Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN TRONG TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH
Văn Nhân số 138

         Tản văn

         Phạm Hồng Loan                                         

        Sau bao mong mỏi, hôm nay, ước nguyện được đến với nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn của tôi mới được thực hiện. Trước mắt tôi, hun hút, hun hút  trắng xóa một màu với hơn mười ngàn nấm mộ xếp hàng thẳng tắp như những đoàn quân ra trận. Tôi lặng lẽ thắp hương, cắm lên từng ngôi mộ. Xin các anh về trong làn hương ngan ngát, nhận lấy tấm lòng tri ân của chúng tôi. Không hiểu sao mỗi khi thấy những hình ảnh của chiến tranh, dù là xem một đoạn phóng sự, nghe một bài hát, đọc một trang sách viết về người lính, trong tôi cứ dâng lên cảm xúc nghẹn ngào. Trước mắt tôi là những thước phim quay chậm. Tôi như thấy khói lửa ngút trời. Thấy bom rơi, đạn nổ. Thấy người anh trai thân thương của tôi, gày gò, bé nhỏ hăm hở đi đầu đoàn quân với trĩu nặng ba lô trên vai. Không hăm hở sao được khi đang trong những ngày ôn tập cùng đội tuyển gấp rút chuẩn bị cho kì thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, xếp lại mơ ước đạt giải như ngày lớp 7 đã đạt được anh xung phong lên đường chiến đấu, để nằm lại mãi mãi nơi đây. Tôi bước nhẹ. Liệu tôi có làm đau xương cốt các anh không khi tất cả đã hòa vào đất Mẹ, đã thành hồn thiêng sông núi. Tôi như thấy hiển hiện bên tôi là anh và bao người khác. Họ ở khắp mọi miền của đất nước. Họ bỏ lại đằng sau thửa ruộng đang cày dở, căn nhà sàn còn thiếu một mái nghiêng, bỏ lại những trang lưu bút tươi rói, thơm hương mùi mực tím. Để cùng đi chung một con đường theo lời hiệu triệu của Bác:“Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập”. Họ hiểu đất nước “là máu xương của mình” nên họ đã “hóa thân cho dáng hình xứ sở. Làm nên Đất Nước muôn đời” (Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm). Họ mang trong mình nguồn linh khí Quốc gia nên hội tụ về đây, thanh thản, yên bình khi đem tuổi thanh xuân viết nên khúc  tráng ca bất tử tạc vào lịch sử dân tộc. “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc. Hồn bay lên hoá nguyên khí Quốc gia". (Trần Thế Tuyển)

Trước mắt tôi, tán cây bồ đề thiêng xòe rộng, tỏa bóng  trọn tượng đài như vòng ôm núi rừng, của đất nước chở che các anh. Muôn nghìn chiếc lá như mười nghìn trái tim người lính nơi đây lan tỏa yêu thương. Tôi nghe trong gió như có tiếng thầm thì của các anh, tiếng xào xạc của lá, tiếng rầm rì của đất như bản hòa tấu của thiên nhiên, của non sông vọng về. Các anh mãi mãi trường tồn cùng sông núi Việt Nam, mãi mãi bất tử trong trái tim những người đang sống. Chợt tôi nghe đâu đây tiếng ghi-ta bập bùng với tiếng hát trầm hùng lan trong gió. Một nhóm Cựu chiến binh đứng thành hàng thẳng tắp nhìn thẳng vào những ngôi sao lấp lánh trên những tấm bia mộ khắc ghi: LIỆT SĨ CHƯA BIẾT TÊN. Một cảm giác lạ lùng lan tỏa trong tôi.Một buổi chào cờ đặc biệt. Vì người đã mất. Vì những người không biết tên. Dù không có tên do những hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh nhưng họ vẫn có tên: người chiến sĩ anh hùng. Chỉ có mười nghìn ngôi sao như giúp các liệt sĩ thấy bên họ vẫn có bao nhiêu thế hệ đã đấu tranh kiên cường, bất khuất, để giành độc lập, tự do bằng những dòng máu nóng từ trái tim trong một ngôi sao Tổ quốc gắn trên bia mộ sáng chói, lung linh trong đêm. Và tiếng hát. Vẫn là lời bài hát Quốc ca mà sao âm điệu lúc vút lên mạnh mẽ, sảng khoái, khi trầm xuống, nghẹn ngào. Phải rồi. Mười nghìn tiếng hát cùng cất lên hòa với tiếng hát của nhóm Cựu chiến binh. Mười nghìn tiếng hát cất lên từ những trận sốt rét rừng, từ những đêm dài băng rừng, vượt núi trong bão đạn, mưa bom, từ những trận đánh trong khói lửa ngút trời, cất lên từ mười nghìn trái tim chung nhịp đập làm sáng ngời lên tinh thần dân tộc Việt Nam, để giờ đây cùng chung bài ca Tổ quốc. Tôi chợt nhớ câu chuyện về một trường học ở Hà Nội tổ chức cho học sinh đến đây trong chương trình trải nghiệm. Bên đài tưởng niệm, trước khi chào cờ, thày hiệu trưởng nói: “Các em hãy đặt tay lên ngực trái và hát bằng trái tim mình.” Những giọt nước mắt đã rơi. Và tiếp tục rơi khi các em thắp hương trên từng ngôi mộ. Và bài học nhận được hôm nay sẽ mãi mãi như một hành trang vững chắc khi các em bước vào đời.

Giờ đây, bên tôi là những bộ quân phục bạc màu. Những khuôn mặt khắc khổ hằn sâu nếp gấp của thời gian. Những ánh nhìn đau đáu, ầng ậng nước trong say sưa tiếng hát:“Đi ta đi giải phóng miền Nam khi quê hương nhà vẫn còn bóng quân xâm lược thì ta còn chiến đấu quyết sạch nó đi…(Huy Thục) Qua chuyện trò, tôi biết, hàng năm, các anh hẹn nhau về đây, bên những nấm mộ không tên,thắp nén hương thơm và hát cho những người nằm xuống nghe. Tiếng hát trải dài con đường Trường Sơn đầy máu và hoa, trải dài suốt cuộc trường chinh vạn dặm của dân tộc, trải dài suốt dọc dài đất nước. Tiếng hát đưa tôi về với những năm tháng hào hùng mở đường Trường Sơn.

Có ai biết được những năm 1958-1959, dưới sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy Trung ương, có những người lính của Đoàn 559 lầm lũi, can trường vừa vận chuyển vừa mở đường mà “quân đi tính từng người, hàng chuyển tính từng cân” trên con đường mòn dọc phía đông dãy Trường Sơn hùng vĩ, vượt qua bao đồn bốt của địch với phương châm "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" để đảm bảo bí mật. Với đôi bàn tay chỉ biết cầm bút, cầm cày với bao dụng cụ thô sơ, họ đã làm nên con đường dài hàng ngàn km, tạo nên huyết mạch nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, trở thành tuyến vận tải quân sự, tuyến hậu cần chiến lược quan trọng. Nếu chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong”Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm ,cơm vắt”để “nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”(Tố Hữu) thì tuyến đường Trường Sơn trải qua gần 6.000 ngày đêm trong bão đạn, mưa bom. Nếu như kẻ thù chi tiêu hàng tỷ USD để dội xuống đây hơn 4 triệu tấn bom đạn, sử dụng nhiều lực lượng, phương tiện, công nghệ - kỹ thuật chiến tranh hiện đại với những vũ khí tối tân hòng xóa sổ con đường thì chúng ta có sức mạnh tinh thần, trí tuệ, sáng tạo, có niềm tin theo Đảng“Ta hiểu vì sao ta chiến đấu. Ta hiểu vì ai ta hiến máu”(Tố Hữu) với những đoàn quân ra trận trong tiếng reo:“Ðường ra trận mùa này đẹp lắm”(Phạm Tiến Duật). Để“Mỗi ngọn núi, dòng sông. Cũng hiển hách chiến công, lừng danh dũng sĩ” (Tố Hữu) khi Binh đoàn Trường Sơn: “"Sống bám cầu, bám đường. Chết kiên cường dũng cảm". Với quyết tâm: "Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc” và "Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” hàng ngàn, vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến  bằng trí tuệ, mồ hôi, xương máu xây đắp, để con đường ấy tiến thẳng đến Sài Gòn trong buổi trưa ngày 30 tháng Tư  mãi mãi đi vào lịch sử như một thiên anh hùng ca bất tử muôn đời trong tiếng reo vui nghẹn ngào của triệu triệu của người dân: “Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta” (Tố Hữu) đúng như điều nhà sử học Mỹ Côn-cô đã viết trong tác phẩm “Giải phẫu một cuộc chiến tranh”. “Đó không chỉ là con đường cụ thể mà còn là sự kết tinh lịch sử đấu tranh mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam; đồng thời, là biểu hiện của ý chí và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc của mỗi người Việt Nam. Do đó, nó trở nên bất diệt, không sức mạnh nào hủy diệt được.”

Đêm về khuya. Nhóm cựu chiến binh vẫn kề vai bên nhau. Những bài hát cứ nối dài. Những ca từ lúc thì thầm như lời tâm sự về nghĩa tình quê hương, gia đình, bạn bè, khi mạnh mẽ, hùng tráng như rầm rập bước chân của đoàn quân ra trận. Tôi  như thấy các anh quây tụ về đây trong ánh lửa hồng, hát cùng chúng tôi. Tự nhiên, tôi có cảm giác lạ lùng. Hình như các anh đọc được tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của chúng tôi. Hình như mọi cám dỗ về vật chất, sự nhỏ nhen, bon chen, danh lợi trong cuộc sống đời thường bỗng vụt tan biến, để thấy mình trở nên bé nhỏ, thấy tâm hồn như được thanh lọc, đẹp hơn, rộng mở hơn trong những lời ca trải dài, trải dài “Nặng tình non sông anh dâng trọn tuổi đời thanh xuân/Cho em thơ ngủ ngon…Cho yên vui mùa xuân…”(Thế Hiển)

                                                                       


 

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội