Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nam Định: Làng Chèo xưa và nay
TC Văn Nhân

                                                                                        Phạm Khải Hoàn

         Chèo là loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc, được ra đời từ hàng ngàn năm nay và luôn phát triển chủ yếu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.   

         Ngày xưa, các cụ chia ra 4 chiếng chèo. Đó là, Chèo Bắc gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc; Chèo Đông gồm: Hưng Yên, Hải Dương; Chèo Đoài gồm: Hà Đông, Sơn Tây ( nay là Hà Nội). Chèo Nam gồm:  Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình. Mỗi chiếng chèo đều mang màu sắc địa phương, do các nghệ nhân cùng nhân dân không ngừng sáng tạo và có thế mạnh riêng của mình để bảo tồn và phát triển. Do sự lan tỏa về dân cư, mà nghệ thuật chèo có mặt ở nhiều nơi trên đất Việt. Ngay cả miền núi Việt Bắc, Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và cả ở Nam Bộ cũng có rất nhiều người biết hát và diễn chèo. Song, xưa nay mọi người đều ấn tượng chiếng chèo Nam, mà Nam Định là một trong những cái nôi của đất chèo.

        Bàn về cái nôi của đất cheò thì dài dòng lắm, mà bài viết này, chỉ đề cập đến làng chèo xưa và nay ở Nam Định.

        Chèo- Có người hiểu là “Chầu” do nói chệch đi, chèo là trào lộng, chèo là chèo thuyền, hội chèo là sinh hoạt hội hè vui vẻ, rồi chèo tức là chào đón khách…Nhưng dù hiểu theo cách nào, thì chèo vẫn là loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc , sinh ra từ nhu cầu của người lao động. Cùng với thời gian, thích ứng với từng thời kì phát triển của xã hội, mà chèo được mang tên: “Chiếu chèo” “ Gánh chèo”, “ Phường chèo”, “ Hội chèo”, mà các nghệ nhân là những người trong một làng. Đội chèo là đã có sự phát triển về tổ chức. diễn viên có thể ở nhiều làng. Đoàn chèo là tổ chức phát triển ở mức cao hơn, thường dùng để chỉ các đoàn chèo chuyên nghiệp. Nhà hát Chèo, là đơn vị nghệ thuật có quy mô hiện đại về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, trang thiết bị, cơ sở vật chất, đặc biệt có nhiều chương trình nghệ thuật tương sứng với nhà hát, vươn lên ngang tầm nhu cầu xã hội.

        Cách đây hàng trăm năm, cùng với các làn điệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ như: Trống quân, Cò lả, hát văn, hát xẩm, ca trù…nghệ thuật chèo ở Nam Định đã hình thành và phát triển khá sớm, chiếm được ưu thế trong quần chúng. Nó là hơi thở của cuộc sống đối với người nông dân lao động một nắng hai sương. Sau những buổi lao động mệt nhọc, làm ra hạt thóc, củ khoai, thì người nông dân ở vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng, thường hoạt động văn nghệ để mua vui, lấy lại sự cân bằng sinh thái. Đồng thời dùng làn điệu, ngôn ngữ, hình tượng nhân vật được khoa trương, cường điệu bằng lối diễn chèo để phản ánh cuộc sống hiện tại nhằm giáo dục thói hư, tật xấu trong xã hội và là vũ khí đấu tranh chống lại cường hào, ác bá thực dân phong kiến. Vì thế chèo, được nhân dân lao động hưởng ứng, bảo vệ dần dần trở thành môn nghệ thuật độc đáo với hơn 100 làn điệu và có sức lan tỏa rộng khắp trong tỉnh.

        Nam Định, vùng đất học, đất văn, có nhiều di tích lịch sử, danh thắng, với nhiều lễ hội cấp quốc gia, cấp vùng, cấp huyện và làng xã, mà các hoạt động của hội thường gắn liền với văn hóa dân gian, trong đó có nghệ thuật chèo. Chính vì thế mà huyện nào cũng có nhiều làng chèo gốc, ngày nay còn lưu giữ được kỉ vật.

         Về với vùng đất chèo Ý Yên, có phường chèo An Lại Hạ- xã Yên Nhân, lúc đầu là gánh hát nhỏ, sau phát triển thành phường, thành hội. Họ suy tôn ông “Trùm” (Người tài năng), là linh hồn của phường để lãnh đạo, tổ chức và  dựng các tiết mục. Đến với phường chèo An Lại Hạ, ta còn chứng kiến 2 tráp gỗ đựng quần áo, một số trang phục để gánh đi biểu diễn. Cái ao trước cửa đình xưa kia là nơi phường chèo bắc rạp biểu diễn trong ngày hội làng, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, rằm trung thu và tết nguyên đán. Nhiều nhà có tới 4 đời theo gánh hát, như gia đình cụ Trịnh Văn Khái là đời thứ nhất, cụ Trịnh Văn Biểng là đời thứ 2. Tác giả Thanh Lương là đời thứ 3, cùng con cháu vẫn đam mê biểu diễn nghệ thuật chèo cho đến năm 2016 ông mất, để lại nhiều kịch bản chèo ngắn, dài được đội chèo không chuyên và đoàn chèo chuyên nghiệp dàn dựng. Ở đây có gia đình cụ Dương Văn Hàm, 3 đời tham gia diễn chèo và có tới 12 người con, cháu hoạt động sân khấu chèo, trong đó 6 người là diễn viên, nhạc công ở đoàn chèo chuyên nghiệp, có 2 nghệ sĩ được nhà nước phong tặng nghệ sĩ ưu tú. Ở phường chèo Yên Phong có gia đình cụ Trần Văn Đa cũng đi theo nghiệp chèo tới 60 năm, để hôm nay có Quang Lộc, Đăng Khoa được nhà nước phong tặng nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân ưu tú về chèo truyền thống.

        Cùng với làng chèo Yên Phong, Yên Nhân, huyện Ý Yên được suy tôn là đất chèo của tỉnh Nam Định với các làng chèo Yên Trị, Yên Chính, Yên Thọ, Yên Cường…có vài chục diễn viên tiêu biểu như: Minh Chuân, Thanh Lịch, Minh Lý, Thanh Hương, Hồng Ngoan, Văn Diện, Đức Huy…và nhiều diễn viên tài năng khác.

       Rồi huyện Mỹ Lộc, có làng chèo Đặng, là chất men hồn quê, tạo lên tứ thơ mộc mạc, bức tranh chấm phá ngày xuân ở quê hương Nguyễn Bính:

                                Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

                                Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

                                Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

                                Mẹ bảo “ Thôn Đoài hát tối nay”

         Hồi ấy, hội chèo làng Đặng có đủ tiết mục diễn tới 3 đêm với hơn 20 nghệ nhân, có dàn nhạc cùng với quần áo, trang phục, đạo cụ biểu diễn, nổi tiếng cả vùng. Gần chèo làng Đặng là gánh chèo Quang Sán xã Mỹ Hà, do cụ Trần Đình Báo đàn hát rất hay đứng ra quy tụ, dạy đàn, dạy hát múa…rồi trực tiếp đạo diễn. Cùng với cụ có kép Vận, kép Cát, kép Lãng…là diễn viên, nhạc công tài năng. Sau hòa bình lặp lại (1954), mỹ Hà có tới 7 đội chèo, riêng làng Quan Sán có 2 đội. Gần 60 năm hoạt động , các đội chèo Mỹ Hà đã dựng nhiều vở ngắn, 7 vở dài và thường xuyên đi diễn ở các xã lân cận.

        Huyện Mỹ Lộc còn có làng chèo Nhân Nhuế xã Mỹ Thuận cũng nhiều người hát hay, diễn giỏi và đàn ngọt nổi tiếng một thời như: Ông Nguyễn Văn Doanh, ông Vũ Trí, bà Thanh Hưng, Thanh Hiệp. Ông Văn Chuyên vừa là kép chính, lại đánh trống rất tài cho đến khi qua đời.

          Về với đất Thiên Bản Lục Kì, ta nhớ ngay đến trạng nguyên Lương Thế Vinh ( 1441-1496)  là quan ở viện Hàn Lâm, người đam mê đàn sáo và hát chèo. Ông đã viết tác phẩm: “Hí Phường Phả Lục” về nghệ thuật chèo. Rồi đào chính của phường chèo Thông Khê ( Đồng Đội) là Trần Thị Ngọc Đài vừa tài, vừa sắc được Trịnh Tráng đưa về phủ chúa và trở thành Trịnh Thái Phi…Thời gian trôi đi, làng chèo ở Vụ Bản vẫn như mạnh nước ngầm, không bao giờ tắt. Ta gặp hàng loạt làng chèo gốc, mà nổi trội nhất là làng chèo Hào Kiệt ( xã Liên Minh), quê hương Song Hào, Văn Cao, Văn Ký. Làng chèo nơi đây, gắn liền với các nghệ nhân nổi tiếng như Kép Nhân, kép Me, kép Bường và nhạc công Hoàng Đình Cao. Thời kỳ phong kiến, phường chèo Hào Kiệt đã nổi tiếng cả vùng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, phường chèo này hầu hết đều là dân quân du kích chiến đấu ngoan cường, tạo lên Liên Minh, xã anh hùng đầu tiên trong thời kì chống Pháp.

        Về với miền chân sóng, các làng chèo phía Nam của tỉnh Nam Định cũng không kém các làng chèo phía bắc. Như huyện Giao Thủy có làng chèo Hoành Nhị xã Giao Hà, do cụ Phùng Hữu Ích khởi xướng cùng với kép Khương, kép Trúc, kép Kiên, kép Khu và kép Toại. Thế mạnh của làng chèo Hoành Nhị là các diễn viên đều biết chơi nhạc, nên nhịp phách ( nội, ngoại ), luyến láy rất chắc và hát hay. Nhiều kép đóng giả đào mà diễn rất có duyên đầy hấp dẫn, được khán giả thán phục. Rồi làng chèo Giao Thanh, cũng chính là nơi sinh ra nghệ sĩ nhân dân Bùi Trọng Đang – người thầy về sân khấu chèo. Nối tiếp truyền thống ấy, Giao Thủy cũng được suy tôn là đất chèo với những giọng hát chèo hay của Xuân Thịnh, Thanh Bảy, Phùng Thị Nhung, Phùng Thị Hà và Thanh Soan…

        Cũng như Giao Thủy, các làng chèo ở huyện Xuân Trường, đất học, đất văn,  nơi sinh cố tổng bí thư Trường Chinh và nhiều nhà khoa bảng. Các làng chèo ở đây, được hình thành từ gánh hát của cố Nguyễn Văn Can, trùm Đặng Văn Tuệ, dần dần phát triển thành các phường chèo và lan tỏa ở khắp trong huyện. Đã gần 100 năm mà người dân ở các làng chèo vẫn nhớ người đạo diễn tài danh Phạm Thanh Kỳ, diễn viên Nguyễn Đình Tịnh, Nguyễn Văn Mậu, Nguyễn Thị Ty và đặc biệt nghệ nhân Vũ Văn Khoan vừa hát hay vừa đàn ngọt, mà nhiều nhạc sĩ, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian phải ngạc nhiên, thán phục lối hát dân gian của cụ. Xuân Trường cũng là nơi sinh ra nghệ sĩ nhân dân Kim Liên, người vinh dự bốn lần được gặp Bác Hồ là nhờ tài năng diễn chèo, ngâm thơ và hát văn nổi tiếng.

          Cùng khu vực giàu tiềm năng văn hóa biển là huyện Hải Hậu, nơi có bề dày về truyền thống văn hóa, đã 40 năm ( 1978-2018) được bộ Văn hóa thông tin và du lịch ( VHTT- DL) suy tôn lá cờ đầu văn hóa cấp huyện trong toàn quốc. Hải Hậu phát triển đồng đều cả văn hóa hiện đại và dân gian. Bên cạnh những đội ca nhạc, đội kịch, nhạc kèn mạnh, thì các làng chèo, dàn nhạc dân tộc cũng không thua kém. Đó chính là làng chèo Phú Vân Nam xã Hải Châu đã tồn tại hàng trăm năm. Lúc đầu chỉ là phường bát âm, được các cụ Nguyễn Văn Xiêm, Trần Kim Chi, Đinh Văn Tính, Nguyễn Bích Thảo tổ chức thành phường chèo. Chính nơi đây đã tôi luyện nghệ sĩ Đoàn Bá, trở thành đạo diễn chuyên nghiệp. Ông đã dựng nhiều vở cho đoàn chèo Nam Định. Rồi ông Đinh Hoạch Biên, bà Tuyết Mai đã sáng tác nhiều hoạt cảnh cho làng chèo biểu diễn, mà đến nay vẫn còn sống trong lòng khán giả.

        Thật muôn màu muôn vẻ, về huyện Nam Trực, ngoài phường chèo Điền , Nam Mỹ thì ta lại thấy phường chèo gắn kết với phường múa rối nước như ở làng Rạch xã Hồng Quang, làng nhất xã Nam Giang. Làn điệu chèo cùng dàn nhạc dan tộc đã hòa quyện tạo lên hiệu quả của múa rối nước để môn nghệ thuật độc đáo này, sống mãi với thời gian. Cứ thế, nhiều đội chèo mới, ngày càng phát triển như đội chèo Nam Thái có hơn 30 diễn viên nhạc công.

        Về Nghĩa Hưng, Trực Ninh cũng vậy, các đội chèo đều là lực lượng chủ yếu hoạt động văn hóa, văn nghệ ở nông thôn để sân khấu chèo khẳng định vị trí của nghệ thuật truyền thống trong xu thế hội nhập, kinh tế thị trường.

         Như vậy ở Nam Định huyện nào cũng có nhiều làng chèo gốc, mà thời kì đầu thường diễn các vở chèo cổ như: Lưu Bình Dương Lễ, Phạm Tải Ngọc Hoa, Trương Viên, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Tuần Ty Đào Huế, Kim Nham…

         Khi tổ đổi công và hợp tác xã nông nghiệp hình thành, thì các làng chèo gốc lại thi nhau biểu diễn tuyên truyền cho nhiệm vụ mới ở nông thôn với các vở: Nắm cỏ trâu, Chiếc đòn gánh, Cánh đầm sen, Tiếng trống sang canh, Bụi tre gai, Cót thóc vơi…

        Từ 1964, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, các làng chèo lại ra sức hòa mình vào công cuộc đánh Mỹ với các vở: Đường về trận địa, Sao đổi ngôi, Con tiếp bước cha, Sông Hồng cuộn sóng, Anh lái xe và cô chống lầy, Bến sông quê, Chị Tâm bến Cốc…

        Trong những năm đất nước đổi mới, các làng chèo đã trở thành những đội chèo mạnh, sáng tác, biểu diễn nhiều vở phản ánh sự phát triển của thời đại, góp phần xây dựng nông thôn mới, với tinh thần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các vở: Đường đi đôi ngả, Kẻ tiểu nhân, Ông Hám, Tình mẹ, Đêm tuần tra, Đất quê mình, Chuyện nhà nông, Đất chuyển và rất nhiều vở khác, chiếm được tình cảm của bà con nông dân trong và ngoài tỉnh. Các thế hệ diễn chèo cứ nối tiếp nhau từ đời này sang đời khác. Nhiều diễn viên trở thành nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú và nghệ nhân ưu tú, lưu giữ cả kho báu làn điệu và thủ pháp diễn chèo, đang dày công truyền nghề cho con cháu của mình, để làng quê nông thôn mới khang trang, sạch đẹp, không vắng tiếng hát chèo, góp phần tạo lên không khí vui tươi phấn khởi, thúc đẩy nền kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

       Hiện nay, Nam Định hầu như các xã các thôn làng đều có nhà văn hóa, chính là nơi hoạt động của các đội văn nghệ, trong đó có hơn 100 đội chèo đã góp phần đẩy nhanh tốc độ xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ để Nam Định cùng cả nước vững bước xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

 

                                                                                                     

 


HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội