Tiếp tục đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định
Trần Sản
Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu
phát triển bền vững đất nước” đã có những tác động tích cực đến hoạt động văn
học nghệ thuật trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng, nhất
là trên lĩnh vực sáng tác và phổ biến tác phẩm.
Nhằm phát huy sứ mệnh cao cả của VHNT và của đội ngũ
văn nghệ sĩ Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số
33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu
phát triển bền vững đất nước”… Đối với Nam Định, sau 10 năm thực hiện Nghị
quyết đời sống văn hóa tinh thần của
người dân từng bước được nâng cao, các loại hình văn học nghệ thuật đã có bước
chuyển biến tích cực.
Nam Định là vùng đất có
truyền thống lịch sử lâu đời, là nơi hội tụ của nhiều văn nghệ sĩ, khơi nguồn
cảm hứng vô tận để sáng tạo ra các tác phẩm VHNT nổi tiếng được đông đảo công
chúng đón nhận. Trên nền tảng đó cùng với đường lối của Đảng Nghị quyết số 33 ra
đời đã kịp thời đáp ứng yêu cầu về xây dựng đổi mới phát triển sự nghiệp VHNT.
Đó cũng là động lực to lớn để các văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều công trình tác
phẩm văn học nghệ thuật phản ánh chân thực đời sống và cuộc sống.
Theo NSƯT Kiều Khắc Dư Chủ tịch Hội: Thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam
đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định
đã có bước phát triển mới. Trong quá trình phát triển của văn học nghệ thuật được
sự quan tâm, chỉ đạo của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Tỉnh ủy, Uỷ Ban nhân
dân, Hội đồng nhân dân, các ban ngành tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ Nam Định nổ lực phấn đấu sáng tác và quảng bá hình ảnh
của quê hương Nam Định đến bạn bè trong nước và quốc tế. Văn nghệ sĩ đều được
quan tâm đầu tư sáng tác bằng việc tham gia các đợt sinh hoạt chính trị, đi
thực tế, tổ chức các trại sáng tác, tài trợ tác phẩm, quảng bá tác phẩm và trao
thưởng cho những tác phẩm có giá trị. Tất cả đều có chung một tư duy phục vụ
đất nước, phục vụ Tổ quốc, phục vụ quê hương. Những tác phẩm ở đây mang nhiều
yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là Chân- Thiện- Mỹ.
Qua 10 năm thực hiện
Nghị quyết 33-NQ/TW và Nghị quyết 07-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng môi
trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhận
thức của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân
về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật từng bước được nâng cao. Giới văn
nghệ sĩ Nam Định đón nhận tinh thần Nghị quyết với sự đồng tình và phấn khởi;
xác định đây là cơ hội cho hoạt động văn học, nghệ thuật, không những định hướng
trong việc quản lý, tổ chức, sáng tạo, phát triển văn học nghệ thuật mà còn
kích thích sự cống hiến của văn nghệ sĩ.
Sự thống nhất đoàn kết
trong hội viên và đội ngũ văn nghệ sĩ được củng cố và tăng cường, tạo động lực
trong sáng tạo nghệ thuật; tiếp tục đổi mới phương thức và nâng cao năng lực
lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động văn học, nghệ thuật được triển
khai sâu rộng và có bước phát triển quan trọng, số lượng tác phẩm được sáng tác
tăng lên và ngày càng phong phú, đa dạng hơn, đội ngũ văn nghệ sĩ phát triển cả
về số lượng và chất lượng. Trong những
năm qua, lực lượng hội viên và văn nghệ sĩ Nam Định phát triển mạnh mẽ, có
những đóng góp rất đáng trân trọng. Từ Đại hội đầu tiên vào năm 1977 đến nay Hội
đã có gần 300 hội viên thuộc 7 chuyên ngành: Văn, thơ, Nghiên cứu phê bình, Âm
nhạc - múa, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Sân khấu với 97 hội
viên của các chuyên ngành Trung ương, 02 nghệ sĩ nhân dân, 19 nghệ sĩ ưu tú. Chất
lượng hội viên không ngừng được nâng cao.
Hội Văn học Nghệ thuật
đã mở các lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm, được nhiều văn nghệ sĩ tích cực tham
dự, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ văn nghệ sĩ. Tiêu biểu như các
cuộc hội thảo về "Xây dựng nền văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định trong tình
hình mới", hội thảo về "Giải pháp nâng cao chất lượng tạp chí Văn
Nhân", tọa đàm sáng tác đề tài "Xây dựng nông thôn mới",
"Biển đảo Việt Nam", “Anh bộ đội cụ Hồ” các cuộc triển lãm Mỹ Thuật,
Nhiếp ảnh … Đội ngũ văn nghệ sĩ được nâng cao trình độ, tay nghề, bản lĩnh
thông qua thực tiễn sáng tác. Từ 2014 đến nay, Hội đã sử dụng có hiệu quả nguồn
quỹ sáng tạo văn học nghệ thuật của Chính phủ, tổ chức trên 20 trại sáng tác
với gần 1.000 tác phẩm được ra đời, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác văn
học nghệ thuật. Phong trào sáng tác luôn được duy trì và phát triển mạnh mẽ
bằng nhiều hình thức. Hàng năm, lực lượng hội viên sáng tác từ 500 đến 700 tác
phẩm trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật có giá trị về tư tưởng và nghệ
thuật, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu thưởng thức văn
hóa, văn nghệ của công chúng. Công tác xuất bản sách luôn được quan tâm đầu tư
bằng nhiều hình thức, trong đó xuất bản nhiều đầu sách có giá trị với 289 đầu sách của hội viên được xuất bản 500 tác phẩm
âm nhạc; 900 tác phẩm Mỹ thuật; 700 tác phẩm Nhiếp ảnh; 05 vở diễn; 12 tập kịch
Sân khấu; gần 18.000 cuốn Tạp chí Văn Nhân, 610 công trình và tác phẩm được
nhận hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật.... Triển lãm tranh, ảnh được tổ chức
thường xuyên phục vụ các sự kiện lớn trong năm; tham gia triển lãm khu vực,
quốc gia và quốc tế. Phổ biến tác phẩm qua biểu diễn sân khấu, tổ chức hội thi,
dàn dựng chương trình giới thiệu tác giả - tác phẩm... Mỗi năm, hàng trăm ca
khúc, kịch bản sân khấu, tranh, ảnh đã được đưa đến công chúng. Hội đã chú
trọng nâng cao chất lượng Tạp chí Văn Nhân và trang Thông tin điện tử. Đây là những
kênh thông tin quan trọng, góp phần quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật
với công chúng trong và ngoài tỉnh.
Để khuyến khích, khơi
gợi tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ trong
sáng tác, nhiều cuộc thi sáng tác quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật được UBND tỉnh quan tâm duy
trì tổ chức định kỳ 5 năm 1 lần. Việc xét và trao giải thưởng Văn học Nghệ
thuật mang tên danh nhân Trạng nguyên Lương Thế Vinh dành cho các văn nghệ sĩ
có tác phẩm xuất sắc, đã tạo không khí thi đua sôi nổi, phấn khởi trong sáng
tạo văn học nghệ thuật. Các công trình nghệ thuật, vở diễn đã giành nhiều giải
thưởng xuất sắc, tạo những dấu ấn, đậm nét khắc sâu trong lòng công chúng và
khẳng định vị thế trong nền văn học nghệ thuật nước nhà. Tiêu biểu, UBND tỉnh
đã
trao tặng 67 giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lương Thế Vinh lần thứ VII (2011-2015) và 64 giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lương Thế Vinh lần thứ VIII (2016-2020) cho các tác phẩm văn
học nghệ thuật đạt chất lượng cao của
các tác giả trong và ngoài tỉnh tham gia.
Bên cạnh các hoạt động
mang tính chuyên nghiệp, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh còn làm nòng cốt xây dựng
phong trào văn học, nghệ thuật ở các cơ quan, ban ngành và một số địa phương,
các câu lạc bộ trong tỉnh... Qua đó, tập hợp anh chị em có khả năng sáng tác
các loại hình văn học, nghệ thuật nhưng chưa là hội viên, nhất là lực lượng trẻ
của một số trường học trong tỉnh.
Tuy nhiên, hoạt động văn
học nghệ thuật hiện vẫn còn một số khó khăn như: Nhận thức về văn học, nghệ
thuật trong một số cấp ủy Đảng, chính quyền tuy có nâng lên, nhưng từng lúc,
từng nơi chưa đầy đủ; chưa thấy hết được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của
văn học, nghệ thuật trong đời sống tinh thần của con người, nhất là trong điều
kiện hiện nay nhiều giá trị chuẩn mực đạo đức đang bị xuống cấp. Kinh phí đầu
tư cho sáng tác và phổ biến tác phẩm văn hóa, văn nghệ còn dàn trải chưa đáp
ứng nhu cầu. Công tác thu hút các tài năng sáng tác trẻ còn trở ngại; công tác
quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật chưa thường xuyên, liên tục. Đời sống của
nhiều văn nghệ sĩ còn khó khăn, chưa kích thích tính sáng tạo và lao động nghệ
thuật. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW đối với lĩnh vực văn học,
nghệ thuật có nhiều vấn đề cần được tiếp tục triển khai. Đầu tư cho hoạt động
văn học, nghệ thuật còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ như việc đào tạo đội ngũ
kế thừa, đi thực tế sáng tác, phổ biến tác phẩm phục vụ công chúng, công tác
xuất bản, nâng cao chất lượng Tạp chí Văn Nhân chưa tương xứng.
Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác
quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật đến công chúng bằng nhiều hình
thức phong phú, đa dạng như: trưng bày, triển lãm, biểu diễn, xuất bản phát
hành, giới thiệu thông qua hệ thống thư viện, trung tâm văn hóa...góp phần nâng
cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công chúng. Cùng với đó, các cấp chính
quyền cần thực hiện cơ chế, chính sách đầu tư cho hoạt động sáng tác văn học,
nghệ thuật, vừa phát huy tính sáng tạo của nghệ sĩ, vừa mang tính hiệu quả về
kinh tế, xã hội, tiếp tục góp phần xây dựng một nền văn học, nghệ thuật
hướng con người tới chân - thiện -
mỹ, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát
triển bền vững đất nước.
Từ thực tiễn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33 đã cho thấy sự quan tâm,
lãnh đạo chỉ đạo đúng đắn, sâu sát của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh trong lĩnh
vực văn học nghệ thuật, tạo động lực để đông đảo văn nghệ sĩ hăng say sáng tác,
phát triển nền văn học nghệ thuật tỉnh, góp phần xây dựng, phát triển nền văn
hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Với tinh thần đoàn kết, dân
chủ, đổi mới, sáng tạo, nối tiếp truyền thống văn hiến của quê hương, mỗi văn
nghệ sĩ không ngừng lao động sáng tạo, có nhiều tác phẩm, công trình văn học
nghệ thuật có chất lượng và tư tưởng nghệ thuật cao, góp phần xây dựng Hội ngày
càng vững mạnh, quê hương Nam Định ngày càng giàu đẹp văn minh.