Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Phạm Quyền - Người họa sĩ với những trăn trở nghệ thuật _ Đinh Huệ
Văn Nhân 133

tuổi “xưa nay hiếm”, họa sĩ Phạm Quyền vẫn say mê vẽ tranh. Với ông,

vẽ không chỉ là công việc, là đam mê mà còn là nguồn sống tươi trẻ. Tranh của Phạm Quyền luôn được bạn bè trong giới đánh giá cao và đạt nhiều giải thưởng trong các kì triển lãm.

Người tìm ra cách vẽ mới cho tranh lụa Trước đây, nói đến Phạm Quyền, tôi nghĩ thế mạnh của ông là tranh sơn dầu. Nhưng khi trò chuyện, ông lại hồ hởi khoe với chúng tôi về “thành tựu” tranh lụa mà

ông mới đạt được.

Thông thường, tranh lụa được vẽ với những mảng màu đơn giản, ấm áp, những đường viền mềm mại, nhân vật và bối cảnh đơn giản. Năm 1977, bức tranh lụa “Mặt trời mới” của Phạm Quyền được chọn tham dự Triển lãm mỹ thuật quốc tế tại Bungari. Không hài lòng với những thành tựu mình đạt được, ông đã nghiên cứu và tự tìm ra cách vẽ mới đối với thể loại tranh này. Ông không muốn tranh của mình có lối mòn, tranh sau phải khác với tranh trước. Tranh lụa thông thường vẽ tạo mảng, miếng, tránh những nét nhỏ nhưng Phạm Quyền  lại  “tự làm khó mình” - tranh lụa của ông vẽ nhiều nét nhỏ, chi tiết nhưng không nhòe. Ông chia sẻ với chúng tôi: “Tôi nghiên cứu nửa tháng trời mới tìm ra cách vẽ mới cho tranh lụa”. Họa sĩ Phạm Quyền tôn thờ sự mới lạ. Để tạo ra sự mới lạ, ông say sưa tìm tòi, nghiên cứu. Tác phẩm “Tan ca” ra đời trên nền lụa được đánh giá là một sự

cách tân độc đáo, tạo nên “đột phá về tranh lụa Việt Nam” (theo lời của Hội đồng nghệ thuật chấm giải Liên hoan Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2019). Tác phẩm đạt giải 3 Triển lãm Mỹ thuật đồng bằng sông Hồng tại Bắc Ninh năm 2019 là sự công nhận những đổi mới của ông đối với dòng tranh lụa hiện nay.

Sáng tạo của họa sĩ tạo nên giá trị của tranh trừu tượng

Họa sĩ thiên tài Picasso từng nói: “Không có nghệ thuật trìu tượng. Bạn phải luôn bắt đầu với một cái gì. Sau đó bạn có thể loại bỏ tất cả dấu vết của hiện thực”. Phạm Quyền vẽ tranh cũng đi theo tôn chỉ đó: luôn lấy cảm hứng từ chính cuộc sống hàng ngày. Với ông, mỗi bức tranh bắt nguồn từ hiện thực đều đẹp và có linh hồn. Ông tâm sự với chúng tôi, những bức tranh của ông đều bắt nguồn từ một đề tài cụ thể nào đó trong thực tế. Song với lăng kính sáng tạo của người họa sĩ, đề tài đó được thể hiện trừu tượng hơn, làm bật một đặc tính nổi bật nhất. Mảng tranh trìu tượng thường không dễ xem, mỗi bức tranh thường gợi cho từng người xem những ý niệm khác nhau, tạo nên tính đa chiều của nghệ thuật. Thưởng thức tranh trừu tượng của Phạm Quyền, người xem phải nghĩ, phải ngẫm đến khi thấu cảm được với tư duy tạo hình trong từng nét cọ của tác giả sẽ bị cuốn hút với những đường nét và màu sắc trong tranh. Tác phẩm trừu tượng mới nhất của ông lấy đề tài từ dịch bệnh đang hoành hành: Việt Nam! Chiến thắng COVID 19. Với bố cục vững vàng, bút pháp điêu luyện, sự đối lập màu sắc ấn tượng nên dễ thu hút người xem. Xem tranh của ông, chúng ta như được truyền thêm niềm tin, sự quyết tâm chiến thắng dịch bệnh của cả dân tộc. Phạm Quyền đã làm được điều khó nhất mà các họa sĩ vẽ tranh trìu tượng đều hướng đến đó là tạo được cảm xúc với người xem. Bởi nếu không tác phẩm chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc vô nghĩa.

Có một hiện thực rất “đời” trong tranh Phạm Quyền

Tranh của Phạm Quyền triển khai trong nhiều đề tài. Qua lăng kính sáng tạo của người họa sĩ, mỗi tác phẩm như một câu chuyện trong cuộc đời thực. Đó là hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong, cống hiến cả thanh xuân cho kháng chiến, hòa bình lập lại, họ đều quy y cửa Phật để tưởng nhớ những đồng đội của mình đã ngã xuống trong “Bóng chùa giỗ đồng đội”. Dường như đề tài chiến tranh luôn đau đáu trong tâm trí ông. Ông chia sẻ: “Những câu chuyện có thực ấy đã tạo cho tôi một cảm xúc mạnh mẽ. Tôi cảm thấy mình không thể không vẽ về họ”. Đó là lí do hàng loạt những bức tranh về đề tài này được ông sáng tác như: Trụ cầu bất tử, Ráng chiều nhớ Trường Sơn, Trạm giao liên thời bom đạn, Hang Tám Cô, Không số phận, Vết thương....

Ngoài ra, những đề tài khác trong tranh của ông cũng khiến người xem xúc động: những thân phận phụ nữ trôi nổi, cô đơn; những cô gái thị thành giấu nỗi buồn sau ánh đèn rực rỡ, môi trường ôi nhiễm, thiên tai...Tác phẩm “Bão lũ miền Trung quặn lòng cả nước” đã gây ấn tượng đặc biệt đối với người xem. Những ngôi nhà nâu vàng chìm trong biển nước, con người vất vả chống chọi với mưa lũ, xa xa là dãy núi in

hình vào bầu trời xám xịt...Xem tranh của ông, ta càng cảm nhận được sự nhỏ bé của kiếp người trước thiên nhiên, càng xót xa với những nỗi đau mà thiên tai gây ra cho con người. Cảm hứng nhân đạo tràn ngập trong từng nét vẽ của tác giả.

Tranh của Phạm Quyền không bị gò ép về đề tài. Ngoài những bức tranh về chiến tranh, tác phẩm của ông còn có những khúc ca trong trẻo ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước, cảnh thanh bình của miền núi hay cảnh sinh hoạt của nhân dân. Nét vẽ của ông bay bổng, mềm mại tái hiện cảnh các cô gái tắm suối, địu con lên rẫy hay đi lấy củi. Dù vẽ về đề tài nào, ta cũng cảm nhận được một Phạm Quyền rất trẻ trung, hiện đại nhưng cũng đặc biệt nghiêm túc, cẩn thận. Ông luôn đề ra chuẩn mực cho mình: Vẽ đẹp hơn ảnh màu mới là đạt.

Phạm Quyền được biết đến là người làm nghề rất chỉn chu. Không bao giờ ông vẽ đại khái, qua loa cho xong chuyện. Mỗi tác phẩm đều được ông đầu tư thời gian, công sức. Khi đã có đề tài, ông có thể thức thâu đêm để vẽ. Thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc đã đưa về cho ông rất nhiều giải thưởng: Giải B, C Văn học Nghệ thuật Nguyễn Khuyến (năm 1990, 1995), Giải B Văn học Nghệ thuật Lương Thế Vinh, Giải C Hội Mỹ thuật Việt Nam khu vực II (năm 2003), Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật đồng bằng sông Hồng tại Bắc Ninh (năm 2019), Tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam khu vực II các năm 1997, 1999, 2000, 2001, 2010.

Ở tuổi 82, những sáng tạo nghệ thuật của Phạm Quyền khiến chúng ta kính trọng và khâm phục. Chúc cho ông có thật nhiều sức khỏe, tiếp tục là cánh chim đầu đàn của các họa sĩ Nam Định

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội