Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đào Hồng Cẩm-Nhà viết kịch tài danh - NSƯT Trịnh Quang Khanh
Văn Nhân 123

Đào Hồng Cẩm- Nhà viết kịch tài danh

Đạo diễn – NSƯT

TRỊNH QUANG KHANH

 

Sau ngày toàn Quốc kháng chiến chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai

(19/12/1946) Cao Mạnh Tùng đang dạy học ở miền núi. Năm 1947  Cao Mạnh Tùng 23 tuổi, quê xã Hải Phú, Huyện Hải Hậu, NĐ  trở thành “ Anh bộ đội cụ Hồ”. 

Năm 1950 ông được chuyển lên công tác tại bộ phận chuyên trách văn công của Sư đoàn 308;  Tại đây ông bắt đầu viết kịch bản sân khấu ( Đa phần là kịch ngắn) với bút danh Đào Hồng Cẩm ( Tên ghép ba chị em gái của  CMT).

Nhiều người biết đến Đào Hồng Cẩm khi ông viết thành công vở kịch nói một màn “ Nghị Hụt”(1956) . Là kịch châm biếm, “ Nghị Hụt” có cách bố cục éo le, hấp dẫn.

Những nhân vật chính diện như : Chị Hai, phóng viên... và những nhân vật phản diện: Nguyễn văn Hàn, Trần văn Phú, Mười Sẹo… được xây dựng khá sinh động.

“ Nghi Hụt” đả kích và bóc trần sự lừa lọc, dân chủ giả hiệu và sự lật hất lẫn nhau của phe cánh Ngô Đình Diệm . Năm 1957 “ Nghị Hụt” được Nhà xuất bản Phổ thông ( Cục XB Bộ Văn Hóa) in thành sách và Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị dàn dựng, biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội chào mừng Đại hôi Văn nghệ toàn quốc .

Đầu năm 1960 của Thế kỷ XX Đào Hồng Cẩm cộng tác với Sỹ Hanh cho ra kịch bản

 “ Trước giờ chiến thắng” ( Kịch nói 4 màn). Đào Hồng Cẩm và Sỹ Hanh là hai tác giả mặc áo lính ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; Hai ông đã cùng với bộ đội ta chiến đấu ở nhiều chiến trường, nhất là mặt trận Điện Biên Phủ… Thực tiễn sống động đã giúp hai ông lựa chọn sự kiện và xây dựng hình tượng nhân vật trong kịch bản của mình.  Chào mừng 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1960) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị đã dàn dựng thành công kịch bản

 “ Trước giờ chiến thắng Vở diễn phản ánh một góc nhỏ của chiến trường Điện Biên Phủ ở thời điểm gay go, quyết liệt nhất , nẩy sinh hai luồng tư tưởng trong bộ đội ta : Tư tưởng tích cực, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm tiêu diệt địch. Tư tưởng hoang mang, dao động trước những kho khăn gian khổ, trước những hy sinh mất mát ! Hai luồng tư tưởng đã tạo nên những xung đột trong kịch bản “Trước giờ chiến thắng”.

Bằng những nhân vật sống động như Trung đoàn Trưởng Nguyễn Đường, Chính ủy Trần Giang, Tiểu đoàn Trưởng phụ trách mũi chủ công Phạm Xuân cùng các chiến sỹ Dũng, Phùng, An… Những hành động của họ đã toát lên tinh thần chiến đấu dũng cảm của bộ đội ta, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ .

Thành công của “ Trước giờ chiến thắng” đã tiếp thêm sức mạnh cho ngòi bút sáng tạo của Đào Hồng Cẩm. Năm 1961 ông bắt tay viết ngay kịch bản “ Chị Nhàn ” ( 4 hồi, 6 cảnh). Tác giả bộc bạch : “ Đối với tôi câu chuyện chiến đấu của chị là một tấm gương chói lọi về những đức tính của một người dũng cảm, biết phấn đấu hy sinh vì cách mạng. Những đức tính ấy không biểu hiện ở những hành động phi thường, mà biểu hiện ngay trong cuộc sống hàng ngày đấu tranh gian khổ vì tình cảm, kiên quyết đập tan âm mưu thâm độc của quân thù để bảo vệ cơ sở, bảo vệ đồng bào, thức tỉnh những kẻ lầm đường quay về với Tổ quốc.

Những nghĩ suy trên đây đã thôi thúc tôi viết vở kịch “ Chị Nhàn”.

Vở diễn “ Chị Nhàn” của Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị đã ra mắt khán giả Thủ đô vào tối ngày 30-8-1961 chào mừng Quốc Khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  lần thứ XVI và mùa xuân năm 1962 tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp chào mừng Đại hội Văn- Nghệ toàn Quốc lần thứ III.

Sau “ Bắc Sơn” ( 1946) của Nguyễn Huy Tưởng, người xem lại tìm thấy hình ảnh đẹp, đầy súc động về người phụ nữ Việt Nam sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc : Nhân vật Vân trong “ Nổi gió” và Chị Nhàn trong kịch cùng tên của Đào Hồng Cẩm . Cho nên với kịch bản “ Chị Nhàn”, Đào Hồng Cẩm đã trở thành một tác giả  tài danh của sân khấu chuyên nghiệp .

Sau “ Chi Nhàn”, Đào Hồng Cẩm lần lượt cho ra đời những kịch bản nổi tiếng như: “ Nổi gió” (1964);  “ Bước theo anh” ( 1966);  “ Trang sổ tay chiến sỹ” ( 1973); “Một người mẹ” (1975);

“ Đêm và ngày” ( 1980)… Thể hiện sự chín muồi và chắc tay trong lao động sáng tạo của kịch tác gia Đào Hồng Cẩm . Năm 1974 ông viết thành công vở kịch dài sáu cảnh “ Đại đội trưởng của tôi”; Có thể coi đây là đỉnh cao của kịch bản sân khấu thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Bằng sự khái quát những sự kiện và những hình tượng nhân vật điển hình, sinh động, tác giả đã khắc họa đậm nét những chân dung anh hùng của quân đội ta, ngày đêm trụ vững trên chốt thép, đối mặt với cái chết, nhưng từ cô y tá đến Đại đội Trưởng; Từ người chiến sỹ đến Sư đoàn Trưởng đều vững vàng, không chút dao động .

Sau chiến thắng 30-4-1975, đất nước thống nhất, ngói bút sáng tạo của Đào Hồng Cẩm vẫn hướng vào mảng đề tài : Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và người lính cách mạng. Năm 1976 ông kết hợp cùng Xuân Đức cho ra đời kịch bản “Tổ Quốc” ( 6 cảnh).

Ở tác phẩm này, người đọc kịch bản cũng như người xem vở diễn đều nhận thấy nét mới trong sáng tạo của hai tác giả : Chất sử thi tư liệu .

Không tự bằng lòng với những gì đã có, vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX Đào Hồng Cẩm đã hướng ngòi bút sáng tạo của mình vào việc phản ánh số phận của những người ở hậu phương ; Tác phẩm “ Tiếng hát tuyệt vờiđi sâu phản ánh số phận một nữ dân quân anh dũng trong chiến đấu, chuẩn bị được phong Anh hùng LLVT… Nhưng trong cuộc sống đời thường, người nữ dân quân ấy đã mang thai với người yêu là chiến sỹ đặc công- Thành quả của phút chia tay để người yêu ra trận- Người chiến sỹ đặc công hy sinh, không một lần quay lại! Ở quê nhà đối với người nữ dân quân, từ thành tích chiến đấu xây dựng hậu phương đến danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang đều bị phủi tuột ! Bị dư luân chê bai, người người ghẻ lạnh !

Đào Hồng Cẩm đã vượt lên chính mình trong sự sáng tạo, phản ánh sâu đậm số phận của con người trong và sau chiến tranh…

Kịch bản và vở diễn “ Tiếng hát tuyệt vời” đã được trao giải thưởng “ Tác phẩm xuất sắc về đề tài quân đội giai đoạn 1984-1989”  và  Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985.

Vào cuối những năm 80 (thế kỷ XX) mang trong mình bệnh trọng nhưng ông vẫn gắng viết kịch bản “ Vết thương trong trái tim người ” nhằm phơi bày sự thoái hóa, biến chất, sự lọc lừa, phản bội trong tình đồng đội của một số kẻ; Chúng tác yêu, tác quái trong cuộc sống hòa bình dưới các vỏ bọc mớí …

Rất tiếc là ông chưa kịp hoàn thành tác phẩm này ! Đào Hồng Cẩm qua đời vào ngày 16-1-1990 tại Hà Nội, hưởng thọ 66 tuổi .

Sự trưởng thành và lớn mạnh của Nhà hát kịch quân đội có công không nhỏ của Đại tá Trưởng đoàn, Kịch tác gia, Nghệ sỹ ưu tú Đào Hồng Cẩm .

Ông vinh dự được Nhà nước trao tặng “ Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học-Nghệ thuật ngay từ đợt đầu ( 1996).


HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội