Ngày 24 tháng 4 năm 1975 Hồ Chủ
tịch về thăm Nhà máy Dệt Nam Định. Thăm Nhà Bông xong, đã gần trưa, Bác cùng
mấy ông lãnh đạo nhà máy Dệt rảo bước đi dưới trời hè nắng gắt vào thăm Bệnh
viện Nhà máy.
Bệnh viện mới
xây xong hai tháng nay, có một Phòng Nội, ba Phòng Ngoại, 200 giường bệnh, Nhà
bếp, Nhà ăn, Nhà vệ sinh, cùng các trang thiết bị phục vụ điều trị bệnh…tất cả
đều còn mới và sạch sẽ, thơm tho.
Cán
bộ, công nhân viên là những Bác sĩ, Y sỹ, Y tá, Hộ lý, Cấp dưỡng cùng một số
bệnh nhân còn đi lại được, đã náo nức đứng chờ đón Bác ngay tại cửa các phòng
của bệnh viện. Ai cũng căng mắt nhìn ra phía cổng để được nhìn thấy Bác trước
tiên, để được vỗ tay, nở nụ cười rạng rỡ của Người.
Tới
bệnh viện, nhìn thấy tấm biển to hình chữ nhật viết ba chữ Dinh Dưỡng Đường rất
đẹp treo trên cửa chính một căn nhà, Bác liền đi thẳng vào đó. Khi vào trong
nhà, Bác hỏi anh chị em cấp dưỡng và những người đang đứng quây quần xung
quanh:
- Nhà này tên
gì hả các cô, các chú?
Tưởng Bác
chưa biết, một người chạy ra ngoài sân, ngước nhìn lên biểu hiện rồi chạy vào
tự tin nói:
- Thưa Bác!
Nhà này tên là Dinh Dưỡng Đường ạ!
Bác hỏi lại:
- Các cô, các
chú có biết Dinh Dưỡng Đường là gì?
Thấy
Bác hỏi thế, mọi người trong Dinh Dưỡng Đường đứng ngây ra, không biết trả lời
Bác như thế nào. Hằng ngày anh chị em làm việc ở đây vẫn gọi thế. Công việc
diễn ra thường ngày trong Dinh Dưỡng Đường là thổi nấu cơm cháo, phở, canh, xào
rau, kho cá, thịt…cho người đau ốm ăn. Còn để giải thích thế nào là Dinh Dưỡng
Đường thì anh chị em ở đây đành chịu, không thể giải thích nổi. Thấy vậy, Bác
nhẹ nhàng:
-
Gọi là Dinh Dưỡng Đường thì sang, thì chữ nghĩa, nhưng khó hiểu phải không các
cô, các chú? Làm gì cũng vậy, khi ta hiểu nó ta mới làm được tốt. Còn chưa hiểu
biết gì về việc đó làm không có kết quả! Ngừng lại giây lát, thân mật nhìn mọi
người, giảng giải:
-
Dinh dưỡng là chất nuôi sống con người. Còn đường nghĩa là nhà. Dinh Dưỡng
Đường là Nhà nuôi dưỡng người (đau ốm). Câu này nói theo âm Hán Việt và ngữ
pháp của chữ Hán. Ta là người Việt Nam nên đặt tên mang từ ngữ tiếng Việt và
ngữ pháp Tiếng Việt. Như vậy sẽ làm cho Tiếng Việt, rộng ra là văn hóa Việt,
ngày càng trong sáng, chuẩn mực, phong phú và giàu đẹp hơn.
Bỗng Người
đưa tay chỉ lên trên hiên trước nhà ân cần nói tiếp:
- Bác đặt lại
tên cho ngôi nhà này nhé?
Mọi người vui
vẻ thưa:
- Vâng ạ!
- Bác đặt tên
là Nhà bếp. Được không?
- Được ạ! –
Mọi người sôi nổi đồng thanh đáp.
- Đặt như thế
có phải dễ gọi, dễ hiểu, lại đơn giản hơn không?
- Đúng ạ! Mọi
người đáp.
Ngừng giây
lát, Bác nói tiếp:
-
Biển hiệu Dinh Dưỡng Đường có 14 chữ cái. Đúng không? “Đúng ạ!” Mọi người trả
lời. Bây giờ đặt là Nhà bếp, chỉ có 6 chữ cái. So với biển Dinh Dưỡng Đường
giảm được 8 chữ cái. Đúng không? Mọi người đồng thanh trả lời “Đúng ạ!”.
-
Nếu việc làm nào cũng cố gắng suy nghĩ để khi làm giảm chi phí bằng ấy phần
trăm, lại tôn vinh được ngôn ngữ Việt, văn hóa Việt, tiết kiệm được ngần ấy
phần trăm kinh tế thì thử hỏi một nghìn hay một vạn việc sẽ tiết kiệm được bao
nhiêu tiền của, bao nhiêu thời gian, công sức cho Nhà nước mà lại tôn vinh văn
hóa Việt! Ấy là chưa nói đến người họa sĩ vẽ biển, sẽ tiết kiệm được nhiều thời
gian, nguyên liệu, bút mực, công sức, trí tuệ, tài năng. Họ dùng những thứ tiết
kiệm được đó làm ra nhiều sản phẩm cần thiết khác có lợi cho mình và cho xã
hội, góp phần làm giàu cho mình và cho đất nước. Đúng không?
- Thưa Bác, đúng ạ!
Nghe Bác nói
ai cũng thấy thấm thía.
Ngay
chiều hôm ấy, Biển hiệu mang tên Dinh Dưỡng Đường được hạ xuống thay vào đó là
biển hiệu Nhà Bếp. Cũng từ đó, khi làm một công việc gì, tập thẻ nhà bếp nói
riêng, Nhà máy Dệt nói chung đều bàn bạc kỹ để khi làm tiết kiệm được tối đa
mọi mặt, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân và năng
suất lao động, chất lượng sản phẩm của nhà máy.
2. Khá đấy chứ
Sau khi nói chuyện về đổi tên nhà
Dinh Dưỡng Đường với một số cán bộ, công nhân viên, gần trưa ngày 24 tháng 4
năm 1957 xong, Bác đi thẳng đến bảng ghi các món ăn của bệnh nhân trong ngày
treo trên tường nhà bếp. Bỗng Bác đọc to lên từng món ăn một để mọi người cùng
nghe:
1. Phở gà 5 bát.
2. Phở thịt nạc 2 bát.
3. Cháo thịt nạc 2 suất
4. Cơm gạo mới 10 suất
5. Thịt nạc kho tương 10 suất.
6. Trứng opps lếp 3 quả.
7. Đậu phụ sốt cà chua thịt 10
bát.
8. Canh rau 10 bát.
9…………..
10…………
Đọc xong, Bác quay lại, vui vẻ
hỏi mọi người đang đứng xung quanh:
- Người ốm ăn thế này cũng khá
đấy chứ ?
- Thưa Bác! Chúng cháu rất vui
khi thấy bệnh nhân ai ăn cũng ngon miệng và đều ăn hết khẩu phần của mình. Có
lẽ bữa ăn trong Bệnh viện khá hơn bữa ăn ở gia đình họ đấy ạ! Hai ông cấp dưỡng
trong nhà bếp cùng những người khác đang đứng bên Bác, hồ hởi đáp lại.
Bác trìu mến nhìn mọi người:
- Các cô, các chú nhớ giữ gìn vệ
sinh, nấu các món ngon miệng để người ốm ăn nhé!
- Thưa Bác, chúng cháu sẽ cố gắng
hết sức ạ! Mọi người đồng thanh đáp lại. Sau đó Bác vào từng phòng, đến từng
giường bệnh trong Bệnh viện thăm hỏi sức khỏe, bệnh tình từng bệnh nhân. Bác
căn dặn các thầy thuốc cùng nhân viên phục vụ phải hết lòng cứu chữa, chăm sóc
người bệnh, xứng đáng lương y như từ mẫu. Bác khuyên nhủ người ốm đau hãy tin
tưởng các thầy thuốc, nhân viên phục vụ, yên tâm điều trị để mau khỏi bệnh,
chóng hồi phục sức khỏe, sớm về lao động, công tác. Nhiều bệnh nhân không đi
lại được phải nằm trên giường, thấy Bác đến cầm tay mình, ân cần thăm hỏi, động
viên đã nghẹn ngào, ngước nhìn Bác, hai dòng nước mắt chảy ra, không nói nên
lời.
Thăm xong bệnh viện, Bác vẫy tay
chào mọi người rồi nhanh nhẹn bước đi thăm những nơi khác trong nhà máy. Nhiều
bệnh nhân, cùng tất cả cán bộ, nhân viên tiễn Bác ra tận cổng bệnh viện làm
việc. Ai ai cũng thấy lâng lâng, như vừa trải qua một giấc mơ tuyệt đẹp .
Sau lần đó, ai cũng khắc ghi
trong lòng hình ảnh, tình cảm, lời nói của Người đã thăm hỏi, động viên, an ủi
mình khi ốm đau, bệnh tật. Nhiều người khi đã rất già yếu vẫn còn kể cho con
cháu nghe về tình cảm đó của Bác đối với mình. Họ coi đây là sự trao truyền của
báu cho thế hệ mai sau gìn giữ.
(Ghi theo lời kể của các bác ở Ty
Y tế nay là Sở Y tế và các bác cán bộ, công nhân Nhà máy Dệt Nam Định đã về
hưu, sống tại phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định năm 1989).