Tin mới


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Một lần được ở bên Người
Bài dự thi giải "Búa Liềm Vàng" lần thứ VIII 2023

Kịch ngắn

ĐẠO DIỄN-NSƯT TRỊNH QUANG KHANH

 

Nhân Vật:      - Bác Hồ .

-  Đ/c Thành (Bí thư Tỉnh ủy)

-  Đ/c Phan Điền (Chủ tịch tỉnh)

-  Đ/c Trần Độ (Chính ủy quân khu Tả ngạn)

-  Nguyễn Thị Thạc (Nữ công nhân dệt)

-  Đ/c Thu (Trưởng ty Y tế)

-  Vợ đ/c Phan Điền

-  Vợ đ/c Trần Độ.

MC:   - Thưa các đồng chí và các bạn!

Nam Định là một trong những miền đất địa linh, nhân kiệt, vùng quê văn hiến và cách mạng. Nam Định là quê hương của Vương triều Trần; quê hương của hai vị thánh trong tín ngưỡng dân gian: Trần Hưng Đạo - Đức


Thánh Cha và Thánh mẫu Liễu Hạnh. Nơi đây là quê hương của 5 vị Trạng Nguyên: Nguyễn Hiền, Đào Sư Tích, Vũ Tuấn Chiêu, Lương Thế Vinh, Trần Văn Bảo và quê hương của Tam Nguyên Trần Bích San - Những gương mặt tiêu biểu trong chế độ khoa cử thời phong kiến. Nam Định là quê hương của những văn nghệ sỹ nổi tiếng như Phạm Văn nghị, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao, Trúc Đường, Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ và những nhà hoạt động cách mạng như Trường Chinh, Song Hào, Trần Huy Liệu, Lê Đức Thọ, Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn An, Phan Văn Giang cùng nhiều nhân sỹ trí thức tiêu biểu của đất nước.

Thành phố Nam Định một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam. Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định thời xây dựng CNXH ở miền Bắc và chiến tranh chống Mỹ có tới hơn 12 vạn công nhân, cho nên thuở sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 5 lần về thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân Nam Định. Nhân kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Nam Định lần thứ 5 (1963-2023) Tạp chí Văn Nhân xin trân trọng giới thiệu với quý vị thính giả kịch ngắn: Một lần được ở bên Người của tác giả, đạo diễn - NSƯT Trịnh Quang Khanh do các nghệ sỹ Nhà hát Kịch Việt Nam thể hiện. (Nhạc... vào kịch).

Tại nhà khách Tỉnh ủy tọa lạc giữa thành phố dệt anh hùng

Đ/c Phan Điền: (Mở cửa đi vào phòng khách; lát sau thì đ/c Thành đ/c Thạc, đ/c Thu cùng vào, đ/c Phan Điền nói khẽ)

- Mọi người trật tự! Đi nhẹ nói khẽ thôi, Bác đang nghỉ.

Đ/c Lê Thành: - Cả ngày nay Bác ngồi trên Đoàn Chủ tịch Đại hội tỉnh Đảng bộ, Bác khá mệt rồi nên chúng ta chỉ được gặp Bác vài chục phút thôi nhé!

Mọi người: - Nhất trí.

Thu:        - Thưa Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh!

Bác cho gọi anh em mình tới gặp, hai anh biết nội dung cuộc gặp này không?

Được gặp Bác, em vừa mừng,vừa lo.

Đ/c Lê Thành: - Chả cứ gì cô, bọn anh cũng thế!

Nhưng vui nhiều hơn, vì có vui Bác mới gọi anh em mình lên đây cho gặp ; Còn nếu được Bác phê bình, nhắc nhở điều thì cũng hạnh phúc,vì như thế chúng mình mới sáng mắt ra.

Thạc:   - Đành rằng thế, nhưng bọn con gái chúng em vẫn thấy run.

Đ/c Phan Điền: - Bình tĩnh và trật tự, Bác ra đấy!

(Bác Hồ trong bộ ba lụa nâu,đi đôi dép cao su từ phòng trong nhanh nhẹn bước ra)

Tất cả:  - Chúng cháu chào Bác!

Chúc Bác luôn mạnh khỏe!


Bác Hồ (giơ tay): - Bác chào các cô, các chú! Tất cả ngồi xuống uống nước với Bác nào!

Ơ này, chú Phan Điền, chú Trần Độ! Các cô,các cháu đâu ?

Cả hai (lúng túng): - Dạ thưa Bác...

Bác Hồ: - Bác mời cả gia đình các chú chứ có mời đại diện đâu.

Bác biết: trừ chú Thành,còn chú Điền, chú Độ đều vợ con đây. Hai chú về mời các cô và các cháu đến chơi với Bác kẻo muộn.

Đ/c Trần Độ, đ/c Phan Điền:          - Dạ vâng ạ (ra nhanh).

Bác Hồ: - Nào, Bác cháu ta ngồi cả xuống đây nói chuyện! Cháu tên Thu, đúng không?

Thu :        - Dạ thưa Bác,vâng ạ.

Bác Hồ: - Cháu là...

Thu:        - Thưa Bác, cháu là bác sỹ.

Bác Hồ: - Đang là Trưởng ty Y tế, đúng không ?

Thu:        - Dạ, đúng ạ.

Bác Hồ: - Vậy đồng chí Trưởng ty Y tế hãy cho Bác biết: Vấn đề quan Y tế tỉnh Nam Định đang quan tâm là gì nào?

Thu:  - Thưa Bác! Chúng cháu lo nhất tình hình sức khỏe của nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt là sức khỏe của chị em phụ nữ, trong đó có sức khỏe của nữ công nhân Liên hợp Dệt ạ.

Bác Hồ: - Lo sao có đủ thuốc chữa bệnh cho dân nhưng đừng quên tuyên truyền vận động nhân dân phòng bệnh.

Thu:   - Dạ vâng ạ.

Bác Hồ: - Các cán bộ y tế phải luôn nêu cao tấm gương y đức.

Thầy thuốc phải như mẹ hiền. Các cháu phải luôn nhớ kỹ điều đó.

Thu:  - Cháu sẽ truyền đạt lời dặn của Bác tới toàn thể anh em cán bộ trong ngành. Bác Hồ: - Còn đây Nguyễn Thị Thạc - một kiện tướng đứng máy sợi, đúng không ? Thạc:  - Thưa Bác, vâng ạ.

Bác Hồ: - Hãy cho Bác biết, động nào cháu đứng được 1200 đến 1400 cọc sợi ? Thạc:                 - Dạ thưa Bác! Với tinh thần làm việc miền Nam ruột thịt cháu luôn ghi nhớ lời Bác dặn: “Kế hoạch 1,giải pháp 10, quyết tâm phải 20” ạ.

Bác (cười vui vẻ): - Khá lắm! Quê cháu ở đâu ?

Thạc:      - Thưa Bác! Cháu quê ở Phú Thọ.

Bác Hồ: - Bố mẹ cháu làm nghề gì ?

Thạc:      - Thưa Bác, bố mẹ cháu làm ruộng ạ.

Bác Hồ: - Tại sao cháu lại vào làm ở Nhà máy Dệt?

Thạc:  - Thưa Bác, quê cháu có nghề chăn tằm, ươm tơ. Nghe đài nói nhà máy dệt đang cần thợ nên cháu đi bộ xuống Thành Nam, xin vào làm công nhân của nhà máy ạ.

Bác Hồ: - Khá lắm! Cháu biết không? Năm 1898 một ông chủ người Pháp đã đứng ra xây dựng nên Nhà máy Sợi Nam Định. Tới năm 1954 Nhà nước ta tiếp quản đổi tên thành Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định. Tới nay (1963) Nhà máy


Liên hợp Dệt Nam Định - Nơi cháu đang làm việc đã 65 năm tuổi rồi đó. Vậy năm nay cháu bao nhiêu tuổi?

Thạc:      - Thưa Bác, cháu 25 ạ.

Bác Hồ: - Cháu đã xây dựng gia đình chưa?

Thạc:      - Chưa ạ.

Bác Hồ: - Tại sao cháu đã 25 tuổi chưa xây dựng gia đình, thế cháu định bao giờ thì lấy chồng ?

Thạc:      - Thưa Bác, cháu định vài năm nữa...

Bác Hồ (cười và xua tay): - Không nên! Không nên!

Chú Thành này! Lãnh đạo tỉnh Lãnh đạo nhà máy cần phải quan tâm tới vấn đề xây dựng gia đình của nữ công nhân dệt đấy nhé! Xem xem, khi xây dựng gia đình họ cần gì thì cố gắng giúp đỡ, ví như nhà ở chẳng hạn.

Đ/c Lê Thành: - Thưa Bác, vâng ạ...

Bác Hồ: - Cháu Thạc này!

Thạc:      - Dạ, thưa Bác.

Bác Hồ: - Công đoàn và lãnh đạo nhà máy cần chú ý tới việc vận động nữ công nhân dệt đeo khẩu trang để đảm bảo sức khỏe cho chị em. Lần trước về thăm nhà máy Bác đã nhắc, chiều nay tới thăm phân xưởng dệt vải bông, Bác vẫn thấy một số chị em đứng máy mà không đeo khẩu trang.

Thạc:  - Thưa Bác! Những ngày tới chắc chắn 100% chị em nữ công nhân của nhà máy sẽ thực hiện lời dạy của Bác.

Bác Hồ: - Được thế thì tốt!

Chú Thành, bài phát biểu của Bác sáng nay Đại hội, phần nói về nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định, chú thấy thế nào?

Đ/c Lê Thành: -Thưa Bác! Ngoài việc động viên những gì mà Đảng bộ và công nhân viên chức Liên hợp Dệt Nam Định đã làm được, Bác đã chỉ ra 5 thiếu sót, khuyết điểm. Chúng cháu sẽ cố gắng khắc phục trong thời gian tới, phải làm sao có nhiều công nhân lao động giỏi.

Bác Hồ: - Đúng. Cần phải phát động phong trào thi đua sản xuất giỏi rộng khắp trong các nhà máy thành viên của liên hợp, phải có nhiều người lao động giỏi như Nguyễn Thị Thạc, được không ?

Đ/c Lê Thành: - Thay mặt Tỉnh ủy và lãnh đạo Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định xin hứa với Bác là chúng cháu sẽ làm được ạ.

Bác Hồ: - Thế thì tốt. Nếu các cô, các chú làm được nhiều việc tốt, sang năm Bác sẽ lại về thăm Nam Định.

(Mọi người vỗ tay...)

Đ/chí Thành: - Thưa Bác, đây lần thứ 5 Bác dành sự quan tâm cho Nam Định.

Chúng cháu mong sẽ có nhiều lần Bác về thăm Nam Định nữa ạ.

Lần trước Bác về, vào thăm Liên hợp Dệt Bác đã căn dặn: “Cán bộ và công nhân phải đoàn kết, phải cùng nhau bài trừ nạn tham ô, lãng phí”.


Bác Hồ: - Bác còn nói gì nữa không ?

Đ/chí Thành: - Thưa Bác, Đảng bộ nhân dân Nam Định còn được nghe những lời đánh giá quý báu của Bác: “Đồng bào tỉnh Nam Định có truyền thống đoàn kết và đấu tranh anh dũng. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Nam Định đã lập nhiều chiến công vẻ vang. Bác tin rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh,nhân dân cán bộ Nam Định sẽ thu được nhiều thắng lợi rực rỡ”.

Bác Hồ: - Bác luôn tin là như vậy.

Đ/chí Thành: - Khi tới thăm Bảo tàng của tỉnh Nam Định, Bác đã ghi trong sổ vàng: “Tiếp tục truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội”. Đảng bộ nhân dân Nam Định đang ra sức thực hiện lời dạy đó của Bác đấy ạ.

Bác Hồ: - Bác rất vui khi được nghe những lời của chú báo cáo.

(Đ/c Trần Độ, đ/c Phan Điền hai vợ cùng vào)

Đ/c Trần Độ: - Thưa Bác, buổi tối các cháu nhỏ đáng tập trung học bài, chỉ có mẹ các cháu được tới gặp Bác thôi ạ.

Vợ đ/c Trần Độ, vợ đ/c Phan Điền (Đứng nghiêm chắp tay):

Chúng cháu chào Bác! Kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi ạ!

Bác Hồ: - Bác chào các cô! Các vào trong này, ngồi xuống đây với Bác! Để cho mấy chú ấy đứng! (Mọi người cười vui vẻ)

Bác không có điều kiện đến thăm từng gia đình cho nên mời các cô các chú đến đây vui với Bác.

Ơ kìa, chú Trần Độ chú Phan Điền, phải đứng sao lại cười?

Đ/c Phan Điền: -Thưa Bác, được gặp Bác thế này cháu đứng suốt đời cũng được ạ.

Bác Hồ: - Các cô xem, chú Phan Điền muốn đứng suốt đời... nghĩa là không muốn làm việc! Ông Chủ tịch tỉnh mà không chăm chỉ làm việc là có lỗi với dân đấy nhé!

Đ/c Phan Điền: - Xin hứa với Bác, cháu nguyện sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Bác Hồ: - Bác tin và chờ đợi sự tiến bộ của các cô, các chú. Bây giờ chú nào phát biểu khai mạc buổi vui văn nghệ của Bác cháu ta tối nay?

Chú Lê Thành hát mở màn vậy nhé!

Đ/c Lê Thành: - Thưa Bác, giọng của cháu thuộc loại nam rè, hát không nổi, xin Bác cho cháu kể chuyện ạ.

Bác Hồ: - Kể chuyện ? Thôi cũng được! Các cô có đồng ý không thì vỗ tay!

(Mọi người cùng vỗ tay).

Đ/c Lê Thành: - Thưa Bác và các đ/c! Quê cháu khi xưa đồng trắng nước trong, lại bị bọn phong kiến,thực dân bóc lột nên đói khổ càng thêm đói khổ. Tổ tiên,cụ kỵ, ông chúng cháu đã ra sức quai đê, lấn biển, dãi nắng dầm mưa, tạo nên những cánh đồng bát ngát phì nhiêu. Nhất từ khi Đảng,có Bác kính yêu


lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, đời sống nhân dân quê Nam Định ngày càng ấm no, hạnh phúc!

Mọi người (Mọi người vỗ tay): - Hoan hô, hoan hô Bí thư Tỉnh ủy!

Bác Hồ: - Bác thưởng cho chú một cái bánh. Lần sau cố gắng kể chuyện hay hơn!

(Đ/c Lê Thành giơ hai tay nhận bánh Bác cho)

Đ/c Lê Thành: - Cháu xin Bác! (Mọi người lại vỗ tay).

Bác Hồ: - Bây giờ đến chú Phan Điền hát cho Bác cháu ta nghe!

Đ/c Phan Điền: -Thưa Bác! Cháu hát thì mọi người cười vỡ bụng! Xin Bác cho cháu ngâm thơ được không ạ ?

Bác Hồ:- Chú ngâm thơ hỉ, được lắm, hãy bắt đầu đi! Bác cháu ta thưởng cho chú Phan Điền một tràng pháo tay!

(Mọi người cùng Bác vỗ tay).

Đ/c Phan Điền: - Thưa Bác, cháu xin ngâm bài: “Tự khuyên mình” đăng trong tập “Nhật ký trong tù” của Bác. (Hắng giọng rồi đọc):

“Ví không có cảnh đông tàn

Thì đâu cảnh huy hoàng ngày xuân Nghĩ mình trong bước gian truân

Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”.

Bác Hồ: - Chú đọc thơ của Bác thì đúng hơn là ngâm thơ. (Mọi người lại cười vui).

Bài thơ này Bác viết khi Bác đang phải nằm trong nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch tại tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, viết để tự khuyên mình các cháu ạ.

Đ/c Lê Thành: - Thưa Bác, bọn Quốc Dân đảng chắc là đối xử tàn bạo với tù nhân?

Bác Hồ: - Trong chuyến đi sang Trung Quốc công tác, Bác bị bọn Quốc Dân Đảng bắt giam từ tháng 8 năm 1942 đến tháng 9 năm 1943. Chúng giải Bác tới giam ở 18 nhà của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây. Tất cả các nhà đều chật hẹp, bẩn thỉu, người chúng bắt giam lại đông. Còn đối xử của bọn chúng thì “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”!

Đ/c Lê Thành: - Thưa Bác, đúng thế ạ. Một ngày phải sống trong lao tù ví bằng một ngàn mùa thu sống ở bên ngoài.

Đ/c Trần Độ: - Thế Bác bị chúng giam giữ hơn một năm trời!

Bác Hồ: -Trong những ngày ngồi ở trong tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch, Bác đã viết hơn 100 bài thơ chữ Hán. “Tự khuyên mình” là một trong những bài thơ đó. Tất cả đều đã đăng trong tập “Nhật trong tù”. Bác tin các chú đã đọc.

Tất cả:  - Dạ vâng, chúng cháu đọc kỹ lắm ạ.

Bác Hồ: - Bác thưởng cho chú Phan Điền một cái kẹo vì đã đọc và thuộc thơ Bác.

Đ/c Phan Điền (Giơ hai tay nhận kẹo): - Cháu xin Bác.

Bác Hồ: - Mấy chú nam không hát được, cháu gái Nguyễn Thị Thạc hát được không?

Thạc:      - Dạ thưa Bác,cháu sẽ cố gắng ạ.


Bác Hồ: - Vậy cháu hát đi!

Thạc:       - Thưa Bác! Cháu xin hát bài “Đảng đã cho ta một mùa Xuân”. Nhạc và lời của nhạc sỹ Phạm Tuyên ạ.

Bác:         - Bác cháu ta vỗ tay cho cháu Thạc hát nào!

(Bác và mọi người cùng vỗ tay)

Thạc (hát):    “Đảng đã cho ta một mùa Xuân đầy ước vọng.

Một mùa Xuân tràn ánh sáng khắp nơi nơi.. Đảng đã đem về tuổi Xuân cho nước non.

Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời... (Bỗng dưng dừng, mọi người giục):

Mọi người: - Kìa, sao thế ? Hát tiếp đi!

Thạc:      - Lần đầu tiên được đứng gần, hát để Bác nghe, cháu run quá, quên hết lời rồi ạ! (Mọi người vui)

Đ/c Trần Độ: - Vậy bây giờ tôi bắt nhịp, tất cả chúng ta cùng hát tiếp nhé!

“Bao năm khổ đau” hai một! (Mọi người cùng hát:) “Bao năm khổ đau đất nước ta không mùa Xuân Cuộc đời tăm tối chốn lao tù bao hờn căm

Vừng đông sáng khi khắp nơi ta Đảng Bóng tối lui dần tiếng chim vui hót vang

rồi từ đây ánh dương soi đời mới

Tiến theo cờ Đảng thấy tương lai sáng tươi!” (Tất cả vỗ tay hoan hỷ!)

Bác Hồ: - Bây giờ Bác mời thưởng cho mỗi cô, mỗi chú một chiếc bánh một chiếc kẹo; Tất cả tự giác nhặt lấy!

Riêng cháu Nguyễn Thị Thạc được nhận gấp đôi. Số bánh kẹo còn lại Bác gửi các cô các chú đem về làm quà cho các cháu.

Mọi người: - Chúng cháu xin Bác ạ. (Mọi người vui, vỗ tay rồi cúi xuống nhặt hết số bánh và kẹo từ đĩa để ở bàn nước).

Bác Hồ: - Bác cảm ơn các cô, các chú các cháu đã cho Bác thưởng thức buổi tối văn nghệ rất đầm ấm.

Mọi người:    - Chúng cháu kính chúc Bác luôn mạnh khỏe.

Xin phép Bác chúng cháu về ạ.

Bác Hồ: - Các cô,các chú về nhé! (Bác đứng giơ tay vẫy tiễn mọi người ra về trong ca khúc vọng vang):

“Bác Hồ,

Người niềm tin thiết tha nhất trong lòng dân Và trong trái tim nhân loại!...”./.q


 

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH

          Địa chỉ:  171 Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định
          Điện thoại: (0228) 3849430 - Email: vannghenamdinh18@gmail.com
          Website: http://hoivhnt.namdinh.gov.vn
  Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 04/GP-STTTT ngày 19/12/2018
          Chịu trách nhiệm xuất bản: NSƯT. Nhạc sĩ Kiều Khắc Dư - Chủ tịch Hội