image banner
Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tình người thời Covid

Truyện ngắn

TRẦN PHONG NHÃ

 Nghe xong thời sự lúc 7 giờ tối, Lan ngồi bệt xuống nền nhà. Người con dâu đến bên: “Đài vừa thông báo từ  0 giờ ngày mùng 8 tạm thời dừng mọi hoạt động tập trung đông người.Vậy đám cưới con bà Hồng thì giải quyết thế nào mẹ?” “Tạm dừng chứ biết làm thế nào? Lệnh làng phép nước mà! Năm ngoái đám ma ông Cân tuy mất vì bệnh già, nhưng Hội người cao tuổi vẫn đứng ra vận động mọi người đến viếng cần đeo khẩu trang, chỉ đưa mắt nhìn nhau, vẫy tay, gật đầu. Không còn chuyện trò thăm hỏi, cỗ bàn như trước...”. Bà Lan chỉnh lại khẩu trang rồi tất tưởi bước ra cổng. Người con dâu đứng lặng, nhìn theo bóng mẹ chồng đổ dài trên ngõ.

Trên đường đến nhà bà Hồng, bà Lan ngẫm nghĩ: “Hay là mình vận động bà con mua ủng hộ mỗi người ít thực phẩm. Còn rau dưa, gia chủ nhét vào túi bóng mỗi nhà một ít.” Ý kiến hay, được mọi người hoan nghênh. Cái khó cũng qua đi. Thời dịch dã này đã không làm ra tiền nhưng vẫn phải tiêu tiền! Vẫn phải ăn! Phải uống! Lấy tiền đâu? Cái đận Covid năm ngoái, nhà bà còn đỡ, con cái mỗi người túm tả một ít cũng đủ tiêu. Nhà Mận mới thực sự khó khăn. Một mình nuôi hai bố mẹ già, ốm đau luôn. Các con thì đang tuổi ăn tuổi học, vậy mà cũng phải cách ly. Nghỉ chợ. Hôm lên nhận quà tài trợ, bà thấy nhiều người một tay đỡ túi gạo, tay kia cầm túi mì rân rân nước mắt không nói được thành lời. Cả hội trường im phắc. Một cụ già râu tóc bạc phơ giương đôi mắt đục mờ mờ như khói ngước lên giọng sảng khoái: “Thế là Chính phủ đã về đến tận xóm mình, làng mình, xã mình rồi!” Cả trăm con mắt quay về phía cụ. Tiếng vỗ tay vang động hội trường. “Cách ly là phải. Tiền không kiếm hôm nay thì mai kiếm. Mạng sống của con người chỉ có một. Hãy ở nhà và chỉ ra đường khi cần thiết. Đừng tưởng cái con Corona nó chừa mình ra. Nhất là người già càng phải cẩn trọng hơn...”. Bà Lan nhớ lại hôm họp chi hội người cao tuổi, ông chi hội trưởng phát biểu thế. Với cảm xúc của một người đã mười năm làm công tác Hội người cao tuổi xã, bà vận thành vần cho dễ thuộc: “Đeo khẩu trang nhẹ nhàng hơn đeo máy thở/ Giữ khoảng cách hai mét còn hơn xa nhau suốt đời. Ở nhà vẫn sướng hơn ở bệnh viện. Uống nước vẫn thích hơn truyền nước. Cẩn thận vẫn tốt hơn bất cần. Ý thức là tích đức”. Gửi đài địa phương để tuyên truyền. Bà thay đổi lịch tập thể dục để xem chương trình thời sự vào lúc 6 giờ sáng; 4 giờ chiều và 7 giờ tối. Người con dâu cũng chiều theo sở thích của mẹ chồng vừa được tiếng là “Dâu hiền như gái” lại được nghe bà giải thích cho mấy cụ trong xóm: “Cái con Corona vô cùng nguy hiểm, không giống như virus cảm cúm. Nó mà thâm nhập được vào phổi con người ta thì nó phá hủy lá phổi sau đó đến tim mạch, bộ phận tiêu hóa, gan thận. Cuối cùng nó tấn công vào cái ...thần kinh trung ương. Lúc đó không thể chữa được... cho nên nhà nhà cách ly. Người người cách ly. Các nước cũng cách ly nhưng lòng không cách”. Các cụ chăm chú nghe bà giải thích mới vỡ nhẽ tại sao trong cái khó khăn của thời Covid, tình làng nghĩa xóm được nhân lên gấp nhiều lần. Những điều Lan làm được chia sẻ với các cụ đều do xem ti vi và nghe đài. Mà có xem ti vi mới thấy: Thủ tướng, Phó Thủ tướng cùng các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước phải họp thâu đêm suốt sáng, mắt thâm quầng, lo vắt óc ra để tìm kế dập dịch cho dân... Cho nên “Ở nhà” cũng “là yêu nước”. “Thảo nào mà bà ấy nghiện ti vi hơn cả người nghiện lô đề”. Một cụ trong xóm nhận xét: “Nghiện lô đề mất cả tiền lẫn thời gian. Còn nghiện cái chương trình thời sự thì rất bổ ích”. Chiều nay, không xem ti vi, bà Lan ngồi tư lự ngoài hiên một lúc rồi vào thắp nén nhang trên bàn thờ. Nhìn di ảnh chồng, bà suy nghĩ mông lung. Tiếng con Vện sủa làm bà giật mình, ngó ra ngoài sân:

-Chào cô Yến! Đi đâu mà vội vã vậy?

-Cháu vừa may xong mấy trăm khẩu trang mang lên để các đồng chí ấy đóng gói chuyển tới vùng bị dịch. Nói rồi Yến ghé vào tai bà Lan thì thầm chuyện mấy cậu thanh niên do thiếu ý thức tung tin thất thiệt về dịch Covid bị công an gọi lên bắt làm kiểm điểm và phạt tiền. Bà Lan bảo: “Ếch chết tại miệng”, đáng đời mấy đứa vô trách nhiệm. Bà đứng lên với tay lấy quyển sổ ghi chép số liệu về Covid nghe được ở đài, xem ti vi cho Yến xem. “Bà Lan già rồi mà làm việc chỉn chu quá”. Yến nghĩ thế rồi dán mắt vào những con số ngay ngắn như tâm hồn người thiếu phụ cao tuổi. Cô giật mình khi bà Lan ghi lại cả bài thơ “Nếu anh không về”.

-Bài thơ này hay quá, cháu chép lại để đọc ở cuộc họp phụ nữ bác nhé.

-Nhất trí cao! Tôi đã đọc bài thơ này cho các con tôi nghe và bảo chúng: “Các con thử đặt mình vào vị trí những người bác sĩ mái đầu đã bạc, mặt hằn vết khẩu trang, hay những chiến sĩ bộ đội nơi tuyến đầu chống Covid. Ngủ trong lán trại, thậm chí trong rừng đêm sương  muối, với những bữa cơm ăn vội mới cảm nhận được sự cống hiến của họ...”.

-Cảm ơn bác vì bác không chỉ đồng cảm với người lính hôm nay mà còn tuyên truyền cho nhiều người khác hiểu về họ. Với họ bớt một người cách ly, bớt một người bị nhiễm bệnh Đảng Nhà nước bớt nỗi lo âu.

-Vì thế đất nước biết ơn người lính. Họ tình yêu Tổ quốc đại, Cả thế giới chìm trong màu tang tóc/ Lo quê nhà trái tim anh chợt khóc/ Sợ dịch đến mình, sợ mất một người thân/ Anh không về vì dân tộc đang cần...”. Là học sinh giỏi văn cấp cấp 3, qua các bài giảng văn về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ, học sinh Thị Ngọc Lan tốt nghiệp loại Khá, ở nhà sản xuất rồi yêu người lính. Anh tên là Hồng, ba năm “nếm mật nằm gai” chiến trường Tây Nam Bộ. Thống nhất đất nước, anh tiếp tục ra biên giới phía Tây, quay về biên giới phía Bắc và hy sinh ở mặt trận Giang.

Tiếng chuông điện thoại kéo Yến quay về với thực tại. Bà Lan ý tứ xuống nhà bếp, khi Yến nói chuyện xong với chồng mới trở lại chiếc ghế quen thuộc: “Chú ấy ở Quảng Ninh chắc vất vả nhiều?”.

Yến kể về những ngày các chiến sĩ bộ đội biên phòng phải căng mình ra để chống Covid chống buôn lậu, chống nhập cảnh trái phép nên lúc nào cũng phải thực hiện “nhận diện trước” “chủ động trước” và “chuẩn bị phương án trước”.Hai người đang mải mê trò chuyện thì nghe có tiếng gọi ngoài ngõ:

-Bà Lan có nhà không đới.

-Vâng. Tôi đây. Ôi bác Mão. Sao bác xách gì mà lỉnh kỉnh nhiều thứ vậy?

  • Ngày mai là 8/3, ngày của chị em mình. Năm nay dịch dã thế này chắc không tổ chức được. Đây là rau vườn nhà tôi. Tôi tính thế này. Chúng ta gom góp mỗi nhà một ít, mang tặng những gia đình khó khăn hoặc không trồng được rau. Coi như có chút quà của Hội phụ nữ mừng cho chị em. Tôi tính thế có phải không, chị Yến.

-Bác thật tuyệt vời. Chúng ta cần làm một việc gì đó để góp thêm sức mạnh tinh thần cho lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch Covid nữa, bác ạ. Đây cũng là vấn đề được đặt ra trong buổi họp Đảng bộ  và ngày một ngày hai tới sẽ triển khi kế hoạch xuống các thôn để người người cùng chung tay bởi khu cách ly của xã ta ngoài bờ biển hiện nay ngày càng thêm nhiều người. Các bác sỹ, y tá, cả các anh bộ đội nữa vô cùng vất vả ngày đêm cứu giúp người bệnh. Vậy chị em mình góp sức mỗi người một ít. Của ít lòng nhiều. Người có công góp công, người có của góp của.

Bà Lan mủm mỉm:

-Đúng là ý Đảng lòng dân.

-Đúng vậy. Bà Mão hồ hởi. Chúng ta hãy làm thật tốt vai trò của hậu phương để ngoài tiền tuyến đỡ nhọc nhằn.

Ngoài kia, trên những chiếc loa của đài địa phương vang lên giọng phát thanh viên cao vút: “Việt Nam đã rất khẩn trương/ Không cho Covid có đường lây lan/ Các khu du lịch nhà hàng/ Đã dừng đón cả khách sang, khách giàu/ Học sinh nghỉ học đã lâu/ Chỉ dừng lên lớp, vẫn luôn ôn bài/ Covid còn đó lo hoài/ Bước đầu chặn dịch làm người yên tâm/ Biết rằng còn lắm khó khăn/ Dịch còn đây đó không ngăn được lòng/”.

 

 

 

 

 

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội