NHÀ THẦY VƯỜN CŨ TIÊU VIÊN
Bút ký của Phạm Trọng Thanh
Một người tha hương chọn đất
Bình Lục làm quê, một ông thầy văn sử có tiếng dạy giỏi, hè năm 1977, lại quyết
định khăn áo ra đi. Buổi họp tiễn chân thầy có bao đôi mắt đỏ hoe, những giọt
nước mắt học trò trong suốt. Thầy đứng giữa những trò cưng cũng nghẹn ngào, nói
câu gì đó như là một lời hứa.Với thầy, mái trường cấp III Bình Lục qua nhiều
năm gắn bó, bao nhiêu kỷ niệm thân thiết, ngọt ngào.Thầy về đây những năm Bình
Lục chưa “tát cạn” cái rốn của vùng chiêm trũng, còn nguyên cả "chỗ lội
đường quai" với "Bóng thuyền thấp thoáng dờn trên vách"
trong câu thơ Nguyễn Khuyến. Ngày đầu xây dựng ngôi trường cấp III đầu tiên của
huyện, cơ ngơi chỉ có ba dãy nhà cấp bốn với chín phòng học. Trường mới, sĩ số
thiếu hụt, phải xin tỉnh cho phép "đòi học trò Bình Lục" các nơi về
cho đủ lớp.Thầy không bao giờ quên, những buổi xếp hàng vào lớp, nhiều em vẫn
đi chân đất, áo vá quần thâm. Hiên ngoài, những chiếc nón quê đựng đầy rau má
chống đói. Vườn trường, những chiếc dậm, những giỏ ốc, giỏ cua ướt rượt của học
trò nghèo giấu sau lùm cây dại. Thầy vẫn áo bộ đội "ba mươi sáu đường gian
khổ", đứng nhìn mà thắt ruột. Đáng khen sao, học trò Bình Lục chăm học,
chăm làm. Thầy thương trò, chẳng quản ngại lặn lội mưa nắng,cả khi bữa cơm còn
độn khoai sắn, thiếu thốn nhiều bề, vẫn tươi cười bước lên bục giảng. Những năm
chiến tranh, giặc ném bom Phù Vân, Phủ Lý, trường sơ tán về Đồng Du, La
Sơn...vẫn "dạy tốt”, "học tốt". Các em nhận ở người thầy thân
thiết những câu dặn dẽ, những lời khích lệ ấm lòng. Các em theo thầy để có
những ngày hè hoạt động ngoại khoá bổ ích. Thầy hướng dẫn trò cách thức sưu tầm
ca dao, phương ngôn, tục ngữ, giai thoại văn học nơi thôn dã. Thầy nuôi cho các
em ngọn lửa sáng ấm của tri thức nhân văn, bắt đầu từ môn sử, môn văn, tình yêu
quê hương đất nước bao đời hình thành những nhân cách lớn. Rồi chính các em,
những lứa trò cấp III Bình Lục đã làm cho thầy thêm yêu quí vùng đất sinh thành
cụ Tam nguyên Yên Đổ đức độ, nhà thơ lớn trên thi đàn nước Việt. Thầy viết bài
đăng báo, giới thiệu thuần phong mỹ tục ở Nam Hà (tỉnh cũ sáp nhập Hà Nam, Nam
Định). Những cuốn sách do thầy chủ biên, nhiều người tìm đọc: Ca
dao tục ngữ Nam Hà, Nguyễn Khuyến và Giai thoại... khởi đầu
từ nơi thầy sớm tối đi về là mái trường này. Những trang văn về con người và
mảnh đất đồng chiêm, có cả niềm hân hoan, những lời cổ xuý của học trò Bình Lục
dành cho thầy. Theo sự điều động công tác của Tỉnh, nên thầy ra đi... Gặp nhau ngày ấy, thầy Cường gây cho tôi mối thiện cảm ngay từ khi chân
ướt chân ráo về Ban bồi dưỡng đào tạo Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh. Một
người bộ dạng giống in một câu thơ tự trào của cụ Nguyễn Khuyến "Chẳng
gầy, chẳng béo, chỉ làng nhàng", bước chân tới lui còn mau lẹ. Giữa
những đồng nghiệp Hà Nam Ninh (tỉnh cũ sáp nhập Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình),
trông thầy dáng dấp một "ông đồ Nghệ" tân thời, chất giọng Hà Tĩnh rủ
rỉ dễ mến. Trong danh sách ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật địa phương,
thầy được giao phụ trách một ban công tác chuyên môn, lo công việc đào tạo, bồi
dưỡng hội viên qua các trại viết, lớp hướng dẫn sáng tác, đi thực tế...Công
việc không vượt quá khả năng, nhưng với một người không ham quyền lực, chức
tước thì quả là một việc “cực chẳng đã”. May sao, một đồng nghiệp trong ban thư
ký, người mới được điều về Hội, sốt sắng đảm nhận chức vị này. Chất người thẳng
thắn chân tình như thầy, dẫu có lúc ra vẻ lập nghiêm “gàn bát sách” trong tranh
luận học thuật để nói cho ra lẽ, rốt cuộc ai cũng nể vì. Hơn mười năm công tác
ở Hội văn nghệ, đứng bên ngoài những thứ “phi văn học”, thầy Cường dành tâm lực
cho công tác chuyên môn, giữ mối quan hệ trong sáng với mọi người. Chủ tịch Hội
Văn học Nghệ thuật lúc bấy giờ là nhà văn Chu Văn, trọng những người có thực
tài. Kéo được Bùi Văn Cường về công tác, ông rất vui . Khi Bùi Văn Cường phát
hiện bài viết của Nguyễn Tế Nhị “Những câu ca dao từ hội vật đầu xuân”
trong tập lai cảo cũ từ tập san Sáng tác Ty Văn hoá Nam Hà chuyển giao
là “có vấn đề cần nghiên cứu”, chủ tịch Chu Văn đồng ý và tin cậy giao cho thầy
Cường chịu trách nhiệm chính đề tài Khảo sát văn hoá truyền thống Liễu Đôi,
tiến hành từ năm 1979.
Những năm xuống xã “nằm vùng”, bộ đôi
hai ông giáo Bùi Văn Cường, Nguyễn Tế Nhị sát cánh đi sớm về khuya. Họ vào từng
xóm nhỏ, gặp những người dân quê cũ kỹ, các ông đô cựu, những cụ ông, cụ bà ở
Liễu Đôi kể cho họ nghe, đọc cho họ ghi những tư liệu văn học truyền miệng chưa
gặp ở đâu. Hai ông giáo tìm đến những di chỉ đền miếu cổ xưa, cạo rêu vạch lá,
đọc các văn bia, sưu tầm thần phả, sách cổ... Biên khảo, hiệu chỉnh tài liệu,
Bùi Văn Cường lại là người chấp bút cho những trang viết đủ luận cứ khoa học,
những kiến giải thuyết phục về một vùng văn hoá dân gian chưa có ai biết đến.
Kết quả đợt đầu khi thông báo làm sửng sốt nhiều người. Trên địa bàn ba xã phía
đông dãy núi đất Thanh Liêm gồm Liêm Cần, Liêm Túc, Liêm Sơn, tập trung nhất là
vùng Liễu Đôi (xã Liêm Túc), sau
ba năm, hai ông đã ghi chép, thu thập trên hai nghìn tư liệu, bao gồm ca dao,
tục ngữ, phương ngôn, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, binh thư, hiện vật khảo cổ...
qui tụ vào một hội vật võ có từ hàng
nghìn năm trước cùng truyền thuyết vị tướng quân anh dũng họ Đoàn. Một bản “Hoàn
vương ca tích” mấy nghìn câu thơ lục bát kể sự tích và hành trạng vua Lê
Đại Hành, tìm được trên quê gốc Liêm Cần, đồi Ngang, núi Cõi...Tin vui liên tiếp gửi
về cơ quan Hội. Ngày ấy, tạp chí Văn
nghệ Hà Nam
Ninh xuất hiện trong thư viện một trường đại học danh
tiếng nước ngoài là một sự lạ. Chuyên mục đăng tải các tư liệu văn học dân gian
nguyên khai, những bài khảo sát "địa văn hoá" thường kỳ trên tạp chí
này đã gây sự chú ý với các chuyên gia khoa Việt Nam học xứ bạn. Họ cần
những “tư liệu sống” ở xứ ta cho những nghiên cứu khoa học đang theo đuổi.
Riêng với công trình Khảo sát văn hoá truyền thống Liễu Đôi, khi công bố
đã kéo các cơ quan chức năng ở Tỉnh, ở Trung ương vào cuộc. Sở Văn hoá Thông
tin, Viện Khảo cổ học, Uỷ ban Khoa học Xã hội...cùng về Liễu Đôi thám sát, thẩm
định. Trên bốn mươi tờ báo trong nước, ngoài nước đăng bài nhận xét sự kiện này.
Một vùng văn hoá dân gian ẩn khuất nơi đồng chiêm trũng đã phát lộ. Những dòng
tin vui lan truyền không chỉ trong giới nghiên cứu sưu tầm. Các nhà văn, nhà
thơ tên tuổi trong Nam,
ngoài Bắc tìm về Liễu Đôi. Có những sinh viên đại học, cao học lặn lội theo
chân hai thầy, xin tư liệu làm luận văn
tốt nghiệp và họ đã được hướng dẫn cặn kẽ. Thầy Cường cùng cán bộ xã mấy lần
lên Tỉnh xin cấp điện cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, các thôn làng Liễu
Đôi. Thầy tham mưu cho cấp uỷ địa phương lên kế hoạch củng cố, mở mang trường
sở khang trang hơn để con em vùng võ vật học hành tốt hơn.Thầy tư vấn cho các
cố lão ở Liễu Đôi khôi phục nền nếp hội vật truyền thống quê hương xứng với câu
ca: “Nghìn năm võ vật đua tài/ Vạn năm sông rộng núi dài tổ tiên”.
Ngày
ấy, trên một mặt bằng 171 Trần Hưng Đạo, thành phố Nam Định, cùng đứng chân với Hội
Văn học Nghệ thuật còn có bản doanh của Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh Hà Nam
Ninh. Hai dãy nhà lá hai bên cách nhau một dải sân hẹp. Hai cơ quan chung một
hội trường, tiếng mi-cơ-rô bên này, bên kia cùng nghe. Thầy Cường nhiều lần lên
bục thuyết trình các chuyên đề. Những phân tích, kiến giải của một ông thầy dạy
văn sử thành thục khiến những người không mấy hào hứng với văn chương chữ nghĩa
cũng bị cuốn theo. Có trưa,”ông đồ Nghệ” bên này ngả lưng mà không để ý. Phía
đối diện là phòng mấy nữ kỹ sư, những “cô Mơ, cô Mận, cô Đào” làm khoa học đang
khúc khích cười ai: “Quần xà lỏn mặc ngoài đường/ Đến lúc lên giường
lại diện quần Tây”! Rồi thầy cũng kịp nhận ra câu ca ứng tác đáo để bên kia
chỉ nhằm ghẹo cái người ưa bình dị xuề xoà, khuôn phép mà không quá câu
nệ bên này. Cái người làm cho họ “phải lòng” những câu ca dao còn “mới tinh
sương”: “Ra đường em mải ngắm anh/ Nên chân em vấp đổ thành nhà vua”.
(Ca
dao tục ngữ Nam Hà, 1974). Họ đọc truyện Chàng trai họ
Đoàn, truyện Nàng Vú Thúng, truyện Ông Rút Sườn. Đọc Vè Xã
Lãi, mê cái anh chàng mải chơi diều rồi xuống đồng làm gấp
cho kịp thời vụ, đến nỗi : “Đêm thì cày nứt mặt trăng/
Ngày thì trâu giẫm vỡ băng mặt trời”. Họ thuộc câu
hát đối đáp ở hội vật Liễu Đôi: “Anh
từng bế bổng nhiều chàng / Riêng có cô nàng anh chịu bó tay” – “Anh đi
đuổi gió dẹp mây/ Rồi về em sẽ liệu bày
cách cho”. Họ đọc truyện thơ Chèo
bẻo đánh Quạ, Đĩ Cua cứu mẹ, truyện Ông lang Ngoé, Thầy đồ Cóc,
Lão Chuột chù..(Khảo sát văn hoá truyền thống Liễu Đôi, tập I, 1981). Bao nhiêu thân phận
sinh linh lầm lũi, bao nhiêu hiếu hạnh, tiết nghĩa, cơ mưu trầm tích nơi đồng
trắng nước trong, chập chờn bên giậu mồng tơi những xóm nghèo nhà tranh vách
đất, giờ được "kéo lên" còn nguyên sức sống. Rồi công trình khảo sát
đợt hai, cuốn Khảo sát văn hoá truyền thống Liễu Đôi tập II, xuất bản năm
1995, với sự tài trợ của Quỹ Thuỵ Điển -Việt Nam phát triển văn hoá đến với bạn
đọc. Hai thầy Bùi Văn Cường, Nguyễn Tế
Nhị nhận được nhiều lời mời cộng tác từ các nhà xuất bản gần xa. Các tập Sống
lại cười một tí, Chèo bẻo đánh Quạ, Truyện ngụ ngôn Liễu Đôi, Truyện cổ
Liễu Đôi... xuất bản rồi tái bản, mỗi lần in hàng nghìn bản.Với công sức
lao động và thành tựu đáng nể ấy, nhiều giải thưởng văn học ở Trung ương, ở
Tỉnh được trao cho hai thầy. Đặc biệt năm 2002, nhà giáo - nhà nghiên cứu sưu
tầm Bùi Văn Cường, hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam từ năm 1967, được
Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba ở tuổi Bảy mươi - Cùng
với Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, Huy chương Chiến thắng
thời trẻ trai chống Pháp, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất thời
tráng niên chống Mỹ, 2 Huy chương "Vì sự nghiệp văn học nghệ
thuật Việt Nam”, “Vì sự nghiệp Văn nghệ Dân gian Việt Nam”, các giải
thưởng văn học ở tỉnh, ở Trung ương làm nên một bộ sưu tập vui vui của bậc lão
làng đã bước vào tuổi Chín mươi.
Năm
1980, tôi có dịp thăm nơi chôn rau cắt
rốn Bùi Văn Cường, ngày ông nghỉ phép về phụng dưỡng người chú ruột tuổi cao,
yếu mệt. Quê ông đất Kẻ Lù, Phù Lưu Thượng, nay thuộc xã Hồng Lộc, huyện Can
Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Một làng nghèo bên chân núi Hồng Lĩnh ham học, nhiều người
biết chữ Hán. Quê nhà hiện dần trong bản thảo cuốn sách ba trăm trang Kẻ
Lù - Phù Lưu Thượng của ông (viết chung với Bùi Văn Tiên) để trả
nghĩa mảnh đất sinh thành. Một nhà “cứng đầu”, ông nội bị Tây bắt, rồi đến bố ,
đến chú ruột cũng bị Tây bắt vì bị tình nghi "người của Cộng sản".
Gia đình vào những năm “thoái trào” Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông bà nội có công nuôi
giấu cán bộ cách mạng. Mới bảy tuổi đầu Bùi Văn Cường đã mồ côi cha mẹ. Một mái
nhà ba anh em trai, ông là thứ hai, ở vào hoàn cảnh thua thiệt, khốn khó. May
sao, ba anh em còn có ông bà nội chở che, có chú thím ruột cưu mang, yêu thương
như con đẻ. Học chưa xong trung học phổ thông, năm 1951, Bùi Văn Cường đi thanh
niên xung phong rồi nhập ngũ, trở thành anh bộ đội Sư đoàn 316, ở đơn vị tình
nguyện giúp Lào. Những năm tại ngũ gian khổ, tự học hết bậc phổ thông, trở về, thi vào trường Đại học Sư phạm Vinh. Tốt
nghiệp đại học, năm 1961, thầy Cường về dạy tại trường Học sinh miền Nam số 28,
Kim Bảng một năm rồi chuyển về trường cấp III
Bình Lục. Đến năm 1969, chuyển sang trường Sư phạm 10+2 Nhân Nghĩa, Lý Nhân,
dạy văn, sử. Năm 1970, có lệnh điều thầy
đi làm chuyên gia giáo dục giúp nước bạn Lào. Không qua được kỳ khám sức khoẻ,
lại trở về dạy ở cấp III Bình Lục cho đến năm 1977, về Hội văn nghệ ...Xem ra
cái tuổi Nhâm Thân của thầy, từ thuở đeo ba lô đăng lính cụ Hồ, đến giờ mới
được thảnh thơi. Suốt hành trình bấy nhiêu năm, đã tâm huyết với nghề dạy học -
cái nghề cao quý, ngày ngày “mổ bụng con nhét chữ” mà không mảy may hệ
luỵ vào chuyện tháng tháng “bổ đầu bố lấy tiền”! (Chữ câu đối trong tập Nguyễn
Khuyến và Giai thoại,1979). Lại còn hăm hở bươn chải trong
cái nghiệp “văn chương thiên cổ sự” nữa chứ! Đầu phơ phơ một vạt mây trời bên
núi An Lão, mừng cho mình trong cõi nhân gian thân thiết bấy lâu nay, vẫn còn
giữ đây cốt cách một người thầy.
Tôi
trở lại Tiêu Viên một ngày thu cùng một bạn thơ thăm ông, người anh đồng nghiệp
đã về nghỉ hưu nơi quê vợ. Nếp nhà gỗ kiểu Can Lộc giữa bốn phía vườn quê, bên con đường làng thẳng băng vừa “bê-tông
hoá”. Ra đầu ngõ, hai ông bà nhà giáo cùng "a" lên một tiếng, mời
khách vào nhà. Hai mái đầu bạc sóng đôi. Một sân nắng thoảng hương cau, lấp loáng “tàu tiêu,
bóng trúc”. Kệ gỗ trong nhà lô xô gáy
sách. Chồng bản thảo viết tay những công trình do ông biên soạn chưa
xuất bản, được xếp lên ngay ngắn. Mái nhà thân yêu này, trong tấm huân chương
Lao động lồng khung gương cùng những chứng chỉ giải thưởng văn học kia, có cả
công lao đóng góp của cô giáo Nguyễn Thị Hữu, người đồng hành thông minh, người
bạn đời hiền thục, cần mẫn của ông. Thầy Cường về làm rể cụ lương y họ Nguyễn thôn Tiêu Viên
rồi định cư ở đây từ ngày ông bà nhạc còn tại đường, cậu em đang ở chiến trường
xa. Mọi việc trong nhà ngoài làng,thầy cô chung vai gánh vác. Một gia đình nhà
giáo nhân ái, hoà thuận. Đêm Tiêu Viên, hai trang giáo án một ánh đèn khuya. Cô
là giáo viên dạy môn văn cấp II nhiều năm, nay đã nghỉ hưu. Họ thật đẹp đôi từ
thuở tóc còn xanh mướt, cùng nhau băng đồng dìu học trò đến lớp. Nay con cái đã
trưởng thành, người công tác ở Hà Nội, người ở nơi xa, thỉnh thoảng mới lại về
thăm nhà. Còn các trò năm xưa, người làm khoa học, người dạy học, người là nhà
báo, nhà thơ... Có nhà hai tiến sĩ, có người chiếm hai bằng tiến sĩ, là viện sĩ
của hai viện khoa học nước ngoài, đều là học trò cũ của thầy. Cũng có những
người chỉ còn lại mộ phần trong nghĩa trang liệt sĩ...Tất cả vẫn ở trong tấm
lòng thương quí của thầy cô. Chúng tôi được biết, các cụ bô lão Liễu Đôi, mấy
lớp học trò cũ Bình Lục, có người trên
đầu đã hai thứ tóc thường vẫn đi về, nhà thầy vườn cũ Tiêu Viên, một địa chỉ
bao nhiêu tình nghĩa.