10/12/2021
Người dân Xiêng Khoảng với Bác Hồ
Bút ký
Nguyễn Văn Soạn
Đến nay tôi vẫn còn nhớ mãi một kỷ niệm những ngày trong quân
ngũ. Mùa khô 1971, tổ
chúng tôi gồm ba người đi công tác lẻ, dọc đường bị bom B52 chặn đường
nên phải xuyên rừng mà đi. Do chưa
quen, chúng tôi lạc vào một bản phía Bắc
cánh đồng Chum thuộc tỉnh Xiêng Khoảng (chiến trường Lào). Trời về
chiều, vừa đói vừa mệt, chúng tôi tìm vào một nhà dân trọ lại. Đó là gia đình ông Khun Thoong. Ông chừng 60 tuổi da đen bóng, người cao to lực lưỡng. Khi chúng tôi đến cũng
là lúc ông vừa đi săn ở rừng về. Dựng
khẩu súng kíp bên cầu thang, ông hất hàm về
phía chúng tôi:
- Hỏi
gì? Cần lợn hay gạo?
Tôi
bình tĩnh trình bày với ông già: Chúng
tôi là bộ đội Việt Nam sang giúp đất
nước bạn bị lạc đơn vị xin gia đình cho ngủ nhờ một đêm. Ngồi dưới chân cầu
thang nhìn lên, chúng tôi thấy đôi mắt ông chứa chất sự nghi hoặc. Rồi ông ra hiệu với bà. Vừa dán mắt nhìn ba chúng tôi, bà
vừa ghé tai to nhỏ với anh thanh niên đứng
bên (Sau này chúng tôi mới biết là con
trai ông bà). Tôi hồi hộp, lo lắng. Biết đâu
có sự chẳng lành. Rút đi thì trời sắp tối,
ở lại liệu có an toàn không? Bên cạnh tôi,
người chiến sỹ tên Long rút trong túi mấy
tờ báo Quân đội vừa được trong nước chuyển sang, cắm cúi đọc. Đột nhiên, ông già
Khun Thoong chạy trên nhà sàn xuống, mắt sáng lên, chỉ vào tấm ảnh Bác
Hồ in trang trọng trên trang nhất của tờ báo:
- Cụ Hồ?
Bộ đội Cụ Hồ hả?
Tôi
nhanh nhảu trả lời:
- Đúng rồi. Chúng tôi là bộ đội Cụ Hồ. Ngay
lập tức vợ ông và các con chạy
xúm lại quanh tờ báo có ảnh Bác Hồ. Mọi nỗi lo âu, nghi ngờ tan biến trong tôi. Đêm ấy quanh bếp lửa nhà sàn ông già Khun Thoong
cho chúng tôi uống rượu nhắm với
thịt hoẵng rừng vừa săn được buổi chiều.
Ông nghe chúng tôi kể chuyện Bác Hồ suốt đêm.
Tấm ảnh Bác Hồ chính là tấm chứng minh thư để ông tin chúng tôi là người
tốt, là người lính Cụ Hồ tình nguyện
sang giúp nhân dân Lào đánh đuổi giặc Mỹ.
Sáng hôm sau, khi mặt trời vượt khỏi ngọn núi trước bản, chúng
tôi chia tay gia đình. Ông Khun Thoong nắm chặt tay tôi rồi xin lại tấm ảnh Bác. Nhận tấm ảnh, ông trân
trọng dán ở gian giữa vách nhà sàn rồi thắp hương, lẩm nhẩm khấn vái. Chúng tôi ngước mắt nhìn quanh. Đó là bức chân dung duy nhất được treo trong nhà. Chúng
tôi lên đường, mỗi người mang theo một gói cơm nếp nương bà nấu từ sáng
sớm. Ra tới đầu bản tôi vẫn thấy ông với dáng người cao to đứng bên cạnh vợ và các con giơ tay vẫy mãi, đến khi chúng tôi khuất
dần vào rừng xanh.