Hoàng Trúc Long
Một
trong những nhà yêu nước lớn đầu thế kỷ XX, nhà cách mạng (thời kỳ đất nước ta
bị thực dân Pháp cai trị) là danh sĩ, nhà văn Phan Bội Châu, hiệu Sào Nam,
người làng Đan Nhiệm, nay là xã Nam Hoa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sinh năm
1867, Phan Bội Châu là con một nhà nho. Ông lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó
nhưng có tư chất thông minh, nổi tiếng “thần đồng”. 6 tuổi đã theo học chữ Hán,
học “Tam Tự Kinh”, “Luận ngữ” và phóng tác ra “Phan tiên sinh luận ngữ”. Khoa
thi năm Đinh Dậu (1897), vô tình dính án “hoài hiệp văn tự” (mang theo sách vở
vào lều thi), nên bị kết án “chung thân bất đắc ứng thí” (suốt đời không được
thi cử gì nữa). Các bạn bè của Phan và cả một số người trong ban khảo thí vô
cùng tiếc nuối cho “thần đồng” xứ Nghệ, cùng nhau làm đơn xin trên xóa án cho
Phan. Điều này Phan không biết và cất bước “chu du thiên hạ”.
Năm ấy
vào thượng tuần tháng 9 ở Thành Nam nhân ngày lễ “Trùng cửu”, các nhà buôn,
quán rượu cao lâu… phố Hàng Thao càng đông vui hơn. Nhưng sự đông vui có phần
lịch lãm, nho nhã là các nhà ả đào, nơi thường thu hút các vị quan lại, văn
nhân, thi sĩ đến để nghe hát và điểm chầu, đánh tổ tôm, uống rượu, ngâm vịnh
thi ca… Buổi ấy, người ta nhận ra có cả ông Huấn Mỹ Lộc, ông cử Thăng và một
vài ông đồ làng Hành Thiện dưới Xuân Trường mới lên và không thể thiếu ông “Tú
Vị Xuyên”. Đám sĩ tử ngồi quanh, có chút hơi men mới nhao nhao đề nghị ông Tú
cho nghe đôi chút về khoa thi Hương năm Đinh Dậu ở trường Nam. Năm ấy có hàng vạn sĩ tử ứng
thí nhưng “nhà nước” chỉ chọn có sáu chục cử nhân và 250 tú tài nên:
Một đàn thằng hỏng đứng mà trông
Nó đỗ khoa này có sướng không?
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng.
Tiếng
cười nói đang râm ran bỗng có hai người đàn ông lặng lẽ bước vào. Một số nhận
ngay ra người quen là ông Đặng Tử Mẫn người làng Hành Thiện. Còn người khách
kia, mặc quần áo nâu sòng đầu đội nón lá rộng vành, râu quai nón, gương mặt
phương phi. Ông chào mọi người bằng chất giọng sang sảng của xứ Nghệ. Mọi người
mời “đại huynh” ngồi cạn với các “tiểu đệ” vài ly nhân buổi “sơ giao”. Phan Bội
Châu nói tôi cũng chỉ là anh học trò mang án “chung thân bất đắc ứng thí” khoa
Đinh Dậu ở trường Nghệ thôi. Các huynh đệ có lòng ưu ái, tôi cảm ơn nhưng rượu
uống phải say mà tôi uống lại không say. Tôi chỉ cần NƯỚC. Nghe đến tiếng NƯỚC,
linh tính như mách bảo ông “Tú Vị Xuyên” có điều gì “ẩn ngữ” đây? Ông Tú đứng
bật dậy, lẹ làng khoác tay người khách lạ cùng ra ngoài.
- Tôi vô phép hỏi “huynh” đến Thành Nam chúng tôi hẳn có việc…?
- Chẳng có chi hệ trọng mô, tôi chỉ cần tìm một người…
- Ở đất này tôi quen biết nhiều người, bây giờ trời cũng đã tối, xin mời huynh quá bộ đến nhà tôi ở gần đây nghỉ tạm, rồi “huyh” cần tìm ai, cứ cho tôi biết, tôi sẽ giúp.
Hai
người vừa về đến căn nhà nhỏ, người khách lạ vội nói cần tìm gặp một người mà
chỉ biết tiếng nhưng chưa một lần “diện kiến”, người đó là Trần Tế Xương - tức
Tú Xương. Tú Xương chậm rãi, hài hước: Có phải là cái anh chàng: Ở phố hàng Nâu có hỗng sành/ Mặt thì lơ
láo, mắt thì lanh/ Vuốt râu nịnh vợ con bu nó/ Quắc mắt khinh đời cái bộ anh… đấy
không?
“Tôi
cần gặp ông này! Đúng là ông này!”
Tú
Xương cả cười: “Xin lỗi! Người đó là tôi đây, còn huynh, xin cho biết quí
danh?”
- Tôi là Phan Bội Châu, người xứ Nghệ!
Hai người ôm chầm lấy
nhau trong sự vui mừng khôn tả.
*
Tháng Giêng
năm Nhâm Dần (1902) - sau thời gian Phan Bội Châu đỗ “Thủ khoa giải Nguyên”
trường Nghệ, ông có đến gặp Tú Xương một lần nữa. Chuyện trò giữa nhà làm thơ
trào phúng nổi tiếng và nhà làm đại sự chắc hẳn có nhiều, nhưng khi tiễn khách
ra về, Phan Bội Châu nói ông còn đi lên Hà Nội để xem hội chợ và lễ khánh thành
cầu Doumer (cầu Long Biên) bắc qua Sông Hồng, cũng có thể sẽ tìm cách lên Yên
Thế (Bắc Giang) đến chỗ ông Hoàng Hoa Thám đóng binh. Tú Xương biết người bạn
thâm giao do cái duyên văn tự mà gặp nhau, tuy khuynh hướng khác nhau nhưng tấm
lòng đã là tri âm tri kỷ. Nhìn bước chân bạn trên con đường cái quan, ông Tú cứ
nhìn mãi cho đến khi cái bóng của nhà chí sĩ khuất dần, khuất dần.
… Tinh
thần yêu nước của Phan Bội Châu nung nấu từ rất sớm. Năm 17 tuổi, nghe tin ở
Bắc Kỳ có phong trào “Cần Vương”, nhiều đêm Phan thao thức rồi hạ bút viết
“Hịch Bình Tây thu Bắc”, bí mật dán ở gốc cây to bên đường có nhiều người qua
lại. 19 tuổi, được biết vua Hàm Nghi phát “Hịch Cần Vương”, Phan cùng một số
bạn chí cốt đứng ra thành lập “Sĩ tử Cần vương hội”, nhưng chưa được bao lâu đã
bị giặc Pháp khủng bố, đành tan rã. Vua Hàm Nghi bị Pháp bắt đi đày biệt xứ.
Sau
khi đỗ thủ khoa giải Nguyên trường Nghệ, nhân ngày lễ “Chính trung”, Phan cùng
các đồng chí của mình mưu đánh chiếm thành Vinh nhưng cũng bất thành. Thời gian
này, Phan Bội Châu bôn ba khắp nơi kết giao với các nhà yêu nước như Phan Chu
Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thượng Hiền… chủ trương phản đối
việc Pháp cấm dạy lịch sử Việt Nam mà thay vào dạy lịch sử nước Pháp ở các
trường học.
Năm
1904, Phan Bội Châu và Nguyễn Hàm cùng hai chục người cùng chí hướng thành lập
“Duy Tân hội” ở Quảng Nam để đánh đuổi Pháp, mời Kỳ ngoại hầu Cường Để là hoàng
thân triều Nguyễn làm “Hội chủ”.
Trước
sự khủng bố gắt gao của giặc Pháp, sự nghiệp khó thành. Năm 1905, Phan Bội Châu
và một số người tâm huyết lần lượt sang Trung Hoa rồi đến Nhật Bản. Tại Trung
Hoa, Phan Bội Châu gặp được nhà cách mạng Lương Khải Siêu, ông này khuyên Phan
nên lấy văn chương để thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân trước đã, sau sẽ
tính đến “đại sự”. Lại nói về Đặng Tử Mẫn, người làng Hành Thiện (Xuân Trường).
Sau khi Phan Bội Châu “xuất dương”, Đặng Tử Mẫn cũng sang Trung Hoa và gặp “đại
huynh” ở Quảng Đông. Qua ông “Tú Vị Xuyên”, Phan Bội Châu phần nào biết được
người này cũng là con nhà nghèo, dòng nho học, có chí khí giống hoàn cảnh của
mình nên tỏ ra quý mến, hỏi “Tử Mẫn có đem vật gì của nước ta cho “huynh”
không?”. “Dạ thưa có một bài thơ thăm của ông “Tú Vị Xuyên”. “Đâu đưa ta xem?”.
Đặng Tử Mẫn vỗ vào bụng: “Thưa! Bài thơ đó đang ở đây ạ”. “Ta hiểu! Ta hiểu”.
Đặng Tử Mẫn đọc từng câu rành rọt: “Mấy
năm vượt bể lại trèo non/ Em hỏi thăm qua bác hãy còn/ Mái tóc Giáp Thìn đà
nhuộm tuyết/ Điểm đầu Canh Tí chửa phai son/ Vá trời gặp hội mây năm vẻ/ Lấp bể
ra công đất một hòn/ Có phải như ai mà chẳng chết/ Giang tay chống vững một càn
khôn! (1)”
Năm
1905, cùng Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu lên đường sang Nhật cầu viện. Phan được
bá tước Okuma Shigenobu (Ôi Trọng Tín) và thủ tướng Inukai Tsuyoshi (Khuyển
Dưỡng Nghị) tiếp kiến và khuyên “nên tổ chức đưa người sang đây học tập”. Phong
trào “Đông du” từ đó được nhiều người, chủ yếu là các thành viên trong Hội “Duy
Tân” hưởng ứng. Đặng Tử Mẫn cũng theo bước “đại huynh” lên đường mưu sự nghiệp
cứu nước, cứu nhà.
Tháng
9-1908, Nhật Bản và Pháp ký “thỏa ước” về Việt Nam, ra lệnh giải tán “Đông Á
đồng văn thư viện, cống hiến hội”. Các “du học sinh” Việt Nam đều bị trục xuất ra khỏi Nhật
Bản. Sau cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc, năm 1911 Phan Bội Châu trở lại
đất nước này và thành lập “Việt Nam Quang phục hội” và “Chân Hoa hưng Á”. Hoạt
động từ năm 1913, Phan bị chính quyền Quảng Châu bắt giam.
Kể từ
ngày dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng, Phan Bội Châu, Đặng Tử Mẫn,
trong mọi hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm vẫn dùng ngọn bút của mình để cổ vũ,
vận động, khích lệ lòng yêu nước của toàn dân. Hàng chục tác phẩm của Phan Bội
Châu đã ra đời. Ngoài “Hịch Bình Tây thu Bắc” (đã nêu ở trên) còn có:
“Song
tuất lục” (1886), “Phú Bái thạch vi huynh” (1897), “Việt Nam vong quốc sử”
(1905), “Hải ngoại huyết thư” (1906), “Kính cáo toàn quốc phụ lão”, “Thư gửi
Phan Chu Trinh”, “Kỷ niệm lục”, “Sùng bái giai nhân”, “Hoàng Phan Thái truyện”
(đều ra đời năm 1907), “Ngục trung Thư” viết trong khi bị bắt giam ở Quảng Châu
(1914). “Trùng quang tâm sử” (1913-1917) là cuốn tiểu thuyết luận đề có tính
lịch sử về lòng yêu nước. “Nữ quốc dân tu tri” (1926), “Nam quốc dân tu tri”
(1927) là hai cuốn viết khích lệ tinh thần yêu nước của phụ nữ và thanh niên.
Về cuối đời Phan Bội Châu còn để lại tập hồi ký “Phan Bội Châu niên biểu”…
Ngoài các thể loại văn học trong thời gian hoạt động cách mạng ở nước ngoài,
ông còn tham gia viết báo cho tờ “Đông Á tân văn” ở Bắc Kinh, “Bình sự tạp chí”
ở Hàng Châu.
Cùng
hoàn cảnh tương tự, khi trở lại Trung Quốc, Đặng Tử Mẫn cũng tập trung vừa tham
gia “Quang Phục hội” Quảng Châu, phụ trách công tác hội ở Bắc Kỳ, ông còn viết
một số tác phẩm như “Việt Nam nghĩa liệt sỹ” bằng chữ Hán, được Phan Bội Châu
sửa chữa, Nguyễn Thượng Hiền đề tựa, in ở Trung Quốc năm 1918, năm 1972 nhà
xuất bản Văn học tái bản. Các tác phẩm của Đặng Tử Mẫn còn có: “Điếu Tăng Bạt
Hổ”, “Điếu Nguyễn Đức Công”, “Hà Thành tuấn nghĩa chư liệt sĩ”… Cuộc cách mạng
giải phóng dân tộc do Phan Bội Châu - một trong những người chủ trương không
thành, Phan bị thực dân Pháp bắt giam và kết án tù chung thân nhưng nhân dân
nhiều nơi đã tổ chức biểu tình phản đối, đòi tòa án thực dân phải trả tự do cho
ông. Dưới sức ép đó, Phan Bội Châu chỉ bị giam lỏng ở Bến Ngự - Huế cho đến khi
sức cùng lực kiệt, qua đời vào ngày 29-10-1940 trước sự tiếc thương vô hạn của
toàn dân tộc./.
(1) Giáp
Thìn-1904-ngày thành lập Hội Duy Tân ở Quảng Nam. Canh Tí-1900 - năm Phan Bội
Châu đỗ Giải nguyên trường Nghệ
Theo nhà
nghiên cứu văn học Trần Thanh Mại trong “Trông dòng Sông Vỵ” (sách NXB văn học
và Hội VHNT Hà Nam Ninh-1990) thơ Tú Xương viết gửi Phan Bội Châu còn một bài
nữa như sau:
Ta nhớ người xa cách núi sông
Người xa xa lắm nhớ ta không?
Sao đương vui vẻ ra buồn bã
Vừa mới quen nhau đã lạ lùng
Khi nhớ nhớ cùng trong mộng tưởng
Nỗi riêng riêng đến cả tình chung
Tương tư lọ phải là trai gái
Một ngọn đèn xanh, trống điểm thùng.