Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 185
  • Trong tuần: 3 561
  • Tất cả: 139256
Trận chiến cuối cùng mùa xuân 1975
Văn Nhân số 142

Ghi chép

LẠI NGỌC MẠNH

Một ngày cuối tháng 4/1975, Sư đoàn chúng tôi được giao nhiệm vụ bao

vây căn cứ quân sự Đồng Dù. Đó là nơi đóng quân của sư đoàn 25 bộ binh - Một sư đoàn từng khét tiếng của quân đội Việt Nam Cộng hoà trong nhiều chiến dịch nên được mệnh danh là Tia chớp nhiệt đới.

Nhận lệnh xong, chúng tôi cấp tốc lên đường. Cuộc hành quân thần tốc bằng xe giới thâu đêm, sau đó bộ binh phải xuống hành quân bộ để vượt sông Sài Gòn. Trăng hạ tuần cuối xuân nhìn không mặt nhau. Dòng sông lờ mờ, sóng vỗ ì oạp vào hai bên bờ, bãi sông phù sa lầy lội. Không còn cách nào khác lính ta phải tháo giầy khoác lên vai. Người đi sau bước vào vết chân người đi trước để tránh mìn, tránh lún sâu hơn. Phải đến một đoạn dài mới tới cầu phao công binh vừa bắc xong. Chúng tôi tiếp tục hành quân tiếp cận vào cánh rừng cao su để đào công sự. Phía trước khoảng 200m căn cứ Đồng rộng 4 km2, xung quanh toàn công sự được che chắn bằng 7 lớp hàng rào, các cột đèn bóng neon sáng chói tựa như một thị trấn. Tiếp cận vào gần căn cứ khoảng bốn giờ sáng, chúng tôi hì hục đào hầm. Anh Thịnh - Chính trị viên phó tiểu đoàn 3 bộ binh, còn tôi trợ lý chính sách, mở ra đi ô rất nhỏ bảo tôi: “Dừng tay một lúc nghe bàn giao Tổng thống đã.” Hai anh em ghé tai sát nhau, nghe bài diễn văn của Dương Văn Minh. Anh nhắc nhở: “Khoảng 5 giờ bên ta bắt đầu tấn công, chúng mình phải bám sát bộ binh. Trận cuối cùng này chắc bị thương vong nhiều đấy”. Tôi hỏi: “Sao anh biết”. “Cái cậu này vô tâm thế, một nửa quân số lính ngoài Bắc vừa bổ sung mới huấn luyện được một tháng...”.

Vừa xả hơi được một chút thì tiếng đạn pháo của ta từ bốn phía cấp tập vào căn cứ. Tôi ngẩng đầu lên. Hệ thống đèn bên kia vẫn sáng rực. Lập tức từ phía trận địa pháo 155 của chúng tới tấp bắn ra. Hai loại tiếng nổ đối nhau trong không gian mịt khói lửa nghe rất khó chịu. Thỉnh thoảng mảnh đạn pháo chém đứt những cành cao su văng xuống trước hầm của tôi. Trận đấu pháo kéo dài 30 phút. Bỗng tiếng xung phong vang dậy. Các tiểu đoàn bộ binh lao lên như tên bắn. Tôi ngồi bất động chờ lệnh thì trời ào ào đổ mưa to. Nước ào ào đổ qua các gốc cao su, tràn xuống hầm. Tôi phải lấy ba lô kê trên miệng hố. Chính trị viên phó Thịnh từ hầm bên kia hét to: “Có lệnh dừng lại. Bộ binh chưa vượt qua hàng rào. Tranh thủ ăn lương khô đi, đồng chí còn nước uống không?” Chợt tôi nhìn thấy phía trước khoảng 50m, chiếc xe tăng DT54 của ta nằm bẹp dí. “Mình phải tiếp cận xem  có ai bị thương không? Trong xe chắc nước dự trữ.” Tôi thầm nghĩ. Lúc này đạn từ trong căn cứ bắn ra tới tấp. Đầu đạn găm cả vào chiếc ba lô của tôi khói. Tôi bật khỏi cửa hầm, tay cầm khẩu súng ngắn lom khom chạy lên. Mỗi khi tiếng đạn thẳng chíu qua đầu, tôi lại nằm rạp vào gốc cao su. Chính trị viên phó Thịnh chăm chú quan sát, hô: “Cẩn thận, nằm xuống”. “Rõ!”.

Tiếp cận sát xe tăng, tôi hục đẩy cửa vào. Không người. Chắc là xe hỏng xích chứ đâu phải trúng đạn. May quá còn một thùng lương khô nước, tôi liền lấy hai bàn tay vúc uống đến căng bụng rồi kín đầy bình tông. Khi ra khỏi xe, địch càng bắn nhiều hơn, phải mất mấy lần nằm xuống bên gốc cao su tránh đạn rồi mới về được hầm của mình. Anh Thịnh qua hầm tôi uống nước. Anh bảo: “Cấp trên nhận định địch sẽ phản công, ta chưa thông hàng rào lại mở lối ra. Chuẩn bị tinh thần, ác liệt đấy. Trung đoàn sẽ trang bị Tiểu liên cho chúng ta”. “Em cũng đang nghĩ đến tình huống áp ...”.

Suốt một buổi sáng, nhiều lần địch nống ra không được, một sư đoàn của chúng đối chọi với một sư đoàn của ta. Hai bên đang giằng co thì chỉ huy chiến dịch tăng cường thêm một đơn vị của đoàn 10 thành hai gọng kìm khép vào. Lúc này địch không thể phản công nổi nữa cố thủ trên từng súng, thẳng vào quân ta. Nhưng rồi tiếng súng của địch thưa dần. Hai chúng tôi tiến sát hàng rào xem tình hình thương vong ra sao. Đúng như nhận định của anh Thịnh, lính mới của ta chưa vượt nổi hàng rào đã trúng đạn nằm ngổn ngang, mặt mũi lấm lem. Hai chúng tôi cùng hỗ trợ đơn vị tải thương cho nhanh chóng.

Sau những cơn mưa xối xả, mặt trời lại chói chang. Hai làn đạn của hai bên bắn thẳng đan chéo nhau như mưa giăng, bộ đội ta vẫn bám trụ từng tấc đất. Quân ta tổ chức những đợt xung phong liên tiếp rồi dừng lại vây hãm cứ điểm, cắt đứt mọi tiếp viện từ bên ngoài của chúng. Đúng lúc máy bay Mích 21 của ta xuất kích nhào lộn trên bầu trời làm cho quân địch càng hoảng sợ. Có lệnh: “Xung phong. Địch đã đầu hàng...” Thì ra đã đến lúc cả đoàn của địch không thể chịu nổi trước sức mạnh của bộ đội ta. Thế là tất cả số còn lại phía sau vượt hàng rào. Từ trong căn cứ, từng tốp lính nguỵ kéo cờ trắng lũ lượt xếp thành một hàng dọc giơ hai tay lên đầu. Một số đã nhanh chóng trút được bộ quần áo lính ra sợ ăn đạn. Thú thực cán bộ chiến sỹ chúng tôi lúc này ai cũng muốn xả cho chúng một băng đạn. Rồi chúng nhanh chóng được bàn giao cho đơn vị Quân quản. Lúc này rất nhiều người dân mang xoong chậu ra gõ mừng chiến thắng của quân ta. Nhiều bà má, nhiều người vợ nhìn thấy chồng con mình trong đoàn binh vẫn to: “Hoan hô bộ đội giải phóng...”. Bàn giao cho Quân quản xong, trung đoàn tôi cùng Sư đoàn tiếp tục hành quân vào Sài Gòn. Chúng tôi xếp thành một hàng dài đến mấy cây số ngoài quốc lộ 1A ngay trước cổng Sư đoàn 25 Tia chớp nhiệt đới. Hai khẩu pháo 130 nòng dài của địch đặt trước cổng lại như vẫy chào chiến thắng của chúng tôi. Cùng trên quốc lộ 1A quân đoàn 1 trên xe cơ giới từ ngoài Bắc được tăng cường cho chiến dịch. Những tiếng hát vang lên: “Giải phóng miền Nam...”. Tất cả cán bộ chiến sỹ lúc này vô cùng háo hức, mong đợi từng phút, từng giờ được đặt chân lên mảnh đất Sài Gòn để quyết chiến trận cuối cùng giải phóng miền Nam. Hôm ấy 29/4/1975, vào lúc cuối chiều nhưng mặt trời vẫn còn chói loá, đoàn quân trùng trùng, điệp điệp như những dòng thác tiến thẳng vào Sài Gòn để đúng 11 giờ trưa ngày 30/4/1975 chúng ta đã cắm cờ trên dinh Độc Lập.

 

 

 

 

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội