Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tem Đông Dương - Những tác phẩm nghệ thuật xinh xắn trĩu nặng lịch sử _ Andrea Trần
Nguồn TC Văn Nhân số 129/ 2020
  1. Lịch sử bưu chính Việt Nam và sự xuất hiện tem thư tại Đông Dương

    Khi hệ thống bưu chính hiện đại và tem thư chưa ra đời ở nước ta, công việc vận chuyển công văn, giấy tờ của chính quyền trung ương (vua hoặc các quan đại thần trong triều) từ kinh đô tới các nha môn địa phương hoặc ngược lại – các đơn sớ trình báo từ địa phương gửi tới các cấp cao hơn – được thực hiện qua hình thức sử dụng các phu trạm và các trạm thư (nhà trạm). Nhà trạm vừa trông coi việc chạy công văn, giấy tờ từ kinh thành ra các tỉnh và ngược lại, vừa được sử dụng như chỗ nghỉ chân, thay ngựa, thay phu của các quan lại trên đường kinh lý. Thời nhà Hồ thế kỷ 15, hệ thống / mạng lưới nhà trạm khá phát triển nhờ sự mở mang đường xá. Sang đời Trần, theo sử sách ghi lại, ngoài phu trạm, hệ thống vận chuyển thư tín đã sử dụng cả chim bồ câu như một phương tiện chuyển thư nhanh và bí mật. Câu chuyện cho thấy khả năng vận dụng các phương tiện / phương pháp chuyển phát linh hoạt và phong phú trong hoạt động “bưu điện” của người Việt xưa.

    Vào thời nhà Lê, cuối thế kỷ XVII, nước ta đã có hệ thống bưu chính khá chặt chẽ và phát triển với 54 cung trạm được đặt trên các tuyến giao thông huyết mạch hay còn gọi là đường thiên lý. Tới triều Nguyễn, từ 1802, số trạm dịch tăng lên rất nhiều, được đặt dọc theo các quan lộ từ Huế vào Nam Kỳ và từ Huế ra Bắc thành (Hà Nội). Trong những cung trạm không xa nhau lắm, các phu trạm khỏe mạnh có thể chạy bộ để đưa công văn; còn nói chung, thuyền bè và ngựa vẫn là phương tiện chính để vận chuyển / chuyên chở phu trạm / lính trạm cùng công văn giấy tờ được đựng trong các ống tre, ống gỗ có khắc số hiệu được niêm phong. Chỉ đến thời Pháp thuộc, tổ chức bưu điện, bưu chính theo kiểu châu Âu mới xuất hiện ở nước ta. Bưu cục đầu tiên ở Việt Nam do thủy quân Pháp mở vào ngày 11 tháng 4 năm 1860, và mới hạn chế hoạt động phục vụ nội bộ quân đội viễn chinh. Hai năm sau, vào ngày 17 tháng 3 năm 1862, người Pháp cho khánh thành đường dây thép đầu tiên nối Sài Gòn với Biên Hòa. Đến đầu năm 1863, đợt tem thư đầu tiên đã được phát hành tại Nam Kỳ, đồng thời đây cũng là lần đầu tiên dân chúng nước ta được sử dụng bưu điện hiện đại; nhân viên đưa thư lúc này gọi là bưu tá. Các bưu tá lúc này đã được ngồi trên xe kéo mỗi ngày hai chuyến đi phát thư cho nhà dân theo đúng địa chỉ.

  2. Tem Đông Dương và các họa sỹ Việt

    Trong hiệp hội bưu chính quốc tế và giới chơi tem toàn cầu, danh từ “tem Đông Dương” (tem INDOCHINE) dùng để chỉ những con tem thư được phát hành trong giai đoạn Pháp tổ chức chính quyền thuộc địa tại xứ Đông Dương (bao gồm ba xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Cao Miên, Lào và Quảng Châu Loan). Cho đến nay, tem Đông Dương đã là các món hiện vật được giới sưu tầm săn lùng vì mức độ hiếm cũng như giá trị văn hóa – nghệ thuật – chính trị mà chúng phản ánh. Vì thời kỳ Đông Dương cũng gắn với một giai đoạn lịch sử của nước ta, những con tem Đông Dương cũng có những giá trị lịch sử và xã hội học không thể bỏ qua.

    Con tem đầu tiên được chính quyền thực dân Pháp chính thức cho lưu hành tại Nam Kỳ, năm 1883, mang hình ảnh một con đại bàng, dùng chung cho các nước thuộc địa của Pháp, được phân biệt ở mỗi nước bằng một dấu hủy riêng. Từ năm 1889 đến 1949, người Pháp phát hành 481 mẫu tem và 01 block tem ở xứ Đông Dương thuộc Pháp.

    Những năm 1886 – 1887, ở Nam Kỳ đã sử dụng loại tem thương mại in đè chữ C.CH (viết tắt của chữ COCHIN – CHINE) và giá mặt mới.

    Năm 1888, Pháp cũng dùng loại tem thương mại nói trên được in đè giá mặt mới và chữ A (viết tắt của chữ ANNAM) lưu hành ở Trung kỳ và chữ T (viết tắt của chữ TONKIN) lưu hành ở Bắc Kỳ.

    Năm 1889, tem INDOCHINE (Đông Dương) chính thức ra đời dùng chung cho cả 5 xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào và Campuchia. Đây là loại tem thuộc địa Pháp phát hành năm 1881, được in đè chữ INDO-CHINE. Năm 1892, Pháp phát hành tem Đông Dương mới với giá mặt 4 centimes, in hình 2 người phụ nữ Pháp ngồi trên thuyền, nâng cao lá cờ 3 sắc – tượng trưng cho ngành thương mại hàng hải, trải lá cờ nước Pháp trên khắp các đại dương.

    Những loại tem thư đầu tiên của Việt Nam – dưới thời Pháp thuộc – đều được giao cho nhà in theo lối họa ảnh (Imprimerie Heliogravue) ở Paris thực hiện hình vẽ, bản khắc kẽm và ấn loát, hầu hết được in tại Pháp, Anh, Nhật…

    Từ năm 1941 đến năm 1945, tem Đông Dương chủ yếu do người Việt Nam thiết kế và in ấn ở Việt Nam. Những loại tem sau này hầu hết đều do các sinh viên họa sỹ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương hay Trường vẽ Gia Định thực hiện, chỉ có một số ít các mẫu là của các họa sỹ tự do.

    Năm 1929, trong một cuộc thi vẽ mẫu tem thư, ba sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương là Tô Ngọc Vân, Nguyễn Hữu Đẩu và Nguyễn Phan Chánh đã đoạt giải. Ngoài ra, còn có giáo sư hội họa Nguyễn Đức Thục tại Trường Nghề Hà Nội cũng dự thi và đoạt giải cho mẫu tem phụ thu (chiffres taxes); Bùi Tranh Chước, Tôn Thất Sa, Nguyễn Đình Chi cũng là những họa sỹ vẽ tem hàng đầu cho bưu chính Đông Dương dưới thời Pháp thuộc.

    Năm 1949 là năm phát hành mẫu tem Đông Dương cuối cùng. Sự kiện này cũng báo hiệu giờ cáo chung của nền thống trị của người Pháp tại bán đảo Đông Dương.

  3. Giá trị của tem thư Đông Dương

Tem thư chính là một bức họa thu nhỏ, là tác phẩm của một họa sỹ minh họa cho một đề tài hoặc cụ thể hóa một tư tưởng. Tại mỗi quốc gia, việc thiết kế tem thư thường được giao cho những họa sỹ ưu tú, có thể là họa sỹ chuyên vẽ tem thư thuộc cơ quan bưu chính quốc gia hoặc thông qua các cuộc thi vẽ tem thư mở rộng. Hình thức của con tem và cách thể hiện thông qua kỹ thuật in ấn cũng phần nào phản ánh trình độ phát triển khoa học công nghệ của đất nước (và tất nhiên chỉ trong trường hợp con tem không phải là sản phẩm thuê in ở nước ngoài).

Con tem thư – hay tem bưu chính – dù nhỏ bé nhưng cũng là một nguồn thu nhập cho ngân khố thông qua hoạt động bưu chính. Mỗi nước, mỗi vùng lãnh thổ đều muốn thông qua tem thư chuyển tải những thông điệp về danh lam thắng cảnh, lịch sử, văn hóa nghệ thuật, hay về sự phát triển về chính trị xã hội của xứ sở.

Chế độ thuộc địa Pháp đã chính thức kết thúc tại Đông Dương từ sau 1954. Những con tem Đông Dương nhỏ nhắn dù đã hết giá trị sử dụng, song vẫn mang trên mình chúng cả một bề dày lịch sử. Nhiều sự kiện lịch sử như các hội chợ quốc tế, các đấu xảo trong nước đã xuất hiện trên tem Đông Dương. Rất nhiều nhân vật lịch sử liên quan tới xứ sở này cũng không thể thiếu vắng trên tem Đông Dương: từ các nhân vật đầu tiên trong lực lượng viễn chinh Pháp đổ bộ vào Việt Nam, cho tới các quan toàn quyền, quốc vương, các nhà thám hiểm, những người phát minh ra chữ quốc ngữ… Các danh lam thắng cảnh, hay những sinh hoạt đời thường (cày ruộng, cấy mạ, thợ chạm,…). Người Pháp cũng không quên đưa các hình ảnh những vị anh hùng dân tộc nước Việt lên tem Đông Dương – một hình thức tôn trọng văn hóa bản địa hay chỉ là hành vi thể hiện sự văn minh, của các nhà thực dân đến “khai hóa” ?

Dù sao chăng nữa, xuất hiện của những con tem Đông Dương mà tác giả thiết kế là các họa sỹ Việt đã chứng tỏ sự khẳng định trình độ mỹ thuật và dessin của các họa sỹ Việt thời đó. Đặc biệt là với sự ra đời của Trường mỹ thuật Đông Dương theo nghị định thành lập ký vào ngày 27 tháng 10 năm 1924, nhiều tên tuổi lớn của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã sớm để lại những dấu ấn trên tem thư Đông Dương, có giá trị khẳng định trình độ đào tạo mỹ thuật và những đóng góp vào sự phát triển thẩm mỹ cũng như đời sống kinh tế văn hóa của ngôi trường này trong giai đoạn tồn tại liên bang Đông Dương. Các họa sỹ thời Đông Dương thực sự đã có ý thức rõ rệt khi đưa nhiều hình ảnh, họa tiết đậm chất bản địa, mang dấu ấn đất nước, con người xứ sở vào trong những con tem, thể hiện niềm tự hào sâu kín của những người họa sỹ với truyền thống lịch sử và văn hóa bản địa.

Ba họa sỹ Việt Nam đầu tiên vẽ mẫu tem thư Đông Dương là Phạm Thông (Đền AngKo, 1927), Tôn Thất Sa (Người đi cày, 1927) và Nguyễn Đình Chi (Nghệ nhân chạm, 1927); tiếp theo là các họa sỹ Nguyễn Hữu Đẩu (Vịnh Hạ Long, 1931), Nguyễn Phan Chánh (Đi cấy, 1931), Tô Ngọc Vân (Đền AngKo, 1931). Từ 1941 đến 1949, Bùi Trang Chước là họa sỹ người Việt có nhiều mẫu tem thư Đông Dương được phát hành.

Tem vẽ nét, in một hay vài màu. Mỗi mẫu tem có một hoặc nhiều con tem với các màu hoặc giá tiền khác nhau tạo thành các bộ tem. Các nét vẽ trong tem tinh tế, bố cục chặt chẽ. Những con tem thư nhỏ bé luôn luôn hấp dẫn, không chỉ người dân thời đó, cả trên lãnh thổ Đông Dương hay những người dân từ mọi miền trên địa cầu – những người nhận được những lá thư đến từ vùng Viễn Đông xa xôi có đính các con tem xinh xắn mang nhãn hiệu  “Indochine” vừa bí hiểm mà cũng rất thân thuộc – nhất là với những người từng đặt chân đến xứ sở này và/hoặc có bà con thân thích đang sinh sống – tham quan – du lịch tại nơi này. Ngày hôm nay, mỗi khi được cầm trên tay những phong thư cũ có dán tem Đông Dương, hay được xem những cuốn album sưu tập tem INDOCHINE, mỗi người Việt chắc hẳn không khỏi bồi hồi suy tư về một thời xưa cũ đầy bi thương nhưng cũng thấm đẫm những dấu vết giao thoa văn hóa Đông Tây trong lịch sử nước nhà.

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội