GS.TS Trần Đăng Suyền
Từ đầu
thế kỷ XX, văn học Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ hiện đại. Á Nam Trần
Tuấn Khải thuộc thế hệ thứ hai, nối tiếp thế hệ thứ nhất là thế hệ của Phan Bội
Châu, Phan Châu Trinh,… Đất nước đang chìm đắm trong vòng nô lệ, chưa bao giờ
nỗi buồn mất nước lại thấm thía như lúc bấy giờ. Một vấn đề lớn đặt ra cho dân
tộc ta và cũng là cho thi ca thời bấy giờ là thức tỉnh hồn nước, giữ gìn tinh
thần yêu nước như nhen nhóm ngọn lửa thiêng âm thầm, không để cho nó lịm tắt.
Thơ ca của Á Nam đã xuất hiện kịp thời và đáp ứng được phần nào những đòi hỏi
ấy.
Đọc ca
dao, có lẽ không ai không nhớ đến câu: “ Anh
đi anh nhớ quê nhà,/ Nhớ canh rau
muống, nhớ cà dầm tương./ Nhớ ai dãi
nắng dầm sương,/ Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao ?”. Không hiểu sao, khi
đọc câu ca dao trên, tôi cứ nghĩ là Á Nam Trần Tuấn Khải nói “nhớ quê nhà” là
nhớ về làng Quang Xán, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định – nơi chôn nhau
cắt rốn của nhà thơ - với những món ăn
rất đỗi quen thuộc, bình dân gợi lên cái phong vị dân giã của một vùng quê.
Người ta thường nói, ca dao là sáng tác tập thể, sáng tác của dân gian. Nhưng
xét đến cùng nó vẫn là sáng tác của một cá nhân cụ thể. Sáng tác đó, từ tâm
trạng, tình cảm của một cá nhân nhưng đã thể hiện sâu sắc tâm trạng chung, tình
cảm chung của cả cộng đồng, do tính chất điển hình của nó, lại có tính khái
quát cao độ. Và vì thế, nó vốn là sáng tác riêng của một cá nhân cụ thể, đến
lúc nào đó trở thành tài sản chung của tập thể, của cộng đồng, thậm chí của cả
một dân tộc. Trong những câu phong dao, Á Nam thường nói đến cái tình gắn bó
máu thịt với quê hương. Nói đến ân tình, ơn nghĩa, sự gắn kết cộng đồng, nói
đến cái tình nghĩa sâu nặng của những người cùng chung cảnh ngộ: “Rủ nhau xuống bể tìm cua,/ Đem về nấu quả mơ
chua trên rừng./ Em ơi ! chua ngọt đã từng,/ Non xanh nước bạc ta đừng quên
nhau”. Phong dao của Á Nam cũng thường nhắc đến những “bến Đò Quan”, “tháp
Phổ Minh”, “non Côi”, “sông Vị Thủy”, đó là những địa danh của tỉnh Nam Định,
quê hương nhà thơ. Đọc những câu: “Chiều
chiều, em đứng em trông,/ Trông non non biếc, trông sông sông dài./ Trông mây
mây kéo ngang giời,/ Trông giăng giăng khuất trông người người xa”, “Gió vàng
hiu hắt đêm thanh,/ Đường xa dặm vắng xin anh chớ về./ Trăng kia đã vẹn nhời
thề,/ Làm cho để gánh nặng nề riêng ai ?”, ai cũng biết đó là những câu ca
dao nhưng không mấy người biết đó chính là sáng tác của Á Nam Trần Tuấn Khải.
Trong thơ ca Á Nam có nhiều bài phong dao, có những bài đã được phổ cập hóa
thành ca dao. Thiết nghĩ, “Anh đi anh nhớ quê nhà…”, “Rủ nhau xuống bể mò
cua…”,… đó là những viên ngọc lung linh mà Á Nam Trần Tuấn Khải góp vào kho
tàng ca dao Việt Nam ta.
Từ tình yêu làng, yêu quê hương, thơ Á Nam Trần Tuấn Khải
cứ mở rộng, mở rộng ra thành tình yêu non sông đất nước. Tình yêu làng, yêu
nước hòa quyện vào nhau đến mức khó mà tách bạch. Bài thơ Hai chữ nước nhà, mở đầu tập Bút
quan hoài quyển thứ nhất, (xuất bản năm 1926), nhà thơ “Nghĩ (mượn)
lời ông Phi Khanh dặn ông Nguyễn Trãi khi ông bị quân Minh bắt”, viết theo thể
song thất lục bát, thể loại đặc trưng của các khúc ngâm, âm hưởng réo rắt, da
diết, lời thơ nồng nàn, gan ruột diễn tả được tâm trạng đau đớn, đầy uất ức của
nhân vật trữ tình và qua đó là tâm trạng bi tráng của thời đại. Gợi không gian
là một nơi biên ải heo hút, thê lương, nhà thơ đã làm nổi bật lên tâm trạng đau
đớn đến tột cùng của người cha, trong giây phút tử biệt sinh li, kí thác cho
con những lời gan ruột: “Chốn ải bắc mây
sầu ảm đạm,/ Cõi giời nam gió thảm đìu hiu;/ Bốn bề hổ thét chim kêu,/ Đoái nom
phong cảnh như khêu bất bình”. Trong thời khắc ấy, những lời tâm huyết thấm
nước mắt của người cha sẽ được tiếp nhận như những di huấn thiêng liêng: “Thảm vong quốc kể sao xiết kể !/ Trông cơ đồ
dường xé tâm can !/ Ngậm ngùi đất khóc trời than,/ Thương tâm nòi giống lầm
than nỗi này ! (...)/ Coi lịch sử gương kia còn tỏ,/ Mở dư đồ đất nọ chưa tan;/
Giang san này vẫn giang san,/ Mà nay xẻ nghé tan đàn vì ai !/ Con nay cũng một
người trong nước,/ Phải nhắc cân Gia – Quốc đôi đường;/ Làm trai hồ thỉ bốn
phương,/ Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng”. Nói chuyện quá khứ cũng là
gợi tình cảnh đất nước ta thời Pháp thuộc. Lời thơ của Á Nam vì thế đã chạm
được vào nỗi niềm yêu nước thương nòi, nỗi căm giận bọn giặc cướp nước và khát
vọng độc lập tự do của người dân Việt Nam, được đông đảo người đọc, nhất là
tầng lớp thanh niên trí thức nồng nhiệt đón nhận.
Tình
yêu nước của Á Nam
còn
được gửi gắm tinh tế mà sâu sắc qua hình tượng người phụ nữ thân gái một mình
gánh nước giữa đêm khuya trong bài Gánh
nước đêm nổi tiếng, sáng tác năm 1917, theo điệu bồng mạc vỉa sang sa mạc:
Em
bước chân ra, con đường xa tít, con sông mù mịt,
Bên vai kĩu kịt,
nặng gánh em trở ra về,
Ngoảnh cổ trông
sông rộng trời khuya…
Vì chưng nước cạn
nặng nề em dám kêu ai !
Nghĩ tiếc công cho
bà Nữ Oa đội đá vá trời !
Con dã tràng lấp bể
biết đời nào xong !
Cái bước đêm khuya
thân gái ngại ngùng
Nước non gánh nặng,
cái đức ông chồng hay hỡi có hay ?
Em trở vai này…
Gánh
nước đêm là một bài thơ hay, được đánh giá là “trứ danh” lúc đương
thời, trở thành một bài hát xẩm nổi tiếng thịnh hành ở các bến sông và chợ thôn
quê. Đọc bài thơ, ta cứ bị ám ảnh mãi bởi hình ảnh người phụ nữ gánh nước biết
bao nhọc nhằn và rất đỗi cô đơn trong cảnh đường xa, gánh nặng, đêm khuya trời
tối mịt mù. Hình ảnh đó gợi liên tưởng tới cái gánh nặng non sông đất nước.
Trong hoàn cảnh của nước ta lúc bấy giờ, cái gánh nặng ấy chính là công việc
cứu đất nước thoát vòng nô lệ. Là một bài thơ mang tư tưởng yêu nước, để tránh
màng lưới kiểm duyệt và sự khủng bố của chính quyền thực dân, mượn lời người
phụ nữ gánh nước đêm, với bút pháp biểu tượng hai mặt, nhà thơ đã nói bóng gió
về thời thế, hoàn cảnh đương thời của đất nước ta. Hình tượng người phụ nữ gánh
nước đêm hiện lên đầy ám ảnh trong tâm trí người đọc đã trở thành một biểu
tượng nghệ thuật về một con người gánh nặng non nước trên vai, gợi ra gánh nặng
non sông, trách nhiệm cứu nước của mỗi con người Việt Nam trong thời buổi ấy.
Và qua tâm sự của người phụ nữ đó, nhà thơ đã bộc lộ tình yêu nước thầm kín,
sâu sắc của mình.
Cùng
với hình tượng người phụ nữ gánh nước đêm, tình yêu nước của Á Nam còn được
biểu hiện qua hình tượng anh Khóa (và cả hình tượng chị Khóa nữa) xuất hiện
trong chùm thơ bốn bài về anh Khóa: Tiễn
chân anh Khóa xuống tàu, Mong anh Khóa, Gửi thư cho anh Khóa, Mừng anh Khóa về,
cùng theo một điệu ngâm sa mạc của đồng bằng Bắc bộ, được sáng tác trong những
hoàn cảnh, thời điểm khác nhau. Cái tôi trữ tình của nhà thơ trong những bài thơ
này là cái tôi trữ tình nhập vai – nhập vai vào nhân vật chị Khóa – tạo nên cặp
hình tượng nhân vật trữ tình độc đáo: anh Khóa và chị Khóa. Cặp đôi nhân vật
trữ tình này, vừa có
nét đối lập, tách ra người đi kẻ ở, hiện lên trong những khung cảnh khác nhau,
thời gian và địa điểm khác nhau, vừa bổ sung cho nhau, tuy hai mà một, hô ứng đồng vọng, qua đó thể
hiện tình cảm sâu nặng, ý thức trách nhiệm của nhà thơ đối với vận mệnh non
sông đất nước.
Cặp đôi
hình tượng anh Khóa và chị Khóa là những hình tượng độc đáo, đầy ám ảnh, theo
suốt đời thơ của Á Nam, có cả một quá trình vận động và phát triển. Trong số
bạn bè cùng chí hướng của nhà thơ, có người xuất dương ra nước ngoài để tìm
phương kế cứu nước thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp. Một lần tiễn đưa bạn
hữu, nhà thơ chứa chan cảm xúc, viết bài Tiễn
chân anh Khóa xuống tàu (1914), in trong quyển Duyên nợ phù sinh – Quyển thứ nhất, mượn lời chị Khóa để diễn tả
tấm lòng tha thiết của mình. Á Nam bộc bạch: “Tôi làm “Anh Khóa” vào năm 1914
sau khi tiễn đưa một người bạn xuất dương. Đến năm 1921 nó mới ra mắt đồng bào
trong quyển Duyên nợ phù sinh thứ
nhất”.
Anh Khóa là hình ảnh những chí sĩ cách mạng rời bỏ quê hương xứ sở ra đi tìm
phương kế cứu nước. Hình tượng anh Khóa hiện lên qua cái nhìn, qua tâm trạng
tràn ngập yêu thương, đầy lưu luyến lúc chia ly của chị Khóa, tạc nên hình
tượng một cặp vợ chồng li biệt, “trên cái nền lớn phía sau là nỗi nước mất nhà
tan, ít nhất cũng nhà chia; tình cảm của cả một xã hội đồng điệu với đôi lứa
này”.
Bài thơ được phổ biến rộng rãi khắp trong Nam ngoài Bắc hồi đó, qua giọng ngâm
rất tha thiết, mùi mẫn, càng thêm cảm động lòng người: “Anh Khóa ơi ! Em tiễn chân anh xuống tận bến tàu,/ Đôi tay em đỡ cái
khăn trầu, em lấy đưa anh./ Tay cầm trầu giọt lệ chảy quanh,/ Anh xơi một miếng
cho bõ chút tình em nhớ thương…”. Anh Khoa ra đi, để lại nỗi nhớ thương chờ
mong cho chị Khóa. Năm 1915, nhà thơ viết tiếp bài Mong anh Khóa (in trong tập Duyên
nợ phù sinh – Quyển thứ nhì, xuất bản năm 1922) để nối vần bài thơ Tiễn chân anh Khoa xuống tàu: “Anh Khóa ơi ! Bấy lâu nay xa cách vân mòng,/
Bên đường em trông ngóng, bến sông em đợi chờ,/ Đường vắng tanh sông nước chảy
lờ đờ,/ Một thương hai nhớ biết bao giờ cho lại gặp nhau ?”. Mong anh Khóa
mà anh vẫn chưa về, đến năm 1922, Á Nam viết tiếp bài Gửi thư cho anh Khóa (in trong tập Bút quan hoài – quyển thứ nhất, xuất bản năm 1927). Vẫn mượn lời
chị Khóa mòn mỏi ngóng trông anh Khóa, nhà thơ thể hiện nỗi nhớ thương da diết:
“Anh Khóa ơi ! Cái cuộc phân ly thấm
thoát đã mấy năm rồi,/ Em mong, em nhớ, em ngồi, em nghĩ lại thương anh./ Trông
bốn phương non nước những mông mênh,/ Giời Âu bể Á, một chiếc thuyền tình anh
biết ghé nơi nao ?”. Bộc lộ sự cảm thông, chia sẻ với anh Khóa: “Ngọn gió năm châu rào rạt sóng duy tân,/
Tình nhà nỗi nước chiếc thân anh lo nghĩ đủ trăm chiều./ Anh Khóa ơi ! Kìa con
đường văn minh ai chẳng dập dìu,/ Riêng anh đây lên thác xuống đèo thui thủi
với gánh giang san”. Cảm thông, sẻ chia, an ủi và cổ vũ động viên: “Anh Khóa ơi ! Ngẫm ngàn xưa hào kiệt với anh
tài,/ Bể dâu chìm nổi, cái bước trên đời ai khỏi gian nan ?/ Anh nghĩ làm sao
cho ân nghĩa được vẹn toàn ?/ Để treo gương hào hiệp với cả giang san sau này”.
Và như thông lệ của một bức thư, cuối bài thơ, sau lời nguyện thủy chung “Gan vàng dạ sắt, nguyện có đất trời soi xét
cho nhau” là niềm tin, là nỗi khát khao cháy bỏng: “Em chỉ nhờ ai xoay lại quả địa cầu,/ Cho duyên em gặp gỡ, cho non nước
khỏi u sầu với lúc mưa râm”, “Còn non
sông đây em còn quyết chí đợi chờ,/ Tàu bay, tàu lặn, đến bây giờ ta sẽ gặp
nhau…”. Từ năm 1923 đến năm 1974, không thấy Á Nam viết thêm bài thơ nào về
anh Khóa nữa. Mùa xuân năm 1975, mơ ước, khát vọng thống nhất đất nước đã trở
thành hiện thực; Tổ quốc hoàn toàn độc lập, Bắc Nam sum họp một nhà. Trong bầu
không khí tràn ngập niềm vui lớn của toàn dân tộc, lại có thêm sự kiện hai bạn
làng văn từ Hà Nội vào thăm, câu hỏi vui của bạn như “một giọt nước cuối cùng
làm tràn đầy cốc nước” đã tạo nên hoàn cảnh cảm hứng để Á Nam viết bài Mừng anh Khóa về. Bài thơ
này như
là những nét vẽ cuối cùng, hoàn
chỉnh hình tượng anh Khóa và chị Khóa, đồng thời cũng hoàn chỉnh chùm thơ viết
về anh Khóa. Á Nam tâm sự: “Nhân vừa đây hai bạn làng văn từ Hà Nội vào Nam có
ghé thăm tôi trong khi đương nằm giường bệnh. Bạn vui cười hỏi: “Nay anh Khóa
đã về, hỏi bà Khóa đã hả lòng chưa ?”. Nghe câu hỏi bất giác cảm động trong
tâm, nên sau khi tiễn bạn, tôi viết vội mấy vần tiếp theo ba bài trước cũng gọi
là đáp lại tấm lòng ưu ái của bạn và cũng gọi là đáp lại nỗi lòng căm trước
mừng sau để các bạn làng văn cùng rõ”. Hơn nửa thế kỷ, ngẫu nhiên mà tất yếu
trở lại với đề tài quen thuộc, bài thơ Mừng
anh Khóa về vừa có sự nối tiếp, vừa là sự hô ứng đồng vọng với ba bài trước
đó: “Anh Khóa ơi ! Nhớ từ khi em tiễn anh
xuống tận bến tàu,/ Mấy mươi năm đằng đẵng em những ôm sầu trông đợi tin anh./
Em giận thay cho lũ xâm lược nó gian manh,/ Nỡ đem quân gia võ khí đập phá tan
tành Tổ quốc chúng ta./ Anh Khóa ơi ! Cũng vì giang sơn mà anh lặn lội xông
pha,/ Phất cờ cách mạng vì nước vì nhà trong bấy nhiêu niên./ Anh quyết một
phen làm cho động địa kinh thiên,/ Quét sạch quân xâm lược để dẹp yên đất nước
sau này”. Người ta thường nói đến tính chất dự báo của văn học. Nếu như bài
thơ Gửi thư cho anh Khóa (1922) được
kết thúc bằng mấy câu thơ thể hiện niềm tin về ngày mai đoàn tụ: “Anh Khóa ơi ! Ở trên đời này được mấy bạn
tri âm ?/ Trời cao bể rộng, cái mối đồng tâm xin anh chớ hững hờ./ Còn non sông
em đây còn quyết chí đợi chờ,/ Tàu bay, tàu lặn, đến bây giờ ta sẽ gặp nhau…”
thì đến bài Mừng anh Khóa về (1975),
niềm tin sắt đá ấy đã trở thành hiện thực. Cùng viết theo điệu ngâm sa mạc mà
lời thơ giờ đây khác hẳn với những bài thơ trước, đúng là “xưa sao sầu thảm,
nay sao vui vầy” (Nguyễn Du, Tryện Kiều).
Một niềm vui vô bờ, như bốc men say, như biển reo như sóng dậy khi chị Khóa đón
anh Khóa về trong ngày toàn thắng: “Anh
Khóa ơi ! Cả non sông Hồng Lạc tựa say sưa,/ Tàu bay tàu lặn đón đưa che rợp
biển trời./ Toàn nhân dân già trẻ gái trai,/ Mặt mày hớn hở như đổi cuộc đời
xoay lại bể dâu”. Khổ thơ kết thúc bài thơ thể hiện nguyện ước đồng lòng
chung sức làm rạng danh dân tộc ta, Tổ quốc ta, để cho nhân dân muôn đời hạnh
phúc: “Anh Khóa ơi ! Ta sẽ làm cho nổi
tiếng với danh hoàn,/ Làm cho dân tộc với giang san rạng rỡ hơn người./ Làm cho
Bắc Nam sum họp chung vui,/ Cho nhau hưởng phúc muôn đời, anh Khóa em ơi !”.
Có thể nói, khao khát của Á Nam được gửi gắm qua hình tượng chị Khóa, anh Khóa
trong bài thơ là khao khát, khát vọng của người nghệ sĩ chân chính trong mọi
thời đại. Những trí thức, nghệ sĩ lớn xưa nay đều gắn bó sâu sắc với vận mệnh
chung của dân tộc, của đất nước. Người ta nói đến cái duyên may văn tự của
người nghệ sĩ khi sáng tạo được những hình tượng nghệ thuật độc đáo, có sức
sống mãnh liệt. Nếu vậy thì cái duyên may của Á Nam trong trường hợp này là cái
duyên may có ý nghĩa tất yếu của một nhà thơ thủy chung gắn bó với vận mệnh của
non sông đất nước qua những thăng trầm, biến cố dằng dặc suốt hơn sáu mươi năm,
bền bỉ theo đuổi một đề tài riêng của mình, lại có may mắn hiếm có của một nhà
thơ nhờ số tuổi trời cho nên được chứng kiến cái ngày đất nước thống nhất. Nhà
văn Việt Nam thế kỷ XX, mấy người có cái may mắn trời cho ấy ? Trả lời câu hỏi
vì sao những bài hát anh Khóa “được truyền tụng nhanh chóng và sâu rộng đến
thế” của nhà báo Nguyễn Ngu Í, Á Nam nói: “Tôi thấy có ba lý do. Một là lời dễ
hiểu, cảm kích được người đọc. Hai là điệu hát du dương, dễ hát. Ba là nó ra
đời hợp với thời thế”.
Tư tưởng yêu nước thầm kín trong các bài thơ đã đánh thức, đã động chạm đến cái
huyệt tinh thần nhạy cảm của những con người Việt Nam yêu nước. Nhà thơ Xuân
Diệu lý giải: “Bài Tiễn chân anh Khóa
xuống tàu cảm động lòng người, nhưng nếu nó không đồng thời là những “câu hát vặt”, nếu nó không viết theo
điệu ngâm sa mạc hoặc là nếu nó viết theo điệu ngâm sa mạc nhưng tình ý và văn chương
không đủ chất lượng liều lượng, – bằng chứng là có rất nhiều bài “hát xẩm”
mà không ai hát - bài “hát nói” mà không ai hát – nếu bài Anh Khóa không được ai hát cả, không được những bác hát xẩm đem đi
khắp các chợ, các làng, các phố xá ngoài Bắc, không được các cô đầu Bắc đem vô
ngâm ngợi trong các thành phố trong Nam, đi sâu hơn nữa, không được các thiếu
nữ, thiếu phụ ngâm lẻ đêm khuya trong các gia đình, thì số phận của bài văn đâu
có được rỡ ràng vinh quang như thế trong nửa thế kỉ ?”.
Nhìn
tổng quát, trong các tập thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải, những bài hát và phong dao chiếm một phần lớn,
và đều là “những bài hát thanh thoát hay hơn những bài Đường luật của ông”.
Qua đề tài lịch sử hay sinh hoạt thế sự, thơ ca Á Nam thường nói đến những quan
hệ tình cảm, đạo đức và nếp sống truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trân trọng
đề cao tình làng, nghĩa nước, tình cha con, đạo vợ chồng, lòng thủy chung, nhân
ái. Cái tôi trữ tình của nhà thơ đã nhập vai vào nhiều nhân vật khác nhau, khi
thì mượn lời ông Nguyễn Phi Khanh (Hai
chữ nước nhà), lúc lại mượn lời bà Trưng Trắc khuyên em gái (Nỗi chị khuyên em), khi thì cất lên
tiếng nói của người phụ nữ gánh nước đêm (Gánh
nước đêm), lúc thì đóng vai chị Khóa tiễn chân anh Khóa, thể hiện tâm trạng
nhớ mong, gửi gắm niềm hy vọng (Tiễn chân
anh Khóa xuống tàu, Mong anh Khóa, Gửi thư cho anh Khoa). Dù nhập thân vào nhân vật nào thì cũng để nói cho
thấm thía, sâu sắc tinh thần trách nhiệm, tình cảm gắn bó với vận mệnh non sông
đất nước. Từ những bài thơ đầu tay xuất hiện trên báo những năm 1913, 1914 đến
những bài thơ cuối đời như Mừng xuân Ất
Mão (1975), Mừng anh Khóa về (1975),
bao trùm lên tất cả, tư tưởng cơ bản, cảm hứng chủ đạo, linh hồn của thơ Á Nam
Trần Tuấn Khải, thấm nhuần trong các trang thơ của cụ là tình yêu quê hýõng ðất
nước, được thể hiện thấm thía qua nỗi đau mất nước, nói lên trách nhiệm, nghĩa
vụ đối với đất nước, khao khát nước nhà được độc lập, thống nhất vẹn toàn. Có
thể nói, Á Nam Trần Tuấn Khải là nhà thơ tâm huyết với vận mệnh của đất nước.
Nếu có
thể nói về phong cách thơ Á Nam Trần Tuấn Khải thì những biểu hiện của nó là:
Một cái nhìn yêu quê hương, đất nước thầm kín mà sâu lắng; từ tình yêu cái làng
quê của mình mà mở rộng ra tình yêu non sông đất nước; đầy trách nhiệm với quê
hương đất nước. Một cái nhìn luôn có ý thức về duyên nợ với cuộc đời (“Đời
không duyên nợ thà không sống”), đầy trách nhiệm với quê hương, với xã hội,
quốc gia, dân tộc. Cái nhìn ấy được biểu hiện qua những hình tượng biểu tượng
độc đáo: cái tôi trữ tình của nhà thơ, cô gái gánh nước đêm, chị Khóa và anh
Khóa. Cái tôi trữ tình của thơ Á Nam, đó là cái tôi mang nỗi ưu sầu nặng tình
với quê hương đất nước mà bất lực: “Đời bao nhiêu triệu sinh linh/ Có ai buồn
đến như mình nữa không” (Với sơn hà).
Một nỗi ưu sầu như tiếp nối mối sầu hận: “Ơn vua chẳng chút báo đền/ Cúi trông
hổ đất, ngửa lên thẹn trời”của Nguyễn Khuyến, tiếp nối cái buồn dằng dặc: “Trời
không chớp bể với mưa nguồn/ Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn”của Tú Xương. Là nhà
thơ của giai đoạn văn học giao thời ba mươi năm đầu thế kỷ XX, hồn thơ Á Nam
khó tránh khỏi nỗi sầu, cái buồn của thơ ca thời bấy giờ, như là khúc dạo đầu
cho cái sầu sâu sắc mênh mang của Thơ Mới 1932 – 1945. Nhưng khác với Tản Đà là
nhà thơ của sầu và mộng, hồn thơ Á Nam ít khi đắm chìm vào cái sầu muộn cá
nhân. Á Nam bất chợt cũng có tâm trạng muốn lánh đời, có lúc tìm đến thú lâm
tuyền (Thú lâm tuyền), cũng có khi
nói đến thú làm vườn (Thăm thú làm vườn). Nhưng trong tâm hồn
thi nhân mang nỗi đau mất nước ấy, tâm trạng nói trên nếu có cũng chỉ là những
phút giây thoáng qua; và như một quy luật, tình cảm lo nước thương đời, bổn
phận, ý thức tránh nhiệm đối với quê hương đất nước lại trở về như một nỗi niềm
sâu kín, da diết, thường trực, bền vững trong tâm hồn thi nhân. Trở đi trở lại
trong thơ Á Nam là ý thức, tinh thần đầy trách nhiệm: “Có nhà, có nước phải băn
khoăn”, “Nuốt tân toan mà cáng lấy việc đời”. Trước sau hình tượng nhân vật trữ
tình trong thơ Á Nam vẫn hiện lên như một con người thương nước, lo đời, gắn bó
sâu sắc với quê hương, đất nước.
Cùng
với hình tượng cái tôi trữ tình là hình tượng cô gái gánh nước đêm, hình tượng
chị Khóa và anh Khóa. Nếu hình tượng non – nước là sáng tạo độc đáo của Tản Đà
thì cô gái gánh nước đêm, anh Khóa và chị Khóa là những hình tượng, biểu tượng
nghệ thuật đặc sắc của Á Nam góp vào nền thơ hiện đại Việt Nam nửa đầu thế kỷ
XX. Trong những bài thơ tiêu biểu của mình, Á Nam đã tạo được một giọng điệu
riêng, không lẫn với những cây bút cùng thời với ông. Ấy là giọng thơ khi thì
tâm huyết, khi thì cảm khái, lúc bi hùng, bị chi phối bởi cảm hứng chủ đạo là
tình yêu quê hương đất nước, phù hợp với nội dung trữ tình yêu nước của thơ Á
Nam. Nói đến biểu hiện của phong cách thơ ca Á Nam, cũng cần phải nói đến sở
trường về thể loại của nhà thơ. Xuất hiện vào những năm 20 của thế kỉ XX, khi
mà cuộc cách mạng thi ca của phong trào Thơ Mới còn chưa bùng nổ, khuynh hướng
trở về với cội nguồn thơ ca dân gian và dân tộc của Á Nam và Tản Đà là một
hướng tìm tòi đầy hiệu quả để có thể giải thoát nguồn cảm xúc, điệu tâm hồn mới
khỏi sự gò bó, chật hẹp của những khuôn khổ thơ cũ. Á Nam có sở trường về những
thể thơ dân tộc như lục bát, song thất lục bát, đặc biệt là việc sử dụng sáng
tạo các làn điệu dân ca, nhất là ca Huế, ca trù và các điệu hát dân gian đồng
bằng Bắc bộ như hát xẩm, sa mạc, bồng mạc,… Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Đến những
bài hát của Trần Tuấn Khải thì tuyệt hay. Về loại này, Nguyễn Khắc Hiếu cũng
phải thua ông”; “những bài ca có tiếng của ông là những bài mà những tay thợ
thơ không tạo nên được”.
Có thể nói, các làn điệu dân ca hợp với điệu tâm hồn của Á Nam, nhà thơ đã có
công không chỉ lưu giữ mà cách tân chúng, đem đến cho chúng một sức sống mới. Á
Nam tâm sự: “Thật ra, tôi chẳng say mê gì riêng lối hát ả đào, mà cả ngành ca
vũ nhạc cổ điển nước nhà – trong đó chèo cổ và hát ả đào đáng chú ý nhất – vì
ngành nghệ thuật này mang một cái tinh thần đặc biệt của dân tộc ta”.
Với những đóng góp không thể phủ nhận, Á Nam Trần Tuấn Khải cùng với Tản Đà
Nguyễn Khắc Hiếu xứng đáng là hai ngôi sao sáng nhất trên bầu trời thơ ca Việt
Nam thập niên thứ hai của thế kỷ XX.
Thơ Á Nam thấm đượm tình yêu quê hương, chan chứa tình yêu
nước thương nòi, là tiếng gọi đàn bằng ngôn ngữ thơ ca. Với Á Nam, “Đời
không duyên nợ thà không sống/ Văn có non sông mới có hồn”. Cuộc
đời và thơ văn của Á Nam Trần Tuấn Khải sẽ còn sống mãi trong tâm trí những
người Việt Nam yêu nước, thuộc nhiều thế hệ.