Trần Văn Lợi
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công cùng với
sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày mồng 2 tháng 9 đã mở ra một
kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên độc lập, tự do và Chủ nghĩa xã
hội. Sự kiện lịch sử trọng đại này đã thay đổi căn bản vị thế của đất nước ta
trên trường quốc tế, đưa nhân dân ta từ chỗ bị áp bức, bóc lột trở thành chủ
nhân của đất nước. Giữa không khí vui mừng trào dâng khôn xiết đó, ngay lập tức
rất nhiều bài thơ đã nhanh chóng được ra đời nhằm thể hiện niềm hạnh phúc lớn
lao của toàn dân tộc và ca ngợi đất nước, ca ngợi cách mạng với một tinh thần
phơi phới, hân hoan.
Trong số đông đảo các nhà thơ xuống
đường cuốn theo dòng cảm xúc của mùa thu lịch sử đó, Tố Hữu vẫn luôn là lá cờ
đầu của nền thơ ca cách mạng. 16 giờ
ngày 30-8 - 1945, hàng vạn người dân Huế tụ họp tại Ngọ Môn chứng kiến sự kiện
lịch sử trọng đại: vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị. Sự kiện này đã giúp Tố Hữu càng thấy được ý nghĩa hết sức to
lớn của cuộc Cách mạng Tháng Tám khi nền quân chủ tồn tại hàng nghìn năm đã sụp
đổ và xiềng xích của chế độ thực dân nửa phong kiến bị đập tan ở quê hương và
trên khắp đất nước mình. Nhà thơ cùng hoà vào niềm vui triều dâng thác lũ của
dòng người cuồn cuộn giữa không gian của Huế tháng Tám tràn ngập
cờ đỏ sao vàng tung bay trong luồng gió cách mạng. Niềm hạnh phúc lớn mà cả dân
tộc đợi chờ bao năm, bị kìm nén quá lâu nay được dịp thổi bùng lên thật mạnh
mẽ, khiến ai cũng hào hển, say sưa:
Gió
ơi gió! Hãy làm giông làm tố
Cuốn
tung lên cờ đỏ máu thơm tươi
Vàng
vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!
Ta
ngã vật trong dòng người cuộn thác…
Giữa khí thế
tưng bừng, sục sôi mà vô cùng xúc động đó, dường như mỗi ngọn núi con sông đều
thấy mình trẻ lại, rũ bỏ dáng vẻ trầm mặc, u uẩn nghìn năm mà vươn dậy bay lên
sống cuộc đời mới. Mỗi người dân Việt Nam như được sinh ra một lần nữa.
Nhưng để có cuộc “hoài thai cuộc đời” này thì phải trải qua bao đau thương, hy
sinh và gian lao mới thấy được tương lai tươi sáng. Chính vì vậy, ai cũng dâng
dâng niềm xúc động:
Hãy
bay lên sông núi của ta ơi
Nước
mắt ta trào húp mí tràn môi
Cổ
ta ré trăm trận cười, trận khóc
Ta
ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc
Hả
hê chưa, ai bịt được mồm ta
Ta
thét huyên thuyên, ta chạy khắp nhà
Ai
dám cấm ta say, say thần thánh
Ngực
lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi
phồng lên. Tim bỗng hoá mặt trời
Cách mạng Tháng Tám 1945 như ánh bình minh rực rỡ soi rọi khắp núi sông,
xua tan đi cái giá lạnh của đêm trường nô lệ, làm thay đổi cuộc đời của mọi
người dân Việt nói chung và thay đổi “ngòi bút” của mỗi nhà thơ nói riêng.
Trước đó, Xuân Diệu là nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ ca lãng mạn, luôn đề cao
cái Tôi cá nhân chật hẹp với giọng ca uỷ mị, sướt mướt cùng những thi ảnh quen
thuộc như: tôi với người yêu, chàng và nàng, anh và em, nét mi, khoé mắt, mái
tóc dài…Nhưng khi được đón nhận luồng gió của cách mạng, Xuân Diệu đã hồ hởi
cùng toàn dân tộc cuốn theo cờ đỏ sao vàng và cùng hát lên khúc tráng ca Ngọn
quốc kì thật hào sảng, say mê. Cách mạng Tháng Tám đã tác động mạnh mẽ
đến mọi góc khuất trong tâm hồn, trong lý trí làm thay đổi nhận thức, thay đổi
thế giới quan của Xuân Diệu giúp những câu thơ của ông được “lột xác”, mang một
dáng vóc mới cùng một khẩu khí mới:
Việt
Nam!
Việt Nam!
Cờ đỏ sao vàng!
Những
ngực nén hít thở ngày độc lập!
Nghìn
lực mới bốn phương lên tới tấp
Nếp
cờ bay chen vỗ sóng bài ca…
Chỉ khi có Cách
mạng Tháng Tám thì trong thơ Xuân Diệu mới thấy sự xuất hiện của những con
người cần lao, lầm than như: chị bán củi, anh kéo xe, em bé đánh giầy…Những
con người ấy vốn đã mang sẵn trong mình tinh thần cách mạng, nay mới được bùng
ra, vươn dậy. Họ đều phấn khởi, tích cực góp phần của mình để làm nên thắng lợi
của cách mạng, làm lên một Việt Nam
tươi thắm màu cờ đỏ sao vàng:
Chị
bán củi ra thị thành đón lấy
Anh
kéo xe làm giấy dán trên mui
Em
bé con hì hục cố pha mùi
Ông
lão đón mớ lửa hồng vào dạ
Có
mấy bữa mà Việt Nam
thắm cả
Máu
nén lâu từ ấy đã bùng ra
Những
túp lều xơ xác cũng ra hoa
Những
gốc cũ nảy một chồi sống mới
Cả
anh dũng đã tưng bừng trở lại
Một
trăm năm tan tác tựa mù sương…
Ngọn quốc kì
biểu tượng của cách mạng, có một sức mạnh kỳ diệu, làm hồi sinh mọi sự sống và
khai sinh trong mỗi tâm hồn một nguồn cảm xúc mới – cảm xúc cách mạng. Và hình
ảnh thiêng liêng đó đã xua tan một thế kỷ u ám sương mù để hiện ra khuôn mặt
Việt Nam
tươi sáng, tràn đầy sức trẻ. Với Xuân Diệu, từ chỗ đang mơ màng, mộng mị trong
cái Tôi lãng mạn bế tắc, ông đã bừng tỉnh, nhập thân vào đời sống mới, hát lên
những ước vọng của nhân dân trong đấu tranh và dâng hiến:
Càng
đấu tranh vàng mới lại vàng ra
Có
nung nấu, đỏ mới càng đỏ riết
Theo
cờ gọi, những con dân đất Việt
Dâng
máu xương không tiếc với sơn hà
Tổng khởi nghĩa liên tiếp giành thắng
lợi trên cả nước, giúp cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công nhanh chóng. Để
khẳng định quyền độc lập, tự do chính đáng của dân tộc mình trước toàn thế
giới, ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, giữa quảng trường Ba Đình vàng tươi sắc
nắng, tràn ngập cờ đỏ sao vàng và hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt cho
đồng bào cả nước, trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Cảnh tượng ấy được Tố Hữu ghi lại trong bài thơ:
Hôm
nay sáng mồng 2 tháng 9
Thủ
đô hoa vàng nắng Ba Đình
Muôn
triệu tim chờ, chim cũng nín
Bỗng
vang lên tiếng nói ân tình…
Đó là ngày hội
ngộ của núi sông, ngày đoàn tụ của cả dân tộc. Lời của Người là lời của độc
lập, tự do, lời của ấm no, hạnh phúc. Dân tộc Việt Nam đã mong đợi phút giây thiêng
liêng này đã bao năm nên ai cũng hồi hộp, rưng rưng nước mắt. Giữa không khí
trang nghiêm và xúc động đó, nhà thơ Tố Hữu cảm nhận:
Trời
bỗng xanh hơn nắng chói loà
Ta
nhìn lên Bác, Bác nhìn ta
Bốn
phương chắc cũng nhìn ta đó
Nước
Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hoà !…
Đất nước Việt Nam đã bước
sang một trang sử mới tươi sáng hơn. Cả nước đều hướng về Bác và ánh mắt của
Người nhìn thấu khắp non sông. Và bốn biển năm châu đều ngưỡng vọng hướng về
Việt Nam.
Tất cả cùng sung sướng reo lên: Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà !…Đó là
lời khẳng định thành quả quan trọng nhất của Cách mạng Tháng Tám 1945, khẳng
định niềm hạnh phúc lớn lao của toàn dân tộc …
Đã 76 năm trôi qua, mỗi lần đọc lại Huế
tháng Tám, Ngọn quốc kì và nhiều bài thơ khác ra đời giữa mùa thu lịch
sử năm 1945, chúng ta lại được sống trong không khí tưng bừng, phấn khởi của
những ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 tháng 9. Tinh thần cách mạng,
hào khí cách mạng sống mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam. Mỗi độ thu về, chúng ta lại
bồi hồi được đi dưới bóng cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay giữa bầu trời trong
xanh nắng vàng rực rỡ…