nét nhẹ nhàng, sắc độ dịu có nhiều cung bậc trung gian. Cái đẹp nữa của ảnh đen trắng là có sức diễn đạt, biểu cảm cao mà không cần màu. Trong hội họa không phải vì thiếu màu mà có tranh thủy mặc. Tranh thủy mặc được yêu chuộng vì được vẽ chấm phá vừa hiện thực, vừa huyền ảo. Người vẽ không theo lối Tả mà vẽ theo cách Cảm, cốt sao truyền được cái hồn, cái thần của cảnh vật, con người để lại ấn tượng sâu đậm đối với người xem. 


HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội