Truyện
ngắn
Trương
Ngọc Hùng
Tôi Trung tá thuyền
trưởng đề nghị trên tàu có ai là bác sỹ xuống tầng hai có
người cần cấp cứu. Tôi xin nhắc lại...Tiếng loa gắn trên tường phát đi phát
lại, nhiều lúc bị ngắt quãng
bởi tiếng va đập
của sóng, gào thét của gió. Từ đêm,
con tàu đã đi vào tâm áp
thấp, sóng trùm qua boong nhấn lúc chìm lúc nổi,
lúc nghiêng lúc ngả tưởng
như nằm sâu trong lòng biển.
Cùng với sự nổi
chìm đó, ruột gan như có bàn tay ai đó lôi thốc ra ngoài, như lộn trái dạ dày, sàn tàu
nhoe nhoét bốc mùi. Thật khủng khiếp. Tôi không định
dậy, phần vì mệt, phần
vì không phải nhiệm vụ,
phần tin chắc trên tàu phải có bác sỹ, hơn nữa đã chuyển làm công tác quản lý lâu không
cập nhật thường xuyên sợ không theo kịp tình hình nên vẫn ôm cứng thành giường
đầu chúi xuống sàn nhà.
- Tình hình rất khẩn
trương đề nghị có ai là bác sỹ hãy đến ngay tầng hai.- Tiếng thuyền trưởng lại
vang lên khẩn thiết. “Chắc phải có chuyện gì nghiêm trọng
lắm”.- Tôi lồm cồm bò dậy, lê
lết tụt xuống tầng
hai. Cảnh tượng thật hãi hùng,
lẫn trong đống phế thải, chăn
màn, đồ đạc ngổn ngang, hỗn độn, hai chiến sỹ ghì chặt một người đang co giật toàn
thân, co rúm chân tay. Người sỹ quan
đeo quân hàm thiếu úy gắn phù
hiệu quân y đang loay hoay, thỉnh thoảng lại giơ tay ôm bụng
như cố chèn cái gì đó đang chực tuôn ra.
- Huyết
áp bao nhiêu, đã xác
định tiểu sử bệnh
tật chưa?- Cố nén
cơn cuộn trào của dạ dày, tôi hỏi.
- Huyết
áp hơi thấp nhưng chưa đến mức giới hạn. Theo những người cùng đoàn cho biết
chị này có tiền sử thiếu
can xi do phẫu thuật tuyến giáp.- Vị bác sỹ quân y đáp.
- Căn
cứ vào triệu chứng và tiểu
sử bệnh tật thì đây là hiện tượng tụt
can xi. Phải bổ sung
ngay nếu không sẽ nguy đến
tính mạng. Chỗ đồng chí có thuốc không?
- Thuốc
trong túi cấp cứu có sẵn nhưng sóng
to gió lớn thế này tiêm tĩnh mạch làm sao được.
- Đây
là cách duy nhất, đồng chí lấy thuốc đi.-
Tôi cương quyết.
- Em chịu thôi, sóng thế
này nhỡ chệch thì chết.- Người bác sỹ không còn giữ được bình tĩnh.
Chỉ định sử dụng thuốc nêu rõ: “Tiêm chậm qua đường tĩnh
mạch. Thận trọng dễ tử vong.” Yêu
cầu đó ở điều kiện bình thường, ai
cũng có thể thực hiện nhưng trong hoàn cảnh này, công bằng mà nói đây là
ca khó nếu không nói là rất khó đối với một điều dưỡng giỏi, huống hồ bác sỹ ít kinh nghiệm,
không ai dám chắc sẽ thành công. Mà không thành công bệnh nhân bị tai
biến hoặc nặng hơn có thể tử vong,
trách nhiệm thuộc về bác sỹ.
Do vậy sự sợ hãi, ngại ngùng có thể
hiểu được nhất là với vị bác
sỹ chắc mới ra trường, rất có thể là chuyến đi công
tác đầu tiên trong điều kiện sóng to gió lớn và
đang say sóng hơn cả những
người bình thường. Tôi hoàn
toàn có quyền từ chối mà không
ai có thể bắt bẻ. Nhưng lương tâm của
người thầy thuốc, trách nhiệm của một quân nhân thôi
thúc tôi dù chỉ còn một phần ngàn tia hy vọng.
- -Bây giờ các cậu giữ cố định tôi, còn hai chiến sỹ ôm bệnh nhân, giữ chặt tay.- Tôi vừa nói vừa với tay đón xilanh thuốc.
Phải
rất nhiều lần chọc, rồi
rút ra tôi mới đưa được chiếc kim tiêm nhỏ xíu vào
đúng vị trí của nó. Nhìn tia máu mỏng
manh chạy lên bơm tiêm, mừng như bắt được vàng,
tôi như bám dính xuống sàn cùng điểm tựa của những người đồng đội, từ
từ đưa giọt thuốc cuối
cùng vào trong tĩnh mạch vừa lúc con tàu bị hất ngược
lên, mỗi người lăn mỗi góc. Trước lúc mê
man chìm sâu vào
giấc ngủ vì kiệt sức tôi còn nhìn thấy bệnh nhân đã hết cơn
co giật... Trong mơ tôi như bay lên với muôn vàn vì sao,
như thấy mẹ xoa đầu:
“Con giỏi lắm, con yêu của mẹ”. Bố là bộ đội luôn xa
nhà, một tay mẹ nuôi chúng tôi
khôn lớn bằng đồng lương ít ỏi,
bằng củ khoai củ sắn kiếm thêm.
Mẹ dặn: “Con làm gì cũng
được miễn sao giúp được mọi người. Đừng bao giờ bỏ cuộc trước
bất cứ khó khăn nào”.
***
- -Chị ơi, ra xem bình minh. Đẹp mê hồn.
Tôi không có ý định
dậy. Cơn say sóng cộng với cố gắng quá sức hôm qua đè gí tôi xuống giường nhưng
vẻ tươi tỉnh nhí nhảnh của cô gái mới qua cơn thập tử nhất sinh khiến tôi đổi
ý. Ngồi trên boong tàu, tôi ngắm nhìn mặt trời đỏ
ối đang
tỏa muôn sắc màu tưới lên mặt biển
xanh thẫm như màu mực. Đúng là đẹp mê hồn. Trong đời
không mấy người có được phút giây như thế. Biển mênh mang, êm dịu, từng cánh hải âu dập dìu trên sóng. “Thật đúng như mụ đàn bà
trái tính, ế chồng”. Hồi đêm
còn giận dữ tuôn trào bọt trắng như
muốn dìm tất cả sâu trong làn nước,
giờ đây những làn sóng
lại dịu dàng ve vuốt mạn
tàu.
- -Này em, sao biết mình có bệnh mà vẫn cố đi. Có biết như thế là nguy hiểm lắm sao?
- -Hi hi. Có thế em mới được đi chứ, có phải ai, lúc nào muốn là được đâu.- Trầm ngâm một lúc, cô gái tiếp. Em thành thật xin lỗi các anh chị đã vì em mà vất vả. Em không lường hết những khó khăn nguy hiểm đến bản thân cũng như những phiền toái với mọi người. Em bị như thế này mấy lần rồi nhưng chỉ cần tiêm một mũi là em có thể ra biểu diễn như thường vì thế nên chủ quan. Chuyến đi lần này ngoài mong muốn của em còn mang theo ước vọng của ba nữa. Ba em là thủy thủ tàu không số đã từng ở đảo Song Tử một tuần hồi đang còn chiến tranh. Chuyến đi này, em sẽ mang về một cây bàng quả vuông nhỏ để bố em trồng ở vườn nhà.- Cô gái đáp. Đảo Song Tử Tây là một điểm đoàn sẽ lên. Ở lại một ngày, tiến hành khởi công xây dựng tượng đài Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo. Tượng làm bằng đá nguyên khối lấy nguyên mẫu tượng ở quảng trường 3 tháng 2 của tỉnh mình. Đây là bức tượng đầu tiên được đặt ở quần đảo Trường Sa thể hiện ý chí của nhân dân ta. Lần này chị cũng phải hái bằng được một quả bàng vuông, nếu không có lấy một lá bàng cũng được. Em nói bố em đã ở đảo Song Tử thời chiến tranh? Theo chị biết lúc ấy thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa?- Tôi hỏi.
- --Em cũng thắc mắc như thế. Ba em giải thích: “Chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc ấy quản lý 5 đảo nhưng không đồn trú cả năm. Họ chỉ ở đảo Trường Sa lớn, thỉnh thoảng cho tàu đi kiểm tra các đảo còn lại. Sau sự kiện Vũng Rô, tuyến vận tải biển của ta không còn giữ được bí mật. Các đoàn tàu phải đi vòng rất xa ra vùng biển quốc tế, đi đến nước nào thì treo cờ nước đó. Tàu của ba đến khu vực Trường Sa, được thông báo có nhiều tàu địch đang phong tỏa ngăn chặn nên đã neo ở đảo Song Tử. Đảo rất nhiều chim, thủy thủ của ta nhặt được cả thúng trứng, ăn không hết còn nở ra cả chim non nữa”.
- -Chuyến đi đó đặc biệt với miền đất đặc biệt nên sau này ba em đặt tên cho anh trai em là Trường Sa, em mang tên Trà Vinh.
- -Có một câu thơ rất hay của Chế Lan Viên: “Nơi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Nơi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Những miền đất mang nhiều kỷ niệm thường được “các cụ” ghi lại bằng cách đặt tên cho các con. Chị cũng mang tên một quốc gia nơi bố chị du học.
- -Chị có tin vào duyên số không?
Không chờ trả
lời. Cô gái tiếp:
Em thì tin, vì không có
chuyến tàu ấy em đã không có mặt trên
đời, sẽ không mang tên Trà Vinh... Sau nhiều ngày vòng tránh vây ráp, rượt đuổi
của địch, tàu cũng cặp được bến Trà Vinh nhưng
bị hư
hỏng nặng không thể quay về
miền Bắc. Thủy thủ đoàn ở lại bến chờ chuyến tàu
sau. Ba em bị thương được cô y tá chăm sóc. Rồi chàng trai miền Bắc và cô gái
miền Nam say mê nhau nhất quyết sẽ về cùng nhau bất chấp khoảng cách về địa lý, không gian, thời gian. Một tháng
sau, đoàn thủy thủ vượt sông Cổ Chiên sang Bến Tre theo tàu về Bắc. Đó là
chuyến đi cuối cùng của ba em trên cương vị thủy thủ tàu không số. Má em đóng
khung chiếc ảnh bé tý tẹo của ba, luôn để trên chiếc bàn đầu giường. Nhiều
chàng trai tìm đến má em, có người còn xoay chiếc khung ảnh vào trong “Để tự
tin ngồi nói chuyện với má.” Khi má em
tuyên bố: “Đang mang trong mình giọt
máu của
ba” họ tới thưa thớt dần. Vài tháng trôi qua, bác bến trưởng - cán bộ
tập kết trở lại chiến trường, trông
thấy má thốt lên:
- -Ủa, con này bụng bão xẹp lép vậy cà, chửa trâu à.
- -Chửa trâu là sao ạ? Ảnh có thương con đâu! Trước hôm ra Bắc, con muốn “trao” cho ảnh nhưng bị từ chối. Con buồn lắm chú Hai ơi.
- -Chửa trâu nói theo ngôn ngữ miền Bắc là thời gian mang thai lâu. Còn nó không chịu “nhận” là nó thương con nhiều lắm. Ngoài Bắc thương nhau là gìn giữ cho nhau cho đến lúc thành vợ thành chồng, con phải tự hào có được chàng trai như thế.- Bến trưởng giải thích.
- -Tới có đoàn cán bộ ra Bắc, chú cho con đi nha.
- -Đâu có được, gian nan vất vả lắm, con gái chân yếu tay mềm vượt sao nổi Trường Sơn.
- -Con đi được, chú tạo cho con gặp ảnh đi. Đằng nào cũng cần một y tá.
Bẵng đi gần một tháng
những tưởngkhông còn hy vọng, má được gọi lên giao nhiệm vụ.
Khỏi phải nói má vui mừng
như thế nào. Nhưng chuyện không may xảy ra. Đoàn đến khu vực
Quảng Nam thì gặp trận càn, bị thương vong gần hết nên chuyến đi không thực hiện được.
Má em được phân công về đơn vị kho ở sâu
trong rừng. Do ở sâu trong rừng nên
tin chiến thắng giải phóng miền
Nam đến với má chậm hơn 4 năm. Trong khi đó, sau
30 tháng 4, ba em làm
chuyến “ngược dòng” vào Trà
Vinh tìm má. Lúc ấy đi lại còn khó khăn, phải làm rất nhiều
thủ tục cũng như tìm phương tiện
nhưng kết quả chỉ nhận được câu trả
lời chung chung: Hình như...
Ba em không tin vào cái “hình
như” ấy. Do một sự tình cờ,
đến năm 1980, hai
người tìm thấy nhau và làm lễ cưới.
Thỉnh thoảng má em vẫn trách: “Tôi
không đi tìm chắc ông cho tôi
leo cây”. Ba cười: “Thì người
ta vẫn chờ chứ bộ”. Chị thấy tình yêu của ông bà có huyền thoại không. Đúng là huyền thoại. Tình yêu vốn muôn màu muôn vẻ nhưng một người con
gái dám “lội” bộ qua
dãy Trường Sơn để tìm người
yêu có lẽ chỉ có một. Những
ai đã từng ở Trường Sa đều được
dành cho sự tôn trọng dù chỉ một lần.
Chúng tôi chỉ đi lướt qua cũng được làm “chiến sỹ Trường Sa” danh
dự, danh hiệu ấy vượt qua nhiều
danh hiệu. Câu chuyện tình của cựu chiến sỹ Trường Sa, cựu
thủy thủ đoàn tàu không số của ba Trà Vinh “đi” nhanh hơn hành trình của con tàu, đến đảo nào Trà Vinh cũng được chú ý. Trà Vinh như con chim nhỏ chuyền cành. Cái dáng nhỏ nhắn, tiếng hát đậm chất dân ca của hai miền theo Trà Vinh đến mọi chỗ mọi
nơi trên đảo khi dưới bếp, lúc
ở phân đội trực chiến, thoắt cái đã ở trạm quan sát, lúc sau lại thấy ở ngọn
hải đăng.
- -Em không muốn một ai vì nhiệm vụ mà không được nghe em hát. Cuộc đời của một ca sỹ mấy người được đến Trường Sa, được các chiến sỹ Trường Sa yêu quý như người thân của mình. Chị nhỉ.- Trà Vinh ôm vai tôi thủ thỉ. Em thương các anh ấy quá, thiếu rau thiếu nước vậy mà luôn sẵn sàng nhường tất cả cho đoàn.
- Khó khăn thiếu thốn
như thế nhưng ở lâu người
ta thành ra nghiện đảo. Ở gần
nhà chị có bác ở Trường
Sa hơn hai mươi năm. Về hưu, ngày
nào bác cũng ra ngắm biển: “Không nhìn thấy biển tôi không ngủ được”.
Chị đùa: “Sao bác không
chuyển nhà ra gần biển
để đỡ phải đạp xe hơn mười cây số mỗi ngày”. “Sóng ở đây không
giống Trường Sa. Ngoài đó, mỗi đêm trăng thanh tiếng sóng vỗ bên này của đảo nghe như tiếng gọi:
Em ơi, đầu kia dịu dàng đáp: Dạ,
em đây. Ở đảo đã khó nhưng
nhà giàn còn khó gấp nhiều lần, các chiến sỹ phải chấp nhận nhìn mọi người xa xa, nghe
giọng hát cùng tiếng nấc qua bộ đàm. Năm năm “trấn ải” nhà giàn, bác được đón
một đoàn duy nhất với số lượng hạn chế. Nhìn cảnh đơn sơ của nhà giàn, một chị
có lẽ là lãnh đạo hỏi: “Các anh có yêu cầu đề nghị gì không?”. Chỉ một người đề
nghị, đó là một chiến sỹ mới: “U ơi, cho con ôm một cái”. Chị cất tiếng hát: “A
á ru hời ơ hời ru/Mẹ thương con, con có hay chăng/Thương từ khi thai
nghén trong lòng /Mấy nắng sớm chiều mưa ròng /Chín tháng so chín
năm, gian khó tính khôn cùng”. Cậu chiến sỹ rúc rúc vào ngực chị, cả hai cùng
đầm đìa nước mắt”.
Trà Vinh mơ màng:
“Ngày mai em sẽ hát, sẽ ôm
hôn tất cả các
anh ấy”.
Dự định không
thành. Sóng to, gió lớn không thể
thả xuồng. Con tàu chầm chậm trôi, rúc lên hồi còi chào tạm biệt. Cuối
tàu, Trà Vinh đứng đó, bóng xiêu xiêu,
tay run run, mắt đăm đăm, khăn rằn chấp
chới như cánh chim ngược gió. Chiếc nhà
giàn chông chênh như dấu chấm
than(!) in lên bầu trời mù mây cuộn sóng... dần xa... dần xa...