Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Không thể nào quên
Nguồn : TC Văn Nhân số 127/ 2019

Kịch ngắn
Nguyễn Đình Chí

Nhân vật

 Nhân vật:

Bà Ân:

Mẹ liệt sỹ Hùng

Chị Tình:

Vợ liệt sỹ Hùng

Hùng:

Con trai bà Ân

Trường:

Cán bộ chính sách xã

Chủ tịch xã:

 

Huân:

Cán bộ huyện

Mác Ken:

Cựu binh Mỹ

Dũng:

Con trai của Tình + Hùng

Cảnh nhà bà Ân

(Ngôi nhà gọn gàng sạch sẽ, giữa có bộ bàn ghế, trên tường treo Bằng Tổ quốc ghi công, bà Ân thắp hương trước ban thờ cho con liệt sỹ Hùng)

 

Bà Ân:

Lại một năm nữa đã qua đi mẹ vẫn chờ đợi để được đón con về quê hương, nơi mà con đã sinh ra rồi lớn lên với bao kỷ niệm … Con ơi đã hơn 20 năm rồi cứ đến những ngày này, cả nước nhớ đến công lao của những người con đã hy sinh vì quê hương Tổ quốc. Mẹ vẫn hy vọng sẽ tìm được con … Con sẽ về đây với mẹ…

Tình:

(Con dâu ra) Mẹ.

Bà Ân:

Tình con.

Tình:

Mẹ ơi đã mấy chục năm rồi … cứ đến những ngày này là mẹ lại thẫn thờ … Nghẹn ngào thương nhớ đến anh. Chồng con hy sinh vì quê hương đất nước, gia đình mình tự hào lắm mẹ ạ.

Bà Ân:

Tình con ạ, nhiều người ra chiến trường chiến đấu hy sinh nhưng gia đình họ rồi người thân đã tìm được hài cốt đưa về nghĩa trang quê nhà mai táng … Còn chồng con vẫn bặt vô tăm tích, không biết nằm ở nơi đâu, rừng sâu hay sông suối lạnh lẽo một mình ( Bà lại xúc động).

Tình:

Mẹ à, con vẫn thường theo dõi trên đài, báo và mọi thông tin trong chương trình nhắn tìm đồng đội mà không thấy … Mấy bữa trước con cũng được xã cho đi vào nghĩa trang Trường Sơn viếng các liệt sỹ yên nghỉ ở đó, xúc động lắm mẹ ạ khi đứng trước hàng ngàn nấm mộ của các anh hùng liệt sỹ trên khắp mọi miền đất nước anh dũng chiến đấu đã hy sinh cho dân tộc để đem lại cuộc sống hôm nay. Nhiều liệt sỹ tuổi đời khi hy sinh còn rất trẻ, họ đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Con còn đến khu nghĩa trang của tỉnh mình, rồi huyện mình để thắp hương cho từng phần mộ mà chẳng thấy anh đâu … thật đau lòng, nhưng biết làm sao được (Quay vào bàn thờ chồng) anh … Anh có nghe thấy em nói không. Bao kỷ niệm của chúng mình luôn ghi đậm trong trái tim em. Nó thôi thúc nhắc nhở em hãy nghĩ về anh, người mà em đã gửi trọn cuộc đời … Em cũng đã đi tìm anh ở khắp mọi nơi mà chưa tìm được, anh sống khôn thác thiêng hãy phù hộ cho mẹ, em và con luôn khỏe mạnh nghe anh … Em … Em vẫn tìm anh (Cô thắp hương cho chồng rồi gục xuống bàn thờ, sau bàn thờ bóng Hùng hiện về).

Hùng:

Tình em … Anh đây, đừng khóc nữa em, bao ân tình em dành cho anh, anh đã biết qua những lá thư em gửi, anh thật xúc động càng thương em tuổi thanh xuân trong mòn mỏi chờ đợi tin chồng. Anh ra đi đánh giặc, hy sinh vì Tổ quốc quê hương, giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Bao đồng đội anh cũng đã nằm xuống và cũng không về được, phải nằm lại nơi đây, nơi mà ngày đêm lũ giặc dội bom đạn giết hại đồng bào ta, chúng đốt nhà sát hại bao người dân lương thiện, đầu rơi máu chảy, cảnh điêu tàn, cửa nát nhà tan. Anh cùng đồng đội phải chiến đấu và bảo vệ nhân dân, bảo vệ nền chính nghĩa, giữ yên làng xóm. Anh đã đi xa … Nơi hậu phương quê nhà bao gánh nặng lại đè lên đôi vai nhỏ của em …Anh thương mẹ, thương em và con nhiều lắm … Chúng mình phải xa nhau cũng như biết bao gia đình cũng phải ly tan trong cuộc chiến, khi nước nhà còn chia cắt, gắng lên em … gắng nhé em.

Tình:

(Bừng tỉnh gọi) … Anh Hùng.

Bà Ân:

Chuyện gì vậy con.

Tình:

Mẹ, mẹ ơi … Chồng con vừa hiện về đây … Anh nói thương mẹ và động viên con và dặn dò con nhiều lắm.

Bà Ân:

 Mấy lần trong mơ mẹ cũng gặp, vậy là … nó thiêng lắm.

Trường:

(Cán bộ xã đến) Dạ, chào bác, chào chị ?

Bà Ân:

Anh Trường

Tình:

Chào chú.

Trường:

Dạ, thưa bác, thưa chị. Hôm nay nhân Ngày Thương binh liệt sỹ cháu xin thay mặt lãnh đạo xã đi thăm hỏi các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng. Xin kính chúc gia đình ta luôn luôn mạnh khỏe.

Tình:

 Cám ơn chú … Vậy hôm nay lãnh đạo xã đi đâu mà chú phải đi một mình.

Bà Ân:

 Ôi … Bác tưởng cháu đã lên làm lãnh đạo xã rồi chứ.

Trường:

 Dạ chưa … Bác ơi, cháu mới chỉ là cán bộ ban chính sách của xã thôi ạ… Chị à chả là hôm nay các anh lãnh đạo xã đang tiếp đoàn cán bộ của tỉnh và huyện đội về xã ta làm việc nhân Ngày Thương binh liệt sỹ mà nghe đâu có cả khách nước ngoài nữa nên mới cử em đi thay.

Bà Ân:

À ra thế … Mời anh ngồi xơi nước.

Trường:

Dạ cháu xin bác, à chị Tình này, Dũng con chị thế nào, ra trường rồi làm việc ở đâu.

Tình:

Cám ơn chú hỏi thăm, cháu nó ra trường rồi về làm việc ở Bộ Xây dựng, công việc bận lắm.

Trường:

 Dũng ở bộ phận nào hả chị ?

Tình:

 Em nó bên thiết kế công trình, có khi lại cả giám sát thi công.

Trường:

 À, thế thì bận lắm.

Bà Ân:

Đấy, nó nhờ được phước của bố nó đấy anh ạ, bố là liệt sỹ nên mọi thứ cũng được quan tâm.

Trường:

 Dạ, đó là chính sách mà bác, nhưng phải nói Dũng là thanh niên có nghị lực giỏi có chí tiến thủ không ỷ nại dựa dẫm vào chế độ ưu tiên, chứ không như mấy trường hợp ở xóm bên, bố cũng liệt sỹ thi cử cũng được ưu tiên thêm điểm nhưng rồi có nên công trạng gì đâu ạ.

Bà Ân:

 Thế mới nói là cái phước mà anh.

Trường:

 Dũng có hay về không chị.

Tình:

 Em nó bận lắm, hết công trình này lại bắt tay vào công trình khác. Mà có thể hôm nay nó cũng về, vì mấy tháng rồi chưa về thăm bà và mẹ chú ạ.

Trường:

 Tốt quá! Làm việc uy tín trách nhiệm, thời buổi này phải đặt chữ tín lên hàng đầu bác ạ, tuổi trẻ bây giờ các em nó giỏi lắm sáng tạo trong công việc, công trình lại chất lượng chị nhỉ.

Bà Ân:

 Nói để anh mừng, em nó là nguồn động viên và chỗ dựa lớn của tôi và mẹ nó đấy. Chỉ tội nghiệp khi sinh ra chỉ biết mặt bố qua ảnh vậy mà lớn lên sống hiếu thảo nên người, thương bà, xót xa mẹ không có bao giờ để bà và mẹ phải buồn phải lo nghĩ. Chỉ có điều bảo lấy vợ đi thì chỉ cười trừ.

Tình:

 Cháu nó bảo còn phấn đấu sự nghiệp mà bà.

Bà Ân:

 Nhưng cũng phải nghĩ đến bà và mẹ nó chứ, chị hiểu chưa.

Tình:

Bà cứ yên tâm, nó đang để ý một cô gái cùng cơ quan, cũng chỉ ngày một, ngày hai là sẽ cho bà biết đấy.

Bà Ân:

Bố nó chứ … kín đáo thế.

Trường:

 Chị Tình này nếu Dũng có tin vui thì đừng quên cho thằng em uống rượu mừng nhé.

Tình:

 Phải ăn tiệc ấy chứ.

Trường:

 Chị nhớ nhé. Dạ thôi cháu xin phép bác và chị cháu đến nhiều gia đình nữa ạ.

Bà Ân:

 Cháu đi nhé.

Trường:

(Ra cửa quay lại) Ôi em chưa đi được đâu chị ạ, đồng chí chủ tịch xã, có cả các anh trên huyện đến thăm nhà mình.

Chủ tịch xã:

(Vào và quay ra) Mời các đồng chí, mời ngài vào (Lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện, và một cựu chiến binh Mỹ).

Trường:

 Xin phép chủ tịch, em sang xóm bên làm tiếp công việc.

Chủ tịch xã:

 Đồng chí đi.

Trường:

 Xin chào bác, chào chị.

Bà Ân:

 Dạ chào các ông.

Chủ tịch xã:

 Xin giới thiệu với bác đây là đồng chí Huân lãnh đạo huyện về xã nhà làm việc nhân Ngày Thương binh liệt sỹ, xin được ghé thăm gia đình ta.

Bà Ân:

 Không dám, quý hóa quá.

Huân:

 Chào bác, huyện có chút quà xin biếu bác mong bác luôn khỏe mạnh để con cháu được nhờ, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ, những gia đình chính sách đã có những người con đổ máu xương để giành lại tự do độc lập hôm nay. Chúng cháu biết gia đình mình là gia đình giàu truyền thống cách mạng, bác trai đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nay người con duy nhất của bác lại tiếp bước cha anh lên đường đánh giặc không sợ hy sinh.

Bà Ân:

 Cám ơn các bác lãnh đạo cấp trên đã quan tâm đến gia đình, năm nay gia đình tôi lại vinh dự được xã và huyện đến thăm thì thật là quý.

Chủ tịch xã:

Dạ thưa bác, hôm nay đến thăm gia đình ta cùng đi với các vị lãnh đạo còn có một vị khách đặc biệt, tôi xin giới thiệu đây là ông Mác Ken cựu quân nhân Mỹ đã từng tham gia cuộc chiến tại Việt Nam (Bà Ân nhìn ông Mác Ken vẻ thiếu thiện cảm quay đi).

Bà Ân:

Vâng.

Chủ tịch xã:

Bác ạ hòa bình thống nhất rồi, ta xóa bỏ hận thù mà. Xin giới thiệu với ngài Mác Ken đây là người mẹ đã sinh ra liệt sỹ Trần Quang Hùng, còn chị Tình đây là vợ của liệt sỹ Hùng.

Mác Ken:

Chào bà, chào chị (Hai mẹ con gật đầu đáp lại).

Chủ tịch xã:

Thưa bác, chúng tôi xin phép được thắp nén nhang cho anh Hùng.

Tình:

Dạ, hương đây ạ.

 

(Trong lúc mọi người thắp nhang cho Hùng thì Mác Ken đi đi lại lại ngắm ngôi nhà và rồi ông đến gần ban thờ Hùng).

Chủ tịch xã:

Đây chính là ban thờ người chiến sỹ mà ông đang đi tìm.

Mác Ken:

 Tôi cũng xin phép được thắp nén nhang bày tỏ tình cảm của mình với người đã khuất (Thắp nhang vái như mọi người rồi lặng đi, tay run run rồi gục xuống bàn thờ … rồi lại ngước lên nhìn vào tấm ảnh Hùng nói) Bức ảnh hơi mờ tôi không nhận nổi … khác quá … chẳng nhẽ…

Bà Ân:

 Ông ấy biết con tôi à.

Tình:

 Mẹ … mẹ đừng quá xúc động.

Bà Ân:

Thế này là sao … là sao …(Nhìn mọi người).

Chủ tịch xã:

(Đỡ bà Ân) Bác, có lẽ ông Mác Ken cũng đã từng là người lính nên đứng trước anh linh người từng chiến đấu và hy sinh đã không kìm được xúc động, bác cứ để ông ta tự nhiên.

Mác Ken:

Bà là mẹ đẻ của người này (Chỉ tay lên ảnh trên ban thờ)

Bà Ân:

(Gật đầu).

Mác Ken:

(Với Tình) Chị là vợ của anh này ?

Tình:

Vâng !

Mác Ken:

Vậy anh chị cưới nhau được bao lâu thì anh đã ra trận

Tình:

Vợ chồng tôi cưới nhau chưa đầy một tuần thì anh ấy lên đường vào Nam chiến đấu năm ấy là năm 1974.

Mác Ken:

Chị có sinh được người con nào cho anh ấy không ?

Tình:

Dạ có – cháu trai.

Mác Ken:

Con trai.

Tình:

Vâng cháu đi làm trên thành phố.

Mác Ken:

Vậy anh đi chiến đấu đến khi hy sinh, thì bao giờ chị và bà mới biết tin.

Tình:

 Sau ngày 30 - 4 - 1975 đất nước hoàn toàn giải phóng, cả nước cờ hoa mừng vui đại thắng thì cũng là lúc gia đình tôi nhận được giấy báo tử của anh ấy từ huyện gửi về.

Mác Ken:

Xin lỗi tôi đã chạm đến nỗi đau của gia đình.

Tình:

Thưa ông, không chỉ gia đình tôi, hôm ấy hơn chục gia đình ở cái làng này cũng nhận được tờ giấy y như thế.

Mác Ken:

Tôi rất khâm phục dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã có bề dày truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, một dân tộc đoàn kết bao dung giàu lòng vị tha bác ái … Nước Mỹ đã sai lầm.

Tình:

Vậy hôm nay ông có mặt ở đây là …

Mác Ken:

Dạ … là để đi tìm về điểm hẹn của quá khứ …Thật đau lòng, trong cuộc chiến này những người chiến binh từ hai phía ngã xuống cho cuộc chiến tranh mà Mỹ phát động là cuộc chiến tranh bẩn thỉu, cuộc chiến tranh không đáng có … Biết bao người đã hy sinh trong đó có … chồng chị …Còn tôi thật may mắn sống sót trở về đất nước tôi, về với người mẹ vẫn hàng ngày chờ đợi tin con, mặc dù khi tôi trở về Mỹ sau khi đã để lại một phần thân thể tại Việt Nam, nhưng đó cũng là điều hạnh phúc, với tôi còn sống sót, là điều mong mỏi đợi chờ của mẹ tôi - chắc cũng như bao nỗi mong mỏi đợi chờ của những bà mẹ, người vợ có chồng con từ hai phía.

Dũng:

Cháu chào bà, chào mẹ và chào các bác.

Bà Ân:

Đây là thằng Dũng cháu của tôi.

Tình:

Con đã về.

Chủ tịch xã:

Anh Dũng đã về đấy hả.

Dũng:

 Dạ, cháu tranh thủ về thăm gia đình … vì hôm nay là ngày …

Chủ tịch xã:

 Đúng rồi, hôm nay là Ngày Thương binh liệt sỹ anh nhớ về thế là tốt rồi. Anh thấy đấy, lãnh đạo huyện và xã đến thăm hỏi và động viên gia đình anh, và còn đây là ông khách đặc biệt ông Mác Ken cựu chiến binh Mỹ (Mác Ken và Dũng gật đầu với nhau).

Tình:

Ông ấy cũng đã từng đánh nhau ở Việt Nam.

(Với Mác Ken) thưa ông, đây là con trai duy nhất của vợ chồng tôi.

Mác Ken:

(Im lặng nhìn thẳng vào Dũng không tin vào mắt mình, dụi mắt liên tục từ từ tiến lại phía Dũng rồi bất ngờ buông cây nạng gỗ nắm lấy hai tay Dũng và ngã khụy, chủ tịch và Dũng đỡ Mác Ken đứng dậy).

(Mác Ken nói) Giống … giống quá … không thể nào tin nổi … như người xưa hiện về … Người lính Việt cộng ấy tôi đã vinh dự được gặp từ mấy chục năm nay rồi, cuộc gặp năm ấy luôn thôi thúc nhắc nhở tôi sống sao cho xứng đáng …  Này cậu Dũng, cậu đã làm sống lại ký ức trong tôi một khúc bi tráng không thể nào quên. 

Chủ tịch xã:

Ông Mác Ken.

Mác Ken:

Thưa các vị, vào một buổi xế chiều giữa năm 1974 tại chiến trường miền Nam Việt Nam.

Hồi tưởng lại cuộc chiến: Tiếng đạn, pháo rền vang, tiếng trực thăng gầm rú cả vùng trời, chúng xả súng bắn bừa bãi xung quanh khu đồi cao và bìa rừng cao su, khu vực mà chúng cho là nơi ẩn náu của bộ đội ta. Rồi những toán lính Việt Nam Cộng hòa và trung đội Mỹ tham gia càn quét. Tiếng gào thét chỉ huy của sỹ quan Mỹ trong bộ đàm đối thoại liên tục. Cuộc chiến dữ dội giữa ta và địch diễn ra quyết liệt. Mác Ken khi đó là sỹ quan thông tin lưng đeo bộ đàm liên tục đàm thoại xin quân chi viện.

Trước sự chiến đấu kiên cường của quân giải phóng, quân địch chạy tan tác, trong lúc đàm thoại Mác Ken bị trúng đạn vào chân gục ngã tại chỗ không thoát được, hắn gào thét kêu gọi đồng đội quay lại giải cứu nhưng chẳng có ai. Ngay lúc đó chiến sỹ Trần Quang Hùng xuất hiện ôm khẩu AK lao tới hô to: Giơ tay lên, đứng dậy ! Mác Ken hốt hoảng đau đớn không thể đứng dậy được, hắn ôm đùi như cầu cứu giúp. Hai người nhìn nhau không nói nhưng hai thái độ trái ngược nhau. Mác Ken cúi xuống và ngẩng mặt nhìn về phía Hùng liên tục như cầu cứu. Còn Hùng dáng đứng hiên ngang, đôi mắt sáng quắc, sau phút im lặng Hùng từ từ hạ mũi súng và tiến về phía hắn, nhìn vào chân hắn và ngồi xuống lấy bông băng trong ba lô băng bó vết thương lại cho hắn, lấy bi đông nước cho hắn uống, sau phút xúc động hắn cúi đầu cảm tạ thì bỗng đâu tiếng trực thăng gầm rú quay trở lại. Với phản xạ Hùng đứng vụt dậy ôm súng hướng thẳng lên trời. Một loạt đạn của máy bay địch bắn xuống, Hùng bị trúng đạn, anh gục ngã. Mác Ken lết đôi chân khua tay lên trời hô đừng bắn … đừng bắn nữa … chúng mày mù à … tao đây.

 

Mác Ken (Xúc động) Này … này … tỉnh lại, tỉnh lại đi … sao lại là anh … sao lại là anh … ân nhân đã cứu tôi. Hắn xúc động đỡ thi thể Hùng nghẹn ngào. Suy nghĩ về nước Mỹ, nơi Mác Ken sinh ra, trước tiền đài sân khấu.

Bên phải bà mẹ Mác Ken xuất hiện.

Người mẹ Mỹ:

Con, Mác Ken con, con ra đi mẹ lo lắm, mẹ nghe nói Việt Nam một nước yêu chuộng hòa bình, giàu lòng nhân ái tại sao mà phải chịu cảnh đau thương, họ phải được sống trong hòa bình tự do như nước Mỹ. Vì con trong độ tuổi nhập quân mẹ không làm sao được nhưng con ơi đừng … đừng bắn giết ai nghe con … đừng giết ai nghe con - mẹ chờ con. (Bên tiền đài sân khấu bên trái mẹ chiến sỹ Trần Quang Hùng xuất hiện).

Bà Ân:

Hùng con, mẹ nhớ con, có người mẹ nào lại muốn xa con, ngày xưa mẹ đã tiễn cha con lên đường đánh giặc, cha con đã hy sinh không trở về với mẹ. Nay đất nước lại bị quân thù xâm lược, nước mất thì nhà tan, mẹ lại nén đau thương tiễn con ra trận để bảo vệ Tổ quốc. Thật tự hào đời cha đánh giặc, nay con cũng lên đường đánh giặc, gắng nhé con, hòa bình thống nhất mẹ được đón con về với mẹ.

 

(Ánh sáng hồi tưởng tắt trở lại cảnh chiến trường, Mác Ken lê đôi chân tìm chỗ đất dùng dao găm đào hố chôn cất Hùng - Hết hồi tưởng trở lại cảnh nhà bà Ân).

Mác Ken:

Anh ấy đã hy sinh … mấy chục năm rồi, hình ấy, người chiến sỹ giải phóng ấy vẫn hằn sâu trong trí nhớ của tôi, trong trái tim tôi, đó là một nỗi ám ảnh chi phối cuộc sống của tôi, thực sự anh ấy đã làm cho tôi bất an nhưng tôi … Tôi … đội ơn anh đã cứu sống tôi … và khi trở về đất Mỹ tôi đã đem những hình ảnh, bao câu chuyện mà tôi đã được chứng kiến tại Việt Nam kể lại với những người dân Mỹ hãy phản đối chiến tranh ở Việt Nam, kêu gọi mọi người đòi chồng con mình trở về không tham chiến bởi cuộc chiến tranh ở Việt Nam là cuộc chiến tranh sai trái, phi nghĩa, người dân Việt Nam có quyền hưởng tự do … Vì thế tôi đã bị chính quyền Hoa Kỳ bắt bỏ tù.

Tình:

Vậy là ông đã chứng kiến giây phút chồng tôi hy sinh.

Mác Ken:

Đúng vậy.

Chủ tịch xã:

Và ông cũng là người chôn cất anh ta.

Mác Ken:

 Dạ.

Cán bộ huyện:

 Ông con nhớ địa danh nơi xảy ra cuộc chiến ngày đó chứ ?

Mác Ken:

 Dạ, đó là địa danh Bù Đăng, Bù Đốp tỉnh Bình Phước ngày nay bên một quả đồi tôi còn nhớ tọa độ 107/09 vì tôi là lính thông tin mà.

Bà Ân:

Ông còn nhớ nơi con tôi đã chiến đấu và hy sinh à ?

Mác Ken:

Dạ tôi còn nhớ … Còn đây là bức ảnh và lá thư đã nhàu nát anh luôn giữ bên mình, tôi còn giữ lại trước khi chôn cất anh ấy. Tôi xin gửi lại gia đình.

Dũng:

(Đỡ tấm ảnh và bức thư) Có phải tấm ảnh này là của mẹ hồi còn trẻ phải không.

Tình:

(Cầm bức thư Dũng đưa … xúc động) … Anh Hùng … Anh …

Dũng:

Nếu vào trong đó làm sao mà ông nhớ được nơi ông đã chôn cất bố tôi.

Mác Ken:

 Nhớ chứ … vì trước khi lấp đất tôi đã gửi theo anh ấy một kỷ vật của tôi … công bằng mà nói người chết phải là tôi … tôi !

Cán bộ huyện:

Vậy sau ngày 27/7 này chúng ta hãy thu xếp vào trong đó để đón liệt sỹ Hùng về quê hương.

Mác Ken:

 Tôi cũng rất mong như vậy.

Dũng:

 Tôi xin được đi cùng ông.

 

(Tắt đèn, lớp ngoài màn tại Bình Phước ngày nay)

Cán bộ địa phương:

Thưa các đồng chí và ông.

Tại đây xung quanh quả đồi này vào giữa năm 1974 đã diễn ra cuộc giao tranh ác liệt giữa bộ đội ta và lính Việt Nam Cộng hòa có cả lính Mỹ. Sau ngày giải phóng trong chương trình tìm kiếm hài cốt liệt sỹ địa phương đã cho khai quật toàn bộ khu vực này và đã tìm được nhiều hài cốt của bộ đội ta cùng hài cốt của lính Việt Nam Cộng hòa có cả lính Mỹ, đã xác định được một số chiến sỹ giải phóng thông qua quân trang, quân dụng còn chưa bị phân hủy … Nhưng có một trường hợp đáng chú ý, một hài cốt được chôn khá cẩn thận … Khi tìm thấy chúng tôi xác định đây là hài cốt một chiến sỹ của ta vì thấy những vật dụng kèm theo như mũ cối, dép cao su, bi đông gần như nguyên vẹn … Nhưng trong đó có một sợi dây dù đặc biệt đeo cây Thánh Giá, các đồng chí cũng biết chiến sỹ ta nhiều đồng chí theo đạo Thiên Chúa … nhưng phía sau cây thánh giá có khắc tên một người Mỹ mang dòng chữ Mác Ken USA 1952. Chưa lý giải được nhân thân. Các đồng chí địa phương vẫn chuyển bộ hài cốt đó về nghĩa trang địa phương và báo cáo cấp trên xác định chờ ý kiến.

Mác Ken:

 Vậy thì đúng là hài cốt của anh Hùng rồi, cây thánh giá là của tôi, mang tên tôi mà. Thưa các ông người đáng chết hôm ấy phải là tôi mà. Nhưng người đó, anh ấy đã cứu sống tôi. Nên khi chôn cất anh tôi đã tháo sợi dây mang tên tôi đặt lên người anh như một lời tạ ơn, tạ lỗi.

Chủ tịch xã:

Vậy ngôi mộ đó các đồng chí còn nhớ chứ.

Cán bộ địa phương:

Có chứ, đó là ngôi mộ cần được xác minh để tìm nhân thân mà.

Mác Ken:

Vậy còn sợi dây mang tên tôi.

Cán bộ địa phương:

 Vẫn ở bên đồng chí chiến sỹ ấy.

Chủ tịch xã:

Bây giờ chúng ta cùng đến chính quyền địa phương làm thủ tục để đón anh ấy về.

Cán bộ địa phương:

Mời các đồng chí.

 

Cảnh kết

Tại nghĩa trang quê nhà đón liệt sỹ Trần Quang Hùng trở về.

 

Chủ tịch xã:

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, kính thưa bà con cô bác, kính thưa gia đình liệt sỹ Trần Quang Hùng. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Thật tự hào cho quê hương ta có những người con lên đường đánh giặc bảo vệ Tổ quốc, nhiều người đã trở về nhưng cũng nhiều người đã anh dũng hy sinh nằm lại chiến trường chưa về được với người thân và quê hương bản quán trong đó có liệt sỹ Trần Quang Hùng.

Sau bao năm tìm kiếm, nay được sự cộng tác của ông Mác Ken cựu binh Mỹ trước đây đã từng có mặt ở Việt Nam, ông đã nói không thể nào quên được cuộc chiến này. Và đã cùng chúng tôi nỗ lực tìm kiếm và hôm nay đã tìm được và đưa hài cốt liệt sỹ Trần Quang Hùng trở về với quê hương.

(Nhạc hồn tử sỹ vang lên).

Bà Ân:

 (Tiến lên tiên đài - nghẹn ngào) Hùng ơi vậy là mẹ đã đưa được con về với đất mẹ quê cha.

 

                                           Đèn tắt

 


 


HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội