Báo cáo tổng kết Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lương Thế Vinh tỉnh Nam Định lần thứ VIII (2016 - 2020)
Báo cáo tổng kết
Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lương Thế Vinh tỉnh
Nam Định lần thứ VIII (2016 - 2020)
(Tóm tắt)
THẠC SĨ NGUYỄN CÔNG THÀNH
Chủ tịch Hội VHNT tỉnh
Hôm nay 20 tháng 12 năm 2021, tại trung tâm chính trị
- kinh tế - văn hóa xã hội của tỉnh Nam Định, đúng vào dịp kỷ niệm 580 năm ngày
sinh Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441 - 2021), tỉnh Nam Định tổ chức Lễ
trao tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lương Thế Vinh
lần thứ VIII (2016 - 2020). Đây là giải thưởng cao nhất và danh giá nhất của tỉnh
định kỳ 5 năm dành cho lĩnh vực sáng tác Văn học nghệ thuật, nhằm ghi nhận và
vinh danh văn nghệ sĩ là công dân của tỉnh
Nam Định. Giải thưởng được mang tên một trong những bậc tài danh của dân tộc Việt
Nam và quê hương Nam Định - Trạng nguyên Lương Thế Vinh - bậc danh sĩ toàn tài
(nhà giáo dục, nhà ngoại giao, nhà toán học, nhà chế định lễ nhạc cung đình,
nhà thơ...)
Ban tổ chức Lễ trao Giải thưởng trân trọng chào mừng:
Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH TW Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy; PGS TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch
Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; đồng chí Hà Lan Anh, Ủy viên BCH
Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các vị đại biểu đại diện các Ban Đảng của
Tỉnh ủy, các Sở ban ngành đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện và thành phố Nam Định;
Xin kính chúc các vị đại biểu khách quý và anh chị em văn nghệ sĩ mạnh khỏe,
chúc buổi Lễ thành công tốt đẹp.
Được sự ủy quyền của đồng chí Chủ tịch Hội đồng xét
tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lương Thế Vinh lần thứ VIII của tỉnh, tôi
xin báo cáo tóm tắt quá trình tổ chức và kết quả Giải thưởng: Thực hiện Quyết định
số 2706/QĐ-UBND ngày 10/11/2020 của UBND tỉnh Nam Định v/v tổ chức xét tặng và
trao Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh tỉnh Nam Định lần thứ VIII (2016-2020);
Quyết định số 1945/QĐ-UBND ngày 9/9/2021 của UBND tỉnh Nam Định v/v thành lập Hội
đồng xét tặng Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh tỉnh Nam Định lần thứ VIII
(2016-2020); cơ quan thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã triển khai
Thông báo công khai trên Báo Nam Định và Tạp chí Văn Nhân, Quyết định số
2706/QĐ-UBND ngày 10/11/2020 của UBND tỉnh Nam Định, phổ biến tiêu chí và các
yêu cầu cụ thể tác phẩm tác giả dự Giải, thời gian thu nhận tác phẩm, quyền lợi
của tác giả dự Giải.
Từ 01/01/2021 đến 30/6/2021, Hội Văn học Nghệ thuật
cơ quan thường trực đã tiếp nhận tác phẩm dự Giải. Thực hiện sự chỉ đạo của Hội
đồng cấp tỉnh, tiến hành rà soát đối chiếu các tác phẩm tác giả dự Giải với
tiêu chuẩn đã theo qui định của tỉnh, có 158 tác phẩm của 113 tác giả (100% các
tác phẩm, tác giả đã gửi dự thi) đều đủ điều kiện dự Giải. Từ kinh nghiệm của
những lần xét tặng Giải trước, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện phương án mời
các Hội chuyên ngành Trung ương trực tiếp chấm và xét Giải cho tất cả các
chuyên ngành: Thơ, Văn xuôi, Nghiên cứu - Phê bình, Âm nhạc và Múa, Nhiếp ảnh,
Mỹ thuật, Sân khấu. Được sự quan tâm giúp đỡ của các đồng chí Chủ tịch các Hội
chuyên ngành Trung ương, toàn bộ tác phẩm, công trình sáng tác của các tác
giả
và hồ sơ dự Giải đã được bàn giao đến cho trưởng Ban giám khảo chấm xét giải.
Ban giám khảo làm việc tại Hà Nội, bảo đảm khách quan, công tâm, đúng qui định và các yêu cầu của tỉnh, nhằm
đánh giá đúng chất lượng sáng tác Văn học nghệ thuật của tỉnh trong tương quan
chung cả nước.
Sau hơn một tháng làm việc của các Ban giám khảo, kết
quả chấm và xét giải đã được gửi về Hội đồng cấp tỉnh được Hội đồng cấp tỉnh
xem xét từng trường hợp sau đó công khai kết quả 15 ngày tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và
trang Website của Hội. Trên cơ sở đó, Hội đồng cấp tỉnh trình lãnh đạo tỉnh ban
hành Quyết định công nhận kết quả Giải và Quyết định khen thưởng các tác giả đạt
Giải. Cụ thể:
Tổng số đăng ký dự giải: 158 tác phẩm của 113 tác giả
dự giải, trong đó có 19 tác giả không phải là hội viên Hội VHNT tỉnh. Kết quả:
Có 64 tác phẩm của 62 tác giả đạt Giải gồm:
08 giải A; 16 giải B; 21 giải C và 19 giải KK.
Bộ môn Văn xuôi: 9 giải (1 giải A, 2 giải B, 3 giải
C, 3 giải KK)
Bộ môn Thơ: 9 giải (1 giải A, 2 giải B, 3 giải C, 3
giải KK)
Bộ môn Nghiên cứu phê bình: 7giải (1giải A, 2 giải
B, 3 giải C, 1giải KK)
Bộ môn Âm nhạc
& Múa: 8 giải (1 giải A, 2 giải B, 3 giải C, 2 giải KK)
Bộ môn Nhiếp ảnh: 9 giải (1 giải A, 2 giải B, 3 giải
C, 3 giải KK)
Bộ môn Mỹ thuật: 9 giải (1 giải A, 2 giải B, 3 giải C, 3 giải KK)
Bộ môn Sân Khấu:
Khối Tác giả & Đạo diễn: 5
giải (1 giải A, 2 giải B, 1 giải
C, 1 giải KK)
Khối Diễn viên:
8 giải (1 giải A, 2 giải B, 2 giải C, 3 giải KK)
Biểu dương và chúc
mừng 8 tác giả đã giành giải A Giải thưởng VHNT
Lương Thế Vinh lần thứ VIII: Tác giả Phạm Trọng Thanh giải A thơ, tác giả Mai
Tiến Nghị giải A văn xuôi, tác giả Nguyễn Văn Nhượng giải A nghiên cứu - phê
bình, tác giả Đỗ Ngọc Hà giải A nhiếp ảnh, tác giả Trần Duy
Phát giải A mỹ thuật, tác giả Kiều
Dư giải A âm nhạc, tác giả Hoàng Trúc Long giải A biên kịch sân khấu, NSƯT Diệu
Hằng giải A diễn viên sân khấu.
Tuyên dương hai tác giả có tác phẩm tham gia hai
chuyên ngành khác nhau đều đạt giải chính thức: Tác giả Nguyễn Thế Kiên thơ giải
B và nghiên cứu phê bình giải C, tác giả Trần Hồng Giang văn xuôi giải B, thơ
giải C.
Xin biểu dương và chúc mừng 04 tác giả đạt giải là
công dân của tỉnh, không phải là hội viên của Hội VHNT tỉnh. 2 giải B (tác giả
Phạm Minh Đạo - Sưu tầm và Nghiên cứu,
tác giả Kiều Đức Chung - Nhiếp ảnh), 1 giải C (tác giả Hải Linh - Sưu tầm và
Nghiên cứu) và 1 giải KK (tác giả Trương Ngọc Hùng Văn xuôi).
Trong số các tác giả đạt Giải lần này vui mừng nhận
thấy có sự kế tiếp 3 độ tuổi: từ 70 tuổi trở lên có 19 tác giả, từ 50 tuổi đến dưới 70 tuổi có 26 tác giả,
dưới 50 tuổi có 17 tác giả. Xin biểu dương và chúc mừng các tác giả cao tuổi đã
giành Giải: Nhà NC-PB Bùi Văn Tam, nhà NC-PB Trần Xuân Mậu, nhà NC-PB Hồ Đức Thọ,
nhà biên kịch Hoàng Trúc Long, họa sĩ Phạm Quyền, nhạc sĩ Đỗ Đức
Miên, nhà thơ Phạm Trọng Thanh, nhà văn Đặng Huy Hải Lâm, nghệ sĩ nhiếp ảnh
Đinh Hữu Tuyền...
Tuyên dương ba gương mặt tác giả trẻ lần đầu tiên đạt
Giải A của tỉnh, đều là giáo viên đang công tác: Nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn
Văn Nhượng giáo viên trường THCS Giao Nhân huyện Giao Thủy; họa sĩ Trần Duy
Phát giáo viên THCS Xuân Phương huyện Xuân Trường, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Ngọc Hà
giáo viên THCS Xuân Châu huyện Xuân Trường.
Đánh giá chung:
Việc triển khai tổ
chức chấm xét Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh tỉnh Nam Định lần thứ VIII
(2016-2020) đã thành công.
Giải thưởng đã tập hợp được đông đảo các tác phẩm của
văn nghệ sĩ đang làm ăn sinh sống trên địa bàn tỉnh dự thi. Nếu như Giải thưởng lần thứ VII (2011 -
2015) có 123 tác phẩm của 96 tác giả, thì Giải thưởng lần thứ VIII có 158 tác
phẩm của 113 tác giả. Không có tác phẩm nào gửi đến bị loại vì không đủ tiêu chuẩn dự Giải. Giải thưởng lần thứ
VII có 4 chuyên ngành không có giải A
(Thơ, Văn xuôi, Nghiên cứu phê bình, Âm nhạc và Múa), lần thứ VIII này cả 7 chuyên ngành đều có giải A.
Các Hội chuyên ngành TW chấm và xét giải khẳng định chất lượng sáng tác của Giải
lần này được nâng lên khá rõ nét. Mặt bằng chất lượng sáng tác của tỉnh Nam Định
5 năm qua ngang bằng mặt bằng sáng tác chung của cả nước, một số chuyên ngành
đã có tác phẩm công trình nổi trội, chuyên nghiệp hơn.
Về nội dung đề tài và sáng tạo nghệ thuật:
Các sáng tác đã hướng vào đề tài truyền thống: Hình ảnh quê hương đất nước,
truyền thống văn hiến dân tộc, hình tượng Đảng, Bác Hồ, người chiến sĩ quân đội
nhân dân, công an nhân dân, bà mẹ Việt Nam, các gia đình thương binh liệt sĩ,
hình ảnh quê hương hiếu học...; những chủ đề mang tính thời sự: Chủ quyền biển đảo, biên cương Tổ quốc, xây dựng nông
thôn mới, công cuộc xây dựng phát triển kinh tế văn hóa xã hội, quê hương đất học,
phòng chống đại dịch Covid-19 đã được quan tâm thích đáng và đã giành Giải. Căn
cứ vào biên bản nhận xét chất lượng các tác phẩm dự giải của các Ban giám khảo
các chuyên ngành Trung ương, có thể đánh giá cụ thể:
Bộ môn Thơ: Các tập thơ đã phản ánh khá rõ gương mặt
thơ Nam Định những năm gần đây. Đó là sự phát triển về các phương diện đội ngũ
người làm thơ, phong trào sáng tác và chất lượng thơ. Thơ dự Giải, từ đề tài đến
cảm xúc đã diễn tả hình ảnh cuộc sống, quê hương đất nước, khát vọng vươn lên
cái đẹp, sự đồng cảm với những nỗi niềm trong cuộc sống... Người đọc có thể tìm
thấy ở đây những giọng điệu riêng, những xúc cảm chân thành, những suy nghĩ có
trách nhiệm trước cuộc đời của người cầm bút. Bộ môn Văn xuôi: Các tác phẩm dự giải kỳ này bao quát phạm vi đề tài khá rộng,
phong phú. Thể loại đa dạng: Tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, hồi ký, tản
văn... Các tác phẩm đã cố gắng phác họa những cảnh đời, những số phận con
người trong hoàn cảnh sống cụ thể, để nhân vật có thể đối thoại với bạn đọc những
vấn đề bức xúc đang đặt ra như cuộc đấu tranh giữa cái thiện cái ác, giữa
cái đẹp lý tưởng và sự thấp hèn, sự xuống cấp về đạo đức lối sống ở một số nhân
vật... Các cây bút văn xuôi thể hiện được những cố gắng lớn về sáng tạo hình thức
nghệ thuật, từ lựa chọn nhân vật, tình huống mâu thuẫn đến kết cấu cốt truyện,
sử dụng chi tiết...
Bộ môn Nghiên cứu - phê bình: Nhìn chung các tác phẩm
được thực hiện khá công phu, khoa học, tâm huyết đã đi sâu sưu tầm nghiên cứu
góp phần giới thiệu những đặc sắc tinh hoa văn hóa truyền thống một vùng quê
văn hiến và gương mặt các danh nhân quê hương. Điều đáng nói trong các tác phẩm
của bộ môn lần này, đã gia tăng tính chuyên nghiệp, trong đó có phần đóng góp của
mảng tiểu luận phê bình, với nhiều triển vọng tốt cần tiếp tục phát huy.
Bộ môn Âm nhạc: Tác phẩm dự Giải có mặt khá nhiều thể
loại, có tác phẩm viết cho vở diễn, có tập ca khúc, có băng đĩa CD. Thể loại
ca khúc
vẫn chiếm ưu thế. Nhiều ca khúc trữ tình viết về quê
hương Nam Định và Tổ quốc khá nhuần nhị, mang hơi thở cuộc sống, có ca khúc đã
quen thuộc với thính giả nghe phát thanh và truyền hình tỉnh. Nhiều ca khúc đã
được dàn dựng ở các hoạt động VHNT trong tỉnh, tham gia các cuộc thi và đạt giải
khu vực và cả nước.
Bộ môn Mỹ thuật: Tác phẩm dự giải thể hiện sự tìm
tòi khám phá sáng tạo khi phản ánh cuộc sống xã hội của tỉnh và cả nước trên
các chất liệu nghệ thuật khác nhau chủ yếu là lụa, sơn dầu... Nhiều tác phẩm đã được trưng bày tại các triển lãm
của tỉnh, của khu vực Sông Hồng và triển
lãm mỹ thuật toàn quốc, một số đã từng đoạt giải. Đây là cố gắng rất lớn
của văn nghệ sĩ ở thể loại đặc trưng về chất liệu thể
hiện này.
Bộ môn Nhiếp ảnh: Ảnh nghệ thuật tham dự giải đã phản
ánh khá chân thực cuộc sống, đem lại những xúc cảm thẩm mỹ tươi sáng khỏe khoắn
cho người xem. Một số đã đoạt giải trong các cuộc thi và liên hoan ảnh ở khu vực Sông Hồng và liên
hoan ảnh toàn quốc khu vực và quốc tế. Nét đẹp hình ảnh thiên nhiên, người lao
động, nông thôn, làng nghề, văn hóa mang bản sắc truyền thống quê hương đã được
các nghệ sỹ nhiếp ảnh thể hiện khá thành công.
Bộ môn Sân khấu: Các tác phẩm, công trình, vở diễn dự
giải đã thể hiện đội ngũ đạo diễn, diễn viên khá hùng hậu. Các loại hình nghệ
thuật cải lương, chèo, kịch, vẫn giữ được ưu thế của địa phương có truyền thống
ngành sân khấu. Những tâm huyết, cố gắng đổi mới sáng tạo đã được thể hiện trên
sàn diễn. Nhiều kịch bản tốt, đạo diễn giỏi, diễn viên chuyên nghiệp, tập thể
nghệ sĩ đoàn kết đã tạo nên thành quả nghệ thuật xuất sắc, với những tài năng mới,
giọng ca hay, biểu diễn có phong cách; giành nhiều giải hàng năm của khu vực và
toàn quốc. Nhìn chung sáng tác VHNT Nam Định 5 năm (2016 - 2020) chất lượng khá
đồng đều, không có tác phẩm yếu kém. Các tác phẩm VHNT đạt giải hoàn toàn xứng
đáng, đã có tìm tòi phát hiện mới, bám sát đời sống thực tế của địa phương,
tăng tính chuyên nghiệp, chất lượng sáng tác phản ánh cố gắng đồng đều ở các bộ
môn. Không có tác phẩm nào biểu hiện tư tưởng tự diễn biến tự chuyển hóa, đi
ngược lại lợi ích dân tộc,
kích động bạo lực, cái ác, cái xấu... Tuy
vậy, bên cạnh những ưu điểm nổi bật ở Giải VHNT lần thứ VIII, chúng ta nhận thấy
vẫn còn những hạn chế, chưa nhiều tác phẩm thật sự xuất sắc dạng kết tinh đỉnh
cao, đáp ứng yêu cầu thưởng thức và lan tỏa đông đảo độc giả của tỉnh và cả nước,
tương xứng với truyền thống văn học nghệ thuật của một tỉnh giàu truyền thống
sáng tạo VHNT Nam Định. Chưa thật sự rõ nét những tìm tòi sáng tạo phương thức
thể hiện nghệ thuật mới mẻ, hiện đại và độc đáo, tạo phong cách riêng... Đội
ngũ sáng tác VHNT trẻ dưới 30 tuổi chưa thực sự
khẳng định được vị thế của mình
trong sự nghiệp đổi mới VHNT. Có nhiều nguyên nhân về khách quan và chủ quan,
nhưng về phía văn nghệ sĩ tự thấy chủ quan là chính.
Hội đồng xét Giải của tỉnh cũng chia sẻ với những
tác giả gửi tác phẩm dự thi nhưng chưa vào Giải thưởng lần này. Mỗi cuộc thi,
nhất là lĩnh vực văn học nghệ thuật, đều có yêu cầu cụ thể, cuộc thi nào cũng
có người được giải và người chưa vào giải. Xin nhắc lại nhận xét của các Ban
giám khảo: Tác phẩm chưa vào giải thưởng lần này không phải là tác phẩm yếu
kém. Mong các văn nghệ sĩ tiếp tục nâng cao hơn nữa những sáng tạo nghệ thuật,
chất lượng sáng tác để trước hết có đông đảo công chúng độc giả đọc và mến mộ.
Tác phẩm có giá trị sẽ có nhiều bạn đọc và đồng hành cùng quê hương đất nước.
Công tác tổ chức Giải: Đã triển khai kịp thời, đúng
thời gian. Cuối năm 2020 tỉnh ban hành Quyết định cho Giải 5 năm (2016 - 2020),
đầu năm 2021 thu nhận tác phẩm trong 6 tháng. Hoàn thành chấm xét Giải ngay
trong năm 2021, không đểkéo dài, kịp thời động viên các tác phẩm và tác giả đạt
Giải.
Tại lễ tổng kết trọng thể này, thay mặt Hội đồng cấp
tỉnh và Hội VHNT tỉnh chúng tôi xin trân trọng cảm ơn lãnh đạo UBND tỉnh đã
quan tâm chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện thuận lợi để kịp thời chấm thẩm định và
xét Giải. Giải thưởng lần này đã có sự tham gia đông đảo nhất các tác phẩm và
văn nghệ sĩ so với từ trước tới nay. Chúng tôi đặc biệt cảm ơn sự quan tâm của
lãnh đạo các Hội chuyên ngành và các Ban Giám khảo các Hội chuyên ngành Trung
ương đã giúp đỡ nhiệt tình khách quan đầy trách nhiệm với kết quả chấm xét Giải,
trong khi nguồn kinh phí còn khó khăn eo hẹp.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu
khách quý, anh chị em văn nghệ sĩ !
Một giai đoạn
sáng tác mới
(2021- 2025) đang mở ra. Đây là những năm đầu triển khai thực hiện Nghị
quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần
thứ XX. Những thời cơ thuận lợi và những thách thức mới, nhất là đại dịch Covid
19 đang diễn biến phức tạp khó lường. Phát huy truyền thống văn học nghệ thuật
của quê hương
Thiên Trường - Nam Định, với niềm tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng,
mỗi văn nghệ sĩ thực hiện tốt nhất nghĩa vụ công dân và vai trò người nghệ sĩ -
chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng,
với thiên chức đặc trưng là sáng tạo tác
phẩm VHNT. Tiếp tục nâng cao tầm tư tưởng chính trị, tâm nhân ái nghệ sĩ và rèn
luyện tài năng sắc bén hơn nữa, để Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh lần thứ IX
trong 5 năm tới tiếp tục là Giải thưởng
vinh dự và danh giá trên quê hương văn hiến Nam Định. Các văn nghệ sĩ các
chuyên ngành hãy chuyên tâm hơn nữa đổi mới phương pháp sáng tác, đi sâu bám sát đời sống của các tầng lớp nhân
dân, khám phá phát hiện và sáng tạo những hình tượng văn học nghệ thuật có sức
hấp dẫn mạnh mẽ, có tác dụng động viên tư tưởng tình cảm nhân dân hăng hái xây
dựng và bảo vệ quê hương đất nước, góp phần quan trọng vào công cuộc “chấn hưng
văn hóa dân tộc” khẳng định “văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội”. Đối với
lĩnh vực sáng tác VHNT, tài năng làm nên tác phẩm, tác phẩm làm nên thành tựu,
thành tựu làm nên truyền thống. Hẹn gặp lại trong mùa Giải VHNT Lương Thế Vinh
lần thứ IX (2021 - 2025).